Bởi là điểm đến của du khách khi đến Thủ đô, lại có những “báu vật” quý hiếm nên chùa Trấn Quốc, ngôi chùa nằm sát hồ Tây thuộc phường Yên Phụ, quận Tây Hồ (Hà Nội) ngày nào cũng tấp nập khách vào ra thăm viếng. Và, chính sự đông đúc ấy đã có lúc chùa trở thành “miền đất hứa” để giới đạo chích, cướp giật hành nghề. Thế nhưng…
Những lần bắt trộm ngoạn mục và hệ thống báo động mang nhãn hiệu… nhà chùa
Mỗi ngày chùa Trấn Quốc đón cả hàng nghìn lượt du khách vào ra thăm viếng. Trong số ấy, rất nhiều người là khách nước ngoài. Lợi dụng tình hình ấy, dân đạo chích đã trà trộn, và hễ khách sơ hở thứ gì là ngay lập tức chúng ra tay chôm chỉa. Thượng tọa Thích Thanh Nhã, trụ trì chùa kể, thời gian ấy, hầu như không có ngày nào nhà chùa không được nghe những lời phàn nàn của du khách.
Sau này, khi sự cảnh giác của mọi người lên cao, không kiếm ăn được bằng trò móc túi, giật đồ, cánh đạo chích lại chuyển đổi cách hoạt động là đi hạ tất cả những đồ lễ mà bởi lòng thành, khách thập phương mang đến. Trên ban thờ có tiền lễ, chúng đóng giả người thành tâm, bước vào xì xụp khấn vái, ngó trước trông sau, không ai để ý là vơ bằng sạch.
Việc đầu tiên, Thượng tọa muốn ngăn ngừa quân móc túi. Không còn cách nào khác là phải nâng cao tinh thần cảnh giác của du khách đến chùa. Vậy là, chẳng ngại sự yên tĩnh vốn có của chốn thiền tự, Thượng tọa đã cho mắc loa ở tất cả những nơi mà du khách hay tập trung vãn cảnh.
Cứ khi nào có khách, những chiếc loa ấy lại nhắc nhở du khách hãy cẩn thận bảo quản đồ đạc, tư trang của mình bởi lí do chùa… rất nhiều trộm. Từ khi có những lời nhắc nhở không biết… phát ra từ đâu ấy, đám “công ty hai ngón” hết đất làm ăn.
Thế nhưng với những kẻ chuyên hạ trộm tiền lễ, đồ lễ xem ra khó đối phó hơn bởi chúng rất ranh ma. Thượng tọa Thích Thanh Nhã kể, đã nhiều lần nhìn thấy tận mắt chúng chôm tiền của khách, nhưng khi ra bắt thì chúng cứ cãi nhem nhẻm ấy là đồ của chúng, tiền của chúng.
Chốn tôn nghiêm, không có chứng cứ rõ ràng, không tiện cãi vã nên nhà chùa và khách thành tâm đành phải chịu thua. Không thể để chúng tự tung tự tác mãi được, Thượng tọa và các đệ tử muốn tìm chứng cứ để bắt tận tay, day tận trán những kẻ gian manh, có vậy mới làm gương được cho kẻ khác.
Vậy là, một kế hoạch hoàn hảo đã được Thượng tọa và các đệ tử vạch ra và với chiêu thức ấy thì kẻ gian sẽ hết đường chối cãi. Sáng kiến vô cùng đơn giản. Hễ ai đến lễ, có lòng thành đặt tiền công đức mệnh giá lớn đều được nhà chùa đánh dấu rồi mới đem đi đặt lễ nguyện may.
Khi khách ra khỏi thư phòng thì nhà chùa cũng cho người để mắt theo để… rình quân ăn trộm. Lần lượt, những kẻ đạo chích sa lưới.
Khi bị nhà chùa… phát hiện, đối tượng còn tự đắc hù dọa: “Tiền này là của tôi, Phật từ bi chứng giám, ai bảo tôi ăn trộm là người vu vạ!”. Khi ấy, từ thư phòng bước ra, Thượng tọa mới ung dung bảo: “Thí chủ nhìn kỹ lại xem, nếu đó là tiền của thí chủ thì nhà chùa xin chịu!”.
Lúc này, quan sát kỹ mấy tờ tiền trên tay, sắc mặt tên đạo chích đổi màu tái nhợt. Thì ra, bất cứ tờ tiền nào cũng đều có ghi rõ ràng hai từ “tiền lễ” ở bên góc trái. Hoảng hốt, kẻ đạo chích co chân chạy vọt ra cổng nhưng mấy đồng chí Công an phường Yên Phụ đã đón lõng.
Bằng kinh nghiệm nhận diện kẻ gian của mình, cuối năm ngoái, Thượng tọa biết, một số đồ vật quý của chùa đã lọt vào tầm ngắm của một nhóm đối tượng dặt dẹo không biết từ đâu đến. Thấy rõ… mối nguy ấy, Thượng tọa tự mình thiết kế rồi cho đệ tử đi mua chuông báo động để lắp đặt ở những nơi cần thiết, chờ trộm tới.
Đúng như linh tính, đêm 18/11 âm lịch năm rồi, những tên đạo chích thiện nghệ vượt tường… ghé thăm. Mục tiêu của chúng là những chiếc chân đèn cổ bằng đồng được đặt ở khắp các nơi trong khuôn viên chùa. Thế nhưng, cứ động vào chiếc chân đèn nào thì ngay lập tức, trong gian thờ chính, một hồi chuông lại réo lên ầm ĩ. Định cố đấm ăn xôi nhưng không xong. Sợ hãi, chúng cuống cuồng vượt tường chạy trốn.
Bước đường cùng của những tên cướp cạn
Đêm, “con phố tình yêu” (đường Thanh Niên) bỗng giật mình bởi những tiếng kêu cướp… Sau những tiếng tri hô là màn rượt đuổi. Thế nhưng, bám gần sát mục tiêu, đám người giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha ấy bỗng khựng lại, tản ra. Tên kẻ cướp có hung khí. Thấy mọi người chùn bước, hắn vọt xuống hồ và mất tích vào bóng tối.
Đang cùng các đệ tử niệm Phật tụng kinh, Thượng tọa Thích Thanh Nhã bỗng giật mình bởi tiếng động lạ ngay bến nước sau chùa. Thượng tọa và các đệ tử dừng việc tụng kinh, ra nơi phát ra tiếng động ấy. “Ai đó?”. Vừa nghe thấy tiếng hô trên, kẻ lạ mặt bỗng hốt hoảng, chẳng nói chẳng rằng vọt chạy.
Biết đích thị là kẻ gian, Thượng tọa liền lệnh cho các đệ tử truy đuổi. Chạy ra phía trước, cổng chùa đã khép, không còn đường thoát, kẻ lạ mặt đành trèo tọt lên cây. Tưởng các nhà sư không ai biết trèo nhưng cũng nhanh như sóc, sư thầy Nguyên Hiền, Nguyên Minh đu cành đeo bám.
Hết đường… trèo, kẻ lạ mặt vừa lớn tiếng hù dọa vừa trầm mình rơi tõm xuống nước. Tưởng đã thoát thân nhưng các sư thầy cũng lao theo. Vùng, vẫy, quẫy, đạp một hồi, kẻ lạ mặt đành đưa tay chịu trói.
Lúc giải y về Công an phường, các sư thầy mới biết, kẻ lạ mặt ấy là một tên cướp. Hắn vừa giật tiền và điện thoại di động của khách đi đường.
Theo lời Thượng tọa thì bất cứ đối tượng nguy hiểm nào khi đối diện với Thượng tọa đều run sợ. Chúng sợ bởi vẻ “đại hùng, đại lực, đại từ bi” của nhà Phật và bởi Thượng tọa có “bí quyết võ công vô cùng thâm hậu”. Theo lời Thượng tọa thì chỉ vỗ vào vai bất cứ ai thì ngay lập tức kẻ đó chân tay bủn rủn không cử mình được nữa.
Xuất gia từ năm 13 tuổi, đến nay đã 32 tuổi đạo, 60 tuổi đời, sắp đến thời gian đủ tấn phong chức danh Hòa thượng, không chỉ nổi tiếng bởi trụ trì ngôi chùa Trấn Quốc, di tích lịch sử nổi tiếng của đất nước, Thượng tọa Thích Thanh Nhã còn nổi tiếng với các hoạt động xã hội, cứu giúp người nghèo khó.
Xuân lễ năm nay, ở chùa Trấn Quốc chưa xảy ra bất cứ một vụ trộm, cắp nào. Có được điều ấy, theo nhiều người, phần lớn nhờ sự mưu trí, dũng cảm trong trấn áp tội phạm của Thượng tọa cùng các đệ tử và sự đóng góp của nhân dân và các chiến sỹ Công an phường Yên Phụ.