Người phú ông cho gọi người hầu cận thân tín nhất của ông tên là Nanda đến. Cùng nhau, họ đem tất cả của cải vào sâu trong rừng và chôn giấu vào một nơi kín đáo. Phú ông nói, “Nanda thân tín của ta, ta biết ngươi luôn vâng lời và trung thành với ta nên ta muốn nhờ cậy ngươi một việc. Sau khi ta qua đời, ngươi hãy chỉ nơi chôn giấu kho tàng cho con trai của ta. Hãy giữ kín chỗ chôn giấu này cho đến lúc đó. Khi trao kho tàng cho con trai của ta, hãy khuyên nó phải biết sử dụng của cài một cách khôn ngoan và rộng rãi.”
Chẳng bao lâu sau, phú ông qua đời. Một vài năm sau, người con trai học hành thành tài. Anh ta trở về nhà và nắm vai trò của một người trụ cột trong gia đình. Người mẹ nói, “Con trai à, là một người đa nghi, cha con đã chôn giấu hết của cải. Mẹ biết chắc rằng Nanda, người hầu thân tín của cha con biết chỗ chôn giấu kho tàng, con hãy nói Nanda chỉ chỗ cho con. Với của cải của cha con để lại, con có thể cưới vợ và nuôi sống cả gia đình.”
Vì vậy, người con trai đến gặp Nanda và hỏi ông về chỗ chôn giấu của cải. Nanda xác nhận với anh ta rằng kho tàng được chôn giấu trong rừng và ông biết chính xác nơi chôn giấu.
Rồi cả hai cùng nhau đi vào rừng mang theo một cải giỏ và cuốc, xẻng. Khi họ đến nơi chôn giấu của cải, tự nhiên Nanda cảm thấy mình là một nhân vật quan trọng và trở nên dương dương tự đắc. Nanda nghĩ rằng mặc dù mình chỉ là một người hầu nhưng chỉ có mỗi một mình ông ta là biết nơi chôn giấu của cải. Vì vậy ông ta trở nên kiêu ngạo và nghĩ rằng người con trai của vị phú ông phải lệ thuộc vào mình, cho dẫu mình xử sự như thế nào, người con trai của vị phú ông cũng không dám làm gì. Nanda giở giọng hống hách, “ Gã con trai của ả hầu kia, gia sản từ đâu ra cho ngươi thừa hưởng vậy?”
Cậu con trai nhẫn nại đã không ăn miếng trả miếng với người hầu của cha mình mặc dù cậu cảm thấy bị tổn thương. Họ trở về nhà tay không. Sau đó họ cùng nhau đi vào rừng hai lần nữa và cả hai lần này, Nanda đều xử sự vô cùng kỳ lạ. Người con trai suy nghĩ, “Khi còn ở nhà, Nanda luôn luôn tỏ ra muốn tiết lộ nơi chôn giấu của cải, nhưng đến khi đem cuốc, xẻng đến rừng thì ông ta lại không muốn tiết lộ bí mật. Chẳng hiểu sao, đến lúc đó ông ta lại trở mặt, lần nào cũng vậy.”
Người con trai vô cùng bối rối và anh ta quyết định đến gặp người bạn già khôn ngoan của cha mình để xin ông ta lời khuyên.
Sau khi nghe người con trai kể lể sự việc, ông già khôn ngoan nói, “Hãy đi cùng Nanda vào rừng một lần nữa. Chắc chắc là ông ta lại lên mặt với cháu. Khi ông ta tỏ ra thô lỗ với cháu, lúc ấy nhìn hãy xem ông ta đang đứng ở đâu, sau đó hãy đuổi ông ta đi nơi khác, hãy nói với ông ta rằng, “ Ông không được phép nói chuyện với ta kiểu đó, hãy cút khỏi nơi đây cho rảnh mắt ta!”
Ông giải thích thêm, “Sau khi Nanda đi, hãy đào ngay tại chỗ ông ta đứng khi ông ta đang tỏ ra hống hách với cháu và sẽ tìm thấy kho tàng ngay tại chỗ đó. Nanda là một người có tâm không vững. Do từ trước đến nay Nanda chỉ là một người hầu, ông chưa hề có chút quyền lực nào, vì vậy, khi ông gần như có chút quyền hành trong tay, ông ta thấy mình trở nên vô cùng quan trọng, sự kiêu ngạo nổi lên lấn áp và ông không còn kiểm soát nổi tâm của mình nữa.”
Người con trai theo đúng lời khuyên của người bạn già khôn ngoan của cha mình, đúng y như rằng, anh ta tìm thấy kho tàng được chôn giấu ngay chỗ Nanda đứng. Như cha mình đã kỳ vọng, người con trai sử dụng của cải của cha mình để lại một cách khôn ngoan cũng như dùng nó để giúp đỡ những người nghèo khó một cách rộng rãi.
Bài học rút ra từ câu chuyện này: Với một người chưa từng nắm quyền lực trong tay, một chút quyền hành cũng có thể làm cho họ mất hết sự kiểm soát bản thân.
Người dịch: Quảng Hiền
Theo: Buddhist Jataka Stories
Nguồn: The New York Buddist Vihara