Trang chủ Nghiên cứu Triết học Không và sắc trong Phật giáo

Không và sắc trong Phật giáo

208

Ngũ hành có thể giải nghĩa “sắc không” một cách giản dị, từ đó cho phép ta hiểu sâu hơn “không sắc”, dần dần tự mình tu tại gia, mang lại niềm hạnh phúc cho chính tâm hồn mình và sự yêu thương cho đồng loại.

“Sắc” là những vật thể hiện hữu có sắc mầu, có hình thể, có thể cảm nhận được. Mở rộng ra “sắc” là mọi thứ trên đời. “Không” là mặt đối lập của nó. Mặt đối lập ấy là một thùng chứa “trống không”. Nhưng thùng chứa ấy là cái gì, nằm ở đâu? Để tìm bản chất của cái thùng “trống không” ta sẽ phân tích như sau.

Trước hết, ta hãy bắt đầu bằng nhịp điệu tích/tản. Con người hơn mọi vật khác là có tới bốn cấp độ tích/tản. Giống như các vật thể vô tri, con người tích/tản trường tế vi. Như cây cối, con người tích/tản khí. Như động vật con người tích/tản chất (thực phẩm). Và hơn cả mọi loài, con người còn tích/tản thông tin dưới mọi hình thái.

Ta tự hỏi, đối với trường tế vi, khí và chất (dinh dưỡng) ta có thể tích được bao nhiêu. Cái đó tùy người. Nhưng với người to béo và cả người gầy ốm nữa, mỗi chúng ta không thể tích quá nhiều hơn kẻ khác ba loại vật chất ấy. Ba loại vật chất ấy tích vào bao nhiêu thì phải tản ra bấy nhiêu, để đạt sự cân bằng. Ba quá trình tích/tản đó gọi là tích/tản cân bằng tĩnh. Vì trường tế vi nếu tích/tản không cân bằng thì ta nóng đổ mô hôi hoặc chết rét. Đối với khí (không khí) cũng vậy, tích nhiều lắm thì cũng chỉ bằng dung tích của lá phổi, ngược lại khi tích được dưới mức cân bằng ta sẽ phải thở ô xy (khi ốm chẳng hạn), nếu không ta sẽ chết. Còn chất dinh dưỡng, dù có bổ béo cũng không thể tích quá nhiều.

Tuy nhiên, gọi ba quá trình tích/tản trên là cân bằng tĩnh cũng còn hàm nghĩa là có thể tích hơi nhiều hơn tản vẫn chấp nhận được trong thời gian nào đó. Chẳng hạn, nếu tích thực phẩm quá nhiều mà không tản hết (thành dưỡng chất qua thành dạ dày, thành bã thải qua cơ quan bài tiết), thì lượng dư có thể đọng lại trong các mô mỡ, hoặc sinh thành sỏi thận, hay thành cặn đóng thành mạch máu,… Lượng dư ấy sẽ giết chết ta một cách dần dà, chứ không phải ngay lập tức. Lượng dư của quá trình tích/tản có thể được phép ở lại trong cơ thể một thời gian nào đó. Thời gian lưu trú lượng dư của ba loại tích/tản này rất quan trọng. Nếu ngắn thì ta khỏe mạnh, hào sảng và minh mẫn, nếu lâu quá thì ta dần dần mắc bệnh tật, ốm đau.

Như vậy, nếu chúng ta có thể thực hiện ba bậc tích/tản sơ cấp (trường, khí, chất) một cách cân bằng thì cái thùng chứa thân thể không bị dày vỏ thêm. Nó vẫn là “không”. Trường hợp hai vị thiền sư chùa Đậu, Hà tây, là một minh chứng hùng hồn về cái vỏ không thân xác đó. Thân xác của hai vị này (Vũ Khắc Minh tự là Đạo Chân, Vũ Khắc Trường tự là Đạo Tâm) là mượn của tự nhiên. Khi còn sống hai vị thiên sư đã dùng cái vỏ vay mượn đó để thực hiện các phép tích/tản. Khi biết sắp chết họ đã tiến hành phép tích từ từ và tản bằng lửa tam muội để hóa phủ tạng và óc não, chỉ để lại xương cốt và yêu cầu học trò dùng sơn ta và giấy bản bồi đắp thành tượng. Phép “hóa”, mà dân ta dùng một cách thành kính đối với các vị thần thánh, trong trường hợp này chính là phép biến đổi vật chất (phủ tạng, gan ruột, tim óc,…) thành năng lượng, dưới dạng “khí” rồi từ từ tản ra không gian xung quanh. Hai vị thiền sư Đạo Chân và Đạo Tâm thực sự đã đạt đến nghệ thuật bậc cao của phép tích/tản, và tấm gương tích/tản của hai vị chính là bảo bối văn hóa cao quí của dân tộc Việt nam.

Cuối cùng, để tìm ra chân tướng của cái “không” Phật giáo, chúng ta phân tích nhịp điệu tích/tản thông tin. Gặp một Giáo sư trong hành lang trường Đại học, ta dừng lại nói: “Kính chào Giáo Sư”. Đó là tích hình ảnh, tản âm thanh. Đọc một quyển sách cũng là tích hình ảnh các con chữ và tản ra bài phê bình, (chẳng hạn). Đó là tích/tản thông tin. Thời gian lưu của thông tin vừa tích vào tại não bộ có thể rất dài lâu, chẳng hạn một áng văn thơ tuyệt tác ta có thể nhớ suốt đời. Nhưng thời gian lưu thông tin cũng có thể rất ngắn, như các thông tin về giá vàng lên xuống hàng ngày. Các thông tin lưu trữ được cất vào bộ nhớ, một phần khá lớn chìm xuống tiềm thức. Nhưng dù có mổ óc ra ta cũng không tìm thấy các thông tin đó dưới dạng vật chất, ngoài những nếp nhăn nhằng nhịt trên hai bán cầu đại não. Gần như, quá trình tích/tản thông tin không làm cho bộ não nặng thêm về mặt vật chất. Cho nên, có thể nói quá trình tích/tản thông tin vẫn bảo toàn cái “không” vật chất của bộ não. Nhưng nếu, tích/tản thông tin để mưu cầu sự giầu có và quyền lực cho cá nhân, thì khối thông tin đó đã trở thành “sắc”. Khối thông tin tích được đó, ngày đêm quằn quại trong tâm trí ta, hun đúc thành kế hoạch (plan) hoặc âm mưu (conspiracy). Nếu ta không thể tản cái kế hoạch hoặc âm mưu ấy ra thì tâm hồn ta là “sắc”, không còn là “không” nữa. Ngược lại, cái khối thông tin tích lũy được trong tâm trí ta là những tri thức có thể mang đến sáng tạo và yêu thương thì ta luôn sẵn sàng tản. Lúc đó, hồn ta là “không”, vì cái tích vào đã được tản ra. Để có thể vươn tới cái “không” Phật giáo thì phép tích/tản thông tin của con người phải dựa trên cơ sở vị nhân sinh.

Như vậy, con người là một bộ tích/tản. Thân xác ta là bộ tích/tản có công suất hữu hạn, còn óc não ta lại là bộ tích/tản dường như vô hạn.

Vì bộ não được coi là bộ tích/tản vĩ đại, nên lượng tích tản ấy ngang trời và ngang cả đất nữa. Do đó, con người được coi là một trong tam tài (thiên, địa, nhân). Vì vậy mà người xưa đã ví cái thân xác bé nhỏ của ta ngang với trời đất. (Nhưng, cũng phải mở ngoặc, một đại phú hào như Hòa Thân bên nhà Thanh Trung quốc, một đời tích biết bao vàng bạc châu báu, biết bao sản vật, nhưng chưa chắc đã được xếp vào hàng tam tài, mặc dù ngài có quyền lực cực kỳ lớn với người và có sở hữu cực kỳ nhiều với vật).

Vậy, chúng ta đã có thể tìm được bản chất của cái thùng chứa “trống không” rồi. Đó chính là thân xác ta và óc não ta. Lúc ta mới sinh ra đời, bắt đầu khởi hành vào cuộc đời này, cái thân xác bé nhỏ của ta chính là cái thùng chứa trống không theo nghĩa Phật. Nó là “không”, ngay tại khi ta bắt đầu các nhịp điệu tích/tản, bằng tiếng khóc chào đời, bằng hành vi tìm vú mẹ.

Trong quá trình thực hành các nhịp điệu tích/tản bốn cấp, dần dần cái thùng chứa có thể không còn là “không” nữa. Nó có thể chứa đầy lòng tham, sự đố kỵ, mối hận thù,… Tu Phật là làm cho thân xác ta trở về “không”, trở về nguyên vẹn là một cơ phận chuyên dùng để vận hành các quá trình tích/tản. Cái vỏ thùng có thể cân nặng vài chục kilo đấy, nhưng vài chục kilo đó là của mẹ cha ban tặng, và là sự vay mượn của trời đất. Nghĩa vụ của ta trên đời này là tích để rồi tản ra các giá trị mới, sáng tạo ra các công trình làm đẹp cho đời. Nghĩa vụ ấy là dùng “không” sáng tạo ra “sắc”. Tuyệt nhiên không phải là tích “sắc” vào để trở thành giàu có và danh vọng. Làm như vậy, cái vỏ thùng luôn sạch bong, không có bất kỳ hạt bụi tham sân si nào đóng cắn trên thành vách cả. Nghĩa vụ của ta là thực hiện cái vòng Ngũ hành: Tích, Tản, Sinh (Kim, Thủy, Mộc). Về với Phật, biến mình thành “không” là đi theo con đường của Đạo : “Đạo sinh một, một sinh hai, hai sinh ba, ba sinh vạn vật”. [1]

Vậy, “không” đối với Phật giáo chính là thân xác và tâm trí con người. Nó vốn là “không” khi ta mới sinh thành, nó trở thành”có” khi ta không biết tích/tản một cách đúng mức. Một người tích được nhiều của lắm tiền, mà không tản yêu thương, thì tâm trí nặng nhọc, không nhẹ nhàng, cái “không” biến thành “sắc”. Khi gột rửa được tham sân si, tâm trí nhẹ nhàng, thân thể thanh thoát, “sắc” dần về “không”. Người mà biết giữ nhịp điệu tích/tản nhịp nhàng, sống ung dung, tự tại, gặp nghịch cảnh vẫn an nhiên thì dần về cõi Phật, dần về niết bàn, ngay cả khi còn tại thế. Họ không phải chờ một thiên đàng sau cái chết.

Vậy, triết lý của Phật chính là biết tích “sắc”, lại biết tản “sắc” để giữ trọn cái “không”.