Trang chủ Văn hóa Nghệ thuật Kỳ công tạc tượng Phật ngọc

Kỳ công tạc tượng Phật ngọc

337

Trải qua nhiều sự kỳ công, đến nay tượng Phật ngọc Quán Thế Âm Bồ Tát tại khu di tích Côn Sơn đã hoàn thành, góp phần tạo điểm nhấn cho du khách khi đến với khu di tích quốc gia đặc biệt này.


Tượng Phật ngọc Quán Thế Âm Bồ Tát tọa trên đài sen là công trình cuối cùng trong tổng thể lầu thờ Đức Phật Quán Thế Âm Bồ Tát tại khu di tích Côn Sơn.

Hai lần tìm ngọc

Theo thiết kế, tượng Đức Phật thiền định trên đài sen, tay trái kết ấn “Gia trì bổn tôn”, tay phải cầm ngọc như ý đặt trong lòng. Tượng cao 1,75 m, ngang 1,2 m, chiều ngang dày 90 cm, nặng 4 tấn. Để chế tác được pho tượng có kích thước lớn này phải có nguyên khối ngọc thô nặng khoảng 6,2 tấn. Vì vậy, việc tìm được phiến ngọc đáp ứng yêu cầu là điều khá khó khăn. Công việc này do Tiến sĩ ngọc học Phạm Văn Long, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đá quý và vàng Vinagems đảm nhiệm. Nhớ về quãng thời gian miệt mài đi tìm ngọc, ông bảo đã hai lần đến Canada mới tìm được phiến ngọc nephrite ưng ý.

Lần thứ nhất vào tháng 9.2017, cả tháng trời tìm khắp các mỏ ngọc tại Canada nhưng sản phẩm tìm được chỉ là những khối ngọc nhỏ, kích thước không đạt hoặc xấu. Ra về trong thấp thỏm, ông Long gửi gắm niềm mong mỏi lại cho các đồng nghiệp.

Đến tháng 12.2018, niềm vui vỡ òa khi ông Long nhận được tin báo mỏ ngọc ở phía bắc vùng British Columbia phát hiện khối ngọc đáp ứng đủ các tiêu chí, ông Long lập tức sang Canada lần nữa. Thực hiện nhiều công đoạn để lấy mẫu về Việt Nam kiểm định, kết quả của Hội Đá quý Việt Nam cho thấy khối nephrite đạt chất lượng A theo tiêu chuẩn quốc tế. Nhắc đến chi tiết này, ông Long còn nhớ như in cảm giác thở phào nhẹ nhõm bởi một trong những công việc khó khăn nhất đã hoàn thành. “Phải kỳ công như vậy bởi một số nơi khác cũng có ngọc nephrite nhưng loại này khai thác ở vùng British Columbia đáp ứng được các tiêu chí về chất lượng”, ông Long nói.

Tháng 11.2019, khối ngọc được di chuyển về Việt Nam, các nghệ nhân bắt đầu chế tác. Quá trình chế tác được chia làm 3 phần do 3 đội nghệ nhân đảm nhận. Thoạt đầu, khối ngọc sẽ được tạo hình thô, sau đó tạo hình chi tiết, cuối cùng là đánh bóng và hoàn thiện. Khâu nào cũng đóng vai trò quan trọng để bảo đảm tượng đúng tiêu chí, kích thước cũng như yếu tố thẩm mỹ.

Theo ông Nguyễn Khắc Minh, thành viên Hội đồng khoa học chuyên ngành, làm nhiệm vụ cố vấn trong quá trình tạc tượng thì đây là một trong số ít tượng Phật ngọc nephrite lớn ở nước ta. Việc tạc tượng ngọc quý không giống với các chất liệu đá hoặc ngọc đơn thuần mà đơn vị thi công phải đầu tư các mũi khoan chuyên dụng, được làm từ kim cương mới có thể có tác phẩm đạt độ tinh xảo. Riêng công trình này, đơn vị thi công đã sử dụng 4 nghệ nhân có tay nghề cao nhất, làm việc liên tục trong gần 9 tháng mới hoàn thành.

Điểm nhấn di tích

Theo truyền thuyết, Đức Phật Quán Thế Âm là đấng quyền năng, phàm khi chúng sinh gặp nạn mà chí thành niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát thì lập tức ngài đến cứu giúp. Vậy nên, đức hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát mới có nghĩa là vị Bồ Tát chuyên lắng nghe âm thanh cầu cứu của thế gian.

Từ thời hồng hoang, Đức Phật Quán Thế Âm Bồ Tát đã chọn Côn Sơn là một trong những nơi ngài ngự dưới trần gian. Chúng sinh, muôn loài ở đây thành tâm dựng thảo am thờ ngài dưới chân núi Côn Sơn, sớm tối cung kính dâng hương hoa. Ngài cảm động mà nhỏ nước cam lồ tạo thành Giếng Ngọc để cho chúng sinh tẩy trần…

Đến thế kỷ XIII, XIV, vua Trần Nhân Tông về cắm đất mở rộng chùa Côn Sơn thành một trong những trung tâm của thiền phái Phật giáo Trúc Lâm Đại Việt. Kiến trúc của chùa theo kiểu “nội công ngoại quốc”, gồm nhiều hạng mục công trình như tam quan, lầu chuông gác trống, Phật điện, Tòa Cửu phẩm Liên hoa, tổ đường, hậu đường, tòa tháp, am Bạch Vân… Trong đó, lầu thờ Đức Phật Quán Thế Âm Bồ Tát là công trình tôn giáo có giá trị đặc sắc, được xây dựng ở khoảng đất bằng dưới chân núi cạnh Giếng Ngọc. Trong lầu thờ, tượng Đức Phật Quán Thế Âm Bồ Tát tọa thiền trên đài sen.

Khi thực dân Pháp đô hộ nước ta, chùa Côn Sơn và lầu thờ Đức Phật Quán Thế Âm Bồ Tát đã bị tàn phá. Năm 2017, thực hiện quy hoạch tổng thể của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh phê duyệt việc trùng tu, tôn tạo tổng quan khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc, trong đó có công trình này.

Ông Lê Duy Mạnh, Phó Trưởng Ban Quản lý di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc cho biết xét tổng thể, lầu thờ Đức Phật Quán Thế Âm Bồ Tát có thể coi là điểm nhấn kiến trúc linh thiêng, giống như sự kết nối các công trình của chùa với cảnh quan hùng vĩ của núi rừng Côn Sơn.

Hiện tượng Phật ngọc đã được an vị tại lầu thờ Quán Thế Âm Bồ Tát. Công trình này dự kiến được khánh thành vào ngày 2.10 (tức 16.8 âm lịch). “Hơn 3 năm, công trình được hoàn thành đã đáp ứng niềm mong mỏi, cũng như nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân”, ông Mạnh nói.


HUYỀN ANH