Trang chủ Thời đại Truyền thông Kỹ năng viết câu chuyện nhân cảm

Kỹ năng viết câu chuyện nhân cảm

101

Muốn người đọc có ấn tượng với nhân vật, sự kiện Phật giáo, chúng ta phải chịu khó sáng tạo, tìm tòi chi tiết cho bài viết. Chúng tôi xin chia xẻ kỹ năng viết câu chuyện nhân cảm, hay gọi là câu chuyện báo chí. Thể loại này rất phù hợp với truyền thông Phật giáo, bởi tính truyền cảm hướng thiện đến người đọc.

1. Thế nào là câu chuyện nhân cảm?

Câu chuyện báo chí còn gọi là câu chuyện nhân cảm. Theo nghiên cứu của khoa học truyền thông,  câu chuyện báo chí sẽ ảnh hưởng lớn tới việc giáo dục nhân cách, lối sống của mọi người.

Câu chuyện báo chí có lối viết giản dị, súc tích, kết cấu linh hoạt, đề tài gần với cuộc sống đời thường, có thể sử dụng để gợi mở, củng cố cho những vấn đề xã hội ở quy mô lớn hơn. Có rất nhiều câu chuyện nhân cảm liên quan đến nhiều lĩnh vực xã hội.

Các câu chuyện nhân cảm từ những khổ đau đến thành công luôn thu hút sự quan tâm của công chúng. Hầu hết câu chuyện thú vị khi xoay quanh một ai đó đang cố gắng vượt qua trở ngại, khó khăn, ngoại cảnh đời sống hay nội tâm.

Như vậy, loại hình “câu chuyện nhân cảm” đã được Phật, Tổ sử dụng từ ngàn xưa, trong các tích truyện pháp cú. Câu chuyện có nhân vật, cốt truyện, được bình luận gắn liền với đạo lý. Bài học giản dị nhưng có giá trị giáo dục nhân cách lớn. Đó chính là phương pháp “câu chuyện nhân cảm” đi từ Sự đến Lý.

2.  Bắt đầu viết câu chuyện như thế nào?

Chúng ta viết bài là phục vụ cả những người đang tìm hiểu đạo Phật. Mỗi bài viết là một câu chuyện khác nhau thì cơ hội truyền thông cho một ngày lễ, một sự kiện Phật giáo sẽ hiệu quả nhiều hơn. Khi website cập nhập hàng loạt bài viết thì cũng không bị lối mòn và nhàm chán.

Nhiều câu chuyện thất bại vì bạn không biết câu chuyện đang kể là gì. Do bạn không xác định rõ trọng tâm câu chuyện khi viết bài. Nếu bạn tham vọng cố đưa tất cả thông tin vào bài viết, nội dung sẽ bị lan man, tràn ngập thông tin.

Nếu bạn bị cuốn hút bởi yếu tố có vẻ “to tát” thì rất có thể bạn bỏ rơi những chi tiết đơn giản, vì bạn tưởng nó kém quan trọng. Những ý nghĩa lớn thường ẩn tàng trong điều giản dị, bởi sự thật là sức mạnh. Hãy khai thác sự thật từ những chi tiết cụ thể. Bạn cần phải kể câu chuyện một cách đơn giản, cụ thể, dễ hiểu.

Không nên có quá nhiều trọng tâm trong một câu chuyện. Bất cứ một câu chuyện nào cũng phải đáp ứng 3 cốt lõi sau đây:

Ai đó… (chủ thể)

… làm gì đó (hành động)

… vì… (động cơ, nguyên nhân)

Một câu chuyện thực sự thu hút, chúng ta phải khai thác nhân vật (chủ thể) gắn liền với sự chuyển biến, thay đổi. Khi tìm trọng tâm câu chuyện, bạn phải nhận biết một cách chắc chắn động cơ (nguyên nhân) khiến cho nhân vật xung đột, căng thẳng, trăn trở, trở ngại cần vượt qua, hành trình thực hiện những khó khăn. Đó chính là quá trình diễn biến của câu chuyện.

3. Trọng tâm câu chuyện

Bạn không thể nhầm lẫn Trọng tâm (Focus) với Chủ đề (Topic).

Chủ đề hay đề tài là vấn đề to tát, quan trọng, là tổng quát vấn đề. Còn trọng tâm là tình tiết, mấu chốt, mắt xích của vấn đề.

Trọng tâm (Focus) là công cụ giúp bạn biết rõ khía cạnh nào của câu chuyện cần phải tập trung; mâu thuẫn, thay đổi nào liên quan; và ai là nhân vật chính của câu chuyện.

Nếu bạn đồng cảm và lắng nghe nhân vật nghĩa là bạn đã biết đặt mình vào vị trí của nhân vật. Nhờ đó, bạn biết khai thác chi tiết, tình tiết thông qua các hành động, cảm xúc, tâm lý của nhân vật gắn liền với bối cảnh không gian.

Bắt tay vào câu chuyện mà không xác định trọng tâm thì giống như “cưỡi ngựa xem hoa”. Mọi cái đẹp của vườn hoa chỉ lướt lướt qua mờ mờ, vội vàng. Người đọc sẽ thờ ơ với câu chuyện.

Ví dụ, nếu bạn dừng ngựa, bước vào vườn hoa, bạn sẽ thấy rõ những giọt sương lung linh, những cánh hoa tươi tắn, mùi hương tỏa ngát… đó là những chi tiết. Tìm thấy trọng tâm là bước lại gần, thấy sắc hoa và hương thơm của hoa.

Cái khó của bạn là giải quyết chi tiết nhỏ, cụ thể để làm toát lên chủ đề lớn. Vậy khía cạnh nào của câu chuyện cần được khai thác? Làm thế nào để hiểu được trọng tâm câu chuyện? Cái gì diễn ra trong quá trình thay đổi, diễn biến câu chuyện? Có góc nhìn nào giúp cho người đọc liên tưởng đến chủ đề to tát hơn?

Trọng tâm là công cụ chuyển tập hợp thông tin lộn xộn, xâu chuỗi những sự kiện liên quan với nhau một cách mơ hồ, rời rạc, thành một câu chuyện rõ ràng. Hãy kể một câu chuyện mạch lạc, đơn giản.

Xác định trọng tâm là cam kết kể một câu chuyện có thật, người thực việc thực. Hãy tìm một khía cạnh, một góc nhìn để kể chuyện có chiều sâu. Người đọc sẽ liên tưởng đến chủ đề lớn, ý nghĩa trừu tượng thông qua câu chuyện của bạn.

Bạch Tầm Xuân