Ngày chủ nhật kể từ tháng 12-2007, hơn 25 thành viên trong ban điều phối dự án phi chính phủ NAV tại Học viện Phật giáo Việt Nam (với mục tiêu giảm phân biệt, kỳ thị người nhiễm HIV/AIDS) đã xăng xái đi đến các địa phương trong TP.HCM để tìm hiểu đời sống của những gia đình có người nhiễm HIV/AIDS. Đồng thời với việc tìm hiểu là tuyên truyền về lối sống, ứng xử của những người nhiễm HIV/AIDS với cộng đồng và ngược lại.
Đến để rồi những tình nguyện viên trẻ trong ban điều phối đã không cầm được nước mắt khi có trường hợp bệnh nhân bị gia đình ruồng rẫy vì sợ lây và không dám tiếp xúc. Cũng có những trường hợp hoàn cảnh quá khó khăn, có gia đình thì cả hai vợ chồng đều nhiễm, đứa con của họ sống trong cảnh kỳ thị, xa lánh của mọi người…
Những hình ảnh ấy cuốn lấy các sư thầy, sư cô trẻ vào cuộc với mong muốn góp phần làm thay đổi cái nhìn của mọi người với bệnh nhân AIDS. Thầy Thích Hạnh Tín (nhóm truyền thông) chia sẻ: “Người bị nhiễm HIV/AIDS cần những bàn tay thương yêu, chia sẻ của mọi người. Chúng tôi đến còn để nói với họ rằng họ cũng phải đứng lên để sống tốt, để cứu chính mình trong những ngày mình còn sống trên đời”.
Với sự nhiệt thành và tình cảm chân thật mà những tình nguyện viên của NAV mang đến đã làm lay động tấm lòng của những người đang “trốn” đời. Và họ đã chịu sẻ chia những khó khăn, cho con cái gần gũi với những tình nguyện viên để được vui chơi, được hòa nhập cộng đồng…
Sư cô Trung Tựu (phó nhóm chăm sóc) chia sẻ: “Lúc đầu đến với các em và gia đình người nhiễm HIV/AIDS chúng tôi cũng gặp không ít khó khăn. Nhất là sự “phòng thủ” của họ, nhưng dần dần với lòng kiên trì và nhiệt huyết của mọi người đã cho các bệnh nhân niềm tin”.
Niềm tin ấy lan tỏa từ những tình nguyện viên của NAV sang cho bệnh nhân và con cái họ. Có những em học rất giỏi nhưng phải nghỉ học sớm, có em cũng bị nhiễm từ bố mẹ như bé Võ Thanh Huy (7 tuổi) ở P.11, Q.Bình Thạnh. Ba mẹ Huy đã mất, còn cậu bé thì còi cọc, đang phải trị liệu nhưng không biết sống được bao nhiêu ngày nữa. Nhiều em khác thì có khi đến trường đã bị bạn bè xa lánh, làm các sư càng muốn chia sẻ nhiều hơn.
Chính vì vậy, khi các sư thầy, sư cô đến, các em ôm vai, níu áo nâu sòng của các sư như những đứa em nhỏ bên những người anh, người chị. Còn các sư cô, sư thầy thì nắm tay các em, có em bị nhiễm HIV/AIDS như Võ Thanh Huy được các tình nguyện viên ôm vào lòng, để minh chứng cho hai điều: bệnh AIDS không lây qua tiếp xúc thông thường và khi có tình thương con người sẽ gần nhau hơn dù họ có mang trong người căn bệnh thế kỷ!