Trang chủ Tu học Lời Phật dạy Kinh Bốn pháp an lạc (*)

Kinh Bốn pháp an lạc (*)

71

Thế nhưng, sự hiển lộ bên ngoài lẫn với bao dáng vẻ sắc màu của những hiện tượng sự vật, thì ta lại thấy không ít những nỗi đời còn nhiều nghiệt ngã đau thương, thô kệt của những tâm ý khô cứng, bất an, sợ hãi và cả những lòng tham ác tàn bạo gây không ít nhiễu nhương cho tự thân, gia đình và xã hội.

Do đó, hạnh phúc và bình yên được Đức Phật nói đến, điều ấy chúng ta thấy không phải là một ngẫu nhiên.

Nhân một hôm, Gia chủ Anathapindika (Cấp Cô Độc) đến đảnh lễ Phật, sau đó Đức Phật liền nói vói gia chủ như sau : “Có bốn loại an lạc, nầy gia chủ, người gia chủ thọ hưởng các dục thâu hoạch được, tùy thời gian, tùy thời cơ khởi lên cho vị ấy. Thế nào là bốn ? : LẠC SỞ HỮU, LẠC THỌ DỤNG, LẠC KHÔNG MẮC NỢ, LẠC KHÔNG PHẠM TỘI“.

Trước hết, Đức Phật giới thiệu đến bốn sự việc mà một khi bắt đầu chạm vào sự sống, sự tồn tại của con người, một khi mà con người có được cơ hội làm ra được của cải hay những phương tiện thọ dụng khác để phục vụ cho sự sống được ngang qua bao ước muốn tìm cầu. “Nầy gia chủ, thế nào là lạc sở hữu ? Ở đây, nầy gia chủ, tài sản của người thiện nam tử thâu hoạch được do nổ lực tinh tấn, tích lũy được do sức mạnh cánh tay, do mồ hôi đổ ra đúng pháp, thâu hoạch đúng pháp. Nghĩ về điều ấy, vị ấy được lạc, được hỷ“.

Không xa xôi mênh mông, không mơ hồ phi thực, với lời dạy của Phật : “ Đến để mà Thấy, đến để mà Nghe và đếm để được Cảm Thọ Sự Thật “, Đức Phật luôn nghĩ đến hạnh phúc và an lạc cho chúng sanh ngay trong hiện tại. Nhất là xã hội chúng ta hôm nay, một khi đã hiển bày cung ứng khá nhiều về sự ăn, sự mặc, chốn ở và những điều kiện phục vụ khác.v.v… Thì lòng tham ác sẽ bén rể và tự phụ của con người được nâng lên từ “dục thủ, dục tầm cầu”.

Do đó, người con Phật cần phải ý thức tỉnh giác nhận ra rằng: “Tài sản thâu hoạch một cách đúng pháp” chỉ có thâu hoạch đúng pháp do từ công sức chính mình làm ra thì mới không thấy sự hổ thẹn nơi lương tâm và lương tri của mình.

Bằng trái lại, là một việc làm vừa đem đến hại mình, vừa đem đến hại người, đem đến hại cả hai, cùng dự phần vào phiền não, gây tổn hại cho gia đình và xã hội nguyên nhân từ việc làm phi pháp, phi chơn mà có.

Lại nữa, nầy gia chủ, thế nào là lạc thọ dụng ? Nầy thiện nam tử, khi thọ dụng những tài sản được thâu được một cách đúng pháp và làm các việc phước đức. Nghĩ về điều ấy, vị ấy được lạc, được hỷ “.

Chúng ta thấy, Đức Phật còn tiến xa hơn từ lời dạy đầu, nếu như đã có tài sản một cách đúng pháp chơn chánh, thì khi sử dụng vào cuộc sống cũng được an vui từ những thành quả lao động của mình, thấy được giá trị ích lợi và trân quí những điều mình có được, sống hạnh phúc, trong sáng, lành mạnh chân thật, người đệ tử Phật sẽ sử dụng tài sản ấy vào việc bố thí, giúp đỡ, ban tặng, biếu cho hoặc làm những việc phước đức khác cũng được điều lợi ích giao cảm chân thiện, tránh được lời người xưa : “Nhân phi nghĩa bất giao, vật phi nghĩa bất thủ“.

Đành rằng: Hạnh phúc, bình yên là những điều ước muốn, cầu vọng tất nhiên của con người, sự tìm cầu ấy cũng phải qua những đánh đổi trước bao duyên cảnh cuộc đời, tất cả mọi việc được nói lên nguồn sống an lạc vẫn phải từ lòng chinh phục những gian tham, những ác tư duy.v.v…

Bởi:

Dễ làm các điều ác

Dễ làm điều tự hại

Còn việc lành, việc tốt

Thật tối thượng khó làm

PC. 163.

Nhu cầu và khát vọng của con người khó mà được thõa mãn, đã có biết bao sự rối ren, bế tắc, nguy hại, những độc tố của Tham Sân Si gây ra cho tự thân, gia đình và xã hội… nguyên nhân cũng từ việc làm bất chính, thu hoạch và xử dụng tài sản bất chính, thọ dụng vô độ và hoang phí vô ích.’

Còn nếu nhận thức đúng bản chất trong cuộc sống qua các hiện tượng là “Vô Thường, Khổ, Vô Ngã”, lo tu tập chuyển hóa nội tâm, trau dồi đạo đức, kết nối tình thương yêu, lạc quan vui vẽ, thì nguồn an lạc hạnh phúc vẫn luân được tươi mát, thấm đẫm từ tâm nơi chính mình và cho cả cuộc đời.

Lại nữa, thế nào là lạc không mắc nợ ? Ở đây nầy gia chủ, vị thiện gia nam tử không mắc nợ ai một điều gì, ít hay nhiều. Nghĩ về điều ấy, vị ấy được lạc, được hỷ

Thông thường, có người cho rằng; vì nghèo khó nên mới bị mắc nợ, vay trước trả sau, tất bật với bụi đời những sớm chiều sương gió, với tháng ngày đáo hạn, với bao tiền lời phải trả, với sự hối thúc của chủ nợ.v.v…

Ta thấy, đôi khi có những ai đó qua hình thức trông như giàu có bảnh bao, nhưng kỳ thật chỉ là lớp che giấu phía sau đó không biết bao là con nợ. Nhưng trong đời, phải đâu chỉ có nợ tiền thôi đâu ! “Không mắc nợ ai một điều gì ít hay nhiều …“.

Nó hàm nghĩa cho chúng ta thấy rằng : Không bị nợ về sự lừa dối, gian trá, cướp giựt của người, không ỷ thế hiếp cô, không mưu toan kế sách lợi mình hại người một cách bất chính, không biết tôn trọng những thiện pháp do Đức Phật hay các bậc Thánh ca ngợi, chỉ vì bao lợi dưỡng đời thường mà tâm hồn thèm khát, tham vọng điên rồ bởi các dục sai xử mà ta phải bị rơi vào những hạnh nghiệp bất thiện, để rồi chịu bao vay trả cho từng kiếp sống đi qua đầy nhiệt não của trần tâm.

Còn hơn thế nữa, ta nợ với cuộc đời biết bao điều hứa hẹn kỳ vọng nơi ta, khi ta có đủ điều kiện và cơ hội. Nhưng thế rồi, mặc cho ngày tháng trôi qua tan tành những điều khả thi, bởi do ta thiếu chân tình với những điều thiện sự, chung qui do vì ta không có sợ hải tội lỗi, ta bị gục ngả với chính ta khi ta đi về mọi phía của cộc đời. Nếu như ngày nào ta còn tà tham, dục tham, đê tiện, ích kỷ, thấp kém.v.v… Thì ngày đó ta phải còn cái nợ với cuộc đời và cả chính ta nữa.

Vì lý do đó, mà Đức Phật đã dành cho chúng ta những lời khuyên dạy, cần nên có một nếp sống chân thật, đạo đức, tình thương và ban tặng để được xanh mầm an lạc và hạnh phúc ngay trong hiện tại, hầu tránh đi chuyện vay trả oán thù và những hạnh nghiệp xấu trong đời.

Lại nữa, nầy gia chủ, thế nào là lạc không phạm tội ? Ở đây nầy gia chủ, vị Thánh đệ tử thành tựu thân hành không phạm tội, thành tựu khẩu hành không phạm tội, thành tựu ý hành không phạm tội. Nghĩ về điều ấy, vị ấy được lạc được hỷ

Chúng ta càng nhìn thẳng vào cuộc sống đầy biến động phức tạp như hôm nay, không thể phủ nhận về mặt tiến bộ hiện đại từ nhiều phía, cái đẹp đẽ của muôn sắc màu được giới thiệu đến bao nhiêu, thì cũng không ít bao điều lo ngại, ưu tư đến với gia đình và xã hội bấy nhiêu, như : nạn bạo hành cướp giựt, trộm cắp, lừa đảo, tội phạm sát hại ngày càng gia tăng, nhân tính, đạo đức, giáo dục hiện nay đến lúc báo động, nhìn ra thế giới bên ngoài đang cháy dần ngòi nổ chiến tranh, sự tranh chấp bờ cõi, biển đảo, nạn khủng bố ý thức tôn giáo diễn biến không ngừng, những thiên tai siêu bão, bão bùn, lũ lụt tàn phá.v.v…

Tất cả đều do con người, chính con người đã làm nên tội lỗi và nghiệt ngã, trong khi ấy, vẫn không ít con người muốn thiết lập duy trì một nếp sống lành mạnh, đạo đức hòa bình để đem lại cho cuộc sống phồn thịnh, hạnh phúc, an lạc.

Do đó, ba nghiệp (Thân Khẩu Ý) khéo được tu tập thuần thiện, dễ sử dụng, không phạm tội, có đời sống trong sáng, chân thật đó là sự biểu hiện bình yên, niềm vui lớn, ích lợi lớn cho mình và cho mọi người.

Tóm lại, Đức Phật đến với chúng ta không ngoài những lời dạy thiết thực, ích lợi, giản dị và sâu lắng trong cuộc sống, cho dù bất cứ ở đâu, không gian và thời gian nào.

Với mục đích lời dạy là đem lại sự an lạc hạnh phúc cho chúng sanh, chư thiên và loài người, giúp cho chúng ta nhận biết được sự KHỔ và phương pháp chấm dứt KHỔ. Nếu như có của cải và thọ dụng, sử dụng một cách đúng pháp chân chính, biết đủ, từ bỏ mọi dục tham, không để mắc nợ gì, dù ít hay nhiều là điều cần thiết có được an lạc và hạnh phúc cho người đệ tử Phật.

Nhưng quí báu hơn thế nữa chính là có sự chuyển hóa thân tâm được nhu nhuyến, thuần thiện thân, lời nói và ý nghĩ, không gây tác hại, não hại cho tự thân và cho cả xã hội. Hôm nay, chúng ta lại chuẩn bị kết thúc chuỗi thời gian trong năm, bắt đầu chuyển mình bước dần đến ngưõng cửa của năm mới (Quí Tỵ – 2013).

Mới đây, nay đã qua thập niên của thế kỷ 21, thế kỷ vươn lên tầm cao của khoa học, kỷ thuật, nhưng cũng là thế kỷ tập trung hướng về nguồn mạch tâm linh siêu vượt ngàn đời bất tận, để trong mỗi chúng ta được thong dong theo dòng sinh lộ đạo đức vi diệu mà cũng là sự tận hưởng nguồn sinh lực tươi mát của ý vị mùa xuân trong cuộc sống muôn trùng.

Để kết thúc bài viết, chúng ta cùng đọc lại lời dạy của Đức Phật :

Hãy khéo sống chánh hạnh

Chớ sống theo tà hạnh

Người chánh hạnh hưởng lạc

Cả đời nầy, đời sau.

PC. 169.

Long Xuyên, cuối tháng 12.2012.

MẶC PHƯƠNG TỬ.

(*) Trích Kinh Bộ Tăng Chi I VII- Phẫm Nghiệp Công Đức, 62, 682.