Trang chủ Thời đại Giáo dục Kỹ năng sống Phật giáo cho thanh niên Phật tử

Kỹ năng sống Phật giáo cho thanh niên Phật tử

151

Thật bất ngờ và ngạc nhiên khi được xem trên trang Phattuvietnam.net video Tọa đàm “Hành trang vào đời”, ghi lại một buổi sinh hoạt thanh thiếu niên tại chùa Hoằng Pháp, một ngôi chùa hệ phái tịnh độ tiêu biểu, nơi mà nhiều Phật tử gọi vui là “Trạm book vé” để sang quốc độ Tây Phương, tức là chuẩn bị cho một cuộc sống khác ở đời sau.

Thế  nhưng buổi tọa đàm với sự tham gia của Đại đức Thích Trí Huệ, tiến sĩ giáo dục học Nguyễn Thị Bích Hồng và khoảng 3000 thanh thiếu niên Phật tử không phải là hoạt động “chuẩn bị  sống” mà là một hoạt động để sống ngay trong giờ phút hiện tại, sống để thành đạt, sống năng động, sống tích cực, sống thiết tha với cuộc đời.

Kỹ năng sống cho giới trẻ là khoảng trống của Phật giáo, đồng thời là khoảng trống của cả xã hội. Trong khi ở trường học, các em thanh niên học nhiều về triết học, kinh tế chính trị, luật pháp…, trong khi cách thức ứng xử, giao tiếp, tư duy về lối sống… ít được đề cập đến, thì nhiều thanh niên Phật tử thuần thành lại có thể miêu tả lại một cách rất chính xác chi tiết, và còn sống động nữa là đàng khác, cảnh giới cực lạc được miêu tả trong Kinh A Di Đà, các cấp độ vãng sinh từ phẩm hạ sinh đến thượng phẩm thượng sinh trong các hoa sen đủ màu tương ứng…, nhưng lại không thể dùng quan điểm của đạo Phật để lý giải những vấn đề thiết thân của cuộc sống hàng ngày, cũng như vận dụng giáo lý Phật giáo giải quyết những vấn đề của cuộc sống như mưu sinh, thăng tiến, giải quyết mâu thuẫn…

Hình thức tọa đàm với chủ đề “Hành trang vào đời” do chùa Hoằng Pháp tổ chức và ghi hình phổ biến là một trong những cố gắng bước đầu đã giải quyết vấn đề như trên, đem đạo Phật vào đời sống, vận dụng đạo Phật để giải quyết các vấn đề của cuộc sống.

Những bài học, những quan điểm tuyệt diệu của Phật giáo về  kỹ năng sống vốn hết sức phong phú trong giáo lý Phật giáo, đặc biệt là các bộ Kinh Nikaya, trong Hán tạng là các bộ A Hàm. Tuy nhiên, rất tiếc, kho tàng vô giá về giáo dục kỹ năng sống hướng thượng, đạo đức, tích cực, từ ái, bi mẫn hướng tới lợi ích số đông… này chưa được chú ý đúng mức. Thay vào đó, các khái niệm kiếp sau, vãng sinh, tịnh độ, cực lạc… lại được chú ý nhiều hơn. Đối với lứa tuổi thanh thiếu niên, nói với các em chuyện vãng sinh, siêu độ… quả là chuyện không thích hợp. Đó là một điều hiển nhiên, không cần bàn luận nhiều.

Ngôi chùa  ở cạnh nhà người viết tại xã Thanh Phú, huyện Bến Lức, Long An, trước đây cửa để đầy quan tài, một bên là mồ mả, phía sau là nhà  thờ vong, mỗi đêm tụng kinh A Di Đà… Chắc chắn chúng ta có thể suy đoán dễ dàng giới tính và tuổi tác của Phật tử đến chùa thường xuyên. Phật giáo muốn phát triển thì không thể dừng lại ở mức như thế.

Cái mà  thanh thiếu niên Phật tử cần là giáo lý đạo Phật giúp gì cho các em trong bước đường vào  đời đầy chông gai, mà nói như Đại Đức Thích Trí Huệ trong cuộc tọa đàm dẫn trên, là  “hành trang”. Trong tam tạng kinh điển của đạo Phật, hành trang để sống cũng dồi dào như hành trang để chuẩn bị sống ở một cảnh giới khác.

Tìm hiểu và khai thác kho tàng giáo lý phong phú, đồ sộ của Phật giáo để từ đó chọn lựa những bảo vật cần thiết cho hành trang vào đời của giới trẻ là điều hết sức bức xúc đối với Phật giáo Việt Nam hiện đại. Chúng ta nghĩ gì nếu một thanh niên Phật tử nói vanh vách về hoa sen , lầu đài, chim choc… ở cõi cực lạc, nhưng đối nhân xử thế trong cuộc sống hiện đại lại không mang chút gì dấu ấn của Phật giáo hay còn rất lúng túng? Đó có phải là một Phật tử đúng nghĩa.

Buổi tọa  đàm đề tài “Hành trang vào đời” nêu ra nhiều vấn đề thiết yếu, hữu ích cho thanh thiếu niên. Tuy nhiên, mối liên hệ giữa giáo lý Phật giáo đối với các nội dung kỹ năng sống được  đề cập còn khá mờ nhạt. Vị Đại đức trích dẫn nhiều sách Nho, trong khi kiến thức từ vị tiến sỹ mang đậm màu sắc tâm lý học phương Tây hiện đại.

Thiết tưởng, để có thể đạt được kết quả tốt hơn, sâu rộng hơn và đúng với tinh thần chính pháp, việc nghiên cứu đầy đủ Đại Tạng, đặc biệt là các bộ Nikaya là yêu cầu trước tiên.

Trên nền tảng chính pháp, chư tôn đức thiết kế mô hình kỹ năng sống cho thanh thiếu niên Phật tử, quảng bá, giáo dục rộng rãi, thống kê, ghi nhận kết quả, từ đó lại tiếp tục mở rộng hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho thanh thiếu niên Phật tử.