Chứng minh Đại lễ hội có sự hiện diện của chư tôn đức HĐCM, HĐTS TWGHPGVN, Ban Hoằng pháp TW, BTSPG tỉnh Kiên Giang: HT Danh Nhưỡng, HT Thích Trí Quảng, HT Thích Thiện Nhơn, TT Thích Bảo Nghiêm, HT Thích Thiện Pháp, HT Thích Thiện Tánh, HT Thích Thiện Tâm, HT Thích Thiện Duyên, HT Thích Trung Hậu, HT Thích Như Niệm, HT Thích Huyền Thông, HT Thích Danh Dĩnh, HT Thích Quang Nhuận…, cùng gần 1.000 chư Tôn đức Tăng Ni và khoảng 20.000 lượt Phật tử đến từ hầu khắp các tỉnh, thành hội trong nước và ở nước ngoài vân tập về ngoại hộ Phật sự.
Về phía các cơ quan Trung ương, có sự tham dự của ông Hà Văn Núi – Phó Chủ tịch UBTWMTTQVN, ông Bùi Hữu Dược – Vụ trưởng vụ Phật giáo Ban Tôn giáo Chính phủ, ông Trần Minh Chiến – P. Cục trưởng cục an ninh XH Bộ Công an cùng đại diện các ban ngành hữu quan ở TW, tỉnh Kiên Giang và các tỉnh lân cận.
Về phía tỉnh Kiên Giang có sự hiện diện của ông Trương Quốc Tuấn – UVTW Đảng, Bí thư tỉnh ủy; ông Lâm Hoàng Sa, ông Đào Nghĩa Nghiêm – nhị vị P. Chủ tịch UBND tỉnh; ông Phan Thanh Bình – Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch MTTQVN tỉnh Kiên Giang cùng đại diện các ban ngành Đảng, Chính quyền, Mặt trận cùng các đoàn đại biểu dân chính đảng của tỉnh đăng cai.
Đặc biệt còn có sự có mặt của các nhà tài trợ, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, đông đảo phóng viên báo chí, phát thanh, truyền hình …
Trước khi cử hành nghi lễ chính thức là một chương trình ca múa nhạc Phật giáo đặc sắc, ấn tượng, công phu, có chất lượng nghệ thuật và tâm linh mang đâm bản sắc văn hóa truyền thống miền tây Nam bộ với sự tham gia của gần 100 nghệ sỹ, Phật tử đến từ Trung ương, Tp. HCM và tỉnh Kiên Giang.
Lễ đài được trần thiết với quy mô rất lớn, với 5 cấp, cao rộng hoành tráng, rộng rãi an tọa cho hơn 200 vị đại biểu. 2 bên lễ đài là 2 màn chiếu bóng rất lớn để đồng bào có mặt trong sân xem truyền hình trực tiếp do đài truyền hình Kiên Giang thực hiện, cũng tức là đang có hàng chục triệu khán giả truyền hình được xem qua màn hình nhỏ.
Thời tiết đêm nay cũng an lành hơn cả sự mong đợi; cao và sáng, gió vừa để cờ phướn vờn nhẹ. Phải chăng trời đất hộ trì Phật sự, cảm thông lòng người, nhất tâm linh ứng (!)
Lãnh đạo chính quyền và chư tôn giáo phẩm cùng tháo khăn phủ để mở đầu một thời kỳ Hoằng pháp mới. Ảnh: Dân Trí
Sau nghi lễ chào Quốc kỳ, Phật kỳ, giới thiệu đại biểu và quan khách, Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm – Phó Chủ tịch, Trưởng Ban Hoằng pháp Trung ương, Trưởng Ban tổ chức tuyên đọc diễn văn khai mạc.
Trong diễn văn, thay mặt Ban hoằng pháp TW, Thượng tọa nêu bật ý nghĩa của công tác hoằng pháp nói chung và hội thảo lần này ở Kiên Giang nói riêng.
Diễn văn đã điểm lại quá trình nước ta được Đạo Phật truyền đến với các dòng, tông phái được ghi lại rõ ràng trong lịch sử .
Diễn văn khẳng định, kể từ ngày Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành lập đến nay, thực hành di huấn thiêng liêng của đức Thế Tôn, Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói chung, Ban Hoằng pháp nói riêng đã không ngừng phát huy tinh thần truyền bá chính pháp một cách phổ cập và trong sáng, thiết thực góp phần xây dựng ngôi nhà Giáo hội và đất nước ngày một phát triển.
Diễn văn nhấn mạnh, tùy theo phong tục tập quán mỗi địa phương khác nhau, mỗi vùng đất và quốc gia cũng có những nét văn hóa riêng. Với triết lý duyên khởi của đạo Phật đã được các thế hệ Tổ sư, các bậc tiền bối qua từng giai đoạn, từng thời kỳ lịch sử đã vận dụng vào đời sống tu tập và cống hiến cho đời. Có thể nói về hình thức thì khác nhau nhưng giống nhau về bản chất và đề cao triết lý nhân sinh, tính chân thiện mỹ và hướng tới cuộc sống an vui hạnh phúc cho con người.
Mục đích và nội dung HT Hoăng pháp lần này được Diễn văn chỉ rõ: Nâng cao hơn khả năng chuyên môn và kỹ năng, phương thức Hoằng pháp trong bối cảnh đất nước đang phát triển trên mọi lĩnh vực của cuộc sống. Với xu thế toàn cầu hóa việc phổ cập giáo lý Phật đến mọi tầng lớp nhân dân, mọi vùng miền của đất nước và đồng bào ta ở nước ngoài là việc cấp thiết; để cùng nhau học tập và hành trì chính pháp một cách thiết thực, nhằm đem lại sự an lạc, hạnh phúc trong đời sống hiện tại, góp phần xây dựng xã hội ngày một văn minh tiến bộ.
Thời khắc tuyên bố khai mạc đại lễ hội được thực hiện bằng nghi lễ thỉnh đại diện chư Tôn đức và quan khách mở khăn phát lộ mô – đun cách điệu bánh xe hoằng pháp – biểu trưng của Ban hoằng pháp trong ánh sáng chói lòa của 5 cây pháo sáng, với lời xướng trầm hùng ĐOÀN KẾT – HÒA HỢP – PHÁT TRIỂN CỦA Thượng tọa trưởng ban.
Ngay sau đó là nghi lễ niêm hương bạch Phật thiêng liêng và thành kính xin chư Phật gia hộ cho đại Pháp hội được thành tựu như Pháp.
Trong lời phát biểu chào mừng, HT Danh Nhưỡng – Phó Pháp chủ GHPGVN, Trưởng BTSPG Kiên Giang nhiệt liệt chào mừng chư Tôn đức Tăng Ni, quý vị quan khách, tứ chúng đệ tử Phật theo thiện nhân, thiện duyên vân tập về Kiên Giang.
HT khái lược giới thiệu về tiềm năng địa lý thiên nhiên du lịch, xã hội, con người và Phật giáo tỉnh nhà, với Hà Tiên bát cảnh, núi non sông biển tươi đẹp hiền hòa, chất phác mộc mạc, kiên cường giàu nghị lực…
Nối lời chào mừng mến khách là nghi lễ dâng hoa cúng dàng chư Tăng và tặng quan khách do gần 300 thanh nữ Phật tử áo dài tinh khôi thực hiện trong tiếng nhạc êm dịu với các bước đi nhẹ nhàng chậm rãi, thanh tịnh, như lắng lòng đại chúng, làm dâng lên trong lòng niềm thành kính vô biên.
Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Kiên Giang, ông Bí thư tỉnh ủy đã dâng lời chào mừng lên chư Tôn đức và nhân dân.
Ông nhiệt thành ca ngợi công đức của Phật giáo với đất nước và dân tộc trong suốt 2000 năm qua. Ngay ở tỉnh Kiên Giang, Phật giáo đã ôm ấp và che chở, là cơ sở CM kiên trung cho phong trào yêu nước qua các thời kỳ. Tấm gương yêu nước, thương nòi của nhiều nhà sư là niềm kiêu hãnh của quê hương.
Ông khảng định, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Kiên Giang luôn tạo mọi điều kiện cho Phật giáo phát triển: kiến tạo chùa chiền, tổ chức các hoạt động văn hóa Phật giáo (Sự ngoại hộ hiệu quả cho đợt hội thảo này chỉ là 1 minh chứng tiêu biểu), làm từ thiện, xây dựng khu dân cư văn hóa,v,v.
Ông nhận định, truyền thống hộ quốc an dân tới nay đã được nâng thành phương châm hành động ĐẠO PHÁP – DÂN TỘC và CNXH. Việc chúng ta chào mừng 1.000 năm Thăng Long cũng tức là tôn vinh Phật giáo.
Thay mặt chư Tôn đức, TT Bảo Nghiêm đã tặng hoa ghi nhận và cảm ơn ông Bí thư tỉnh đương cai Phật sự hoằng pháp.
Đan xen chương trình là các tiết mục văn nghệ, ca ngợi cảnh – người Kiên Giang duyên dáng, đằm thắm, ai đã đến một lần thì rồi bịn rịn chẳng muốn về.
Thay mặt BTC, TT Thích Tấn Đạt tuyên đọc báo cáo về công tác chuẩn bị và chương trình HT hoằng pháp trong gần 1 tuần này ở Kiên Giang.
Ông Hà Văn Núi cũng có lời phát biểu chào mừng. Hoằng pháp lần này được diễn ra trong bối cảnh rất đặc biệt, vừa xong kỷ niệm 35 năm non sông quy về 1 mối, chuẩn bị sinh nhật 2554 của Phật tổ.
Ông chúc PGVN đại đoàn kết, đại hoan hỉ. Có sự tương đồng giữa giáo lý từ bi, hỉ xả của nhà Phật với truyền thống nhân văn, nhân ái của dân tộc ta nên có sự gắn kết Đạo pháp với dân tộc để viết nên những trang sử oai hùng.
Sự kiện thống nhất Phật giáo ngày nay là một thành tựu vĩ đại; toại nguyện mong ước ngàn đời của biết bao thế hệ lịch đại Tổ sư Phật giáo Việt Nam.
Ông đánh giá cao thành công của các hoạt động truyền giáo do Ban Hoằng pháp chỉ đạo. Chúng đã đóng góp quan trọng cho sự phát triển của đất nước trong những năm qua. Thành tựu ấy đã khảng đinh sức mạnh của sự hòa hợp, khẳng định tinh thần nhập thế và đồng hành cùng dân tộc là căn cốt của Phật giáo Việt Nam.
HT Thích Quang Nhuận đã hoan hỉ thay mặt Chư tăng hiện diện tặng hoa ghi nhận thiện ý của ông P. Chủ tịch MTTQVN.
Tại đại lễ, BTC đã tặng quà từ thiện cho các đối tượng cần giúp đỡ. Phật tử Hương Giang – Người đẹp đẳng cấp thế giới đã được vinh hạnh mời lên lễ đài giúp việc cho chư Tôn đức tặng quà từ thiện. HT Thiện Nhơn, HT Giác Toàn tặng quà cho Mẹ VNAH tiêu biểu của tỉnh là Phật tử Võ Thị Kim Anh gần 80 tuổi.
HT Thiện Duyên đã trao quà cho 5 em học sinh giỏi vượt khó điển hình trong tỉnh.
HT Như Niệm và HT Danh dĩnh đã trao (tượng trưng) 200 căn nhà Đại đoàn kết cho 200 gia đình khó khăn. Ông Phan Thanh Bình – CTMTTQVN tỉnh Kiên Giang đã nhận ủy nhiệm.
Đại lễ hội đã trang nghiêm lắng nghe Đạo từ của chư Tôn Trưởng lão do HT Thích Trí Quảng tuyên thuyết. Ngài khẳng định: Hoằng pháp là nhiệm vụ căn bản của Tăng Ni Phật tử. Hội thảo hoằng pháp lần này tổ chức ở Kiên giang với chủ đề “Hộ quốc an dân” có ý nghĩa rất quan trọng. Thâu nhận tinh thần ấy, các nhà truyền giáo cần triển khai ngay ở đây, lúc này; đồng thời mang hạt giống giáo pháp ấy về gieo trồng, phát triển ở các nơi đang hoằng hóa trên cả nước. Các bài học quý giá mà các giảng sư học cần được mang về địa phương để hoằng pháp vì sự hưng thịnh của Đạo pháp và dân tộc.
Ngài khẳng định, trong quá khứ, các Thầy tổ đã hoằng pháp, hiện tại chúng ta đang tích cực tiếp tục. Công việc ấy của chúng được chính quyền và nhân dân đánh giá rất cao, đặc biệt là truyền thống hoạt động an sinh XH.
Ngài nhắc lại lời cố thủ tướng Võ Văn Kiệt đã nói với chư Tăng khi gặp gỡ: “Nhiều trong số chúng tôi còn sống tới nay là nhờ Phật. Trong thời hoạt động CM, khi chúng tôi bị cùng khốn, quẫn bách thì được nhà chùa mở cửa ra che chở, để rồi có sức, có cơ hội gây dựng lại. Nay có hộ trì được gì cho nhà Phật thì cũng chỉ là báo đáp 1 trong muôn một mà thôi”.
Ngài cho rằng, Phật giáo làm từ thiện là đóng góp thực tế cho XH. Sự phát triển của đất nước ta, dứt khoát sẽ có sự đóng góp to lớn của Phật giáo.
Hơn 2 giờ đã qua, thời khắc mãn hội đã điểm, sau lời cảm tạ của BTC và hồi hướng công đức về nơi vô biên là chương trình nhiễu xe hoa của 14 huyện, thành, thị của tỉnh Kiên Giang chào mừng thành công của đại lễ. Mỗi xe mỗi vẻ đẹp, mang lại hình ảnh hòa hợp đa dạng.
Trên sân khấu lễ đài đang tưng bừng màn múa trống rộn ràng của các nam thanh nữ tú Phật tử là đồng bào dân tộc Khơ me. Đồng thời đoàn rước chư Tôn đức với hơn 200 lọng vàng trang nghiêm từ từ, ngay hàng thẳng lối tiến về lễ đài.
Các đại biểu và đại chúng nấn ná ra về trong lời ca rộn rã do các ca sĩ Phật giáo, rất chuyên nghiệp thể hiện, ca ngợi Đất Người Kiên Giang tươi đẹp mộ Phật, yêu nước, đang tích cực góp phần trang nghiêm Phật độ trên đất nước Việt Nam thống nhất; ca ngợi công hạnh bất khả tư nghị của chư Tăng Việt Nam HỘ QUỐC AN DÂN gửi gắm qua nhạc phẩm “Thiền sư chùa Đậu” do ca sỹ Phật tử Phi Hùng thể hiện./.