Từ ngày mùng 4 – mùng 6 tết, dòng người tấp nập đổ về ngôi chùa tọa lạc trên núi Dinh, đông chẳng kém trảy hội. Đặc biệt, ngày mùng 4 tết, lượng người viếng chùa tăng đột biến trên 6 nghìn người. Tuy chùa cách xa phố thị, sự tiện nghi không có, chỉ có sự đối tiếp chu đáo, ân cần từ nhà chùa dành cho Phật tử; đồng thời đến đây mọi người được Chư Tăng hướng dẫn tu tập tâm linh, đạo đức; phát triển đời sống giải thoát thông qua việc khuyến khích tu tập thiền định, rồi được giải trí bởi cảnh quan thiên nhiên tĩnh mịch và khí hậu mát lành, lòng người như tĩnh lặng trước mọi thế sự thăng trầm của cuộc sống. Có lẽ thế mà Phật tử họ gắn bó với ngôi chùa hơn. Ai đã đến chùa một lần thì còn muốn trở lại lần sau và rũ nhiều nhiều người cùng đi. Bởi vậy, ngôi chùa Phật Quang ngày càng đông đúc Phật tử khắp các nơi tựu hội về, nhất là trong các dịp Lễ lớn của Phật giáo là điều bình thường. Vừa qua, chùa Phật Quang được Trung Tâm Sách kỷ Lục Việt Nam, xác lập kỷ lục “Chùa Phật Quang – Lễ Phật Thành Đạo PL.2556 (2012) có số lượng người tham dự đông nhất” (trên 2 vạn người).
Theo sự chỉ dạy của Thượng Tọa Trụ Trì, Thiền Tôn Phật Quang tuy hòa vui với đất trời vạn vật trong những ngày đầu xuân nhưng vẫn chú trọng khía cạnh sinh hoạt đạo lý, xem như là món quà xuân với ước nguyện “Mong quý Phật tử, một năm mới được tràn đầy hỷ lạc trong giáo Pháp của Đức từ phụ Thích Ca Mâu Ni”.
Đúng 9h00” sáng ngày mùng 4, toàn thể đạo tràng đã trang nghiêm, thành kính đón nhận những giọt nước “Pháp” cam lồ do TT.Thích Chân Quang tưới tẩm cho hàng Phật tử chuyên cần tu tập. Đi vào nội dung bài Pháp thoại có tựa đề Ý NGHĨA CỦA SỰ YÊU THƯƠNG, Thượng tọa đã phân tích cho thấy bản chất thật sự của tình yêu thương là gì. Rồi tình yêu thương đối với quy luật của cuộc sống là thế nào. Dấu hiệu nào để thẩm định giá trị của tình yêu thương. Ý nghĩa của tình yêu thương ngoài những yếu tố tích cực, nó còn có yếu tố tiêu cực nào mà một người Phật tử phải vượt qua, đồng thời hãy mở rộng lòng mình tập yêu thương những đối tượng lớn, (Tổ quốc, nhân loại, thế giới) đừng yêu thương đối tượng nhỏ (Gia đình).
Nói chung, với bài Pháp thoại này, Thượng tọa muốn mọi người nắm bắt được ý nghĩa của tình yêu thương. Qua đó nhắc nhở mọi người phải biết yêu thương cho đúng, cho chính xác, yêu thương cho rộng lớn, chứ tình yêu thương vốn dĩ nó mệt mỏi và nhiều phiền toái. Đó chính là thông điệp Thượng tọa muốn gửi tới các Phật tử nhân dịp đầu năm đi chùa.
Tiếp theo, sáng ngày mùng 5 tết, sân chùa vẫn đông nghịt người đến và đi. Ai cũng có những ước nguyện đầu năm thật tốt đẹp khi quỳ dưới chân Đức Phật. Mỗi ngày tết trôi qua, Phật tử đến chùa chỉ lễ Phật, xin lộc, ghi danh cầu an – cầu siêu, quy y, nghe thuyết Pháp, tối đến thì tham dự buổi Pháp đàm, thưởng thức vài tiết mục văn nghệ. Chùa tuyệt đối không có những dịch vụ đưa đến sự mê tín mà chuyển hóa người Phật tử tu theo con đường chánh tín như Đức Phật đã dạy.
Đề tài thuyết Pháp sáng mùng 5 tết là Ý NGHĨA CỦA THỜI GIAN. Với đề tài này Thượng tọa phân tích và chứng minh cho thấy nhờ vào đâu mà chúng ta nhận ra thời gian. Cái giá trị của thời gian là gì. Ai phí thời gian là phí một cái gì đó rất quí giá, vì thời gian là một yếu tố góp vào sự thành công trong cuộc đời này. Nếu ai phí thời gian cũng giống như phí tiền bạc. Nhân quả của việc phí thời gian còn khủng khiếp hơn nhiều, trong đó yếu tố sử dụng thời gian rất quan trọng đối với thọ mạng của mỗi người. Vì vậy, chúng ta cần yêu quí chắt chiu thời gian, đừng để bỏ phí thời gian, đừng để một ngày sống trôi qua mà không làm được một điều có ích.
Nói phải tiết kiệm thời gian, tức là ta tất bật lo làm việc, đừng ở không. Cái quan điểm sống này coi chừng ta bắt đầu rơi vào cái căng thẳng, tham công tiếc việc. Cũng giống như tiền bạc là quí nhưng tham tiền là tội, tiếc thời gian đến mức keo bẩn cũng là có tội. Thái độ đúng là tiết kiệm thời gian nhưng bình thản với thời gian; sống có ích từng ngày nhưng không quá căng thẳng chạy đua với thời gian. Một vị Thiền sư dạy rằng “Nếu có thất bại thì ta hãy thất bại trong sự khoan thai, đừng để thất bại trong sự căng thẳng vội vàng”. Do đó, chúng ta yêu quí thời gian nhưng đừng để làm nô lệ cho thời gian, ngược lại hãy sống thanh thản với đời. Ta sống hòa đồng với mọi người nhưng ta có cái đạo lý riêng của mình, không chìm đắm trong thế tục. Đó là cái khéo của người biết tu.
Nhân đây, Thượng tọa cũng đề cập đến vấn đề thời gian đối với sự tu hành. Qua đó khuyến khích mọi người phải tu hành tinh tấn không hẹn thời gian. Để có chánh niệm thì đừng truy tìm nuối tiếc quá khứ, đừng ước vọng mơ mộng tương lai, hãy an trú trong hiện tại, thường nhớ về thân vô thường thì ngay lập tức ta sống trong thực thể của hiện tại. Người nào có thể giữ được chánh niệm thường xuyên, thường nhớ thân này vô thường là đang đi trên con đường đạo, đó là bí quyết để tu tập thiền định.
Trước khi kết thúc bài Pháp thoại, Thượng tọa còn cảm tác bài thơ dành tặng cho quý Phật tử vui xuân, trong đó chứa đựng nhiều ý đạo mà chúng ta phải chiêm nghiệm từ cuộc sống của chính mình và của mọi người.
Ai biết thời gian ở chỗ nào
Mà sao khiến vật đổi thay mau
Buồn vui thương ghét ngàn cơn sóng
Mới đó mà nay đã bạc đầu.
Ai đếm thời gian dễ được nào
Để chờ bay đến với trời cao
Thôi thì nắm lấy từng cơn gió
Thổi mát nhân gian bớt khổ sầu.
Ai gói thời gian lại được nào
Để dồn vũ trụ với trăng sao
Vào một sát na đầy mầu nhiệm
Để trước Như Lai biết cúi đầu.
Đặc biệt, ngày mùng 6 tết, theo thông lệ hàng năm, Thiền Tôn Phật Quang được vinh dự đón tiếp đoàn Phật tử chùa Từ Tân do TT.Thích Viên Giác làm Trưởng đoàn đến viếng chùa, chúc tết Thượng tọa Trụ trì và có đôi lời sách tấn Chư Tăng Ni của Bổn tự trong sự tu hành. Hình ảnh TT.Thích Viên Giác trong lòng Thượng tọa Trụ trì cũng như đối với hàng đệ tử xuất gia và tại gia chùa Phật Quang thì cái ân tình huynh đệ pháp lữ và đạo nghĩa Thầy trò không gì so sánh được.
Thượng tọa Thích Viên Giác là bậc Thầy đáng tôn kính. ĐĐ.Thích Tánh Khoan – đại diện cho Đại chúng Thiền Tôn Phật Quang đã dâng lời tác bạch mừng tuổi TT.Thích Viên Giác bằng những lời lẽ thật xúc động. Đại đức bộc bạch “Kính thưa Sư Bác! Một mùa xuân mới nữa lại về, hơi ấm của mùa xuân đang lan tỏa đâu đây, chúng con nhìn thấy Sư Bác hiện diện nơi chùa Phật Quang mà lòng bồi hồi xúc động, vì ân tình sâu rộng Sư Bác đã dành cho Sư Phụ chúng con lâu nay. Sư Bác là người mà Sư Phụ chúng con tin tưởng, có thể gửi gắm những niềm vui, nỗi buồn, là người đồng cam cộng khổ, là người Sư huynh mà Sư Phụ chúng con quý trọng hơn cả trong tình huynh đệ pháp lữ đồng hành.
Còn đối với Đại chúng Phật Quang thì cái đạo tình thầy trò thật êm ái dịu dàng không khác gì tình thương yêu của một đại gia đình, trong đó Sư Bác và Sư Phụ vừa là người Cha, vừa là người Thầy đã thương yêu dạy dỗ chúng con trưởng thành trong Giáo pháp. Đối với chúng con khi phủi bỏ mái tóc xanh, khoác lên mình màu áo hoại sắc là cảm nhận được một sự thiêng liêng, một hoài bão lớn đi cùng với trách nhiệm nặng nề đối với Phật pháp và cuộc đời. Cho dù không chung dòng máu huyết thống đi chăng nữa, nhưng luôn luôn yêu thương và tôn trọng nhau, cùng nâng đỡ nhau khi khó khăn hoạn nạn, cùng chia sẻ cho nhau những phút vui buồn trong cuộc sống tu hành. Điều đó thật vô cùng hạnh phúc đối với chúng con. Cũng bởi, thế giới hôm nay có nhiều điểm tối, nhưng vẫn có những điểm sáng rực rỡ, khi có những người biết quan tâm đến nhau, khi mọi người nhận ra mình là huynh đệ của nhau, có liên đới và trách nhiệm về nhau.
Sau cùng là lời chúc tết của Đại chúng dành cho TT.Thích Viên Giác.
Để đáp từ, TT.Thích Viên Giác chia sẻ: “Thầy tán thán phương pháp giảng dạy giáo lý nhà Phật của Thầy Phật Quang có tính đột phá, sáng tạo,… làm cho con đường của Phật dạy trở nên mở rộng, trở nên lung linh trong tâm của những người Phật tử. Đồng thời chùa Phật Quang có nhiều ưu điểm đặc biệt và vẫn luôn luôn tiên phong trong việc mở mang Phật sự. Đây là điều không phải ai cũng làm được. Suy cho cùng, tầm nhìn, lối nghĩ của Thầy Phật Quang rất hay. Trước đây, khi Thầy chưa phát triển con đường đạo thì đã là con người đặc biệt, rất táo bạo, có nhiều chương trình, nhiều đường lối mang tính đột phá cho việc phát triển đạo Phật … Hy vọng rằng, sau này Thầy làm được việc lớn cho đạo. Tuy nhiên, Phật pháp cần nhiều người hơn nữa có khả năng toàn diện như Thầy Phật Quang thì mới đưa đến kết quả cao được.
Ngay cả Đức Phật cũng có khó khăn trong việc Hoằng pháp. Thầy Phật Quang đôi khi có trở ngại, khó khăn thì đó là bình thường. Nhìn dáng người thon nhỏ, mảnh khảnh của Thầy khi gặp những khó khăn quá lớn, tưởng như bị vùi xuống vực sâu. Ngược lại, không ai chống nổi những khó khăn cực kỳ như Thầy, tức là Thầy vẫn điềm tĩnh, nhẹ nhàng bước qua, khởi động lại mọi việc từ đầu. Thầy phải có cái gì đó ở bên trong thật là chắc chắn, mạnh mẽ và rất sâu thì mới có bản lĩnh như thế! Đó là điều Thầy thấy rất cảm phục Thầy Phật Quang.
Đặc biệt là những đệ tử, Phật tử được giáo dục từ chùa Phật Quang, khi ra ngoài đối tiếp với các chùa họ đều có tấm lòng kính tin, phụng sự Tam Bảo không nề hà khó nhọc, biết quý trọng chư Tăng, chư Ni. Các thầy ở nơi đó, họ bị thuyết phục bởi những con người Phật tử này, vì để có người Phật tử như thế thì ông thầy phải dạy cái gì? Việc dạy đạo của thầy đó phải như thế nào, để người Phật tử chưa biết gì trở thành người thuần thành trong Phật pháp một cách nhanh chóng đến vậy.
Đây là công đức vô hình, vô tướng, tạo thành nền tảng rất mạnh. Chính vì công đức vô hình vô tướng đó mà nhiều khi một cú sút phá hoại của các thế lực bên ngoài, hay tám ngọn gió thổi của cuộc đời cũng không thể lay chuyển được nổi tấm lòng yêu đạo của những đệ tử Thầy Phật Quang.
Sau cùng, TT.Thích Viên Giác còn nhắc nhở: Giá trị của Phật Quang được đếm bằng con số. Vừa rồi, chùa Phật Quang có được kỷ lục là Lễ Phật Thành Đạo đông nhất (22 ngàn người). Điều đó có nghĩa là ý tưởng đã biến thành hiện thực. Tuy nhiên, Thầy bắt đầu lo, bởi vì khi cây cao thì gió mạnh; khi cây có rễ lớn thì bắt đầu sâu mọt đục, chất bổ dưỡng cũng dần cạn. Đây là những yếu tố có thể làm suy yếu cái cây. Nếu cây lớn không bồi bổ, vun gốc thì nó sẽ có nguy cơ.
Rồi Thượng tọa nhìn xuống Đại chúng Phật Quang, bằng tình thương của thế hệ bậc Thầy đi trước, đã sách tấn hàng hậu học, thể hiện thân tình, đạo vị trong từng lời nói “Nhìn thấy phẩm chất, đức hạnh và qua những lời tác bạch của các con đã nói lên tâm tư, nguyện vọng, trách nhiệm, những ước mơ…chứng tỏ các con còn trẻ, mới đi vào cuộc sống đạo nhưng thiện căn rất vững chãi. Đó là niềm hy vọng cho cây đại thọ Phật Quang trong tương lai. Phải chăng, năm mới về thắp lên cho ta một niềm hy vọng mới. Chúng ta mong rằng có thể giữ vững được cây đại thọ Phật pháp mà chùa Phật Quang đã góp phần vun trồng.
Những lời răn dạy của TT.Thích Viên Giác thật tình cảm mà sâu sắc, có ý nghĩa giáo dục rất cao. Toàn thể Đại chúng Phật Quang y giáo phụng hành và đảnh lễ cúng dường tam bái.
Tiếp theo, những phong bì đỏ được TT.Thích Viên Giác lì xì cho Thượng tọa Trụ trì và cả Đại chúng. Mùa xuân của những người con Phật sao mà thiêng liêng và đẹp đến vậy./.
Dưới đây là hình ảnh các hoạt động vui xuân tại Thiền Tôn Phật Quang từ mùng 4 – mùng 6 tết Quý Tỵ: