Trang chủ Đời sống Kinh nghiệm phục vụ cơm chay 22.000 Phật tử chùa Phật Quang

Kinh nghiệm phục vụ cơm chay 22.000 Phật tử chùa Phật Quang

122

 

Việc phục vụ chu đáo cơm chay cho Phật tử dự lễ là một trong những yếu tố góp phần làm nên thành công mỹ mãn của lễ Phật Thành đạo do chùa Phật Quang tổ chức, với số lượng người tham gia ngày càng gia tăng.
 
Nhận thấy việc phổ biến kinh nghiệm phục vụ cơm chay cho một số lượng Phật tử dự lễ đông đảo như thế sẽ giúp ích cho các chùa trong việc tổ chức những lễ hội quy tụ đông đảo Phật tử tham dự, một trong những phương tiện hữu hiệu thu hút thanh niên đến chùa, chúng tôi đã tìm gặp Thượng tọa Thích Chơn Quang, Viện chủ chùa Phật Quang, để xin được phỏng vấn về khía cạnh đặc biệt này trong thành công của việc tổ chức Lễ Thành đạo.
 
Thượng tọa Thích Chơn Quang đã hoan hỷ trước đề nghị của chúng tôi và giới thiệu sư cô Thích nữ Tường Phổ, vị ni chịu trách nhiệm phục vụ ẩm thực chay cho 22.000 người về chùa Phật Quang dự lễ Thành đạo. Dưới đây là nội dung buổi nói chuyện chia sẻ kinh nghiệm của sư cô Tường Phổ.
 
Cư sĩ Minh Thạnh (Cs MT): Thưa sư cô, chắc chắn là nhiều tăng ni khắp các chùa chiền trên cả nước quan tâm đến việc nhờ đâu mà chùa Phật Quang tổ chức phục vụ chu đáo cơm chay cho những 22.000 Phật tử về dự lễ Phật Thành đạo và điều đó đã được thực hiện như thế nào. Xin sư cô hoan hỷ trình bày chi tiết về nội dung này với quý Tăng ni Phật tử bạn đọc Phattuvietnam.net.
 
Sư cô Thích Nữ Tường Phổ (Sc TNTP): Để có thể có được việc phục vụ chu đáo số lượng Phật tử đông đảo như thế, chư Tăng Ni Phật tử chùa Phật Quang đã nhờ vào kinh nghiệm quá trình thực hiện trong nhiều năm, từ con số chỉ phục vụ vài trăm người về dự lễ, lên đến số ngàn, nhiều ngàn, rồi chục ngàn, và mới đây là 22.000 Phật tử về dự lễ Phật Thành đạo.
 
Trước hết, cần xác định là việc thành công của việc tổ chức lễ hội một phần phụ thuộc vào công việc phục vụ ẩm thực cho Phật tử thập phương về dự. Không thể nói đến việc thành công lễ Thành đạo ở chùa Phật Quang nếu không lo liệu chu đáo việc phục vụ ẩm thực. Và sẽ là một thất bại, nếu xảy ra sự cố trong việc phục vụ ẩm thực, một đều rất đáng ngại khi phục vụ bữa ăn cho số lượng người đến 22.000, và trong điều kiện thời gian chỉ trong một vài ngày (tức là mọi việc sẽ dễ dàng hơn nếu là công việc thường xuyên).
 
Các yêu cầu cho bữa ăn chay được xác định:
 
         Bảo đảm tuyệt đối an toàn 100% trong việc phục vụ ẩm thực. Thực phẩm phải sạch sẽ, vệ sinh ở mức triệt để.
 
         Bảo đảm thời gian phục vụ và dùng cơm chay trong giới hạn cho phép của lịch trình lễ hội.
 
         Bảo đảm khẩu phần cơm chay phải đủ dinh dưỡng và ngon miệng.
 
         Bảo đảm khả năng cung cấp tăng thêm nếu có yêu cầu.
 
         Bảo đảm vệ sinh môi trường, sạch sẽ cho sân chùa, nội thất chùa sau bữa cơm, thu gom tất cả rác thải đến nơi địa phương quy định.

Cs MT: Thưa sư cô, những yêu cầu như trên cũng là bình thường nếu nhà chùa phục vụ cơm chay cho khoảng vài chục đến vài trăm Tăng Ni Phật tử như trong các buổi lễ, kỵ… Nhưng nếu để phục vụ đến 22.000 người thì khó khăn, thiết tưởng, không cường điệu, sẽ tăng lên đến 22.000 lần. Chùa Phật Quang đã giải quyết những khó khăn đã phát sinh như thế nào?
 
Sc TNTP: Đúng vậy đó đạo hữu. Khó khăn ở chỗ số lượng người mà chúng ta phục vụ quá đông. Cá biệt, cũng có lần, nhà chùa phải hạn chế số người lên núi, vì nhiều lý do, nhưng trong đó cũng có một phần do hạn chế trong khả năng phục vụ ẩm thực cao điểm một số lượng khách thập phương quá lớn.
 
Tuy nhiên, thời gian gần đây chùa Phật Quang đã có thể giải quyết được những khó khăn đó, nhờ thực hiện tốt được việc chuẩn bị. Dự kiến sắp tới, trong các dịp lễ hội, nhà chùa có thể phục vụ cơm chay được số lượng Phật tử đông hơn nữa, có thể là 25.000 người chẳng hạn hay hơn nữa.
 
Cs MT: Thưa sư cô, vậy xin sư cô giới thiệu kinh nghiệm về việc chuẩn bị.
 
Sc TNTP: Chùa Phật Quang tổ chức họp chuẩn bị các ngày lễ hội vào thời điểm cách một tháng trước đó.
 
Việc họp chuẩn bị bao gồm:
 
         Chuẩn bị tài chính
         Chuẩn bị nhân sự, phân công
         Chuẩn bị lịch trình
         Chuẩn bị nguồn cung cấp thực phẩm, đồ đựng thực phẩm, cơ sở vật chất, phương tiện nấu ăn.
         Chuẩn bị đối phó, giải quyết các tình huống đặc biệt.
 
Trong đó, việc chuẩn bị nhân sự rất được quan tâm.
 
Cs MT: Thưa sư cô, vậy tìm đâu ra người để phục vụ cơm chay đến 22.000 người/ngày?
 
Sc TNTP: Số người phục vụ có được từ Phật tử thuần thành công quả tại chùa Phật Quang và những thanh niên Phật tử tình nguyện, phần lớn từ sinh viên các trường đại học.
Quý Phật tử thuần thành gắn bó với chùa Phật Quang lâu năm được bố trí vào ban trai soạn, trực tiếp phụ trách công việc nấu cơm chay.
 
Các em thanh niên Phật tử được chia làm 2 nhóm: hành đường 1 và hành đường 2 (hay có thể hình dung là hành đường trong và hành đường ngoài).
 
Nhóm hành đường 1 được chọn số thanh niên Phật tử gắn bó với nhà chùa lâu năm, có nhiệm vụ chia thành những phần ăn chay sau khi nhóm trai soạn nấu xong cơm và thức ăn, tập trung các phần ăn đã chia vào vị trí chuyển giao cho nhóm hành đường 2. Chỉ những thành viên nhóm hành đường 1 được phép vào khu bếp chùa Phật Quang để bảo đảm tuyệt đối yêu cầu vệ sinh, an toàn thực phẩm. Ngoài nhóm hành đường 1, khu vực bếp hoàn toàn biệt lập, người ngoài không được phép vào. Đây là một kinh nghiệm mà chùa Phật Quang muốn chia sẻ.
 
Nhóm hành đường 2 gồm phần lớn số thanh niên, sinh viên Phật tử tình nguyện, được tuyển chọn rộng rãi (vì trong hầu hết trường hợp số lượng các bạn thanh niên, sinh viên Phật tử tình nguyện phục vụ các lễ hội ở chùa Phật Quang đều vượt số lượng yêu cầu thực tế).
 
Nhóm hành đường 2 có nhiệm vụ phân phối số lượng cơm hộp được nhóm hành đường 1 phân chia và chuyển giao đến tay thực khách Phật tử. Việc tiếp đãi, đáp ứng nhu cầu dùng thêm, trực tiếp phục vụ thực khách sao cho dùng cơm xong trong giờ đã được ấn định theo yêu cầu của lịch trình lễ hội, thu gom vỏ hộp cơm, giữ vệ sinh sân chùa…, đều thuộc trách nhiệm nhóm hành đường 2.
 
Do số lượng Phật tử quá đông, nên không thể có cách phục vụ nào khác ngoài hình thức cơm hộp. Nhưng thực khách, có thể yêu cầu dùng thêm 1 -2 hộp cơm nữa thì tùy ý, nhất là đối với những bạn thanh niên trai tráng đang sức trưởng thành.
 
Khi đó, cả sân chùa trở thành một trai đường rộng lớn với 22.000 thực khách.

Cs MT: Thưa sư cô, có lẽ viêc giữ cho 22.000 thực khách dùng cơm chay đúng trong thời gian quy định của lịch trình lễ hội cũng là một việc khó. Như thế, nhà chùa có phải làm những việc nhắc nhở qua loa phóng thanh, hay phát các âm thanh báo hiệu sắp hết giờ cơm hay không?
 
Sc TNTP: Một số lớn Phật tử đến dự lễ hội tại chùa Phật Quang đều đã là Phật tử quen thuộc của nhà chùa, nên đã quen với nề nếp thọ thực như thế. Các Phật tử này giúp các Phật tử mới làm quen với nề nếp đã có. Việc thọ trai với đông đảo Phật tử tại các lễ hội ở chùa Phật Quang đều rất trang nghiêm, thanh tịnh, đúng giờ, yên lặng theo như tinh thần Phật giáo.
 
Việc phát hộp cơm được nhóm hành đường 2 thực hiện nhanh chóng, sao cho chỉ trong vài phút chờ đợi, là không còn thực khách Phật tử nào chưa nhận được cơm. Đó là do có sự phân chia khu vực phục vụ theo từng nhóm nhỏ.
 
Sau khi nhận được cơm, quý Phật tử tìm những bóng râm mát trong vườn chùa ngồi dùng. Việc nhắc nhở khi cần thiết, nếu có, chỉ từ các bạn trẻ trong nhóm hành đường 1, không dùng loa phóng thanh, gây ồn náo, không giữ được không khí thanh tịnh, trang nghiêm của buổi thọ trai.
 
Quý Phật tử, tuyệt đại đa số, đều giữ vệ sinh rất tốt sau khi dùng cơm chay. Vỏ hộp cơm được nhóm hành đường 1 thu lại, cho vào bao rác đóng gói. Số rác này rất lớn, được chuyển lên xe tải chở về nơi xử lý rác của tỉnh.
 
Cs MT: Thưa sư cô, như vậy, bạn đọc đã có thể biết qua quy trình thực hiện việc phục vụ cơm chay cho một số lượng lớn Phật tử đến dự lễ hội ở chùa Phật Quang. Thế thì, còn khâu chuẩn bị thực phẩm để nấu ăn thì sao?
 
Sc TNTP: Theo thực đơn đã được thông qua ở cuộc họp về việc tổ chức lễ hội trước đó 1 tháng, nhà chùa lên kế hoạch số lượng gạo và các loại thực phẩm cần thiết.
 
Gạo thì một phần do Phật tử hiến cúng. Nhà chùa tổ chức việc bảo quản kỹ lưỡng, bảo đảm giữ được chất lượng.
 
Cũng có thực phẩm do Phật tử hiến cúng. Trường hợp Phật tử mua để chở đến ủng hộ thì nhà chùa hướng dẫn nơi cung cấp tin cậy, thường là từ những Phật tử kinh doanh thực phẩm các loại.
 
Nhà chùa cũng đặt hàng thực phẩm từ những nơi cung cấp tin cậy, có phiếu ghi nhận xuất xứ thực phẩm (lô hàng nào từ đâu cung cấp).
 
Nhưng dù xuất xứ cung cấp rõ ràng, hay do Phật tử xa chở từ vườn nhà lên hiến cúng, nhà chùa đều kiểm tra rất kỹ về chất lượng.
 
Việc kiểm tra qua 2 giai đoạn: Nhà bếp kiểm tra và sau đó, nếu có vấn đề gì cần kiểm tra lại, thì mời bác sĩ đến kiểm tra. Những trường hợp thực phẩm không qua được khâu kiểm tra đều bị loại bỏ.
 
Nhờ có việc lập kế hoạch chi tiết, số thực phẩm dự kiến thường đáp ứng đủ số lượng Phật tử dự lễ hội. Ngoài ra, chùa Phật Quang còn có một số lượng thực phẩm dự phòng giữ lạnh, và đơn hàng đặt mua dự phòng gửi sẵn cho nơi cung cấp, để sẵn sàng cho khi số Phật tử đến dự lễ hội gia tăng đột biến.
 
Khâu vệ sinh thực phẩm trước khi đưa vào nấu nướng được hết sức coi trọng. Nhà bếp được vệ sinh, tẩy trùng cẩn thận. Người gọt rửa rau trái nấu bếp thường được kiểm tra xem có giữ đúng những quy định vệ sinh hay không. Chính người gọt rửa rau trái, người nấu bếp giữ vai trò là người kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm. Nếu trong quá trình cắt rửa, nấu nướng rau trái, có điều gì bất thường thì phải báo ngay cho người có trách nhiệm để chỉ đạo giải quyết.
 
Bác sĩ phục vụ lễ hội cũng tham gia vào quy trình kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm, như theo dõi chất lượng nguồn nước sử dụng chẳng hạn.
 
Cs MT: Thưa sư cô, như vậy thiết tưởng là quá chu đáo!
 
Sc TNTP: Còn chưa hết đâu đạo hữu. Nhà chùa còn chú trọng đến chất lượng vỏ hộp cơm, muỗng nĩa nhựa… Sau khi mẫu vỏ hộp đựng cơm được kiểm tra đánh giá là bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nhà chùa mới đặt mua với số lượng lớn, khi nhận hàng đều có đối chiếu với mẫu. Nơi cung cấp cũng là từ Phật tử tin cậy.
 
Ngoài ra, tình huống xử lý nếu có xảy ra vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm cũng được đặt ra với tổ bác sĩ phục vụ y tế cho lễ hội. Thuốc cấp cứu nội tiêu hóa được chuẩn bị đầy đủ. Tuy nhiên, rất may, là chưa bao giờ phải dùng đến.
 
Tưởng cũng cần nói thêm là việc phục vụ cơm chay không chỉ giới hạn trong Phật tử dự lễ hội trong khuôn viên chùa, mà cơm hộp chay còn được gửi đến phục vụ số tài xế, phụ xe, người buôn bán ngoài cửa chùa dọc theo đường lên chùa. Ngoài việc coi đó cũng là những vị khách của lễ hội, nhà chùa cũng có dụng ý không để họ dùng thức ăn mặn, không cho thức ăn mặn có cơ hội bày bán gần chùa.
 
Cs MT: Xin cảm ơn sư cô về những kinh nghiệm quý báu mà sư cô vừa chia sẻ.
 
Xin chân thành tán thán công đức của chùa Phật Quang.

 

MT (ghi)