Trang chủ Diễn đàn Không phải là sư giả mà là tín đồ mặc áo tu...

Không phải là sư giả mà là tín đồ mặc áo tu sĩ xin ăn

135

Gần đây, ở một số địa phương, nạn sư giả xin tiền được cho là đã phần nào giảm bớt. Một phương cách giải quyết được chú ý là chứng minh là sư giả bằng cách cùng công an tạm giữ, truy xét giấy tờ.

Đây là điều đáng mừng. Tuy nhiên, thực tế không đơn giản chỉ có hướng giả sư để khắc chế theo hướng chứng minh là sư giả, từ đó có biện pháp xử lý.

Bài viết này nêu một dạng thức khác của sư giả, là tín đồ thật (có giấy tờ) nhưng mặc quần áo tu sĩ để xin tiền và họ không tự  nhận là sư nếu bị xét hỏi, chỉ tự nhận là “tu” chung chung. Đây là một cách thức đáng quan tâm để tìm giải pháp căn cơ.

Mục tiêu của những người bất hảo mà chúng ta đang nói đến là xin tiền, giả mạo làm tu sĩ Phật giáo chỉ là phương tiện. Trường hợp họ không tự nhận là sư khất thực, khi bị giữ chỉ nói mình là người tu, cũng phủ nhận việc xin tiền, thì cần giải quyết ra sao?

Vấn đề cần được thảo luận thấu đáo, vì nó tế nhị, phức tạp và khó xử hơn so với trường hợp tự nhận là tu sĩ Phật giáo nhưng không chứng minh được.

Đó là những người có giấy xác định là tín đồ (phái quy y) để cầm theo và xuất trình khi cần thiết. Họ cạo đầu, mặc áo tràng lam hay nâu, áo vạt mẻ…, là những loại quần áo người tín đồ Phật giáo vẫn mặc phổ biến lẫn lộn với tu sĩ.

Họ xin tiền, nhưng tay cầm thẻ nhang. Có người đội nón lá, khi ngửa nón giơ tới trước, họ là người xin tiền. Khi đội nón, cầm thẻ nhang, họ là người bán. Như vậy, về hình thức, những người này có thể dễ dàng di động qua lại giữa người tu sĩ/người tín đồ và người xin tiền/người bán hàng rong.

Ở trường hợp có chủ ý giả dạng tu sĩ Phật giáo, tự khẳng định là tu sĩ Phật giáo khi bị xét hỏi, đương nhiên người giả dạng rơi vào tình trạng gian dối, có mặc cảm gian dối, tội trạng rành rành, rất dễ xử lý việc giả mạo.

Nhưng ở trường hợp họ chỉ tự coi là người tu (hiểu là tín đồ hay tu sĩ đều được), mặc áo tràng, áo vạt mẻ theo thông lệ Phật giáo, đầu cạo trọc như một kiểu tóc (cạo trọc nay đã là hình thức tóc rất phổ biến), chuyển đổi một cách đơn giản giữa xin tiền và bán hàng, thì phải  giải quyết ra sao?

Xét về lý, họ không nhận là tu sĩ, mà nhận là cư sĩ, thì không có điều gì giả mạo.

Còn xin tiền ngụy trang bán hàng rong là dạng thức rất phổ biến hiện nay, nhất là ở những tỉnh thành cấm người ăn xin. Giấy thông hành để đi xin tiền có thể chỉ là vài tờ vé số, có thể vài thỏi kẹo, trị giá vài chục ngàn đồng, để khi cần thì trưng ra nói mình đi bán. Phía xử lý, dù biết là chỉ với một bàn tay xòe ra, người bán hàng sẽ chuyển ngay thành người đi xin, nhưng rất khó đối xử với họ như người ăn xin.

Vấn đề dần dần hiện rõ với chính cái khúc mắc nằm ở ngay Phật giáo Việt Nam. Chính Phật giáo Việt Nam có tình trạng người tín đồ có thể mặc y phục của người tu sĩ. Chỉ cần cạo đầu trọc nữa thôi là ở nhiều trường hợp ăn mặc, rất dễ lẫn lộn người tín đồ thành người tu sĩ không khác. Cái khó là họ vẫn không phải là người giả mạo. Kỹ thuật chuyển dạng giữa người xin tiền và người bán hàng là không khó gì. Bùa hộ mệnh là vài thẻ nhang trong túi vải nâu tu sĩ. Nếu có bị giữ, họ khẳng định mình là tín đồ đi bán nhang, đầu trọc và áo tràng không phải là sư giả mạo, vì trong hoàn cảnh Việt Nam, đó không phải là đặc trưng riêng chỉ có ở tu sĩ Phật giáo.

Như vậy, vấn đề trở về lại trong tay chính Phật giáo Việt Nam. Ngày nào ở Phật giáo Việt Nam còn tập quán người tín đồ trang phục như tu sĩ, với áo tràng, áo vạt mẻ, thì ngày đó vẫn còn dạng sư giả nhưng bề ngoài là không phải giả. Thực chất, đó là tu sĩ tín đồ trang phục lẫn lộn, ngay cả văn bản hành chính của Phật giáo cũng cho phép trang phục như vậy, gọi đó là tịnh nhân. Mặc trang phục “tịnh nhân” nếu đi bán hàng rong, thì bề ngoài vẫn có thể, vẫn không phải sư giả. Thế thì, làm sao giải quyết?

Có lẽ ngày trước chư tổ khi chế định y phục người tu tại chùa đã không tiên lượng tình huống nếu để người tín đồ mặc, sẽ rơi vào cảnh tăng tục lẫn lộn, rồi tệ hơn có người lợi dụng hình thức được cho phép đó đi xin tiền, làm ảnh hưởng xấu đến đạo Phật. Điều này tuy bây giờ có thể điều chỉnh, nhưng xem ra không khả thi, vì việc tín đồ mặc áo tràng, áo vạt mẻ, cả áo nhật bình (có cách điệu, làm khác đi đôi chút), là xu hướng đang phát triển. Xu hướng này tất nhiên sẽ dẫn đến việc giả sư nhưng không thể buộc tội giả sư . Nó trầm trọng hơn, phức tạp hơn, bế tắc hơn.