Trang chủ Đời sống Khí công tâm pháp – Nét tu tập mới tại Đạo tràng...

Khí công tâm pháp – Nét tu tập mới tại Đạo tràng Từ Tân – TP. Hồ Chí Minh

493

Ðó chính là Thuật Dưỡng Sinh từ lâu đời của truyền thống Phương Ðông, có nguồn gốc từ Trung Quốc. Tuy nhiên phép luyện công trong Khí Công thì muôn vàn và đa dạng cùng với nhiều chủng phái. Tuỳ đặc điểm riêng biệt mà Công pháp (phép luyện công) của Khí Công có từng trường phái khác nhau như Phật gia, Nho gia, Ðạo gia và Y học v.v. song mọi phương pháp tập luyện đều không ngoài những Công pháp chính: Ðộng Công và Tĩnh Công, tất cả đều nhằm làm tăng cường sức khỏe, kéo dài tuổi thọ, trừ mọi bệnh tật.


Riêng với Công pháp Phật gia ngoài mục tiêu ứng dụng để điều chỉnh sức khỏe, nâng cao thể lực còn hỗ trợ rất nhiều cho mục tiêu tinh thần phù hợp cho việc tu luyện của các Tăng lữ và hành giả tu trì. Bởi “Giáo nghĩa và Giới Luật của Phật giáo có quan hệ với Khí Công rất lớn. Phương pháp tu trì của Phật giáo trên cơ bản là con đường mà nhà Khí công phải đi qua” (trong Phật Giáo và Sức Khỏe của Dương Quốc An). Song để ứng dụng rộng rãi và phổ biến vào các Trường học, Ðạo tràng hay các thời khóa tu tập đến nay vẫn là điều khan hiếm. Bởi là Pháp dưỡng sinh cần đòi hỏi người có chuyên môn sâu truyền dạy trực tiếp và thực hành đều đặn vào mỗi thời khóa tu tập cho các phật tử mới đem lại hiệu quả cao trong việc rèn luyện thể lực. Song, chính sự hiếm hoi trong ứng dụng ấy mà việc thực hành Khí Công Tâm pháp của đạo tràng Bát Quan Trai chùa Từ Tân (Q. Tân Bình) do Thầy Thích Viên Giác hướng dẫn đã nổi lên như một đóa hoa lạ đặc biệt tiên phong cho việc thực tập vào thời khóa tu tập. Ðây chính là nét mới được áp dụng đầu tiên vào tu tập Bát Quan Trai như một cách rèn luyện cho thân thể, phù hợp với đa số phật tử là người lớn tuổi có sức khỏe yếu. Và chính sự xuất hiện, thực tập đều đặn bộ môn ấy ở đạo tràng chùa Từ Tân từ một năm rưỡi trở lại đây đã tạo nhiều quan tâm và ngày càng thu hút khá đông phật tử gia nhập buổi tập nhiều hơn bởi sự hiệu quả của việc tập luyện ấy.


Dưỡng Sinh Tâm Pháp


Khí Công Tâm Pháp gồm nhiều thể loại tập, giữa muôn vàn đa dạng phương thức tập luyện thuộc “Ðộng Công” như Ðại Bi công, Huệ công và các pháp công khác (còn gọi là Thiền động) thì Khí công trong đạo tràng Từ Tân thực tập là pháp công có tên gọi “Dưỡng Sinh Tâm Pháp”, được thực hiện trên mô hình căn bản của Bát Chánh Ðạo (BCÐ). Gồm 8 thế tập theo Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn và Chánh Ðịnh. Trong 8 thế tập này mỗi thế tập gồm nhiều động tác kết hợp tạo thành một thế luyện công hoàn chỉnh, như thế tập Chánh Kiến gồm 3 động tác: Thấy biết chân thật, Mở rộng cõi lòng và Sống với tỉnh giác. Thế tập Chánh Nghiệp gồm có 5 động tác: Thế Hoa Sen, Ý, Thân, Khẩu và Tỏa chiếu.v.v. mà khi tập mỗi học viên “phải luôn luôn chú tâm tỉnh giác, nhẹ nhàng buông lỏng và cảm nhận toàn thân”, lời nhắc nhở thường trực Thầy luôn dành đến mỗi học viên. Bởi thiếu chú tâm vào hơi thở thì bài tập sẽ không còn tác dụng và hiệu quả. Vì yêu cầu bài tập được đặt ra phải đủ 3 yếu tố “Ðộng tác, Hơi thở và Nhiếp tâm niệm Phật”, là đặc điểm then chốt cho mỗi thế tập, thực hành đúng sẽ đưa đến 3 kết quả: sự phát triển trí tuệ, nâng cao khả năng chánh niệm tỉnh giác và cân bằng sức khỏe đối với người tập đúng pháp.


 Ðây còn là loại hình thích hợp và dễ ứng dụng vào chương trình tu tập với người cao tuổi vì tính cách dễ nhớ, dễ tiếp thu qua 8 Danh hiệu theo mô hình Bát chánh đạo, giúp người phật tử thông suốt ý nghĩa về con đường tu tập của BCÐ. Trong đó 2 yếu tố đặc biệt quan trọng thuộc về Trí tuệ (Chánh Tư duy và Chánh Ðịnh) “giúp người phật tử chú tâm nhiều hơn vào niệm Phật, tạo được năng lượng tích cực mang lại hiệu quả thâm nhập và có sức mạnh trên đường tu, giải tỏa được mọi u ám nặng nề trong lòng. Ðây còn là nền tảng của Thiền định”, Thầy Viên Giác cho biết. Ðây còn là lý do để ứng dụng pháp Khí công vào nội dung tu tập của đạo tràng “Vì sự kết hợp của 4 đại khiến con người luôn đối mặt với bệnh tật, đau đớn và nỗi khổ thể chất. Và khi thân thể mất thăng bằng sẽ dẫn đến bệnh. Vậy phương thức tu trì kết hợp với thực hành có phương pháp sẽ điều hòa được 4 đại cân bằng, từ đó tâm sẽ nhẹ nhàng và nhờ sự cân bằng của tứ đại sẽ tăng cường sức khỏe và thân thể cường tráng”, Thầy nói thêm. Ðó còn là lời giảng giải về nhân duyên tứ đại và chỉ dẫn cặn kẽ của Thầy dành cho toàn thể học viên vào mỗi thời pháp trước giờ Khí công của đạo tràng


Hiệu quả của Khí Công dưỡng sinh


Hàng tháng, chùa Từ Tân lại chật kín các phật tử từ khắp mọi nơi vân tập về cùng tham dự khóa tu Bát quan trai (vào ngày rằm, mồng Một). Ai nấy đều tỏa lên nét hồng hào rạng rỡ trên gương mặt. Lẫn giữa mái tóc bạc phơ là số ít phật tử trẻ cũng hào hứng đăng ký tham gia luyện tập những bài tập Khí công dành cho người lớn tuổi. Tất cả thực hành một cách thuần thục, chăm chú và hứng thú theo chỉ dẫn của Thầy. Vì số lượng đông nên việc thực hành Khí công được phân thành 2 nhóm tập: khu Thiền Ðường (lầu trên) và tầng Chánh điện. Những học viên mới được sắp xếp thực tập lầu trên trực tiếp với Thầy. Và phía bên dưới dù thuần thục học viên vẫn được bố trí thêm màn hình hướng dẫn thực hành theo từng động tác của Thầy từ lầu trên. Việc thực tập kết hợp với từng lời nhạc kinh Niệm Phật vang tỏa khắp chùa tạo thành không gian uy nghi, trang trọng và hào hứng cho mỗi học viên, tạo động lực lớn cho việc hỗ trợ nhau tu tập giữa đạo tràng.


Buổi tập 45 phút trôi qua, kết thúc trong sự thư giãn thích thú của các nhóm tập. Ngồi giữa những mái đầu bạc phơ, cụ bà Diệu Chủ, năm nay 76 tuổi vui vẻ kể cho biết cụ theo đạo tràng tập đến nay đã được nhiều năm, phương pháp tập cho cụ “nhiều niềm vui, vì trước đây tôi hay đau yếu nhưng giờ đã cải thiện sức khỏe nhiều rồi”. Cụ kể lại chậm rãi với nụ cười. Thật vậy, vóc dáng gọn nhỏ nhưng không kém phần nhanh nhẹn khỏe mạnh của cụ là một trong những minh chứng cụ thể sau thời gian luyện tập Khí Công dưỡng sinh của chùa Từ Tân. Chị Nguyên Hương, chị thuộc Hội Khuyết Tật An Nhiên Q. Tân Phú cũng cố gắng tranh thủ đến chùa tu Bát quan trai và tập luyện Khí công đều đặn tháng 2 lần, dù công việc của chị bận rộn và việc đi lại hơi khó khăn. Song “đi tập về là chị thấy phấn khởi hơn và thư giãn cơ thể.”, chị cho biết. Như vậy, đây chính là mô hình thực tập cần nhân rộng phát triển nơi các đạo tràng và thời khóa tu là điều cần thiết cho những thành viên phần nhiều là người già yếu, lớn tuổi. Vì khi tạo nhiều phong phú cho nội dung tu tập nơi các tự viện sẽ là điểm nhấn thu hút nhiều quan tâm hơn của các phật tử. Vì nhìn chung, cạnh với nhận xét của chị Nguyên Hương, cụ Diệu Chủ là những nhận định của đa số tốt về sức khỏe, tinh thần sảng khoái sáng suốt hơn . Ðể sau mỗi nghi thức Thọ giới toàn thể đạo tràng với hơn 400 phật tư lại hăng hái tích cực cho việc Thiền hành 15 phút bắt đầu cho buổi luyện tập Khí Công, dưới sự hướng dẫn kỹ càng chặt chẽ trong từng động tác của vị chủ trì buổi tập. Bởi mỗi thế tập đều phải tuân thủ tuyệt đối vào mỗi động tác sao cho chính xác phối hợp với từng nhịp thở theo lời Niệm Phật Adiđà. “Vì khi động tác đưa lên cao đồng thời với nạp khí vào (hít vào) sẽ chuyển khí đi vào từng bộ phận cơ thể khiến thân tâm thư giãn”, Thầy phân tích.


Rồi đây, con đường tu tập của người phật tử sẽ có thêm pháp hành trì (niệm Phật) vào tập luyện, một liệu pháp chữa bệnh hữu hiệu “hai trong một” đem lại nhiều thích thú và thuận tiện đồng thời gặt hái nhiều kết quả cho người tu , “Ðó sẽ là mô hình mẫu tu tập trong tương lai”, Thầy Viên Giác thổ lộ niềm mong ước và cũng là niềm kỳ vọng của tác giả quyển Khí Công Tâm Pháp – TT. Phụng Sơn (ở Mỹ).





Thượng tọa Thích Viên Giác hướng dẫn tập khí công


Thế tập chính kiến


Thiền động