Trang chủ Văn hóa Nghệ thuật Khi trái bóng náo động cửa thiền

Khi trái bóng náo động cửa thiền

112

Phật giáo là triết lý. Còn bóng đá là tôn giáo!




Đạo diễn Khyentse Norbu

Đó là câu tagline quảng cáo thú vị của bộ phim này. Trong sân chùa, mặc chiếc áo tu hành với cái đầu trọc, các chú tiểu chơi một trận bóng đá, mà quả bóng là lon Coca-Cola. Hình ảnh này trong The Cup tượng trưng cho một hiệp ước vui nhộn giữa Phật giới và cõi thế. Nó cho phép các nhà sư có thể tạm nghỉ tu hành để lao vào một trò vui chỉ có ở trần tục.



Bộ phim dựa theo một câu chuyện có thật diễn ra tại một ngôi chùa của những người Tây Tạng lưu vong ở Ấn Độ, một ngôi chùa hẻo lánh trên dãy Himalaya nơi nhận nuôi những đứa trẻ Tây Tạng được cha mẹ lén đưa qua biên giới để chúng có thể được dạy dỗ theo giáo lý cổ xưa của Phật giáo. Và thế là chúng sống trong một ngôi chùa có vẻ hơi giống bất kỳ ngôi trường nội trú nào dành cho trẻ em khó dạy. “Tụi mình cạo trọc đầu để bọn con gái… không thấy tụi mình quyến rũ!” – một chú tiểu hồn nhiên giải thích với người đồng môn.



Cái lon Coca trống rỗng có thể được xem là một phép ẩn dụ thích hợp cho quan điểm châm biếm của bộ phim về mối quan hệ giữa linh thiêng và trần tục, là phép ẩn dụ cho cách tiếp cận dè dặt với hiện tượng toàn cầu hóa. Sự xâm nhập văn hóa hưởng thụ của phương Tây vào những nơi hẻo lánh của thế giới có nguy cơ quét sạch các truyền thống lỗi thời, các tục lệ tín ngưỡng yếu ớt già cỗi hàng ngàn năm.



The Cup tường thuật sự xuất hiện của truyền hình trong thế giới khép kín của ngôi chùa, chứng kiến những trớ trêu và sắc thái trong cuộc chạm trán giữa hiện đại và truyền thống. Các chú tiểu ấy đã cống hiến cuộc đời mình cho một truyền thống tôn giáo cổ xưa, được dựa trên giới luật khắt khe của Phật giáo. Họ cũng là trai mới lớn, ham vui, thích vẽ hươu vẽ vượn trên tường, thích chọc phá nhau trong những buổi tụng kinh và làm bất kỳ điều gì để đánh lừa vị sư trụ trì luôn cố gắng bảo vệ họ khỏi những ảnh hưởng từ bên ngoài.



Nhưng các môn đồ của ông bị ám ảnh bởi bóng đá. Lọt thỏm trong bộ áo thầy tu đỏ cam của mình – “kiểu thời trang 2.500 tuổi”, một chú tiểu còi cọc 14 tuổi tên Orgyen đã nói với đồng môn như thế và hãnh diện về chiếc áo lót dài mà trên đó cậu đã viết rõ tên và số áo của Ronaldo, ngôi sao bóng đá của Brazil. Căn phòng bé tí của Orgyen dán đầy những bức ảnh được cắt ra từ các tạp chí bóng đá, cậu cũng là người cầm đầu một kế hoạch tinh vi là quyên góp tiền để vận chuyển một ăng ten chảo vệ tinh và một cái TV vào chùa để kịp xem trận chung kết World Cup năm 1998 giữa Brazil và Pháp. Sư trụ trì lúc đầu phản đối kế hoạch của các chàng trai nhưng chẳng bao lâu khi được giải thích “hai quốc gia văn minh tranh nhau một quả bóng”, thì ông phán rằng: World Cup nghe có vẻ khá vô hại, miễn là không có dính líu gì tới sex!



Đạo diễn điện ảnh độc nhất vô nhị



Khyentse Norbu ra đời năm 1961 ở miền Đông Bhutan, có mẹ là người Bhutan và cha là một vị Lạt Ma cao cấp của Tây Tạng. Ông nội của ông cũng từng là Lạt Ma. Vì thế không có ai trong gia đình quá ngạc nhiên khi ở tuổi lên 7, Khyentse Norbu được một nhóm tu sĩ Tây Tạng tiếp cận tại ngôi trường tiểu học. Họ báo cho Norbu biết rằng ông đã được xác định là hóa thân thứ ba của Jamyang Khyentse Wangpo, một vị thánh Lạt Ma và là chuyên gia thần học trụ trì chùa Dzongsar ở miền Đông Tây Tạng thế kỷ 19. Các nhà sư này đưa vị rinpoche (đại sư) nhỏ tuổi tới Sikkim, Ấn Độ, nơi ông trải qua 6 năm ẩn dật học đạo. Sau đó ông chuyển tới Rajpur để học tại trường Sakya nơi mà một người bạn Mỹ (sau này là một trong những nhà sản xuất của ông) đã cho ông bài học đầu tiên về điện ảnh. Norbu sau đó học ở trường Orientation and African Studies tại London, ở đó ông lấy nghệ danh là “Larry Newcastle” để tránh bị làm phiền bởi những di dân Tây Tạng và Bhutan đang sống ở xứ sở sương mù. London cũng chính là nơi Khyentse Norbu đã có cuộc gặp định mệnh với đạo diễn lừng danh người Ý Bernado Bertolucci (đoạt giải Oscar 1987 phim The Last Emperor) và bắt đầu cân nhắc bước vào điện ảnh.



Số là năm 1992, Bertolucci chuẩn bị làm một bộ phim về cuộc đời của Đức Phật Thích Ca Little Buddha (Vị tiểu Phật). Do phần lớn bối cảnh Phật giáo được quay tại Bhutan, vị đạo diễn người Ý đã chọn Khyentse Norbu làm trợ lý. Không những học được rất nhiều điều về cách làm phim từ Bertolucci, sau Little Buddha Norbu đã trở nên thân thiết với nhà sản xuất nổi tiếng Jeremy Thomas. Chính Thomas đã chỉ dẫn cho Norbu học điện ảnh tại trường NYC (Mỹ), và sau này ông cũng là nhà sản xuất của The Cup.

Ở vương quốc Bhutan, Norbu là một trong những vị Lạt Ma nổi tiếng, được tôn kính nhất của Phật giáo Tây Tạng, thậm chí người ta còn tôn sùng ông như một vị thánh. Nhưng đây chính điều mà ông không thích. Norbu chỉ muốn mọi người xem ông như người bình thường, để ông có thể trò chuyện và vui chơi hòa đồng với họ. Song điều đó xảy ra, cho đến khi Norbu quyết định viết kịch bản The Cup và đạo diễn bộ phim ngay trên chính quê hương mình. Chỉ có ở trên phim trường với cương vị đạo diễn, Khyentse Norbu mới có thể hành động gần như một người bình thường. Ông từng nói vui: “Nhiều người phàm tục tội lỗi đầy mình còn làm đạo diễn được, thì hà cớ gì mà một vị thánh không có cơ hội làm đạo diễn!”.



Bộ phim ngộ nghĩnh về cửa Phật



Kinh phí để làm The Cup mặc dù chưa đến 2 triệu USD, nhưng mấy ai dám đặt niềm tin vào một nhà sư làm đạo diễn? Điều đó có được hoàn toàn nhờ vào tiếng tăm của nhà sản xuất Jeremy Thomas. Vương quốc Bhutan là một trong những đất nước bí ẩn nhất, hầu như biệt lập hàng trăm năm nay với thế giới bên ngoài. Truyền hình mãi đến năm 1999 mới xuất hiện ở Bhutan. Và theo lời kể của Khyentse Norbu, những người Bhutan biết thế nào là điện ảnh thì lại coi phim ảnh như là những thứ bạo lực và tình dục. Điện ảnh khó có thể là công việc thích hợp với hình ảnh một vị thánh tái sinh như Norbu. Vì thế dù có phong cảnh hùng vĩ và hấp dẫn, nhưng Bhutan không thể là nơi thích hợp để làm phim.



Đầu tháng Bảy chấm dứt World Cup, thì cuối tháng 9/1998, bộ phim The Cup – có tựa đề ban đầu là Travelers and Magicians – khởi quay tại Bhutan với rất nhiều trở ngại. Các máy quay bị kéo lê trên vỉa hè gồ ghề, điện thì khó tìm, phim quay xong thì luôn phải túc trực ở sân bay để kịp mang đi Bangkok in tráng, bởi cả nước Bhutan chỉ có hai chiếc máy bay sử dụng cho đủ các lộ trình ra thế giới bên ngoài.



Khyentse Norbu biết rằng được phép đưa 16 người ngoại quốc trong đoàn phim gồm 108 người tới Bhutan là điều không đơn giản. Kinh phí sản xuất 1,8 triệu USD không đủ để thanh toán khoản tiền thuế “cắt cổ” 200 USD/người/ngày mà chính phủ Bhutan áp đặt lên du khách. Nhưng Norbu đã đóng vai một nhà thương thuyết có sức thuyết phục ở một đất nước có 20% dân số là người tu hành. Đơn vị sản xuất Mỹ – Úc của bộ phim sau đó được phép vào Bhutan thoải mái. Bộ phim quay trong 3 tháng (từ tháng 9 – 11/1998)


The Cup không có diễn viên chuyên nghiệp. 80% các diễn viên được chọn trực tiếp từ những người tu hành đang học đạo. Norbu tham khảo Mo, một hệ thống bói toán cổ xưa dùng xúc xắc và tràng hạt, để đưa ra những quyết định về phân vai và lịch quay. Dàn diễn viên, nhất là 2 chú tiểu Tobygal (vai Geko) có bộ mặt ngơ ngác và Lodro (vai Orgyen) rất hoàn hảo khi diễn hài. Nếu không nguyện tu học cao hơn thì Lodro có thể trở thành một ngôi sao nhí trên bầu trời điện ảnh quốc tế.



The Cup đã nhận được nhiều giải thưởng tại các LHP: Amiens, Gardanne (Pháp), Pusan (Hàn Quốc), Munich (Đức), Kerala (Ấn Độ), và được chiếu trong hạng mục vinh danh đạo diễn Director’s Fortnight tại Cannes. The Cup được bán ra khắp thế giới, đặc biệt khi phát hành ở Mỹ, bộ phim đã đạt doanh thu 1,1 triệu USD – một con số không tồi chút nào, bởi nước Mỹ không mặn mà với phim nước ngoài và bóng đá không được hâm mộ ở đây – Theo tờ New York Times bộ phim đã tạo dựng cho Khyentse Norbu vị thế “một nhà làm phim bẩm sinh”. Ông đã tìm ra cách cân bằng giữa tình yêu điện ảnh mãnh liệt và những nghĩa vụ tôn giáo của riêng mình.