Xưa có một vị hiền nhân, cảm thấy dục vọng rất đáng sợ nên quyết chí lìa tục vào thâm sơn cùng cốc tu hành. Tu được mấy mươi năm, ông cảm thấy tự tin nên tuyên bố là mình đã đoạn trừ hết dục vọng, mọi người rất ngưỡng mộ, tôn ông là Thánh.
Một ngày nọ, ông dẫn đồ đệ hạ sơn vào phố thị. Trên đường, tình cờ hai thầy trò gặp một giai nhân có dung mạo khả ái như tiên giáng trần. Nàng đẹp đến nỗi trong phút giây tương ngộ đó thánh nhân bỗng… đâm ra mụ mẫm cả người, sóng tình trong lòng trào dâng cuồn cuộn, ồ ạt như giông tố, hồn phách xiêu giạt ngả nghiêng, tâm tư xao xuyến muốn hóa điên hóa dại, lửa tình trong ông đang hừng hực cháy, thiêu đốt tâm can…
Song trong giây phút khuynh đảo đó, ông đã cố hết sức để cảnh tỉnh mình, ráng thu hồi… hồn phách, quýnh quáng lôi tuột đệ tử đi, dù đã chấn chỉnh oai nghi song ông vẫn bước loạng choạng trên đường về núi.
Ðệ tử nhìn thấy sư phụ mặt mày thất sắc, lúc xanh lét lúc đỏ hồng, bộ dạng kỳ quái, lòng rất là thắc mắc.
Thánh nhân dẫn đệ tử về tới thảo am rồi, sau một hồi thở dốc, ông nghiêm trang bảo đệ tử:
– Ðường tu lắm nỗi gian nan, nếu thấy cái gì nhiễu loạn sự thành đạo của chúng ta, thì phải lo mà hủy diệt nó cho lẹ. Hôm nay, con mắt ta suýt chút nữa hại ta rơi vào nẻo tà, bởi vậy ta sẽ hủy nó đi!
Nói xong, thánh nhân dùng tay móc bỏ đôi mắt mình.
(Kể theo Truyện ngụ ngôn của Lâm Thanh Huyền)
BÀI HỌC ĐẠO LÝ:
Con mắt làm sao có thể khiến chúng ta rơi vào nẻo tà được? Dẫn chúng ta vào nẻo tà, chính là vọng tâm của chúng ta!
Khi chúng ta bị khuynh đảo, bị xao xuyến, đắm trước… điều cần làm không phải là phá hủy hay bịt các giác quan lại mà phải nhìn thấu triệt cơn mê của mình, nếu biết nhìn, theo dõi được những niệm vi tế đang diễn hành trong tâm, thì mình hóa thành chủ của những vọng niệm đó (không còn bị nó sai khiến nữa), khi là kẻ đang nhìn (vọng niệm) thì ta sẽ thoát ra ngoài sự đồng hóa của nó.
Khi cơn giận hay niệm yêu trổi lên, tên gọi tuy khác nhưng năng lượng chỉ một. Khi sân, ta lao theo, thì ta là niệm sân đó, ta đồng hóa mình với niệm sân tất nhiên sẽ bị kích động, bị mệt mỏi và hung hãn theo lửa sân đang bốc cao, nó bốc tới đâu, tự ngã ta bốc lên tới đó. Lửa sân hay lửa tình đều là lửa, có thể giúp người nhưng cũng có thể… hại chết người.
Như dòng điện chuyền vào quạt, gọi là quạt điện, vào bàn ủi gọi là ủi điện v.v… tên gọi tuy khác, dòng điện chỉ là một. Người có năng lượng hay “dòng điện” mạnh không phải là cái lỗi, mà lỗi là để điện hại chết mình và người.
Những người tài ba thường có “dòng điện” rất mạnh, vì vậy mà họ dễ nóng tính, dễ xao lòng… và cũng dễ thành đạo một khi dòng điện được chuyền vào nẻo tốt.
Các bậc Thánh tu đạo là người có “dòng điện” cực mạnh, song các ngài biết điều khiển nó vào công cuộc phụng hiến vĩ đại, đem hết khả năng phục vụ khắp thế nhân.
Bởi vậy, kinh Pháp Cú nói “Tâm làm chủ, tâm dẫn đầu”. Biết nhìn vọng niệm diễn hành trong tâm, không lao theo, không đuổi, không nhận… ta mới có được niềm bình an, mới hiểu câu “tâm bình thường là đạo”! Như một người bị vật giữa muôn ngàn cơn sóng cuồng (khi biển động) rồi sau đó trèo được lên bờ và thanh thản đứng nhìn những đợt sóng hung hãn đuổi nhau.
Cảm giác bình an cũng giống vậy, khi ta lao theo dục vọng thì ta giống như kẻ trầm mình trong biển động bị sóng nhồi, khi ta nhìn được những dục niệm đang khởi ồ ạt đó, nhìn lặng lẽ không lao theo, thì ta giống như kẻ bàng quan, không còn là người trong cuộc, ta hóa thành kẻ bình thản đứng bên lề nhìn sóng cuộn, không còn bị nó tác động, chi phối, nhồi, vật…
Cho nên, không cần phải hủy giác quan, không phải tại cơ quan nào hết, mà chỉ cần biết nhìn thấu đáo, tức khắc ta sẽ thấy mình thoát ra, đứng bên lề dục vọng, tận hưởng cảm giác tĩnh lặng, bình an.
Song kinh nghiệm này không thể nói hay để đọc qua loa, mà phải có tu tập, trải nghiệm và thân chứng. (Mà nếu ta đã “thử nhìn” mà vẫn chưa nếm cảm giác bình an là do nhìn chưa đúng cách thôi).