Trang chủ Văn hóa Khi nghi lễ Phật giáo trở thành show diễn sân khấu

Khi nghi lễ Phật giáo trở thành show diễn sân khấu

86

Khán giả là người của các tôn giáo khác ngồi xem bên dưới. Tất nhiên họ vỗ tay tán thưởng như xem một tiết mục sân khấu.

Nói các ni cô trình diễn nghi lễ vì đều đắp y hậu, chắp tay với cây hương ở giữa nâng cao, hướng  về phía… khán giả!

Việc các tu sĩ Phật giáo, hoặc đóng giả trang các tu sĩ Phật giáo, đưa nghi lễ Phật giáo lên sàn diễn như một tiết mục sân khấu, là điều khá phổ biến hiện nay, kể cả ở Việt Nam.

Một trong những nguyên tắc của trình diễn sân khấu là diễn viên phải quay mặt về phía khán giả, hướng diễn xuất đối diện với khán giả, diễn viên nhìn vào mặt khán giả để khán giả theo dõi diễn xuất hình thể và khuôn mặt, nên dù trang trí sân khấu có hình Phật, tượng Phật, diễn viên đóng vai trò tu sĩ Phật giáo trình diễn nghi lễ Phật giáo qua hình thức múa tập thể, hay minh họa bài hát, đều hướng về phía khán giả. Như thế, thì trong màn trình diễn nghi lễ hay mang màu sắc nghi lễ Phật giáo đó, người khán giả sẽ ở vị trí… Phật (!).

Không biết tôi có khó tính quá hay không, nhưng xem những màn trình diễn có tăng ni đắp y hậu trình diễn như lên chính điện lễ Phật, nhưng lại hướng về phía khán giả, tôi thấy cần phải lên tiếng.

Nghi lễ, dù với hình thức nào, chỉ nên diễn ra trong chính điện nhà chùa, hay dưới bàn thờ Phật, không thể đưa lên sân khấu để trình diễn như một tiết mục vũ đạo hay múa minh họa bài hát, dù với bất kỳ hình thức nào.

Camera trong tiết mục múa của các ni cô người Trung Quốc đã nói ở trên đặt ở phía khán giả. Cho nên, xem qua màn hình TV, thì thấy như ni cô đắp y dâng hương chắp tay cúi người làm lễ khán giả truyền hình. Đang nằm dài trên giường xem TV, tôi cảm thấy phải ngồi dậy và sau đó viết bài này.

Luôn để ý các tiết mục văn nghệ tôn giáo, tôi chưa hề thấy thánh lễ đạo Ca tô La Mã được đưa lên làm tiết mục trình diễn sân khấu bao giờ. Dâng thánh lễ là phải trước bàn thờ chúa, người hành lễ phải đứng hoặc quỳ nghiêm trang, không có cảnh người làm lễ, người ngồi ghế dựa vỗ tay tán thưởng như xem trò vui.

Ấy vậy mà chuyện như vậy diễn ra ở đạo Phật ta. Nghi lễ ở điện Phật thì đưa lên sân khấu, dù nghiêm trang cách mấy vẫn là một màn múa không hơn không kém. Một đám đông người xem rồi vỗ tay. Người vừa thực hiện nghi lễ, trong hình tướng một nhà sư, hay một ni cô, nhoẻn miệng cúi chào đáp lễ khán giả rõ ràng trong vai trò diễn viên.

Tái hiện hình tượng người tu sĩ Phật giáo trên sân khấu ư? Có thể. Nhưng người tu sĩ trong nghi lễ không phải là cái diễn ra trên sân khấu, để người ta dựa người vào xem, vỗ tay khen hay. Nghi lễ là việc mà tất cả những người có mặt tại địa điểm diễn ra nghi lễ tham dự với sự tôn kính. Không thể đóng diễn nghi lễ như một show văn nghệ, có người diễn kẻ xem, mà kẻ xem lại ngồi ở vị trí Phật (như hình ảnh trên bản tin truyền hình đã dẫn), các ni cô chắp tay cao cầm nhang hướng về.

Nếu diễn ra nghi lễ trang nghiêm trên sân khấu, thì cần yêu cầu mọi người tại địa điểm diễn ra nghi lễ phải đứng dậy, như một cách tham gia nghi lễ. Khi  đó khán phòng là nơi diễn ra nghi lễ. Tất cả mọi người hướng về bàn thờ Phật.

Nếu không thế, thì thôi, không nên diễn nghi lễ như một tiết mục sân khấu cho đám đông ngồi xem thưởng thức, vỗ tay khen. Với chiều mà diễn viên trình diễn nghi lễ hướng về, bắt buộc theo nguyên tắc sân khấu, là chiều khán giả, tạo tình huống không hay cho nghi lễ Phật giáo.

Camera thu hình nghi lễ Phật giáo dưới mọi hình thức không nên bố trí ở vị trí năng ni vái lạy về. Vì đó, theo giáo khoa điện ảnh, là quay chủ quan, với vị trí chủ quan là tượng Phật, có thể hiểu là thể hiện cái nhìn từ tượng Phật.

MT