Tìm hiểu bộ “Kinh Phật cho người tại gia”, Sa môn Thích Nhật Từ soạn dịch, nhà xuất bản Hồng Đức, Hà Nội, 2014, qua một bài viết trước đây, chúng ta đã ghi nhận ưu điểm vượt trội của bộ sách, đó là quan điểm xây dựng một bộ hợp tuyển kinh tụng đa dạng, phong phú, bao gồm hai truyền thống Phật giáo Bắc tông và Phật giáo Nguyên thủy, tập họp kinh Phật từ nhiều nguồn, hàm chứa được những quan điểm căn bản của đạo Phật.
Tuy nhiên, sách “Kinh Phật cho người tại gia” lại vấp phải một số hạn chế, nhược điểm trầm trọng, làm giảm đi giá trị của bộ sách. Như thế, tất nhiên, đối với người đọc tiếp nhận kinh Phật, “Kinh Phật cho người tại gia” sẽ tạo nên những ảnh hưởng tiêu cực cho việc tiếp nhận.
Đây trước hết là lỗi kỹ thuật trong việc xây dựng một bộ hợp tuyển tác phẩm dịch, lỗi có thể coi là thuộc về trình độ, năng lực ngữ văn của người biên soạn.
Nhưng xét tới cùng, thì nguyên nhân lại ở chỗ thiếu tôn trọng đối với Đức Phật, là tác giả chủ yếu của Kinh Phật. Vì nếu có sự tôn trọng trước hết đối với Đức Phật, sau đó là Pháp bảo, tức kinh điển, sau nữa là đối với chư vị thánh tăng tổ sư đã kết tập, truyền bá, phiên dịch kinh điển, thì người làm công tác biên soạn sẽ có sự tôn trọng đặc biệt với kinh điển, có ý thức bảo toàn sự chính xác toàn vẹn của kinh điển, không để xảy ra những lỗi chủ quan, mà xem ra hết sức nặng nề như sẽ được phân tích tiếp theo đây.
Nhất quán trong những bài viết của chúng tôi là tinh thần nhận định về việc, trước hết là việc, tránh nhận định về người, không nhằm vào người, thì ở đây cũng vậy, chúng tôi phân tích những lỗi về mặt kỹ thuật và về mặt quan điểm đối với một bộ sách, không cốt nói về người soạn dịch. Mối liên hệ nếu có đối với người soạn dịch chỉ là một mối liên hệ tự nhiên, phải có. Tất nhiên, ở đây có trách nhiệm của người soạn dịch, nhưng điều chúng tôi muốn nói trước hết về những lỗi trong kỹ thuật biên soạn, không vì đó là của một người nào. Mong bạn đọc tiếp nhận bài viết với tinh thần như vậy.
Và chúng tôi cũng mong người biên soạn sách “Kinh Phật cho người tại gia” nếu không thống nhất với những gì chúng tôi nêu ra là lỗi trong công việc biên soạn, thì nhanh chóng có ý kiến trao đổi lại, để cùng nhau làm sáng tỏ vấn đề. Nhưng nếu những điều mà chúng tôi đề cập là đúng, thì người soạn dịch, với trách nhiệm của mình, nên nhanh chóng khắc phục những hạn chế của bản hợp tuyển kinh Phật, để đưa những tác động tiêu cực đã có về mặt thấp nhất có thể được.
Bài viết này với vai trò có thể là bài viết đầu tiên trong loạt bài nói về những hạn chế của sách “Kinh Phật cho người tại gia”, chúng tôi chỉ giới hạn trong văn bản sách nói trên. Bước đi sâu tìm hiểu so sánh đối chiếu với văn bản các bản dịch kinh khác nếu cần thiết phải có, sẽ là bước đi trong những bài sau. Nhưng chúng tôi mong là người soạn dịch sẽ sớm nhận ra vấn đề và có những điều chỉnh thích hợp khi chỉ mới đề cập đến những vấn đề ban đầu ở phạm vi phương pháp luận, mà không cần đi vào những viện dẫn cụ thể, điều mà chính chúng tôi cũng không muốn. Rất mong một sự chia sẻ “nói ít hiểu nhiều” như thế, để tránh việc trở đi trở lại câu chuyện không hay về những sai sót lẽ ra có thể tránh được đối với sách “Kinh Phật cho người tại gia”.
Từ đó, chúng tôi cũng xác định rõ, mục tiêu là không phải nói về lỗi của người nào đó, mà trên hết là muốn có những bản kinh Phật hoàn thiện, chính xác, toàn vẹn, bảo đảm được tôn trọng ở mức cao nhất, không bị cắt xén, sửa đổi, viết thêm một cách tùy tiện, chủ quan, thiếu cẩn trọng, dù là với một động cơ nào đi nữa.
Kiến thức ngữ văn tối thiểu yêu cầu trong việc làm một bộ hợp tuyển tác phẩm dịch bất kỳ, tôn trọng văn bản tác phẩm phải là điều được nêu ra trước tiên. Việc tôn trọng văn bản tác phẩm đòi hỏi quá trình tuyển chọn, không được sơ sót làm sai lệch tác phẩm dù với hình thức nào. Điều đó, có nghĩa là không được tự tiện thêm, bớt, xáo trộn vị trí, sửa đổi, làm ảnh hưởng đến sự toàn vẹn, sự trung thực của tác phẩm. Đây không chỉ là yêu cầu sơ đẳng, vấn đề kỹ thuật căn bản, mà còn là đạo đức, lòng tự trọng nghề nghiệp của người làm công việc hợp tuyển tác phẩm. Dù ở đó thao tác dịch, hay chỉ là việc tuyển chọn, biên tập, tổ chức bản thảo, việc can thiệp chủ quan là điều cấm kỵ. Nếu không tôn trọng nguyên tắc thiết yếu này, mặc nhiên bộ hợp tuyển sẽ mất giá trị, mất hẳn độ tin cậy.
Trong vấn đề này, nếu để xảy ra dù vì động cơ gì, trách nhiệm của người làm hợp tuyển là hết sức lớn lao, đối với bạn đọc và đối với tác giả. Việc làm sai lệch văn bản tác phẩm trong hợp tuyển bằng thêm, bớt, sửa đổi, xáo trộn vị trí dù xuất phát từ ý muốn như thế nào đi nữa, cũng là không thể chấp nhận từ phía tác giả lẫn phía người đọc. Ngay cả khi đó là một tác phẩm văn học dân gian, có tính dị bản, tức là có thể chấp nhận khả năng có các văn bản khác nhau đi nữa, thì việc can thiệp chủ quan của người biên soạn hợp tuyển vẫn là điều tuyệt đối cấm. Dị bản, nếu có, phải là trong quá trình tồn tại của tác phẩm văn học dân gian, không phải là sự can thiệp của người sưu tầm, biên soạn, thực hiện bản thảo hợp tuyển. Như thế, tất nhiên, đối với tác phẩm thành văn, việc thêm, bớt, sửa đổi, xáo trộn bố cục là không thể chấp nhận.
Bất đắc dĩ, người ta có phải làm như vậy, chẳng hạn như trong quá trình biên tập có những vấn đề nhạy cảm cần phải cắt bỏ thì phải cần phải ghi chú rõ, cũng như có những hình thức thể hiện bắt buộc, như dấu ba chấm đặt trong ngoặc vuông. Đó là trong trường hợp phải cắt bỏ đi và cũng chỉ thường diễn ra trong bối cảnh người biên tập và tác giả có sự thỏa thuận, phía tác giả chấp nhận.
Còn để xảy ra tình trạng viết thêm vào, thay đổi từ ngữ, vị trí phân đoạn, thì đó rõ ràng là chuyện tự tiện. Hơn nữa, với sự phát triển chung của hoạt động xuất bản, bây giờ, dù biên tập viên có thẩm quyền can thiệp vào tác phẩm (trong khuôn khổ hoạt động xuất bản), nhưng hướng giải quyết không còn chủ quan, một phía, mà cần tìm đến sự thống nhất với tác giả.
Trên đây là yêu cầu nhận thức và kỹ năng ngữ văn cơ bản để làm một bộ hợp tuyển, có đi vào khía cạnh biên tập. Tất cả đều cho thấy việc tùy tiện can thiệp vào tác phẩm dù thêm, bớt, sửa đổi, lắp ghép xáo trộn phải là điều hết sức thận trọng, phải hạn chế, bên cạnh đó cần những thể hiện thích hợp, chú thích rõ ràng. Vấn đề tôn trọng tác phẩm một cách tự giác, cũng như bắt buộc của chuyên môn biên soạn, tổ chức bản thảo, biên tập đã được xét đến từ một góc nhìn chung.
Còn riêng, khi đối với một bộ hợp tuyển Kinh Phật, như “Kinh Phật dành cho người tại gia” thì yêu cầu tôn trọng sự toàn vẹn, trung thực, chính xác lời Phật dạy phải được tăng cao lên bội phần. Ở đây, bên cạnh vấn đề về kiến thức, nghiệp vụ ngữ văn, còn là vấn đề tôn giáo.
Ở đó mọi hình thức, dù nhỏ nhặt, mà có thể tạo nên một sự diễn đạt mơ hồ, xáo trộn, tùy tiện, kinh sách tôn giáo đều không thể chấp nhận.
Đối với Đức Phật và Phật pháp, khó có thể hình dung việc ai đó tùy tiện sửa đổi thêm, bớt, xáo trộn lắp ghép chủ quan vào kinh Phật.
Xét từ góc độ tôn giáo, đó không còn là lỗi kỹ năng như nghiệp vụ ngữ văn trong khi biên soạn một bộ hợp tuyển, mà có thể trở thành một tội. Ở Kinh Phật việc thiếu tôn trọng Đức Phật và chư thánh tăng tổ sư kiết tập, hoằng truyền, phiên dịch kinh điển. Việc tạo hoạt động tiếp nhận kinh điển đã có sai số hình thành từ chủ quan có thể trở thành việc gây thiệt hại cho hoạt động hoằng pháp. Có thể đến mức như vậy, thì không còn ở giới hạn lỗi nữa.
Làm như thế đối với kinh Phật, nếu không được phát hiện, phân tích những tác động tiêu cực, kịp thời chấm dứt, điều chỉnh…, sẽ tạo thành một tấm gương xấu trong việc tổ chức biên soạn giới thiệu, phổ biến, xuất bản kinh Phật.
Nếu chỉ giới hạn ở khía cạnh học thuật, chung cho các tác giả, tác phẩm, thì vấn đề cũng đã là quá nặng nề. Sẽ hơn thế nhiều lần nếu xét vấn đề ở một bộ kinh Phật hợp tuyển, dày đến 900 trang, được coi là quy mô nhất từ trước đến nay, như “Kinh Phật cho người tại gia”.
Như thế, nếu xét vấn đề như những câu hỏi, thì:
– Về mặt học thuật, liệu có thể làm những bộ hợp tuyển mà ở đó có sự can thiệp tùy tiện, sửa đổi, thêm bớt, xáo trộn phân đoạn, tổ chức văn bản tác phẩm?
– Đối với kinh Phật, liệu có thể chấp nhận việc cắt bỏ, bổ sung, sửa đổi, xáo trộn lắp ghép tạo thành những bài kinh mới?
MT
(còn tiếp)
Thông tin riêng: [email protected] hoặc www.facebook.com/cusiminhthanh