Trang chủ Diễn đàn Không nên xây tháp thờ trái tim Bồ tát Quảng Đức ở...

Không nên xây tháp thờ trái tim Bồ tát Quảng Đức ở vùng hẻo lánh – Bài 2

113

1) Không chỉ là vấn đề tôn giáo

Khi những nhà lãnh đạo Phật giáo Việt Nam bàn việc xây tháp phụng thờ quả tim bất diệt của Bồ tát Thích Quảng Đức đặt tại xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TPHCM có thể đã là chỉ xét vấn đề ở khía cạnh tôn giáo, nghĩ đến việc thờ như thờ Phật.

Nhưng trái tim bất diệt của Bồ tát Thích Quảng Đức không chỉ giới hạn tác động ở chiều kích tôn giáo.

Chúng ta lưu ý, đã hơn 50 năm, trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức đã được bảo quản trong điều kiện an ninh nghiêm nhặt cao nhất có thể có được. Và không có thể có biện pháp nào chặt chẽ hơn: giữ trong két sắt ngân hàng.

Chúng ta suy nghĩ sâu hơn: tại sao chư tôn đức lãnh đạo Phật giáo miền Nam lúc bấy giờ đã chọn cách bảo quản như thế, thay vì lưu giữ ở chùa và thờ phụng như xá lợi một thánh tăng? Và hiện nay nhà nước vẫn tiếp tục biện pháp bảo vệ nghiêm nhặt như vậy, thậm chí, từ khước việc triển lãm.

Đó là vì chư tôn đức giáo phẩm Phật giáo miền Nam và nhà nước đều đã thấy ở quả tim Bồ tát Thích Quảng Đức, ngoài vấn đề tôn giáo, còn là vấn đề chính trị và an ninh. Nguy cơ bảo vật này bị chiếm đoạt, xâm phạm, phá hoại là rất cao. Việc cất giữ ngay trong những ngôi chùa lớn vẫn không an toàn, nên mới đưa vào két sắt ngân hàng.

Quả tim bất diệt của Bồ tát Thích Quảng Đức là biểu tượng cho sức mạnh, cho lẽ phải của Phật giáo Việt Nam trong công cuộc giải trừ pháp nạn lịch sử. Quả tim đó còn là dấu chỉ về sự thiêng liêng của một vị bồ tát tại thế. Do vậy, quả tim là đối tượng xâm phạm, chiếm đoạt hủy hoại của những kẻ bài Phật giáo Việt Nam. Phật giáo Việt Nam sẽ bị tổn thương trầm trọng nếu để xảy ra việc xâm phạm hay đánh cắp bảo vật linh thiêng có một không hai đó. Do đó, 50 năm qua, bảo quản trái tim bất diệt của Bồ tát Thích Quảng Đức bằng cách niêm cất trong két sắt ngân hàng là việc làm thích hợp và sáng suốt. Nhờ thế, nên đến nay vẫn giữ gìn nguyên vẹn bảo vật linh thiêng đó.

Tuy nhiên, đến nay quả tim Bồ tát Thích Quảng Đức vẫn là một bảo vật mà chung quanh đó tập trung mâu thuẫn chính trị cao độ. Những Diemist (kẻ theo Diệm), tôn thờ Diệm Nhu, luôn coi bảo vật đó của Phật giáo Việt Nam là cái gai trong mắt họ. Chỉ cần tìm kiếm trên mạng với từ khóa “Thích Quảng Đức” chúng ta thấy ngay điều này. Luận điệu nói rằng trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức thiêu không cháy là giả mạo, ngài đã bị giết rồi mang đốt chứ không phải tự thiêu tràn đầy trên các bài viết, “hồi ký”, “tài liệu lịch sử”, ký sự, tiểu thuyết, chương trình phát thanh truyền hình người Việt hải ngoại. Cường độ bộc lộ luận điệu như thế cho thấy sự căm thù cao độ của một thiểu số người Việt đối với sự hy sinh của Bồ tát Thích Quảng Đức, là một trong những nguyên nhân chính yếu dẫn đến sự sụp đổ của chế độ Ngô Đình Diệm.

Trước sự thù hằn căm tức như thế thì việc xâm hại quả tim Bồ tát Thích Quảng Đức vẫn là một nguy cơ không thể xem thường. Quả tim Bồ tát Thích Quảng Đức là bảo vật lịch sử, luôn gắn liền với vấn đề chính trị xã hội, luôn là yếu tố nhạy cảm, và do vậy, luôn luôn phải được bảo vệ trong tình trạng cao điểm nghiêm nhặt và cẩn trọng.

Đưa trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức vào tôn thờ ở một bảo tháp vùng nông thôn ngoại thành hẻo lánh, cách biệt khu dân cư, là đưa cấp độ bảo vệ bảo vật quốc gia và Phật giáo này về mức thấp nhất, lỏng lẻo nhất, tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhất.

Ngoài nguy cơ bị đánh cắp, còn có những nguy cơ khác như xâm hại, hủy hoại bằng cách đập phá, gây cháy nổ… Việc bảo vệ cần tính đến những tình huống xấu nhất, như có bạo loạn, kích động tinh thần bài Phật giáo. Việc những kẻ xấu kích động bạo loạn xảy ra gần đây khiến không thể xem thường tình huống như vậy.

Do đó, chúng tôi đề xuất tôn trí và thờ cúng tại khu vực trung tâm TP.HCM.

2) Đề xuất

Thay cho phương án bảo tháp xây ở xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TPHCM, chúng tôi đề xuất phương án bảo quản trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức tại một ngôi tháp được xây dựng ở trung tâm thành phố. Ngôi tháp này được xây dựng theo dạng kiến trúc tổng hợp, có không gian lớn ở tầng trệt bố trí điện thờ, xung quanh tháp có các phòng trưng bày bảo tàng. Kiến trúc này thỏa mãn các yêu cầu:

2.1 Yêu cầu an ninh: Trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức vẫn được tôn trí trong điều kiện an ninh tuyệt đối nghiêm nhặt. Hệ thống an ninh đảm bảo chống được trộm, cướp, cháy nổ, và mọi cách xâm hại. Điều này thỏa mãn yêu cầu bảo quản an ninh.

2.2 Không gian điện thờ nơi tôn trí trái tim, bày trí thích hợp sao cho tạo cảm giác gần gũi, thành kính. Điện thờ là gian chính của kiến trúc có khả năng phục vụ hàng trăm người hành lễ, chiêm bái, cúng lạy. Điện thờ thỏa mãn yêu cầu nghi lễ tôn giáo.

2.3 Khu trưng bày của nhà bảo tàng triển lãm di vật, hình ảnh liên hệ đến Bồ tát Thích Quảng Đức, đến Pháp nạn 1963 và lịch sử Phật giáo Việt Nam. Khu trưng bày bảo tàng có nhiệm vụ khai thác những giá trị tinh thần liên hệ đến sự kiện vị pháp thiêu thân của Bồ tát Thích Quảng Đức vào mục tiêu giáo dục truyền thống. Đây là phần trưng bày hỗ trợ cho việc tôn trí, phụng thờ quả tim bất diệt của Bồ tát Thích Quảng Đức.

Phương án mà chúng tôi nêu trên có tính đến 4 yêu cầu: yêu cầu an ninh bảo quản, yêu cầu chiêm bái hành lễ tôn giáo, yêu cầu giáo dục truyền thống và yêu cầu về kiến trúc đặc thù Phật giáo.

Để có kiến trúc có giá trị bảo quản trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức, có thể tổ chức cuộc thi sáng tác kiến trúc với 4 yêu cầu kể trên.
(còn tiếp)

MT

Thông tin riêng: [email protected] hoặc Vi-vn.facebook.com/cusiminhthanh