Đại đức Thích Tâm Phương quang lâm niêm hương bạch Phật và thuyết giảng đề tài “Ruộng phước – công đức của ruộng phước” đến quý Đạo hữu Phật tử đồng tu.
Quý Đạo hữu vân tập
Khóa lễ sám hối
Đại đức Thích Tâm Phương niêm hương bạch Phật
Và thuyết giảng đề tài “Ruộng phước – Công đức của ruộng phước”
– Những mảnh ruộng với từng ô, từng ô trông đẹp mắt làm sao! Trong chư vị có ai liên tưởng gì về đám ruộng ấy với giáo pháp của Như Lai không nào?
Tôn giả Ānanda nhanh trí, trả lời liền:
– Là mảnh ruộng phước, bạch đức Tôn Sư!
– Ai là ruộng phước ấy, này Ānanda?
– Thưa, chính là Tăng Bảo, chính là chư tỳ-khưu trong giáo hội của đức Tôn Sư.
– Họ là người như thế nào nào? Họ có đúng là những mảnh ruộng phước để chư thiên và loài người gieo trồng lên đấy những hạt giống lành chăng?
– Dạ thưa, đúng vậy!
– Chư tỳ-khưu trong giáo hội của Như Lai ấy, họ có những ân đức gì, có những đức tánh gì mà trở thành ruộng phước vậy, này Ānanda?
Tôn giả Ānanda suy nghĩ giây lâu rồi đáp:
– Thưa, nhiều lắm, nhưng đệ tử có thể tóm tắt trong những điều sau đây:
Thứ nhất, họ thích sống nơi rừng, nghĩa địa, ngôi nhà trống, dưới cội cây; nơi những vùng, những miền xa chốn huyên náo thị thành, chọn nơi vắng vẻ, yên lặng: Cảnh thanh tịnh thì sẽ trợ duyên cho tâm thanh tịnh, bạch đức Thế Tôn.
Thứ hai, nhờ điều thứ nhất ấy, họ thích sống ẩn dật, vô danh, thích sống tĩnh cư, độc cư như tê giác giữa rừng sâu.
Thứ ba, ai cũng đang cố gắng thực hành pháp, đang cố gắng trong những đề mục chỉ tịnh hay quán minh mà họ đã học được từ đức Thế Tôn hay với chư vị đại trưởng lão.
Thứ tư, nhờ khắng khít với điều thứ ba ấy nên họ sống rất hân hoan, rất thỏa thích trong giáo pháp.
Thứ năm, họ âm thầm, lặng lẽ thực hành những pháp cao thượng để ly xuất trần cấu, những bợn nhơ phiền não.
Thứ sáu, nhờ pháp thanh cao, và nhờ an trú được những pháp thanh cao nên họ hoan hỷ với đời sống thanh cao ấy.
Thứ bảy, họ có đời sống biết giữ gìn thân khẩu ý, biết thu thúc mắt tai mũi lưỡi thân ý.
Thứ tám, họ thọ trì nghiêm túc những học giới.
Thứ chín, nhờ kết quả có từ điều bảy và điều tám nên họ sống rất chân thật: Thân chân thật, khẩu chân thật, ý chân thật.
Thứ mười, họ biết chịu đựng, nhẫn nại trong mọi hoàn cảnh, mọi tình huống, mọi thời tiết; chẳng bao giờ than khổ, than đói, than nóng, than lạnh, than ăn không được, than ngủ không được, than đi bát khó khăn, than vật thực không đủ no lòng, than đau nhức, than bệnh tật, than trở ngại thế này, than chướng ngại thế kia, than cái này trái ý, cái kia nghịch lòng…
Thứ mười một là một chút việc ác xấu nhỏ họ cũng không dám làm, giữa chỗ đông người hay chỗ không có người – vì họ có tâm biết hổ thẹn với chính mình, với lương tâm mình.
Thứ mười hai, là họ ghê sợ, sợ hãi những việc làm xấu ác, sợ dư luận lên án, xã hội chê cười.
Cũng nhờ mười hai điều trên mà họ luôn luôn cố gắng tu tập, không dám buông lung, phóng dật; biết học hỏi giáo pháp, trau dồi thêm giáo pháp; hoan hỷ trong học giới của mình, tu tập bốn vô lượng tâm; khi có cơ hội, đủ nhân duyên thì thuyết giảng Phật ngôn đến người có tai để nghe, đến người có trí để tìm hiểu. Họ lại còn có đời sống dị giản, biết vừa lòng, biết đủ, không tham luyến cất chứa vật dụng, tài sản, của cải. Họ thong dong như cánh chim trời, đi đâu cũng chỉ có chiếc mỏ là bình bát, đôi cánh là ba y; tự tại và giải thoát vô cùng, bạch đức Tôn Sư!
Đức Phật dạy: “Trong chúng Tăng, có năm đức thanh tịnh gọi là ruộng phước, cúng dường chúng Tăng sẽ được nhiều phước, tu tiến thêm có thể thành Phật. Những gì gọi là năm?
• Một là phát tâm ra khỏi nhà thế tục, vì trong lòng kính mến đạo đức.
• Hai là hủy hoại thân hình đẹp của mình, vì ưa thích mặc pháp phục (áo hoại sắc)
• Ba là cắt đứt tình thương yêu người thân, vì xem mọi người đều là thân thuộc.
• Bốn là xả bỏ thân mạng, vì thích làm các việc lành.
• Năm là quyết chí cầu pháp Đại thừa, vì muốn cứu độ tất cả chúng sinh.
Tăng do có năm đức tính này nên gọi là ruộng phước, là tốt đẹp, là không bị hoại nhanh, cúng dường được nhiều phước, khó lấy vật gì để so sánh”.
Kinh hành niệm Phật
Quá đường