Một tháp cổ rêu phong, cao vút giữa đại ngàn có nguy cơ trở thành phế tích…
Tháp cổ bí ẩn
Nằm sâu trong xã biên viễn Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, tháp cổ cao khoảng 30m đứng sừng sững bên cạnh một cây bồ đề xum xuê. Tựa hình tháp bút cao vút hướng về trời xanh, ở giữa là một bàn thờ bằng xi măng đơn giản với tượng Phật bằng đá. Trên tháp vẫn còn nhiều hoa văn, phù điêu ẩn trong lớp rêu phong phủ mờ.
Già làng Lô Văn Tiếp (80 tuổi), một trong những người lớn tuổi nhất hiện còn sống cho biết, chẳng ai biết tháp cổ tên là gì, vì vậy để dễ gọi thì tháp lấy theo tên gọi của bản. Ban đầu, bản có tên Xằng Tờ nên mọi người gọi là tháp Xằng Tờ. Năm 1992, xã đổi tên là bản Yên Hòa, dân bản cũng đổi tên là tháp Yên Hòa.
Tháp cổ nằm giữa đại ngàn. |
“Từ khi tôi sinh ra và lớn lên luôn ở trong bản này, cũng đã thấy ngọn tháp sừng sừng ở đó rồi. Hỏi cha và ông nội, họ cũng bảo sinh ra đã thấy như vậy. Tháp chính xác bao nhiêu năm cũng không ai rõ. Bởi vậy tháp cổ trở thành nơi linh thiêng của người dân nơi đây. Mặc dù không rõ mục đích của người xưa khi xây tháp, nhưng hiện mọi người xem tháp như một biểu tượng mà mọi người tôn kính, như một sự bảo vệ ấm no, hạnh phúc”, cụ Tiếp nói.
Theo người dân địa phương, trước kia tháp còn nguyên vẹn thì cũng có nhiều cây cổ thụ bao bọc xung quanh, nhưng không hiểu sao hiện nay chỉ còn lại mỗi cây bồ đề. Vì sự cổ kính của tháp cổ, hằng năm đến các ngày lễ Tết, bà con khắp các bản làng kéo nhau về thắp hương cầu an. Những ngày hội, đồng bào Thái cũng ra chân tháp cổ tổ chức các trò chơi dân gian.
Qua quan sát, chân tháp rộng khoảng từ 8-10m, các tầng nấc kiến trúc khá đẹp mắt theo hình lục lăng. Sáu phía mặt tháp chỉ còn lại một số hoa văn đơn giản nhưng thanh thoát và hình hai vũ nữ ngồi chắp hai bàn tay hướng ra phía trước. Thế nhưng, điều khiến mọi người xót xa là phần lớn thân tháp bị bong tróc, phô ra những hàng gạch đỏ thẫm.
Nguyên do là sau hàng nghìn năm tồn tại trong đại ngàn, ban đầu chỉ có thời gian và thời tiết tàn phá nên tháp cổ vẫn giữ được vẻ nguyên sơ, chỉ có rêu phong bao phủ. Nhưng từ những năm 1970 trở lại đây, con đường vào xã Mỹ Lý được người dân và Nhà nước đầu tư, mở rộng. Việc di chuyển thuận lợi hơn, người ngoài bản bắt đầu vào thì cũng là lúc có bàn tay của con người phá hủy tháp cổ.
Cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra tháp cổ. |
“Thời còn nhỏ, tôi từng nhìn thấy quanh tháp có rất nhiều tượng Phật. Từ khoảng 50 năm trở lại đây, do đồ cổ có giá trị nên nhiều bức tượng đã bị đánh cắp. Thậm chí có người ngoài bản còn vào phá tháp để moi tìm cổ vật. Thế nhưng không hiểu vì sao, những kẻ này đều phải chịu một kết cục vô cùng tệ. Thậm chí có người đã không giữ được tính mạng do lấy tượng Phật nơi đây. Chính vì vậy, mọi người ở bản càng thêm kính trọng, không dám có hành vi lỗ mãng khi ở gần tháp”, cụ Tiếp cho hay.
Ngước nhìn những lỗ thủng như từng hốc mắt vô hồn xung quanh thân tháp, ông Lô Văn Liệu – Chủ tịch UBND xã Mỹ Lý thở dài cho biết, đó là những lỗ thủng do kẻ xấu đục phá để lấy cắp tượng Phật bằng đồng trong thân tháp. Thậm chí mắt tháp bằng thủy tinh trên đỉnh tháp cũng đã bị bắn vỡ.
“Người trong bản biết về sự linh thiêng của tháp cổ nên chẳng dám đâu. Thậm chí trong bản thậm chí có mâu thuẫn, xích mích gì cũng kéo nhau ra tháp cổ này để làm nơi hòa giải nên không ai dám mạo phạm. Nhưng người ngoài chẳng như vậy, họ thấy đồ có giá trị thì cứ thế vào phá lấy đi. Nhiều khi họ phá trong đêm nên người dân chẳng thể ngăn cản”, ông Liệu nói.
Và những kế hoạch hồi sinh
Theo Chủ tịch UBND xã Mỹ Lý, vùng này trước đây từng có cả một quần thể tháp cổ. Ngoài tháp này là lớn nhất còn có 3 tháp nhỏ khác, song cả 3 đều đã đổ sập từ lâu, nguyên nhân do con người tàn phá, nay không còn cả phế tích. Riêng tháp chính, thời gian gần đây bị tàn phá nghiêm trọng. Những trận mưa lụt đã khiến chân tháp sụt dần và vỡ ra khiến tháp bị nghiêng.
Với mục đích bảo vệ người dân và học sinh ở cạnh tháp, chính quyền xã Mỹ Lý đã phải cắm biển cảnh báo hạn chế ra vào, dùng thép gai B40 làm hàng rào bao quanh khuôn viên ngọn tháp. Để cứu ngọn tháp độc nhất vô nhị này, chính quyền xã Mỹ Lý cũng đã nhiều lần kiến nghị các cơ quan chức năng tìm phương án bảo tồn song không có kết quả.
Ông Phan Văn Mạnh – Trưởng phòng Văn hóa, thông tin truyền thông huyện Kỳ Sơn khẳng định, qua đánh giá của các ý kiến chuyên gia thì tháp cổ này chắc chắn đã có lịch sử 1.000 năm. Theo một số nhà nghiên cứu cho rằng, tòa tháp là công trình của Phật giáo tiểu thừa du nhập từ Thái Lan qua Lào vào Việt Nam. Giai đoạn phát triển của giáo phái tiểu thừa thường xuất hiện hai loại tháp là tháp mộ và tháp thờ. Tháp cổ ở Mỹ Lý là tháp thờ bởi bên tháp có nhà thờ (đã sập) và không có mộ.
Những hoa văn còn lại của tháp. |
“Hiện tháp cổ này chưa được xếp hạng là do Nghệ An có quá nhiều di tích, cũng do không còn tài liệu về sự ra đời của tháp. Ngoài ra, tháp cổ này nằm trong khu vực biên giới nên việc lập hồ sơ cũng gặp nhiều khó khăn. Cũng vì chưa được xếp hạng di tích cho nên lâu nay không thể bảo tồn”, ông Mạnh nói.
Ông Vi Hòe – Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn khẳng định, hiện nay đơn vị đã có kế hoạch tôn tạo lại tháp cổ tại xã Mỹ Lý, để trở thành một điểm du lịch tâm linh cho du khách ghé thăm khi về với huyện biên giới này. Đặc biệt, bản Yên Hòa hiện đang là một trong những địa điểm phát triển du lịch cộng đồng mạnh của địa phương, vì vậy khi ngọn tháp được tôn tạo nơi đây sẽ càng thu hút du khách.
“Chúng tôi đã xin ý kiến các ban ngành. Phía sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An đã văn bản đồng ý chủ trương tu bổ, tôn tạo tháp theo nguyện vọng của người dân và chính quyền địa phương. Tuy nhiên, việc tôn tạo lại tháp là một công việc lâu dài, tốn kém nhiều kinh phí nên huyện Kỳ Sơn sẽ chia làm nhiều giai đoạn để thực hiện”, ông Hòe nói.
Ông Trần Oanh – Giám đốc Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng huyện Kỳ Sơn cho biết, qua kiểm tra thì ở chân tháp xuất hiện một lỗ hổng rộng 2m, sâu 1m, cao 4m. “Theo đánh giá do thời gian quá lâu nên hiện gạch xây bị ngấm nước, cường độ chịu nén của gạch không đảm bảo dẫn đến hiện tượng lún, òe và nứt móng. Vữa liên kết từ vôi lâu ngày nên mất sự kết dính, nứt nẻ. Toàn bộ tháp nhìn từ trên xuống đã xuất hiện sự mất liên kết giữa gạch và vữa, nhiều vết nứt lớn hơn 2cm chạy quanh thân tháp. Tháp có thể đổ sập bất cứ lúc nào”, ông Oanh nói. |
Anh Ngọc /Đời sống & Pháp luật số Chủ Nhật (39)