Trang chủ Thời đại Truyền thông Khánh Thành Phim trường tại chùa Minh Đạo

Khánh Thành Phim trường tại chùa Minh Đạo

729

Đẩy mạnh phát triển công tác truyền thông Phật giáo của Giáo hội như một kênh Hoằng pháp.

Xã hội ngày nay phát triển thì nhu cầu giao tiếp, trao đổi thông tin của con người ngày càng tăng lên. Từ những hình thức truyền thông đầu tiên là trực tiếp, cá nhân, cùng với sự phát triển của phương tiện kỹ thuật thông tin hiện đại và nhu cầu ngày càng lớn, đã xuất hiện và phát triển một dạng truyền thông gián tiếp với sự hỗ trợ của phương tiện truyền thông đại chúng. Ngày nay, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số, nhất là mạng Internet, đã xuất hiện dạng thức truyền thông mới – sử dụng tiện ích của công nghệ kỹ thuật số, để truyền tải thông tin nhanh đến xã hội.

Mạng Internet xuất hiện và công nghệ truyền thông mới, loại hình truyền thống ở Việt Nam đã bước vào một giai đoạn phát triển, với đặc điểm nổi bật là hội tụ truyền thông, tích hợp phương tiện truyền thông kỹ thuật số, để phát triển tạo tiền đề cho việc hình thành các tòa soạn hội tụ của các tập đoàn truyền thông. Xu hướng phát triển này mang tính khách quan, đáp ứng nhu cầu thông tin của lớp Phật tử mới trong xã hội hiện đại.

ĐĐ. Thích Minh Ân triển khai công các Thông tin – Truyền thông đến với thành viên Phật sự Online

Là cơ quan báo chí Phật giáo thời hiện đại, sẽ là một nguồn máy sản xuất, phân phối thông tin dưới nhiều chất liệu khác nhau, với mục đích đáp ứng tối đa nhu cầu trao đổi thông tin đa dạng của Phật tử. Theo mô hình này, thông tin sẽ tiếp cận nhanh,chất lượng và đầy đủ nhất. Để thích ứng với phương tiện truyền thông này, các tòa soạn đã phải thay đổi để tăng hiệu quả, xử lý thông tin.

Việc quản lý chất lượng tập trung sẽ đảm bảo được những thông tin nhất quán, trên mọi lĩnh vực và kênh thông tin, qua đó sẽ củng cố thêm thương hiệu của cơ quan báo chí Phật giáo. Áp dụng chung một kế hoạch sẽ đảm bảo nguồn cung cấp ổn định, thông tin độc quyền về những vấn đề đang được mọi người tin tưởng  nhất. Vì vậy được sự quan tâm của Trung ương Giáo hội, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, Hòa  thượng Chủ tịch, Nhị vị Hòa thượng Phó Chủ tịch Thường trực và Thượng tọa Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự, Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội đã thành lập Tổ Thông tin Tuyên truyền, và cho thành lập kênh truyền hình trực tuyến để đảm bảo vai trò của Phật giáo.

Lễ khánh thành Phim trường Phật sự Online ĐĐ. Châu Hoài Thái nhận hoa chúc mừng từ HT. Thích Tấn Đạt

Hoằng pháp là công tác Phật sự quan trọng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nhằm mang giáo lý của Đức Phật đến với chúng sanh. Từ xưa, mỗi ngôi chùa là một trung tâm hoằng pháp và giáo hóa tất cả mọi người có duyên. Ở đó chư Tăng ni là những giảng sư đảm trách vai trò của thầy dẫn dắt Phật tử tu học,  xây dựng giá trị thiết thực cho cuộc sống là hạnh phúc và an lạc.

Các phương pháp hoằng pháp truyền thống được áp dụng bằng những buổi giảng pháp, Tăng ni thảo luận, tọa đàm nhằm tạo cơ hội đối thoại trực tiếp giữa Phật tử và giảng sư. Một hình thức hoằng pháp phổ biến khác là truyền bá giáo lý qua kinh sách, tài liệu in ấn. Song đến thời hiện đại, kỹ thuật thu âm bài giảng, hay làm video được sử dụng cho các chương trình Phật pháp. Tuy nhiên, trong thời đại ngày nay với sự phát triển mạnh mẽ của ngành kỹ thuật số và công nghệ 4.0, công tác hoằng pháp của Giáo hội cũng tự thân thay đổi theo chiều hướng, để bắt kịp với tốc độ phát triển nhanh chóng của nền khoa học hiện đại.

Bước vào thế kỷ 21, với sức mạnh của nền công nghệ 4.0, đã giúp cho các công ty truyền thông phủ sóng lan tỏa đến tận vùng nông thôn xa xôi nhất của Việt Nam. Điều này tạo cơ hội cho người dân gắn liền với các trang thông tin mạng. Một quán cà phê bình thường hay một cửa hàng tạp hóa cũng có thể trang bị hệ thống wifi, nhằm thu hút khách hàng. Với chiếc điện thoại thông minh, có kết nối internet,  người dân có thể dễ dàng tiếp cận những kênh thông tin về Phật giáo, bởi đã xuất hiện hàng ngàn trang web gắn với chủ đề Phật giáo. Tuy nhiên, có nhiều trang mạng đưa thông tin về Phật giáo chưa thật chính xác, gây hiểu lầm cho đọc giả.

Chính vì vậy, ngành truyền thông của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, kịp thời đăng tải  thông tin chính xác, nhằm củng cố niềm tin cho mọi người, với các sự kiện đã và đang diễn ra có liên quan đến Phật giáo nước nhà. Trong đó việc sử dụng công nghệ 4.0 để đưa các thông tin kịp thời đến với người dân, xây dựng các chương trình hoằng pháp online là một trong những phát triển mà truyền thông Phật giáo đang hướng đến. Thực hiện mục tiêu đưa Phật pháp đến với cư dân mạng của Ban Thông tin – Truyền thông Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Kênh truyền hình Phật sự Online đã áp dụng công nghệ 4.0 để phổ biến công tác hoằng pháp cho cộng đồng phật tử theo sự chỉ đạo của Giáo hội.

Những kết quả ban đầu cho thấy Phật giáo đã mang đến những giá trị nhân bản đáng khích lệ. Bởi cuộc sống hiện nay, con người rất cần đến Phật pháp, như một phương tiện cứu rỗi giúp họ vượt qua những nỗi niềm khổ đau trong cõi trần ai. Bên cạnh đó, nhờ vào các kênh truyền thông của Phật giáo, người dân được tiếp cận với giáo lý, từ đó họ cảm thấy vững lòng tin hơn khi gặp phải những biến cố trong đời sống. Rõ ràng, việc sử dụng công nghệ 4.0 đòi hỏi Phật giáo phải xây dựng và hoàn thiện cho được một đội ngũ Tăng ni và cư sĩ thành thạo. Chính họ là nòng cốt cho công tác hoằng pháp online, bên cạnh sự giúp đỡ của nhiều vị hòa thượng, giảng sư cao cấp về Phật học trong vai trò là những người tư vấn cho chương trình hoằng pháp.

Đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh hoằng pháp, Phật sự Online đã xây dựng nhiều chương trình mới, đồng thời mở rộng hơn nguồn nhân lực là các cộng tác viên ở khắp các tỉnh thành trong cả nước. Dưới sự chỉ đạo của Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Phật sự Online đã được phép xây dựng thêm một phim trường tại chùa Minh Đạo 12/3 Kỳ Đồng, Phường 9, Quận 3, thành phố Hồ Chí Minh. Trên cơ sở triển khai mục 8 của Chương trình hoạt động Phật sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhiệm kỳ VIII (2017-2022), Đại đức Thích Minh Ân, Tổ phó Tổ Thông tin Tuyên truyền đã xây dựng và điều hành.

Phim trường và văn phòng chùa Minh Đạo sẽ là tòa soạn, hội tụ của cơ quan báo chí truyền thông thuộc Tổ Thông tin Tuyên truyền trực thuộc Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Nơi đây sẽ là nơi sản xuất bản tin trong ngày về công tác Phật sự, Thế sự của Trung ương Giáo hội, Hòa thượng Chủ tịch, chư Tôn đức lãnh đạo Trung ương, Ban viện Trung ương và các tỉnh thành; nơi sản xuất và phát sóng Thông điệp của Đức Pháp chủ, Thông bạch, chỉ đạo Phật sự của Hòa thượng Chủ tịch; sản xuất các chương trình Tọa đàm, Mạn đàm Phật pháp, Văn hóa..v.v.. nhằm đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh hoằng pháp.

Chiều ngày 08 tháng 08 năm 2018 với sự quang lâm chứng minh của Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự; Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự cùng quý Hòa thượng, Thượng tọa lãnh đạo Ban Hoằng pháp, Ban Thông tin – Truyền thông, Ban Văn hóa Trung ương và quý chư Tôn đức, Tăng ni, Phật tử, các nhà nghiên cứu, Tổ Thông tin Tuyên truyền Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã làm lễ ra mắt và cắt băng khánh thành phim trường chùa Minh Đạo.

Được sự quan tâm chỉ đạo sâu sắc của Hòa thượng Chủ tịch và Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phật sự Online cùng với các kênh truyền thông online khác thuộc Ban Thông tin – Truyền thông Trung ương Giáo hội đã không ngừng áp dụng và cải tiến kỹ thuật, góp phần quan trọng cho công tác hoằng pháp lợi sanh, thực hiện tôn chỉ cứu khổ ban vui của Phật giáo và xây dựng đời sống an lạc cho người dân.

Việc áp dụng công nghệ 4.0 đã đánh dấu bước phát triển mới của Giáo hội,  trong công tác đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh hoằng pháp thiết thực nhất hiện nay.

Tin, ảnh: Hoài Thái – Minh Ân