Trang chủ Diễn đàn Không được treo cờ, biểu ngữ ngoài phạm vi khuôn viên của...

Không được treo cờ, biểu ngữ ngoài phạm vi khuôn viên của tự viện GHPGVN

434

Nhận được ảnh chụp Công văn số 531/UBND của Ủy ban Nhân dân xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, TPHCM, ký ngày 21 tháng 4 năm 2017, gởi “Các cơ sở tự viện của Giáo hội Phật giáo Việt Nam”, “V/v Treo cờ, biểu ngữ, pano tại các cơ sở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trên địa bàn xã nhân dịp Đại lễ Phật Đản PL 2561”, trong đó, có nội dung chính là “KHÔNG ĐƯỢC TREO CỜ, BIỂU NGỮ, PANO NGOÀI PHẠM VI KHUÔN VIÊN TỰ VIỆN CỦA GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM, KHÔNG ĐƯỢC TREO BĂNG NGANG ĐƯỜNG, TRÊN CÁC VỈA HÈ, LÒNG ĐƯỜNG…”, tôi có gởi đến một số bạn đọc xem và trao đổi ý kiến. Từ đó, đã ghi nhận được khá nhiều vấn đề xung quanh công văn rất đặc biệt này, cũng như nhiều việc liên hệ trong bàn luận (nội dung văn bản Công văn nói trên xin xem theo ảnh đính kèm).

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Tôi ngạc nhiên trước công văn này, vì đã mấy chục năm nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đều trang trí đường phố như thế trong mùa Phật Đản. Nay, lại có một xã ra Công văn “KHÔNG ĐƯỢC TREO CỜ, BIỂU NGỮ, PANO NGOÀI PHẠM VI KHUÔN VIÊN TỰ VIỆN CỦA GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM, KHÔNG ĐƯỢC TREO BĂNG NGANG ĐƯỜNG, TRÊN CÁC VỈA HÈ, LÒNG ĐƯỜNG…” Còn ông nghĩ thế nào?

MINH THẠNH: Dĩ nhiên, là tôi cũng rất ngạc nhiên, dù chỉ là văn bản hành chính của cấp xã và duy nhất, có lẽ chỉ một xã ở TPHCM và trên phạm vi cả nước.

Về mặt năng lực lãnh đạo, kỹ năng quản lý nhà nước, thì việc Ủy ban Nhân dân cấp xã ban hành một công văn như vậy, về một vấn đề nhạy cảm, tế nhị liên quan đến tôn giáo, cụ thể là việc treo cờ, lồng đèn biểu ngữ… trong Đại lễ Phật Đản, là điều phải thận trong, cân nhắc.


Trường hợp thế này, theo cách làm từ trước đến nay, mà từ đó có thể gọi là quy trình, Ủy ban Nhân dân xã Bà Điểm phải xin chủ trương của Ủy ban Nhân dân xã Bà Điểm và Ủy ban Nhân dân Huyện Hóc Môn phải xin ý kiến của Ủy ban Nhân dân Thành phố. Nếu không có chủ trương của Ủy ban Nhân dân Thành phố và chủ trương của Ủy ban Nhân dân Huyện, thì Ủy ban Nhân dân xã không được phép làm. Nếu không, chỉ mỗi một xã làm thế thì sẽ rơi vào tình trạng xé rào và có thể lại chống trái với chủ trương của Ủy ban Nhân dân cấp trên.

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Nhưng ở đây, chỉ có mỗi duy nhất Ủy ban Nhân dân xã Bà Điểm là phát hành công văn như vậy.

MINH THẠNH: Tôi không rõ còn có Ủy ban Nhân dân xã phường nào nữa hay không, nhưng dù có đến vài xã, thì đó vẫn là không đúng, nếu không phải là Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố thuộc trung ương có chủ trương.

Chúng ta thử xem Ủy ban Nhân dân thành phố hay chính phủ có chủ trương như vậy hay không? Nếu Ủy ban Nhân dân xã Bà Điểm “tự biên, tự diễn” một chủ trương như vậy, thì đây là vấn đề trong công tác quản lý nhà nước, mà Ủy ban Nhân dân phường xã phải chịu trách nhiệm.

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Trên các trang web của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, có phổ biến Thông bạch số 37/2017/TB HĐTS ngày 3/3/2017 của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam về việc hướng dẫn tổ chức Đại lễ Phật Đản PL 2561 trên các trang web Giáo hội Phật giáo Việt Nam TPHCM có phổ biến kế hoạch số 101/2017/KH/BTS Về việc tổ chức Đại lễ Phật Đản PL 2561 của Giáo hội Phật giáo Việt Nam TPHCM do Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TPHCM ban hành. Cả hai văn bản này tất nhiên phải xin chủ trương của chính quyền, phản ánh chủ trương của chính quyền, từ Trung ương đến Thành phố. Trong cả hai văn bản trên, hình thức treo cờ, biểu ngữ, panô ngoài phạm vi địa điểm tổ chức lễ đài đều được nhắc đến.

Thông bạch của Ban Trị sự Hội đồng Trị sự yêu cầu cần trình Sở, Phòng Văn hóa Thể thao Du lịch địa phương để được hướng dẫn cụ thể. Kế hoạch của Ban Trị sự Phật giáo TPHCM ghi: “Trường hợp Ban Trị sự có nhu cầu treo cờ, biểu ngữ tại các khu vực chính của các quận/huyện cần liên hệ với chính quyền địa phương để được sự hỗ trợ”.

Không có văn bản nào nói chủ trương không được, hoặc phải được cấp giấy phép. Dùng từ “hướng dẫn”, “hỗ trợ”, thì đương nhiên được hiểu là chính quyền cấp trung ương, cấp tỉnh thành đã có chủ trương chấp thuận. Như vậy, xét về văn bản, thì công văn số 531/UBND của Ủy ban Nhân dân xã Bà Điểm so với Thông bạch của Ban Trị sự Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Kế hoạch của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đá nhau, đến mức phủ nhận lẫn nhau. Một đàng nói là được, nhưng phải được “hướng dẫn”, “hỗ trợ”, một đàng dứt khoát “không được”.

MINH THẠNH: Sơ suất thứ nhất từ Công văn của Ủy ban Nhân dân xã Bà Điểm là về mặt chủ trương, như chúng ta đã nói. Sơ suất thứ hai là về căn cứ pháp luật. Công văn số 531/UBND của Ủy ban Nhân dân xã Bà Điểm ghi “chấp hành theo đúng quy định của pháp luật về tổ chức Đại lễ Phật Đản Phật lịch 2561” nhưng không nêu rõ là văn bản nào? Đây là lỗi sơ đẳng trong công tác quản lý nhà nước và soạn thảo văn bản hành chính. Nó tạo câu hỏi: nội dung quy định của pháp luật là gì, điều đó căn cứ văn bản nào? Số mấy? Cơ quan nào ban hành? Thời điểm ban hành?

Nếu là người có năng lực, có kỹ năng hành chính, thì sẽ không ký vào một văn bản không có căn cứ văn bản pháp luật rõ ràng, cụ thể, chính xác. Trường hợp nếu là văn bản nhạy cảm, như liên hệ đến tôn giáo chẳng hạn, thì người ký, khi chỉ ở cấp xã, phường, cần thận trong hơn nữa, nếu không muốn vướng vào rắc rối lúc bị cho rằng cấp phường xã mà làm chủ trương, làm “luật” có liên hệ đến tôn giáo. Đó là sơ suất về bản lãnh chính trị!

Trong kỹ thuật soạn thảo văn bản, một trong những yêu cầu quan trọng là văn bản được soạn thảo và ban hành không để rơi vào tình trạng đá với văn bản khác vẫn đang có hiệu lực thực hiện, trừ trường hợp cấp trên bác bỏ văn bản cấp dưới, cùng cấp ra văn bản sau bác bỏ văn bản trước. Sơ suất này, nếu cán bộ được đào tạo đạt chuẩn về hành chính thì không mắc phải.

Sơ suất về yêu cầu thực hiện trong công văn 531/UBND của Ủy ban Nhân dân xã Bà Điểm cũng thể hiện sự non yếu về trình độ, năng lực. Ở đoạn trên, công văn ghi là “kính đề nghị” nghĩa là người nhận đề nghị (nhận công văn) có thể thực hiện, có thể không thực hiện.

Ở đoạn dưới, công văn ghi là “không được”, tức là cấm.

Dưới nữa, lặp lại “kính đề nghị”!

Vậy là sao? “Đề nghị” hay cấm? Người có năng lực, kỹ năng hành chính không thể ký vào văn bản không rõ ràng, tự đá nhau trong nội dung như thế. Đơn vị tiếp nhận Tự viện của Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng không biết phải làm sao? Chấp thuận hay không chấp thuận “đề nghị”, hay tuyệt đối chấp hành lệnh cấm?

Các đơn vị thực hiện (như công an, ban nhân dân ấp, ban ngành đoàn thể xã) cũng không biết xử trí ra sao? Theo “đề nghị” hay thực hiện bắt buộc, tức có thể cưỡng chế.

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Nhưng dù sao lý do mà Ủy ban Nhân dân xã Bà Điểm nêu ra cũng có cơ sở, cũng hợp lý: “thực hiện nếp sống văn minh, mỹ quan đô thị và xây dựng tuyến đường văn minh – mỹ quan đô thị gắn với việc thực hiện phong trào “xây dựng nông thôn mới – văn minh đô thị”. Như thế, việc treo cờ, treo biểu ngữ không được làm là đúng.

MINH THẠNH: Đây là sơ suất trong lập luận, khiến người ký ban hành nó có thể bị đánh giá về tư tưởng.

Lập luận như vậy thành ra mọi hình thức treo cờ trang trí, mà thường thấy là cờ nước, và gồm các loại cờ chuối, cờ đuôi nheo; mọi hình thức để chào đón lễ hội, lễ kỷ niệm bằng băng rôn, panô, biểu ngữ (một số lớn có nội dung chào mừng, cổ động) đều làm mất mỹ quan đô thị, kém văn minh, không phù hợp với xây dựng nông thôn mới…

Công văn 531/UBND của Ủy bản Nhân dân xã Bà Điểm không đặt vấn đề nội dung, mà chỉ nêu ra vấn đề phương thức treo cờ, biểu ngữ, panô, thành ra nó lại chạm đến vấn đề xử lý các hình thức như thế. Cho nên, rõ ràng ở đây người ký có vấn đề trong công tác tư tưởng. Nếu không thì cũng không chặt chẽ về lập luận, nêu ra một lý do không có cơ sở, mà ngược lại, có thể là nguyên tắc “tự diễn biến”.

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: “Tự diễn biến”! Nghe sao mà trầm trọng quá?

MINH THẠNH: Ở đây, nhân danh Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Xã đóng dấu ký tên vào một công văn nói treo cờ, treo biểu ngữ, pa no là mất mỹ quan đô thị, mất văn minh, mất an toàn giao thông, ảnh hưởng đến nếp sống nông thôn mới là nghĩa làm sao? Cứ lấy lý do đó mà chấm dứt hết việc treo cờ, treo biểu ngữ, pa nô… thì đó là gì?

Việc ký tên đóng dấu mà không xem xét ký nội dung có khi sẽ rất tai hại cho sự nghiệp thăng tiến.

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Nhưng Ủy ban Nhân dân xã Bà Điểm chỉ nói một trường hợp cụ thể, với nội dung cụ thể.

MINH THẠNH: Nhưng lý do là chung, căn cứ vào phương thức và tác động của phương thức đó, không căn cứ vào nội dung, không chỉ ra nội dung nào không được, nội dung nào là được.

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Nếu đề cập đến vấn đề nội dung trong một văn bản đóng dấu ký tên như vậy thì rất là kẹt.

MINH THẠNH: Ở cấp chủ tịch, phó chủ tịch xã, phường người ta cũng được đào tạo về dân vận, về kỷ luật dân vận. Việc treo cờ, treo biểu ngữ, pa nô trong trường hợp này, nói không được vì phương thức hay vì nội dung đều không được.

(còn tiếp)