Trải qua 35 năm phát triển, những thành tựu mà Giáo hội đạt được là khó có thể phủ bác, kể cả những thế lực thiếu thiện chí với Phật giáo cũng không thể xuyên tạc được.
Thành tựu thì nhiều, nhưng bất cập vẫn còn tồn tại không phải là ít. Thực tế đó, đòi hỏi Giáo hội phải nhìn thẳng vào sự thật để giải thích vì sao lại có những câu chuyện được ứng xử theo kiểu cát cứ, thiếu nhất quán.
Được biết, BTS Phật giáo một tỉnh miền Trung vừa có Văn bản không đồng ý cho một vị giảng sư về trụ trì và hành đạo tại chùa VQ tỉnh NA.
Trong khi, vị giảng sư đó vẫn đi giảng ở nhiều tỉnh, thành khác, cũng là vị giảng sư đó đã cùng với quý Chư tôn đức Lãnh đạo Giáo hội, theo khả năng của mình đã cần mẫn có những đóng góp âm thầm và hiệu quả để Giáo hội tổ chức thành công nhiều sự kiện lớn.
Điều hết sức lạ lùng là nếu vị giảng sư đó bị “cấm cửa” thì một là phải vi phạm pháp luật, hai là vi phạm Hiến chương và các Quy định của Giáo hội. Trong khi chúng tôi chưa thấy có dẫn chứng nào nêu trên trong văn bản của BTS Phật giáo tỉnh NA.
Hoài nghi về cách hành xử như vậy, dư luận thắc mắc, BTS Phật giáo tỉnh NA lấy cơ sở pháp lý nào để “cấm cửa” còn đường hành đạo, hoằng hóa của một vị giảng sư?
Không riêng gì NA, trước đó – có tỉnh ở phía Bắc, vị Trưởng BTS đã cấm cửa vị giảng sư này, nhưng trước sự khát ngưỡng nghe pháp của quần chúng, một số ngôi chùa trên địa bàn tỉnh đó vẫn mời vị giảng sư đó đi giảng, và được hàng ngàn tín đồ quan tâm, lắng nghe.
Giảng nhiều, hoạt động phật sự nhiều cũng có lúc sai sót là điều khó có thể tránh khỏi, nếu có sai sót hơn ai hết, Giáo hội phải chính là bà đỡ để cho mọi thành viên trong tổ chức ngày càng trưởng thành và hoàn thiện mình, để ngày càng đóng góp lợi đạo, ích đời. Đó mới là cách hành xử của những đệ tử của Như Lai, để người đời soi vào mà học tập, kính ngưỡng.
Trong khi đó, quần chúng nhân dân không có thời gian và điều kiện để hiểu được sâu xa mọi nguồn cơn của việc “cấm cửa”. Họ chỉ ngạc nhiên và thắc mắc, chẳng lẽ một vị sư bị “cấm cửa” ở nơi này lại vẫn có thể đi giảng ở nơi khác?.
Hóa ra chúng ta chưa có một Giáo hội thống nhất từ cấp trung ương đến cấp địa phương? Mà ở đâu thích là thiết lập quyền uy riêng ở đó thành một cõi, vì nếu có vi phạm đến mức không được chuẩn thuận bổ nhiệm trụ trì và hành đạo trên địa bàn tỉnh NA thì tại sao vẫn vị giảng sư đó lại được đảm nhiệm chức vụ Phó Ban của một Ban trực thuộc T.Ư Giáo hội?
Chức năng và quyền hạn của BTS cấp tỉnh có quyền cấm cửa một vị sư về trụ trì trên địa bàn một tỉnh hay không?
Theo Hiến chương Giáo hội, điều 32, mục 12: Quyết định bổ nhiệm trụ trì các cơ sở Giáo hội do Ban trị sự cấp tỉnh thành lập, quản lý trên cơ sở tham vấn Ban Trị sự cấp huyện, hệ phái, sơn môn (nếu có liên hệ) và trao đổi với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Rõ ràng, BTS cấp tỉnh có thẩm quyền bổ nhiệm và phê chuẩn việc bổ nhiệm trụ trì chùa trên cơ sở các Quy định của pháp luật và Hiến chương Giáo hội.
Nhưng đây đó vẫn còn tình trang tiền hậu bất nhất, thời gian qua có nơi khi bổ nhiệm trụ trì một số ngôi chùa, vị trưởng BTS ở tỉnh đó không được tham vấn lấy một câu? Dẫn chứng này không phải là cá biệt.
Trong khi đó, với trường hợp vị giảng sư nêu trên đã có công huy động đàn na tín thí và nhân dân địa phương xây dựng xong ngôi chùa, được quần chúng nhân dân, Ban Hộ tự và chính quyền địa phương các cấp sở tại ủng hộ, riêng BTS Phật giáo tỉnh lại “cấm cửa”.
Trở lại ý kiến, điều kiện để bổ nhiệm trụ trì phải là ủy viên Hội đồng Trị sự? Điều này là trái nguyên tắc, vì nếu thế tất cả các trụ trì trên cả nước phải là Ủy viên HĐTS, sao lại lấy chức danh hành chính để áp vào tiêu chuẩn của một vị sư trụ trì?.
Được biết, hiện nay một số ý kiến khi nêu ra vấn đề với một vị sư nào đó thường được viện dẫn là có đơn thư phản ánh của quần chúng, nội bộ mất đoàn kết, vv…vv….Liệu đó có phải là cái cớ hay không, để cô lập và toa rập những vị không cùng cánh, không cùng “quyền lợi”.
Vì nếu đơn thư mà chưa có một cơ quan pháp luật Nhà nước kết luận, hoặc ở phạm vi Giáo hội chưa có kết luận thì lấy đâu ra cơ sở pháp lý để quy chụp cho uy tín của một vị giảng sư.
Hơn nữa, nếu nói theo đơn thư xin chia đều cho tất cả các vị có đơn thư, đừng vì ưa thì khóa nào cũng mở được, không ưa thì cửa nào cũng bị đóng lại.
Chỉ có quần chúng phật tử là hoài nghi, ngơ ngác không biết rõ về cấu trúc của tổ chức đang đại diện cho quyền lợi của tăng, ni, phật tử đang bảo vệ “ai” và đang hành “ai”?
Đúng là trong các kiếp nạn mà người tu phải trải qua, có muôn trùng, ngay cả thời đức Phật còn tại thế cũng thế mà nay cũng thế, nhưng kiếp nạn nào cũng có thể nhận dạng được, hóa giải được. Riêng kiếp nạn “mập mờ”, kiếp nạn “sư tử trùng thực sư tử nhục” là kiếp nạn mà một người tu, một số người tu phải trải qua thật khủng khiếp.
Với tất cả những câu hỏi nêu trên, không riêng gì trường hợp của vị giảng sư nêu trên mà dư luận đặt ra một loạt câu hỏi, có hay không việc bổ nhiệm người trong Giáo hội, đặc biệt là trong các đơn vị hành chính của Giáo hội cá biệt vẫn có tình trạng lợi ích nhóm, theo kiểu “tông – phái”, “đệ tử”, và “biết điều”?
Các trường hợp đó có được đưa ra bỏ phiếu trước tập thể hay không, có đơn thư phản ánh hay không, tiêu chuẩn mà họ đã được bổ nhiệm dựa trên sở cứ nào?
Không rõ ràng, có nhập nhằng. Ở đâu có tình trạng trên thì ở đó là vùng đất màu mỡ cho tình trạng cát cứ, phân chia và quản trị. Vì thành tựu thì dễ dàng nhận là của mình, hậu quả và sự cố thì đổ cho cơ quan liên đới. Đó là chưa kể đây đó vẫn còn não trạng quản trị là kích hoạt các mẫu thuẫn để dễ bề “thao túng”, dễ bề quản lý. Đó là chuyện có thể xảy ra trong cơ chế chằng chịt, song trùng mà những người chính trực thường là “nạn nhân”, những người có khả năng thu hút tín đồ thông qua khả năng hoằng pháp có thể trở thành “chướng tai, gai mắt”.
Trong khi đó, với tổ chức Giáo hội, nếu không có chế tài cụ thể trở thành chuẩn mực để áp dụng trong tất cả các trường hợp thì sẽ nảy sinh tình trạng, khi xuê xoa có thể bỏ qua, lúc cần lại có thể “nhân danh” đủ thứ để hạn chế sự phát triển, nếu sự phát triển đó không đảm bảo một số “lợi ích” của một số cá nhân chi phối tổ chức?
Ghi chú: Bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn và cách hành văn riêng của tác giả.