Với lượng du khách hàng trăm ngàn người đổ về mỗi năm, khu di tích Yên Tử trở thành một điểm sáng du lịch, lịch sử quốc gia thu hút không chỉ du khách trong nước và quốc tế.
Với ý nghĩa lớn lao về văn hóa và lịch sử dân tộc gắn với tên tuổi của vị vua – người khai sáng thiền phái Trúc Lâm, khu di tích Yên Tử nhận được sự quan tâm lớn của Nhà nước nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói riêng.
Kết thúc dịp lễ hội xuân Yên Tử 2011 vào cuối tháng 5 vừa qua, ông Đặng Huy Hậu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã có ý kiến chỉ đạo việc xúc tiến đầu tư tại khu di tích Yên Tử.
Việc đầu tư lớn cho khu di tích Yên tử rất quan trọng, nhưng quan trọng không kém là bảo vệ để phát huy giá trị khu di tích. Có những thời điểm công luận lên án về tình trạng xâm hại nghiêm trọng khu di tích này.
Thời gian qua, bằng các biện pháp mạnh, các lực lượng chức năng TP. Uông Bí đã quản lý khá hiệu quả việc khai thác lâm sản, khoáng sản tại khu vực này.
Nhận thức ý nghĩa quan trọng của giá trị văn hóa phi vật thể của khu di tích, UBND tỉnh Quảng Ninh, Ban Quản lý di tích Yên Tử đang tiến hành lập hồ sơ công nhận Trần Nhân Tông là danh nhân thế giới.
Theo Thượng tọa Thích Thanh Quyết: Công việc tôn vinh danh nhân Phật hoàng Trần Nhân Tông được tiến hành bài bản từ khi tổ chức Hội thảo nhân 700 năm ngày mất của Phật hoàng (năm 2009). Việc lập hồ sơ trình tổ chức Unesco công nhận Trần Nhân Tông là danh nhân văn hoá thế giới đã chính thức được khởi động từ năm 2010.
Theo Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo: Đến thời điểm này mọi công việc, đơn vị thực hiện đã lên kế hoạch cụ thể. Sắp tới đây Tỉnh hội sẽ phối hợp với Ban Quản lý các di tích trọng điểm tỉnh nhờ các chuyên gia, nhà nghiên cứu đầu ngành trong và ngoài nước nghiên cứu cuộc đời và sự nghiệp Phật hoàng Trần Nhân Tông, tiến tới tổ chức hội thảo khoa học quốc tế.
Song song với việc tôn vinh, quảng bá ra thế giới, việc đúc tượng đồng Phật hoàng Trần Nhân Tông cũng được UBND tỉnh Quảng Ninh, Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh và Ban Quản lý khu di tích chú ý.
Việc xây dựng và đúc tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông trên đỉnh An Kỳ Sinh được giao cho Ban trị sự Tỉnh hội Phật giáo Quảng Ninh. Ngày 22-4, đơn vị thi công đã cho nấu thử mẻ đồng nặng 7 tấn để thử nghiệm về các chỉ tiêu xây dựng, như kỹ thuật đúc, lò nấu, giàn giáo… trên đỉnh núi.
Kết quả mọi công đoạn đúc thử đều diễn ra suôn sẻ. Đến nay có thể khẳng định trong điều kiện thời tiết bình thường, ở độ cao trên 1.000m so với mặt nước biển, việc đúc tượng Trần Nhân Tông theo thiết kế công nghệ đúc liền khối, trực tiếp trên bệ tượng, chắc chắn sẽ thành công.
Cũng theo Tỉnh hội Phật giáo, sau các bước thử này, việc đúc tượng Trần Nhân Tông nặng gần 100 tấn, cao trên gần 15m (cả bệ tượng và đài sen) sẽ chính thức bắt đầu.
Về phía doanh nghiệp khai thác du lịch lễ hội tại khu di tích, Công ty Phát triển Tùng Lâm sẽ phải tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh phương án sắp xếp lại hệ thống dịch vụ tại Yên Tử.
Trong đó quy hoạch lại bãi đỗ xe, di chuyển dịch vụ ăn uống tại chùa Hoa Yên xuống khu vực sân bãi đỗ xe.
Thực tế hiện nay hệ thống dịch vụ Yên Tử còn manh mún, nhỏ lẻ và chưa được bố trí hợp lý. Đặc biệt hoạt động của một số nhà hàng kinh doanh ăn uống tại khu vực chùa Hoa Yên rất phản cảm, thiếu mỹ quan.
Điều này dẫn đến bất cập trong quản lý và tạo nên hình ảnh không đẹp về Yên Tử đối với du khách. Bởi vậy, việc sắp xếp lại hệ thống này là yêu cầu bức thiết và đã được đặt ra từ lâu.
Tuy nhiên, theo đại diện Công ty Phát triển Tùng Lâm: Do còn chờ phê duyệt quy hoạch tổng thể mở rộng Yên Tử nên chưa thực hiện được. Mặc dù vậy, trong năm nay phần việc này cũng sẽ được triển khai một cách tích cực nhất.