Trang chủ Diễn đàn Không thể tùy tiện trong lựa chọn và sử dụng giảng viên...

Không thể tùy tiện trong lựa chọn và sử dụng giảng viên tại các học viện Phật giáo

6965

Các học viện Phật giáo là nơi trồng người, lại là trồng nhà sư – những trưởng tử Như Lai, thì chất lượng đào tạo, đặc biệt là chất lượng giảng viên phải được đặt ưu tiên và quan tâm hàng đầu.

Chất lượng giảng viên sẽ quyết định chất lượng và hiệu quả đào tạo, sẽ ảnh hưởng đến nhận thức, năng lực (bao gồm kiến thức thế học và Phật học, kỹ năng tu tập, hoằng pháp và quản lý tự viện) và đạo đức của cả một thế hệ tăng ni sinh. Thịnh hay suy của Phật giáo phụ thuộc phần nhiều vào việc giáo dục Phật giáo này.

Yếu tố đầu tiên trong lựa chọn giảng viên là bằng cấp. Tiêu chuẩn chung của hệ thống giáo dục đại học là thạc sĩ mới được giảng dạy hệ cử nhân, tiến sĩ mới được giảng dạy hệ sau đại học (bao gồm cao học và nghiên cứu sinh).

Tại Việt Nam, không thiếu chư Tôn đức có bằng thạc sĩ, tiến sĩ, chưa kể các giảng viên bên ngoài. Vì vậy, không thể hiểu nổi một người chưa từng qua trường lớp Phật học lại được giao dạy môn học Thành duy thức luận, một môn học khó hàng đầu; thậm chí lại được giao dạy thay một vị giảng viên là Tiến sĩ như đã xảy ra tại một Học viện Phật giáo phía Nam.

Việc giao một người vắt mũi chưa sạch, chưa qua trường lớp nào dạy thay một vị tiến sĩ cho thấy một hoặc một số khả năng sau: (1) coi nhẹ chất lượng môn học; (2) coi thường học viên; (3) coi trình độ về nội dung đào tạo của người đó ngang bằng với trình độ của vị tiến sĩ giảng viên kia (thì mới được dạy thay); (4) quá chú trọng đến hình thức, bề nổi; (5) cát cứ, bè phái trong lựa chọn giảng viên.

Đây đúng là hy hữu, có một không hai, hiếm có khó tìm, nó phản ánh tâm, tầm và trách nhiệm của người lựa chọn giảng viên như thế nào.

Trong trường hợp giảng viên không có bằng cấp tương ứng (điều này có thể xảy ra trong các môn học nội điển), thì giảng viên phải được lựa chọn thông qua một hội đồng khoa học, phải có các công trình, tác phẩm liên quan được công nhận rộng rãi, phải có lý lịch khoa học rõ ràng.

Yếu tố thứ hai khi lựa chọn giảng viên Tăng sĩ, nhất là khi dạy các môn nội điển, đó là hạ lạp, là thời gian, năng lực và kinh nghiệm tu tập, tu chứng.

Dạy học, nhất là dạy trong trường Phật học không đơn thuần là truyền đạt kiến thức, mà còn là định hướng tư tưởng, đường lối tu tập, chia sẻ kinh nghiệm tu học và thực chứng. Một người chưa thọ giới tỷ khiêu, thậm chí giới sadi, lại đứng lớp các môn nội điển trong một “thánh đường” tri thức Phật học thì quả thật cười ra nước mắt.

Yếu tố thứ ba khi lựa chọn giảng viên, có liên quan mật thiết đến yếu tố thứ hai, đó là đạo đức, sự gương mẫu, hay còn gọi là thân giáo, nhờ thế mới được sinh viên, Tăng Ni sinh gọi là “Thầy”. Yếu tố này không cần phân tích thêm.

Khi coi trọng 3 tiêu chuẩn trên, thì quá trình tuyển chọn, thẩm định và sử dụng giảng viên phải được thực hiện nghiêm túc, công khai, minh bạch. Chất lượng giảng dạy phải được đánh giá bởi học viên, phụ trách bộ môn và học viện.

Nhân đây, con cũng kêu gọi các vị cao Tăng thạc đức như Hòa thượng Tuệ Sỹ… bỏ qua dị biệt về tổ chức, hệ phái, vì thế hệ Tăng Ni sinh, vì tương lai Phật giáo Việt Nam mà hoan hỉ tham gia giảng dạy tại các trường Phật học.

Để kết thúc bài viết này, tôi xin chia sẻ tiêu chuẩn lựa chọn giảng viên nội bộ, dạy chuyên môn nghiệp vụ trong một doanh nghiệp, mà nếu chúng ta không bằng họ, thì sự nghiệp giáo dục Phật giáo đi về đâu?

Tiêu chuẩn đối với giảng viên
1. Điều kiện bắt buộc
i. Có trình độ, bằng cấp phù hợp với đối tượng, yêu cầu đào tạo.
ii. Có kiến thức chuyên môn và nghiệp vụ chuyên sâu về lĩnh vực tham gia đào tạo.
iii. Có kinh nghiệm thực tế trong lĩnh vực chuyên môn thuộc chủ đề, nội dung giảng dạy ít nhất 3 năm.
iv. Có phẩm chất đạo đức tốt.
v. Đã được đào tạo về kỹ năng thuyết trình và giảng dạy.
vi. Được Trung tâm Đào tạo cấp chứng chỉ Giảng viên nội bộ (đối với giảng viên kiêm nhiệm)
2. Trường hợp giảng viên được lựa chọn không đáp ứng các điều kiện nêu tại điểm 1 mà Trung tâm Đào tạo vẫn kiến nghị sử dụng thì phải được Tổng Giám đốc xem xét, phê duyệt trước khi tham gia giảng dạy.”

Chính Pháp Trần Trọng Hoàng