Trang chủ Văn hóa Du lịch Khi Yên Tử được nâng tầm di sản

Khi Yên Tử được nâng tầm di sản

256

Quần thể di tích – danh thắng Yên Tử đang trên hành trình được tỉnh Quảng Ninh phối hợp với hai tỉnh Hải Dương, Bắc Giang lập hồ sơ khoa học đề nghị Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn thế giới.

Nếu hồ sơ Yên Tử được UNESCO thông qua thì đây sẽ một dấu mốc quan trọng, một phần khẳng định giá trị lịch sử, văn hoá của quần thể di tích, một phần đưa Yên Tử trở thành điểm du lịch tâm linh ngày càng thu hút nhiều du khách.

Tới nay, Việt Nam đã có 8 quần thể di tích, danh thắng vật thể được UNESCO công nhận là di sản thế giới, gồm: Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (Quảng Bình), Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội), Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình), Phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam), Thành nhà Hồ (Thanh Hoá), Quần thể di tích Cố đô Huế (Thừa Thiên – Huế). So với các di sản thế giới trên, quần thể di tích và danh thắng Yên Tử có không gian rộng hơn, bao gồm toàn bộ dãy núi Yên Tử và vùng phụ cận với hàng trăm công trình tôn giáo, tín ngưỡng thuộc 3 tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang. Trong đó, có 4 khu vực chính:

Khu Di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử ở sườn Nam dãy núi Yên Tử, thuộc TP Uông Bí và TX Đông Triều là nơi tu hành của nhiều thế hệ sư tổ dòng Thiền Trúc Lâm và là nơi phát tích của Phật giáo Việt Nam.

Khu Di tích lịch sử nhà Trần ở Đông Triều, thuộc sườn Nam dãy núi Yên Tử là nơi lưu giữ nhiều dấu tích nhất về tiên miếu, các di tích lăng mộ của vua và hoàng hậu nhà Trần có niên đại thế kỷ XIV.

Khu Di tích và danh thắng Tây Yên Tử ở về phía bắc và tây bắc dãy núi Yên Tử thuộc tỉnh Bắc Giang, là nơi hoằng pháp của các thế hệ tu hành của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử.

Khu Di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc và chùa Thanh Mai ở khu vực phía tây nam dãy núi Yên Tử, thuộc TX Chí Linh, tỉnh Hải Dương là nơi có nhiều di tích, dấu tích Phật giáo Trúc Lâm thời nhà Trần.

Trong số 4 khu vực chính trên, Khu di tích lịch sử, danh thắng Yên Tử; Khu di tích lịch sử nhà Trần ở Đông Triều, Khu Di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định công nhận là di tích quốc gia đặc biệt. Mộc bản ở chùa Vĩnh Nghiêm đã được UNESCO công nhận là Di sản Tư liệu thế giới Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Bia đá chùa Thanh Mai, Bảo tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông trong Tháp Tổ Huệ Quang, Hương án đá chùa Cao… đã được công nhận là bảo vật quốc gia.

Như vậy, có thể thấy quần thể di tích, danh thắng Yên Tử không chỉ có không gian rộng lớn mà còn chứa đựng những giá trị rất lớn về lịch sử, văn hoá liên quan đến tín ngưỡng Phật giáo thời Trần, gắn liền với lịch sử ra đời, phát triển của Thiền phái Trúc Lâm. Trong các cuộc hội thảo về xây dựng hồ sơ khoa học quần thể di tích, danh thắng Yên Tử, các nhà khoa học, chuyên gia về văn hoá, lịch sử đã thảo luận và nhiều kiến cho rằng cần xây dựng hồ sơ của Yên Tử trên cơ sở các tiêu chí nổi bật toàn cầu về các giá trị văn hoá vật thể (như Phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, Khu Di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, Thành Nhà Hồ) thay vì văn hoá phi vật thể (như Tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam, Nghi lễ Kéo co ở Việt Nam).

Nếu Yên Tử được UNESCO công nhận là di sản thế giới? Chắc chắn, vị thế của quần thể di tích khi ấy đã ở tầm thế giới. Các di tích thuộc quần thể danh thắng Yên Tử sẽ thu hút du khách, nhất là du khách quốc tế nhiều hơn. Từ vị thế mới, giao thông và các dịch vụ sẽ được đầu tư mạnh mẽ hơn. Các giá trị lịch sử, văn hoá của Yên Tử được khai thác, phát huy và tác động lại thúc đẩy du lịch, kinh tế địa phương phát triển. Ở chiều ngược lại, du lịch cũng tạo ra nguồn thu để đầu tư ngược trở lại công tác bảo tồn, tôn tạo các di tích của quần thể di tích, danh thắng Yên Tử.


Đại Dương/Quảng Ninh