Điều đó chỉ có được khi lần đầu tiên T.Ư Đoàn đưa cuộc vận động “Thanh niên với văn hóa giao thông” vào Học viện Phật giáo.
Tai nạn giao thông không trừ ai
Buổi giao lưu, thi và hỏi đáp về ATGT bắt đầu bằng lời triệu của thầy Thích Thanh Vũ (trụ trì chùa Quán Vinh, Hoa Lư, Ninh Bình), lớp phó của lớp tăng chính quy với 106 vị tăng sinh: “Niệm phật cầu gia bị” – Tức cầu phù hộ cho buổi lễ diễn ra thành công.
Cả lớp học trầm trầm, đều đặn niệm 3 lần: “Nam mô bản sư thích ca mô ni phật”. Sau không khí trầm lắng, nghiêm trang, là sôi nổi lời bàn luận khi các vị tăng, ni cùng xem phóng sự “Một đêm ở khoa chấn thương Bệnh viện Chợ Rẫy” (TP Hồ Chí Minh) do Ủy ban ATGT Quốc gia cung cấp.
Trước những hình ảnh về tai nạn giao thông khủng khiếp, hàng chục ca cấp cứu và phẫu thuật liên quan đến sọ não được tiến hành ở bệnh viện này mỗi đêm… khiến những vị tăng sinh thốt lên: “Thật khủng khiếp, tai nạn không trừ một ai!”. Vị ni cô ngồi khép nép phía cuối giảng đường chắp tay lên ngực, mắt ngấn lệ khi xem cận cảnh 2 ca tử vong nêu trong phóng sự…
Lần đầu tiên, những tăng sinh được tiếp cận một chương trình mở với phương pháp cùng tham gia. Họ được cung cấp thông tin khá chi tiết về Luật Giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy thông qua hình thức thi gần giống như gameshow “Rung chuông vàng” trên VTV3.
Thầy Giác Đạt (Bắc Giang) hồi hộp với đáp án của mình
Vượt qua sự tưởng tượng của những người trong Ban tổ chức, chương trình được tất cả tăng sinh hưởng ứng và tranh luận sôi nổi trong từng câu hỏi. Ai nấy đều căng thẳng suy nghĩ và rồi lại ồn ào ở phần giải đáp kết quả.
Liên tục những câu hỏi “vì sao” được đặt ra khiến người dẫn chương trình bị “quay” đến chóng mặt. Qua 2 phần thi trắc nghiệm, các vị tăng, ni đều thích thú khi học được phương pháp tiếp cận để tuyên truyền về đề tài rất thời sự này.
Sau khi xem phóng sự “Thanh niên với văn hóa giao thông”, Thầy Thích Nguyên Thanh (SN 1982), trụ trì chùa Hang (thị trấn Chùa Hang, Đồng Hỷ, Thái Nguyên) không ngần ngại chia sẻ: “Cách đây không lâu, tôi đi xe máy và đèo cháu nhỏ lên 9 tuổi.
Đến một ngã tư có gắn đồng hồ đếm ngược lắp cùng hệ thống đèn giao thông, khi chỉ còn 1 giây nữa là đèn xanh chuyển sang đèn vàng, tôi cố nhấn ga vượt lên. Cháu bé kéo áo tôi và nói rằng: “Sao thầy không dừng lại? Đi như vậy là rất nguy hiểm vì xe ở bên kia đường có thể lao vào xe thầy!”.
Tôi đã phải suy nghĩ rất nhiều về lời nói của con trẻ. Tôi thấy mình hổ thẹn trước cháu bé có ý thức tham gia giao thông. Không nghiêm chỉnh chấp hành Luật Giao thông thì đúng là tai hoạ không trừ ai cả”.
Không chỉ thầy Thanh, mà nhiều thầy trụ trì luôn tâm niệm phải nghiêm túc chấp hành luật lệ giao thông.
Trụ trì về nhân ái và lòng tin
Thầy Thích Nguyên Bảng thuộc thế hệ 7X, trụ trì chùa Đại Bái (Bắc Ninh) cho biết, trong thời gian ở chùa, thầy luôn nói với các phật tử về thái độ nhường nhịn khi tham gia giao thông với triết lý “Thà chậm vài giây còn hơn phải dừng lại cả năm, thậm chí cả cuộc đời”.
Thầy Bảng nói tiếp: “ATGT là vấn đề “nóng” mà giới đạo rất quan tâm. Chùa tôi trụ trì ở làng nghề đồng Đại Bái, có khoảng 2.000 – 3.000 phật tử, là làng nghề nên giao thông đi lại khá lộn xộn. Vì thế, tôi thường nói với các phật tử rằng, chấp hành luật lệ giao thông cũng là đảm bảo an toàn cho chính các phật tử, là tôn trọng sự sống như lời Phật dạy”.
Thầy Bảng chia sẻ: “Công việc của chúng tôi hiện nay chủ yếu là giải quyết hậu quả do TNGT gây nên như làm lễ cầu siêu cho người mất, động viên an ủi người còn sống. Với nhiều gia đình quá khó khăn, khi họ mất đi người thân chúng tôi vận động trong cộng đồng quyên góp ủng hộ vật chất”.
Thầy Tuệ Quang, trụ trì chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội) bổ sung thêm: “Tất cả những việc chúng tôi làm xưa nay chủ yếu là giải quyết việc đã rồi”! Bây giờ phải bắt đầu từ lúc chưa xảy ra TNGT.
Anh Lò Quang Tú (bìa phải) tặng quà cho 2 thầy giành chiến thắng ở vòng thi hỏi đáp
TNGT gia tăng, đặc biệt nguyên nhân và nạn nhân ở độ tuổi 18 – 10 chiếm tỷ lệ cao khiến chúng tôi thấy trách nhiệm của mình với phật tử không nhỏ.
Chúng tôi sẽ nỗ lực tuyên truyền, vận động các bậc ông bà, cha mẹ chăm lo cho con cái hơn, bảo ban giới trẻ để chúng có ý thức, văn hóa khi ra đường – ấy là công việc mang lại hiệu quả. Bởi “phòng” quan trọng hơn “chống” rất nhiều!”.
Các thầy có uy tín với đông đảo tín đồ, cộng đồng nên việc tích cực truyền tải thông điệp về ATGT đến tăng ni, phật tử có ý nghĩa rất lớn; Với mỗi người đến cửa Phật đều được tìm hiểu văn hóa khi tham gia giao thông sẽ hạn chế được TNGT. Nếu mỗi phật tử ai cũng hướng thiện, hạn chế thấp nhất việc va chạm hoặc làm tổn thương đến người khác khi tham gia giao thông thì TNGT được hạn chế đến mức thấp nhất”. Phó ban Mặt trận T.Ư Đoàn Lò Quang Tú |