Trang chủ Đời sống Nghệ thuật sống Khi cơn giận nổi lên !

Khi cơn giận nổi lên !

4096
Chẳng hạn như, khi một tín đồ Cơ Đốc phát biểu ý kiến về một số vấn đề nào đó, những tín đồ Cơ Đốc khác đương nhiên sẽ đồng tình, nhưng những tín đồ Phật giáo ngồi bên cạnh có thể sẽ chẳng mấy vui vẻ. Những chính sách mà Tổng thống tuyên bố, người dân ở một số khu vực sẽ lắc đầu quầy quậy, nhưng ở một vài khu vực khác, người ta lại vỗ tay tán thưởng rào rào. Một ví dụ khác, khi nghe cùng một câu nói, phái nam và phái nữ có thể sẽ có những phản ứng hoàn toàn đối nghịch. Do vậy, không phải là một phát ngôn hay hành động của một ai đó khiến các bạn trở nên tức tối, mà là việc so sánh dựa trên lập trường của các bạn đã tạo nên một ảo giác. Hay nói cách khác, không phải là người ta đã khiến các bạn tức tối, mà là sau khi nghe thấy lời nói, nhìn thấy hành động của họ, chính các bạn trở nên tức tối. Tức tối là bởi các bạn cho rằng “ta đúng hắn sai”, vì vậy bực tức thực ra là một phản ứng khi các bạn quá ư bảo thủ với kiến giải và quan niệm giá trị của bản thân. Vì vậy, nếu muốn mình không tức giận, các bạn chỉ cần gạt bỏ suy nghĩ “tôi mới là người đúng” là được. Song đây không phải là chuyện dễ dàng, chúng ta cùng xem ví dụ dưới đây. Ở một vùng nọ có một ngọn núi, người dân sống ở sườn núi bên phải gọi đó là “Tây Sơn”, điều này vốn dĩ chẳng có vấn đề gì. Nhưng, các bạn đừng quên rằng, đối với những người dân sống ở sườn núi bên trái mà nói, ngọn núi ấy nên được gọi với cái tên “Đông Sơn”. Người ta đều muốn giữ vững lập trường của mình để chỉ đạo kẻ khác, và phán xét mọi sự. Những người gọi tên ngọn núi là Đông Sơn cho rằng, cái tên ấy không phải là một mình họ gọi, tất cả người dân trong làng đều gọi như vậy, nên họ chẳng có gì sai. Đây chính là hành động lấy ý kiến đa số làm cơ sở để khách quan hóa nhận thức chủ quan của mình. Song, đúng sai không phải là tồn tại khách quan mà thuộc về chủ quan. Đây chính là nguyên nhân giải thích tại sao khi suy nghĩ của con người thay đổi, địa điểm chuyển dời, năm tháng trôi đi, thì sự đúng sai của sự vật cũng theo đó mà đổi thay. Chẳng hạn, trong cùng một quốc gia, ví như ở Hàn Quốc, vào những thời đại khác nhau như Tân La, Cao Ly hay Triều Tiên, những quan điểm và đánh giá của người ta về cùng một sự vật lại khác nhau. Cho đến ngày nay, chúng ta cũng không thể đảm bảo rằng, những đánh giá tốt xấu về thời đại Park Chung Hee sẽ không bị đảo ngược giá trị ở thời đại Kim Young Sam và Kim Dae Jung. Mỗi cá nhân con người cũng như vậy, độc giả của cuốn sách này, bao gồm những người đã làm cha làm mẹ, khi đã nuôi nấng con nhỏ mới thực sự thấu hiểu được tâm tình của cha mẹ, mới bỗng nhiên hiểu ra: khi còn thơ ấu những điều ta khăng khăng là đúng, những gì tưởng chừng sẽ không bao giờ thay đổi, thì ra tất cả đều là sai. Thế gian vốn chẳng phân đúng sai phải trái. Khi tức tối phải biết tự nhìn lại bản thân: tôi lại cố chấp, thiên vị rồi chăng, tôi lại cho rằng chỉ có mình mới là đúng chăng. Đó cũng chính là một lối tu hành. Mặt khác, nếu cơn giận đến mà ta không nhận ra, thì sau khi nổi giận, các bạn cũng phải nhìn nhận rõ trạng thái cảm xúc của mình lúc này và phải quan sát liên tục. Nếu cơn giận vẫn tiếp tục sôi lên, thì xin hãy đứng trên lập trường của đối phương mà suy nghĩ cho họ. Bất luận là nổi giận hay nhẫn nhịn, ta đều nên cầu khấn với lòng sám hối. Các bạn không nhất thiết phải luôn miệng nói rằng “tôi sai rồi”, xin hãy suy nghĩ tỉ mỉ rằng: rốt cục tôi đã sai ở đâu? Khi ấy, các bạn hẳn sẽ ý thức được: “Từ trước đến giờ tôi đã không hiểu được tấm lòng của anh, thực ra xét từ góc độ của anh, thì tất cả những hành động của anh đều có thể tha thứ được. Nhưng tôi đã luôn bảo thủ quan niệm của mình, luôn canh cánh trong lòng, luôn hiểu sai về anh, hờn trách anh, thực sự tôi đã sai rồi”. Cứ như vậy, cơn giận trong lòng các bạn sẽ tan theo mây khói. Do vậy, để hiểu được đối phương, tất phải tự nhìn lại mình trước. “sám hối” chính là việc các bạn gạt bỏ suy nghĩ “chắc chắn là tôi đúng”, để từ đó suy nghĩ cho đối phương. Thiền tông coi trọng việc khi cơn giận đến, người ta nhận ra rằng “vì cớ gì mà tôi tức giận thế này”, chứ không phải việc điều chỉnh cơn giận, hay sám hối sau khi sự đã rồi. Không phải một mực nói câu “đều tại anh cả đấy” hay “đều tại tôi cả”, mà hãy đi tìm hiểu căn nguyên của cơn giận. Từ những phương thức trên chọn lựa một cách, thành tâm tu hành, chắc chắn tâm trạng của các bạn sẽ bình thản hơn bây giờ rất nhiều. Trong đó,sám hối có thể nói là phương pháp đơn giản nhất. ( Thiền Trong công việc)