Sự quan tâm của quí vị về nhân cách của Tu sĩ Phật giáo, cũng như hướng giáo dục trong nhà Thiền quả là đáng kính trọng. Bởi những điều ước muốn của chư Phật Tử là được tiếp xúc với một tu sĩ nào đó thì phải có đủ phẩm chất đạo đức và học lực, chứ không thể chỉ biết cầu an hay cầu siêu.
Nhưng hiện nay, có thể nói số lượng đào tạo ra không kịp cho nhu cầu thực tế của xã hội. Ấy vậy mà còn bị hao hụt do có một số ít bị thoái hóa biến chất, chạy theo vật chất, làm mất đi bản chất “phục vụ chúng sinh là cúng dàng chưa Phật” hay Bậc xuất gia là thầy của trời và người.
Nếu tất cả điều lấy những khẩu hiệu đó để sống cho tốt đạo đẹp đời thì người Phật tử nói riêng và chúng sinh hạnh phúc biết mấy! Làm gì có chuyện đề nghị thêm 4 tiêu chuẩn:
Đề xuất về tiêu chuẩn xuất gia:
-Tuổi đời trên 18.
-Trình độ học vấn: 12/12, tú tài trở lên.
-Trí lực, thể lực tốt.
-Đã có quan tâm, nghiên cứu về Phật pháp trước khi xuất gia. (không biết gì về Phật pháp thì xuất gia theo lý tưởng gì?).
Thực ra, sự chuẩn hóa trong Tăng đoàn là rất cao. Từ việc chọn lọc tướng mạo và thân thế, và cho đến trí lực…có thể nói trên cả tuyệt vời để trước khi thành một vị Đại Đức, phải được kiểm tra:
1. Có phải là quan trốn đi tu không?
2. Có phải là người trốn nợ không?
3. Ngươi có phải là đầy tớ trốn chủ không?
4. Ngươi có phải là đàn ông không?
5. Đàn ông mà có bệnh cùi hủi, ung thư, ghẻ lở, lao phổi, tiểu đường không?
6. Tuổi đủ 20 chưa?
7. Y bát có đủ không?
8. Cha mẹ có cho phép chưa?
9. Pháp danh ngươi là gì?
10. Hòa thượng của ngươi hiệu gì?
Ngoài ra còn một số câu hỏi phụ trước khi chấp nhận người xuất gia trở thành thanh viên của Tăng Đoàn (Giáo hội, danh xưng hiện nay).
– Nhà ngươi có bị tật nguyền không?
– Nhà ngươi có phải là Tặc tâm xuất gia không?
– Có Giết cha không?
– Có Giết mẹ không?
– Giết A La Hán không?
– Có Gây thương tích cho Phật không?
– Có phải là Phi nhân không?
– Có phải là Súc sinh không?
– Có phải là bán nam bán nữ không?
Sau khi đắc giới, vị tân Tỳ kheo ấy, suốt thời gian 5 năm đầu phải y chỉ nơi một vị Thượng tọa Luật sư (vị Tỳ kheo thông hiểu giới luật) để học tập cho am tường cac bổn phận trách nhiệm cũng như những điều tác thành tư cách của một Tỳ kheo, tức là am tường các học giới, hiểu rõ thế nào là danh, chủng, tánh, tướng; thế nào là khai, giá, trì, phạm; thế nào là khinh trọng và thông thạo các pháp Yết-ma về lý thuyết cũng như thực hành.
Một trong những bổn phận người xuất gia là tục Phật Thánh lưu, tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức. Muốn thực hiện bổn phận ấy, vị Tỳ kheo phải có đủ tư cách làm thầy. Do đó, Phật quy định Tỳ kheo phải đủ 10 hạ, Tỳ kheo ni phải đủ 12 hạ mới được thu nhận đệ tử, độ người xuất gia, và trước khi độ người xuất gia, phải được Tăng thông qua với pháp Yết-ma súc chúng. Nếu Tăng thấy chưa đủ tư cách thâu nhận đệ tử xuất gia, dù người ấy đã đủ tuổi hạ, thì cũng không được tự tiện độ người xuất gia. Nếu làm thì phạm Ba-dật-đề .
Dù bất cứ lúc nào, ở đâu, và dù là theo hệ phái nào. Vi phạm quy định ấy cũng đồng nghĩa với sự làm tổn thương đến phẩm chất và quyền lực của Tăng già, đó là dấu hiệu suy đồi của chánh pháp.
Đấy, những qui định về một tu sĩ đã có hẳn hòi như vậy từ thời đức Phật chứ phải đâu một tăng đoàn vô tổ chức.
Vậy tại sao hiện nay vẫn có những tu sĩ không đủ tiêu chuẩn? chẳng qua chỉ là cách làm ra sao mà thôi.
Cho nên thời gian qua có một số bài viết của Hoàng Chương, Trinh Xuan Luc và Tâm Trụ…tôi rất là đồng tình. Mặc dù chúng ta biết, cuộc sống bao giờ cũng có 2 mặt-bởi bản chất của con người là phức tạp. Nhưng sự phức tạp kia càng gia tăng thì đáng lo ngại lắm chứ! Trước đây, Vua A-dục đã làm một cuộc thanh lọc nhằm giúp cơ thể của tăng đoàn trở nên tráng kiện.
Thiết nghĩ, nếu chính phủ không làm được, thì chính người Phật tử hãy tẩy chay những ông thầy quan liêu, vô cảm, thiếu hiểu biết về Phật pháp và phẩm chất đạo đức của một tu sĩ…nên những bài viết nói thẳng và không ngại va chạm cũng là thiện chí rất đáng quí.