Trang chủ Tu học Lời Phật dạy Kinh Phật nói về ngu si bị ngoại đạo gạt gẫm, lợi...

Kinh Phật nói về ngu si bị ngoại đạo gạt gẫm, lợi dụng

276

Sau phần trích dẫn toàn văn bài kinh dưới đây, chúng ta sẽ đi vào phần phân tích, xem Đức Phật đã coi việc dao động trong quan hệ với ngoại đạo, “chấp chặt tà luận, chấp chặt điên đảo luận” sẽ đưa đến hệ quả bị gạt gẫm, lợi dụng, cuối cùng là sẽ gánh lấy thiệt hại thế nào.

“1. CHUYỆN PHÁP TỐI THƯỢNG
(Tiền thân Apannaka)
Có những người nói lên…
Ðức Thế Tôn, khi ở Tinh xá Kỳ Viên, gần Xá-vệ, đã thuyết pháp thoại này. Vì ai, pháp thoại này được đề cập? Vì năm trăm người bạn của vị triệu phú Cấp Cô Ðộc (Anàthapindika) đều là đệ tử ngoại đạo.
Một ngày kia, vị triệu phú Cấp Cô Ðộc đem năm trăm người bạn của mình đều là đệ tử ngoại đạo, cho mang theo nhiều vòng hoa, hương thơm, dầu hương cùng dầu thắp, mật ong, mật mía, vải và áo choàng, đi đến Kỳ Viên đảnh lễ Thế Tôn, cúng dường Ngài các vật liệu như vòng hoa… và phân phát cho chư Tăng dược phẩm trị bệnh và vải mặc. Làm xong việc ấy, ông ngồi xuống một bên và tránh sáu tật xấu trong lúc ngồi.
Cũng vậy, các đệ tử ngoại đạo đảnh lễ Thế Tôn, và ngồi xuống một bên gần ông Cấp Cô Ðộc, nhìn lên gương mặt đức Bổn Sư chói sáng như trăng rằm, vẹn toàn các tướng tốt chính và phụ, nhìn lên Phạm thân tỏa ánh sáng rộng một tầm và nhìn lên hào quang rực rỡ của đức Phật, những hào quang phóng ra như thể từng đôi vòng, từng cặp một.
Rồi giống con sư tử trẻ rống như sấm động ở thung lũng Ðỏ, như mây bão tố trong mùa mưa, như sông Hằng thiên giới (dải Thiên Hà) ào ào đổ xuống, và như đan dệt một chuỗi châu báu, tuy vậy, với một Phạm âm đầy đủ tám phần tuyệt hảo, kỳ diệu làm tai thích thú, Ngài thuyết pháp cho họ, một pháp thoại dịu ngọt và chói sáng với nhiều vẻ đẹp khác nhau.
Họ nghe bậc Ðạo Sư thuyết pháp, tâm được tịnh tín, liền đứng dậy đảnh lễ bậc Ðạo Sư, phá vỡ pháp quy y ngoại đạo, rồi quy y Phật. Từ đấy, họ luôn luôn đi đến tinh xá với ông Cấp Cô Ðộc, tay cầm hương thơm, vòng hoa… nghe pháp, bố thí, trì giới và thọ Bát quan trai giới.
Rồi Thế Tôn từ Xá-vệ lại đi đến Vương Xá. Trong thời gian Như Lai đi vắng, họ phá vỡ pháp quy y Phật. Rồi họ lại quy y ngoại đạo, trở lui nguyên trạng của họ.
Sau bảy tám tháng, Thế Tôn về lại Kỳ Viên. Ông Cấp Cô Ðộc đem năm trăm người bạn đồng tu đi đến yết kiến bậc Ðạo Sư, cúng dường Ngài với hương thơm v.v… đảnh lễ rồi ngồi xuống một bên. Ông Cấp Cô Ðộc báo cáo cho Thế Tôn biết sau khi Ngài ra đi, họ phá vỡ pháp quy y đã thọ, chấp nhận lại quy y pháp ngoại đạo, trở lui nguyên trạng của họ.
Mở miệng hoa sen của Ngài, như mở hộp châu báu, đầy những hương thơm sai biệt, thơm với hương thơm chư Thiên, do uy lực nói lời chơn thực, trải vô lượng ức kiếp không gián đoạn, Thế Tôn phát ra âm thanh dịu ngọt và hỏi:
– Này các nam cư sĩ, có thật chăng các ông đã phá vỡ Tam quy y, và đi theo quy y ngoại đạo?
Và khi không thể che giấu, họ thú nhận:
– Thật vậy, bạch Thế Tôn.
Bậc Ðạo Sư nói:
– Này các cư sĩ, không có một chỗ nào dưới từ đáy địa ngục, trên cho đến chư Thiên, không có một chỗ nào trong các thế giới vô lượng trải rộng bề ngang, không có ai bằng, chớ đừng nói cao hơn đức Phật về những công đức như giữ giới v.v…
Rồi Ngài trình bày cho họ những công đức của Ba ngôi báu, như đã được nói đến trong kinh điển:
– Này các Tỷ-kheo, giữa các chúng sanh không chân, hai chân, hay bốn chân, Như Lai được gọi là tối thượng. Nếu có những tài sản nào ở đời này hay đời sau… Và thật vậy, tối thượng giữa những tín đồ…
Rồi Ngài nói tiếp:
– Không có một cư sĩ nào, nam hay nữ đã quy y Ba ngôi báu, những ngôi báu đầy đủ công đức tối thượng như vậy, phải tái sanh trong các địa ngục… nhưng họ được thoát khỏi sanh vào đọa xứ, họ được sanh vào thế giới chư Thiên và đắc Thiền chứng lớn. Do đó, khi các ông phá vỡ quy y như vậy, và đi đến quy y ngoại đạo, các ông đã làm một việc sai lạc.
Và ở đây, để nêu rõ rằng không có ai đã quy y Ba ngôi báu với sự giải thoát tối thượng, lại phải sanh vào đọa xứ, những đoạn kinh này phải được nói lên:
Những ai quy y Phật
Sẽ không đi đọa xứ,
Từ bỏ thân làm người
Sẽ tràn đầy thiên giới.
Những ai quy y Pháp
Sẽ không đi đọa xứ,
Từ bỏ thân làm người
Sẽ tràn đầy thiên giới.
Những ai quy y Tăng
Sẽ không đi đọa xứ,
Từ bỏ thân làm người
Sẽ tràn đầy thiên giới.
Loài Người sợ hoảng hốt,
Tìm nhiều chỗ quy y,
Hoặc rừng rậm, núi non,
Hoặc vườn cây, đền tháp,
Quy y ấy không ổn,
Không quy y tối thượng,
Quy y các chỗ ấy
Không thoát mọi khổ đau.
Ai quy y đức Phật,
Chánh Pháp và chư Tăng,
Ai dùng chánh tri kiến
Thấy được Bốn sự thật,
Thấy Khổ và Khổ tập,
Thấy sự khổ vượt qua,
Thấy đường Thánh tám ngành
Ðưa đến khổ não tận.
Thật quy y an ổn,
Thật quy y tối thượng,
Có quy y như vậy
Mới thoát mọi khổ đau.
Bậc Ðạo Sư không chỉ thuyết pháp cho họ như vậy, Ngài còn nói tiếp:
 
– Này các nam cư sĩ, pháp hành niệm Phật, pháp hành niệm Pháp, pháp hành niệm Tăng đem lại Dự lưu đạo, Dự lưu quả, Nhất lai đạo, Nhất lai quả, Bất lai đạo, Bất lai quả, A-la-hán đạo, A-la-hán quả.
Và sau khi Ngài thuyết pháp cho họ với nhiều phương thức, Ngài nói:
– Với sự phá vỡ quy y như vậy, các ông đã làm một việc sai lạc.
Và ở đây, sự đem lại các Dự lưu đạo, Dự lưu quả… cho những ai hành trì niệm Phật… cần phải được nêu rõ với những đoạn kinh như sau:
– Này các Tỷ-kheo, có một pháp, nếu được tu tập, và được làm cho viên mãn, đưa đến hoàn toàn yểm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, Giác ngộ, Niết-bàn. Thế nào là một Pháp? Chính là niệm Phật… Như vậy, Thế Tôn với các phương tiện khác nhau, thuyết giảng cho các nam cư sĩ:
– Này các nam cư sĩ, cũng vậy, trong thời quá khứ, những ai chấp chặt tà luận, chấp chặt điên đảo luận, nghĩ rằng cái gì không phải là chỗ quy y, lại xem là chỗ quy y chân thật, những người ấy sẽ bị quỷ Dạ-xoa ăn thịt trong cảnh sa mạc, chỗ trú của phi nhân, và bị lâm vào đại nạn. Còn những ai chấp chặt sự thật vô hý luận, chấp chặt pháp tối thượng, chấp chặt pháp không điên đảo, thì trong cảnh sa mạc ấy, họ đạt được yên ổn, an toàn.
Khi nói đến đây, Ngài im lặng. Rồi gia chủ Cấp Cô Ðộc từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, tán thán Ngài với hai tay đặt trên đầu và thưa như sau:
– Bạch Thế Tôn, nay thật rõ ràng cho chúng con thấy trong thời hiện tại, những người nam cư sĩ ấy, sau khi phá vỡ pháp quy y tối thượng, đã rơi vào rừng rậm tà luận. Nhưng trong quá khứ, đại nạn của những ai chấp chặt tà luận tại sa mạc, chỗ trú của phi nhân, và sự yên ổn an toàn của những người chấp chặt pháp vô hý luận, đối với chúng con đang bị che lấp, chỉ rõ ràng đối với Ngài. Lành thay, nếu Thế Tôn, như thể khiến mặt trăng tròn mọc lên, làm sáng tỏ sự kiện này cho chúng con.
Rồi Thế Tôn nói:
– Này gia chủ, chính vì mục đích loại bỏ các nghi nan ở đời, nhờ sự thực hành trọn vẹn mười hành Ba-la-mật trải vô lượng kiếp mà Ta chứng đắc Nhất thiết trí. Hãy cẩn thận lắng tai nghe, như thể các ông đang đổ tủy của sư tử vào một cái ống bằng vàng!
Sau khi khích lệ sự chú ý của người triệu phú, Ngài nói lên câu chuyện đã bị tái sanh che lấp, như mặt trăng tròn được giải tỏa, sau khi phá tan đám mây tuyết.
 
Thuở xưa, trong nước Kàsi, tại thành Ba-la-nại, có vị vua tên là Brahmadatta. Khi ấy, Bồ-tát được sanh trong gia đình thương gia làm chủ đoàn lữ hành, và tiếp tục lớn lên, đi chỗ này chỗ kia buôn bán với năm trăm cỗ xe, khi thì đi từ đông qua tây, khi thì đi từ tây qua đông. Tại thành Ba-la-nại, có một người chủ đoàn lữ hành khác còn trẻ và ngu si, không giỏi tùy cơ ứng biến.
Lúc bấy giờ, sau khi chất đầy năm trăm cỗ xe với hàng hóa có giá trị lớn, Bồ-tát sẵn sàng lên đường. Người chủ đoàn lữ hành trẻ và ngu kia cũng chất đầy hàng hóa tương tự trên năm trăm cỗ xe khác, sẵn sàng lên đường. Bồ-tát suy nghĩ: “Nếu người chủ đoàn lữ hành ngu si và trẻ này đi với Ta, với một ngàn cỗ xe, cùng đi một lần trên con đường, thì con đường sẽ không thể chịu nổi; thật sẽ khó tìm được củi, nước cho đoàn người, và cỏ cho các con bò. Hoặc là nó, hoặc là ta phải đi trước”.
Ngài nhắn tin mời người ấy đến, trình bày sự việc và nói:
– Hai chúng ta không thể đi cùng một lần được. Vậy bạn sẽ đi trước hay đi sau?
Kẻ ấy suy nghĩ: “Nếu ta đi trước, sẽ có nhiều lợi ích. Ta sẽ đi con đường chưa bị hư phá, các con bò sẽ ăn cỏ chưa bị động chạm; còn các người nhà ta sẽ hái được các ngọn lá nấu cà-ri chưa bị động chạm, nước được trong lặng; và sau cùng định giá bán theo sở thích, ta sẽ bán các hàng hóa”.
Nghĩ vậy, kẻ ấy nói:
– Này bạn, tôi sẽ đi trước.
Còn Bồ-tát thấy đi sau có nhiều lợi ích vì ngài lý luận như vầy: “Những người đi trước sẽ san bằng con đường chưa được san bằng. Ta sẽ đi con đường đã được họ đi qua. Các con bò của ta sẽ ăn cỏ mới mọc và ngọt; người của ta sẽ tìm được các lá ngọt nấu cà-ri mới mọc tại chỗ các lá đã được hái đi. Tại chỗ không có nước, họ phải đào để lấy nước, chúng ta sẽ uống nước trong các giếng được người khác đào lên. Việc định giá giống như sát hại mạng sống con người, ta đi sau sẽ bán hàng hóa theo giá thông thường đã quy định”. Khi thấy những lợi ích như vậy, Bồ-tát nói:
– Này bạn, bạn hãy đi trước.
– Lành thay, này bạn.
Người chủ đoàn lữ hành trẻ và ngu si nói vậy rồi cho thắng các cỗ xe, ra đi, thứ lớp vượt qua các thôn xóm, và bắt đầu đến biên giới sa mạc. Thuở bấy giờ, các sa mạc có năm loại: sa mạc trộm cướp, sa mạc thú dữ, sa mạc không có nước, sa mạc phi nhân và sa mạc không có đồ ăn. 
Trước tiên, con đường nào có trộm cướp trú ẩn, chỗ ấy được gọi là sa mạc trộm cướp; thứ hai, con đường nào có sư tử v.v… trú ẩn, được gọi là sa mạc thú dữ; thứ ba, chỗ nào không có nước để tắm hay uống, được gọi là sa mạc không có nước; thứ tư, con đường nào có các loài phi nhân (quỷ thần) trú ẩn, được gọi là sa mạc phi nhân; thứ năm, con đường nào không tìm thấy các loài rễ có thể ăn được… được gọi là sa mạc không có đồ ăn.
Trong năm loại sa mạc này, có hai loại sa mạc nguy hiểm là sa mạc không có nước và sa mạc phi nhân. Do vậy, người chủ đoàn lữ hành trẻ và ngu si ấy cho đặt lên xe những ghè rất lớn, đổ đầy nước, và bắt đầu di chuyển vào bãi sa mạc dài sáu mươi dặm này.
Khi họ đã đi được nửa đường, con quỷ Dạ-xoa trú ở sa mạc nghĩ: “Ta sẽ làm cho những người này quăng nước cất giữ, làm cho họ yếu sức, rồi ta sẽ ăn thịt tất cả bọn họ”. Rồi nó hóa hiện một cỗ xe đẹp đẽ với những con bò mộng trắng trẻo. Ðược hộ vệ với mười, mười hai phi nhân, tay cầm cung, tên, khiêng và binh khí, nó trang sức với vòng hoa sen xanh và hoa súng trắng trên đầu, với tóc ướt và áo ướt, ngồi trên cỗ xe ấy như một vị chúa tể, nó dấn bước trên đường với các bánh xe dính bùn. Còn đoàn tùy tùng đi trước và đi sau, với tóc ướt, áo ướt, trang sức với vòng hoa sen xanh và hoa súng, với những bó sen trắng, sen đỏ cầm tay, nhai những cọng sen, củ sen, nhỏ giọt nước và bùn.
Bấy giờ, khi gió thổi trước mặt, những người chủ đoàn lữ hành, theo lệ thường ngồi trong cỗ xe đi trước với những người hầu hạ bao vây để tránh bụi. Khi gió thổi đàng sau, họ đi xe phía sau. Nay gió thổi phía trước, do vậy, người chủ đoàn lữ hành trẻ đi xe ở phía trước. Con quỷ Dạ-xoa thấy người ấy đến gần, liền cho đậu xe ở một bên đường, chào đón một cách thân tình và hỏi đi đâu. Người chủ đoàn lữ hành cũng cho đậu xe của mình một bên đường và nói với quỷ Dạ-xoa:
– Thưa ông bạn, chúng tôi đi từ Ba-na-lại tới. Các ông trang sức với hoa sen xanh và hoa súng, tay cầm hoa sen trắng và đỏ, đang nhai những cọng sen và củ sen, lấm bùn vừa đi vừa chảy những giọt nước. Vậy phải trên đường các ông đi có mưa, có những hồ ao phủ đầy với hoa sen xanh chăng?v.v…
Quỷ Dạ-xoa, nghe hỏi, liền nói lớn:
– Này bạn, bạn nói gì vậy? Ðàng kia đã hiện rõ đường lằn sẩm của rừng xanh. Từ đó trở đi, toàn là rừng không có gì ngoài nước. Luôn luôn trời mưa, ở đó các hồ đều ngập; khắp nơi đều có những ao nước đầy hoa sen.
Sau khi nói như vậy và đoàn xe đã đi ngang qua, nó hỏi:
 
– Những cỗ xe này đi đâu vậy?
Và họ trả lời:
– Ði tới chỗ này, chỗ kia.
– Trong mỗi cỗ xe này, có hàng hóa gì vậy?
– Nhiều loại hàng hóa.
Rồi khi cỗ xe cuối cùng đi qua, chở rất nặng nề, nó hỏi:
– Trong cỗ xe này chở gì vậy?
– Chở nước trong ấy.
– Từ chỗ khởi hành cho đến chỗ này, bạn đã mang nước là tốt. Nhưng từ chỗ này trở đi, không cần phải mang nước nữa. Từ phía trước mặt có nhiều nước. Hãy đập vỡ các ghè nước, để đi cho thoải mái.
Và nó nói thêm:
– Các ông hãy đi. Chúng tôi lên đường kẻo chậm trễ rồi!
Rồi nó đi một lát, đến chỗ khuất dạng, liền trở về thành Dạ-xoa. Người chủ lữ hành ngu si ấy, do sự ngu si của mình, nghe theo lời quỷ Dạ-xoa, cho đập vỡ các ghè, không để dành lại dù chỉ một bụm nước, cứ đổ tất cả và ra lệnh các xe đi. Càng đi về phía trước, một giọt nước cũng không có. Bọn họ không được nước uống trở thành mệt mỏi. Họ vẫn tiếp tục đi cho đến khi mặt trời lặn.
 
Khi ấy, họ tháo dây buộc xe ra, xếp thành một vòng tròn, và buộc các con bò vào bánh xe. Nhưng chúng cũng không có nước uống. Còn bọn họ không có cháo, không có cơm, nên yếu sức, nằm xuống khắp nơi rồi ngủ. Khi đêm vừa xuống, quỷ Dạ-xoa từ thành Dạ-xoa đi đến, diệt tất cả mạng sống bò và người, ăn thịt chúng, chỉ để lại xương rồi bỏ đi. Như vậy, chỉ vì một người chủ đoàn lữ hành trẻ và ngu si, tất cả đã mắc vào đại nạn, xương cốt của người và vật rải khắp nơi, chỉ năm trăm cỗ xe còn đứng yên với đầy đủ hàng hóa.
Phần Bồ-tát, đợi từ ngày người chủ đoàn lữ hành trẻ và ngu si ra đi, độ một tháng rưỡi trôi qua, với năm trăm cỗ xe từ thành phố ra đi, dần dần đi đến biên giới sa mạc. Vị ấy cho đổ đầy nước vào các ghè nước, cho lấy thêm nhiều nước dự trữ rồi đánh trống hội họp đoàn người lại và nói như sau:
– Nếu không hỏi ta, thì một bụm nước cũng không được dùng. Có nhiếu cây độc trong bãi sa mạc, không một ai trong các chú được ăn lá, hoa, hay quả chưa ăn từ trước, mà không hỏi ta.
Sau khi chỉ dạy cho họ như vậy, Bồ-tát mới bắt đầu đi vào bãi sa mạc với năm trăm cỗ xe. Khi đi đến giữa sa mạc, quỷ Dạ-xoa ấy hiện hình ra trên con đường cửa Bồ-tát, như cách thức trước. Bồ-tát thấy nó liền nhận ra ngày và suy nghĩ: “Nơi này không có nước và được gọi là sa mạc không có nước. Người này có con mắt đỏ, bộ dạng không sợ hãi, lại không có bóng chiếu. Không nghi ngờ gì nữa, người chủ đoàn lữ hành ngu si và trẻ tuổi đi trước bị nó xúi giục, đã đổ tất cả nước, nên kiệt sức, và bị nó ăn thịt cùng cả đoàn tùy tùng. Nhưng nó không biết ta có tài trí và khéo dùng phương tiện”.
Vì vậy, Bồ-tát nói to với con quỷ:
– Ông hãy đi đi, chúng tôi là người lái buôn. Chưa thấy được nước khác, chúng tôi không đổ nước đã được dự trữ. Chỗ nào thấy nước, chúng tôi mới yên lòng đổ nước đi, làm cho nhẹ các cỗ xe.
Quỷ Dạ-xoa đi một lát, đến chỗ khuất dạng, liền về thành Dạ-xoa. Khi Dạ-xoa đã đi, đoàn người hỏi Bồ-tát:
– Thưa ông chủ, những người này chỉ cho thấy đằng kia là dãy rừng xanh. Phía ngoài xa khu rừng ấy, trời luôn luôn mưa. Họ đội trên đầu những vòng hoa sen xanh và hoa súng; họ cầm những bó hoa sen đỏ và trắng; họ hái các củ sen và cọng sen; áo bị ướt, đầu bị ướt; họ đi với những giọt nước rơi chảy. Vậy chúng ta hãy đỗ nước đi, khiến cho các cỗ xe được nhẹ, chúng ta đi mau hơn.
Bồ-tát nghe họ nói như vậy, liền cho dừng các cỗ xe, họp tất cả bọn người lại và hỏi:
 
– Trong các chú, có ai trước đây nghe nói rằng bãi sa mạc này có ao hay hồ không?
– Thưa ông chủ, không có ai nghe cả. Vì thế nơi này được gọi là bãi sa mạc không có nước.
– Nay có một số người nói rằng xa hơn dãy rừng xanh đàng kia, trời có mưa. Gió mưa có thể thổi xa được bao nhiêu?
– Thưa ông chủ, khoảng độ một dặm (do-tuần).
– Gió mưa có thể thổi đến chạm thân của một ai trong các chú không?
– Thưa ông chủ, không.
– Cách xa bao nhiêu, đầu mây có thể thấy được?
– Khoảng độ một dặm, thưa ông chủ.
– Có ai trong các chú được thấy một đầu mây không?
– Thưa ông chủ, không có ai.
– Xa bao nhiêu, ánh sáng chớp có thể thấy được?
– Thưa ông chủ, khoảng bốn năm dặm.
– Có ai trong các chú thấy được ánh sáng chớp?
– Thưa ông chủ, không có ai!
– Tiếng sấm xa bao nhiêu có thể nghe được?
 
– Thưa ông chủ, khoảng hai ba dặm.
– Có ai trong các chú nghe được tiếng sấm?
– Thưa ông chủ, không có ai.
– Chúng không phải là người. Chúng là quỷ Dạ-xoa. Dạ-xoa đến và nghĩ: “Chúng ta xúi đoàn người đổ nước, và khi đoàn người yếu sức, chúng ta sẽ ăn thịt họ! Vì người chủ đoàn lữ hành ngu si và trẻ tuổi đi trước không có thiện xảo phương tiện, chắc chắn bị chúng xui đổ nước đi và khi mệt nhọc, họ đã bị quỷ Dạ-xoa ăn. Còn năm trăm cỗ xe được để lại đựng đầy hàng hóa như trước. Hôm nay, chúng ta sẽ thấy chúng nó. Ðừng đổ đi, ngay cả một bụm nước cũng phải gìn giữ. Hãy đi tới, càng mau càng tốt.
Ðốc thúc đoàn người của mình đi tới, Bồ-tát tiếp tục đi cho đến khi thấy được năm trăm cỗ xe đầy hàng hóa, xương cốt của các con bò và đoàn người bất hạnh trước rải rác khắp mọi nơi. Ngài cho tháo dây buộc các xe, đặt các xe thành vòng tròn, họp lại thành trại, cho đoàn người và bò ăn chiều sớm, rồi sắp các con bò nằm nghỉ giữa bọn họ.
Rồi ngài tuyển một số người lãnh đạo mạnh mẽ, tự mình đứng canh gác với gươm cầm tay, suốt ba canh ban đêm cho đến khi rạng đông. Sáng sớm ngày kế tiếp, ngài cho làm xong các công việc cần thiết, cho các con bò ăn, quăng bỏ các cỗ xe yếu ớt, lấy các cỗ xe vững mạnh, quăng bỏ loại hàng hóa ít có giá trị, chất lên hàng hóa có giá trị, đi đến chỗ đã định trước, và bán các hàng hóa với giá tiền bằng hai ba giá vốn. Sau đó, ngài cùng với đoàn tùy tùng trở về thành phố của mình.
Câu chuyện chấm dứt, bậc Ðạo Sư nói:
– Này cư sĩ, như vậy trong thời quá khứ, những ai chấp chặt tà luận, phải gặp đại nạn. Còn những ai chấp nhận sự thật vô lý luận đã thoát khỏi tay các phi nhân, và đến chỗ mình muốn một cách an toàn.
Và sau khi kết hợp hai câu chuyện với nhau, vì mục đích giới thiệu lời dạy về sự thật vô hý luận này, bậc Chánh Giác bài kệ:
Có những người nói lên
Sự thật vô hý luận,
Nhưng các hạng người khác
Tuyên bố về tà luận.
Kẻ trí biết điều này,
Giữ chặt pháp tối thượng.
Như vậy Thế Tôn dạy về pháp chân thật vô hý luận này, rồi Ngài nói thêm:
– Con đường chân chánh này không những đem lại ba thiện sự thành tựu, sáu cõi Trời ở dục giới, sự thành tựu Phạm Thiên giới, mà cuối cùng đem quả A-la-hán. Còn con đường gọi là tà luận đem đến tái sanh trong bốn đọa xứ và trong năm gia đình thấp kém.
Tiếp đó Ngài giảng thêm về Bốn Sự thật với mười sáu hành tướng. Cuối bài giảng ấy, tất cả năm trăm nam cư sĩ chứng quả Dự lưu.
Sau khi thuyết pháp, bậc Ðạo Sư nêu rõ những bài học và kể hai câu chuyện rồi kết hợp chúng với nhau, Ngài nhận diện Tiền thân như sau:
– Trong thời ấy, người chủ đoàn lữ hành trẻ và ngu si là Ðề-bà-đạt-đa (Devadatta), tùy tùng của kẻ ấy là tùy tùng của Ðề-bà-đạt-đa, tùy tùng của người chủ đoàn lữ hành hiền trí là tùy tùng của đức Phật, còn người chủ đoàn lữ hành Hiền trí là Ta vậy”.

Trước hết, chúng ta chú ý bối cảnh dẫn vào câu chuyện tiền thân. Đức Phật thuyết giảng về câu chuyện tiền thân này khi có 500 cư sĩ là bạn của cư sĩ Cấp Cô Độc đã quy y Phật, nhưng dao động tín tâm trong quan hệ với ngoại đạo.
Trong bài kinh đức Phật đã tỏ ra không hài lòng về việc này, phê phán các cư sĩ đó: “các ông đã làm một việc sai lạc”.
Câu chuyện tiền thân được kể lại như một ví dụ làm sáng tỏ lời thuyết giảng của Đức Phật. Chuyện tiền thân lý giải việc làm sai lạc đó có nguyên nhân là “ngu si”, được dùng trong kinh.
Do ngu si, nên người dẫn đầu đoàn thương buôn đi trước tin và làm theo những lời chỉ dẫn sai lạc của quỷ Dạ Xoa, thiếu đi những luận giải, những nghi vấn cần thiết, mà người có trí không thể bỏ qua (qua những câu hỏi người dẫn đầu đoàn thương buôn đi sau).
Dễ tin, dễ bị gạt là đặc điểm của người “ngu si”. Đã ngu si thì không thể có phản biện, nghi vấn, giả định, đối chiếu với những tình huống cụ thể. Đức Phật đã so sánh hành vi của 2 người dẫn đường, chủ trì cuộc hành trình, một bên ngu si và một bên có trí khôn, để bật ra những mấu chốt của vấn đề. Cách lập luận của người ngu si và người khôn ngoan được thể hiện hoàn toàn đối lập nhau. Người ngu si thì ngờ nghệch, ngây thơ, bị động, cả tin, không có suy nghĩ độc lập, lại liều lĩnh, tham lam.
Tính chất liều lĩnh, tham lam, phiêu lưu bộc lộ ở việc xác định là người đi trước.
“Kẻ ấy suy nghĩ: “Nếu ta đi trước, sẽ có nhiều lợi ích. Ta sẽ đi con đường chưa bị hư phá, các con bò sẽ ăn cỏ chưa bị động chạm; còn các người nhà ta sẽ hái được các ngọn lá nấu cà-ri chưa bị động chạm, nước được trong lặng; và sau cùng định giá bán theo sở thích, ta sẽ bán các hàng hóa”.

Cả tin, ngờ nghệch, bị động, thiếu khả năng tư duy bộc lộ ở những hành động của kẻ mà trong kinh gọi là “người chủ đoàn lữ hành trẻ và ngu si”.

Quỷ Dạ xoa là một hình tượng thể hiện cho ngoại đạo, trong bối cảnh bài kinh được thuyết cho những cư sĩ dao động tín tâm. Quỷ Dạ xoa luôn muốn hại đoàn lữ hành vì quyền lợi của nó (bài kinh dùng hành vi ăn thịt), nhưng phải chờ lúc thuận lợi mới ra tay được (trong kinh nói đến lúc đoàn lữ hành yếu sức).
Quỷ Dạ xoa rốt cuộc chỉ làm cho người ngu si tin theo.

Trong quá trình hoằng pháp, hóa đạo, dao động tín tâm ở những người tin Phật luôn là một vấn đề lớn, và như bài kinh đã cho thấy, nó có ngay vào thời Đức Phật tại thế, ở những người có điều kiện luôn gần gũi với Đức Phật (bạn của ông Cấp Cô Độc, nơi sinh sống ở quanh Tịnh xá Kỳ Viên).
Vấn đề dao động trong việc quy y, quy y Phật rồi lại quy y ngoại đạo, vẫn là vấn đề lớn của ngày hôm nay, và có khi chính người dao động tín tâm cũng không ý thức trọn vẹn được về nhận thức của mình (như 500 cư sĩ trong bài kinh “Chuyện pháp tối thượng”). Quy y ngoại đạo, dao động tín tâm có thể có rất nhiều biểu hiện. Trong bài kinh“Chuyện pháp tối thượng”, quy y ngoại đạo được thể hiện qua hành vi tin và làm theo lời quỷ Dạ xoa. Tất nhiên, nó có thể có những phát triển khác như tôn vinh thiện chủ ngoại đạo, kêu gọi mọi người làm theo, tán thành, ủng hộ, phổ biến lời tôn vinh đó.

Khi gặp những vấn đề như thế, thì lời giải đáp có sẵn trong Pháp bảo. Kinh Phật giúp cho chúng ta ánh sáng lý giải mọi tình huống, đưa ra hướng giải quyết vấn đề.

Chánh tín, chánh kiến, chánh tư duy luôn luôn đồng hành với trí tuệ. Còn tà tín, tà kiến, tà tư duy luôn đi kèm với ngu si, là hậu quả trực tiếp của ngu si. Vì ngu si nên phát sinh tà kiến, tà tư duy.

Căn cứ vào chính pháp cụ thể là vào kinh tạng để giải quyết mọi vấn đề là việc đương nhiên của Phật tử. Và điều đó bảo đảm cho nhận thức trí tuệ, chân chính, tránh được tà luận.

Còn về tà luận, bài kinh nói trên nêu rõ hậu quả “Còn con đường gọi là tà luận đem đến tái sinh trong bốn đọa xứ và trong năm gia đình thấp kém”.

MT