Trang chủ Tu học Pháp thoại Khánh Hòa: TT. Thích Chân Quang giảng tại chùa Đức Hòa

Khánh Hòa: TT. Thích Chân Quang giảng tại chùa Đức Hòa

2112

Chùa Đức Hòa không chỉ là Văn phòng BTS GHPGVN thị xã Ninh Hòa, mà còn là nơi quy hướng của bao tín đồ phật tử gần xa. Do vậy, nhiều năm qua, chư tôn đức các đời trụ trì đã không ngừng nổ lực trùng hưng ngôi Tam Bảo này, để xứng đáng với sự chứng minh xây dựng của Bồ tát Thích Quảng Đức vào năm 1940; cùng với Lịch đại Tổ sư, chư vị tiền nhân hữu công quá vãng và cũng để đáp ứng nhu cầu khát ngưỡng tâm linh của chư thiện tín xa gấn.

Trải qua quá trình đại trùng tu, đến nay chùa Đức Hòa đã hoàn thành viên mãn với nhiều hạng mục được xây dựng trang nghiêm như: Bảo tháp tưởng niệm Bồ tát Thích Quảng Đức và Chư Thánh tử đạo; Giảng đường, nhà Tăng,… 


Vào đầu bài Pháp thoại, Thượng tọa cho biết, cố HT Thích Quảng Đức đã từng trụ lại hành đạo rất lâu tại Ninh Hòa, và chùa Đức Hòa chính là ngôi chùa được Ngài chứng minh để bắt đầu khai sơn vào năm 1940. Vì vậy, chùa Đức Hòa có thể được xem như một Thánh địa nơi HT Thích Quảng Đức đã từng hiện diện, hành đạo, chứng minh. 

HT Thích Quảng Đức sinh năm 1897 tại làng Hội Khánh, xã Vạn Khánh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, đến nay đã nửa thế kỷ trôi qua sau khi Bồ tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân để lại trái tim bất diệt nung tới hơn 4.000 độ vẫn không cháy. Vào thời đó, cái chết của Ngài gây ra sự chấn động, niềm xúc động lớn trên toàn thế giới, và làm thay đổi thời cuộc, thay đổi vận mệnh không chỉ của Phật giáo Việt Nam lúc đó đang nguy cấp, mà của cả cuộc đấu tranh giành độc lập trên đất nước này. Đến nay, trái tim bất diệt của Ngài vẫn như còn mãi mãi bừng cháy giữa thế gian.


Hôm nay, nhân dịp khánh tạ lạc thành chùa Đức Hòa trong đó có công trình Bảo tháp tưởng niệm Bồ tát Thích Quảng Đức và 6 vị Thánh tử đạo vừa hoàn thành, Thượng tọa Giảng sư đã có buổi chia sẻ Phật pháp nói về công hạnh tu hành của Bồ tát Thích Quảng Đức, để thính chúng cảm nhận công đức của Ngài vĩ đại biết dường nào, cũng như thấy được trách nhiệm của mình với tiền đồ Phật giáo mai sau ra sao. 

Theo Thượng tọa, chúng ta rất khó biết được đâu là bậc Thánh trên đời để nương tựa, cung kính. Chúng sinh đôi khi vì vô tình xúc phạm nhằm một bậc Thánh mà phải chịu khổ báo suốt mấy trăm kiếp. Còn nếu cung kính nhằm một bậc Thánh thì suốt mấy trăm kiếp ta thường được phúc báo. May mắn là trong bề dày lịch sử Phật giáo Việt Nam có nhiều vị Thánh đã xuất hiện, nhất là vào thời đại của HT Thích Quảng Đức – thời kì mà Phật giáo đang suy yếu. Trong đó đặc biệt nhất, biểu lộ rõ nhất là HT Thích Quảng Đức – một cao Tăng của Phật giáo Việt Nam thời đó đã tự thiêu vào ngày 20/04/năm Quý Mão (1963) để cứu Phật giáo đang trong thời Pháp nạn. 


Tuy nhiên, trong phạm vi bài Pháp thoại này, Thượng tọa không phân tích về ý nghĩa chính trị của sự kiện tự thiêu, mà nhấn mạnh vào quả chứng tâm linh, vào đạo đức mà Bồ tát Thích Quảng Đức đã để lại thành bài học cho muôn đời sau. 

Bồ tát Thích Quảng Đức mặc dù là bậc Thánh xuất hiện giữa đời, nhưng sự nghiệp giáo hóa của Ngài không nhiều, Ngài chủ yếu tụng niệm, xây chùa, hỗ trợ việc giáo hội. Trong thời kì mà Phật giáo bị áp bức đến tột cùng, Ngài đã làm đơn xin tự thiêu nhưng bị từ chối, vì không ai nỡ để cho một vị chân tu đức độ phải vĩnh viễn ra đi. Mãi đến khi Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo thời đó nhận thấy tình hình đã quá cấp bách, cần phải có một sự kiện vô cùng kịch tính, hết sức gây xúc động cho toàn thế giới để cứu lấy Phật giáo, thì lá đơn xin tự thiêu theo tâm nguyện mà Ngài đã trình bày trong bức thư ngày 27/05/1963 mới được chấp thuận.

Khi đó, dường như không ai biết HT Thích Quảng Đức là một bậc Thánh đang hiện diện giữa đời. Mãi đến ngày nay cũng vậy, người ta gọi Ngài là Bồ tát vì cảm động trước sự hi sinh của Ngài, chứ ít người biết rằng Ngài thực sự có tâm chứng. 


Hòa thượng đã từng nói: “Tự thiêu là tâm nguyện cả đời của tôi”, giống như Ngài biết rằng Ngài sinh ra trong kiếp này để hoàn thành sứ mệnh đó vậy. Vào đêm cuối cùng (ngày 10/06/1963), trước khi ra đi Ngài đã dặn dò ba điều, mà sau này đều linh ứng: 

Thứ nhất là sau Tang lễ nếu còn lại gì thì đó là kết quả tu hành của Ngài. Sau này mọi người mới biết đó là trái tim của Ngài. Sau khi thân xác Ngài đã cháy rụi hết, duy chỉ còn quả tim là không cháy, người ta lấy quả tim đó đem vô lò thiêu lại,  dưới sức nóng 4000 độ, đến nổi cái lò thiêu muốn nứt nẻ ra, vậy mà trái tim của Bồ tát Thích Quảng Đức vẫn còn trơ ra đó. 

Thông thường các bậc Thánh khi ra đi chỉ để lại xá lợi (là xương đã nóng chảy cô đặc lại như những viên ngọc lấp lánh, chỉ có được ở những bậc Thánh đắc đạo). Còn mô thịt thì đều cháy khi gặp lửa. Nhưng riêng HT Thích Quảng Đức đặc biệt hơn, trái tim Ngài là mô thịt được đốt nhiều giờ liền trong hàng ngàn độ vẫn không cháy. Ngài đã dùng thần lực giữ lại trái tim để làm niềm tin muôn đời cho hậu thế. Vậy mới thấy sức mạnh của tâm linh đắc đạo có thể đi ngược lại với quy luật vật lý thường tình. 


Cho nên, mãi mãi khi chúng ta giãi đãi, lười biếng hay khởi tâm xấu thì hãy nhớ rằng còn có một trái tim bất diệt của một bậc Bồ tát đã đến với cuộc đời này. Chúng ta không được sống tầm thường, ích kỷ vì trên đầu ta, nơi cao xa kia còn có biết bao bậc Bồ tát đang nhìn ngó xuống trần gian này. Dịp này, Thượng tọa nhấn mạnh: nếu ai nghe ca ngợi Bồ tát Thích Quảng Đức mà lòng xúc động, kính tin thì người đó được cái phúc 500 đời sinh về cõi lành, không đọa lạc.

– Điều thứ hai Ngài căn dặn là sau khi tự thiêu, nếu nhục thân Ngài ngả ngữa thì cuộc đấu tranh của Phật giáo sẽ thành công, ngược lại, nếu nhục thân gục xuống thì quý Thầy hãy tìm sang nước khác mà tu, vì cuộc đấu tranh sẽ thất bại. 


Lành thay! điều thứ hai này Ngài nói đêm trước ngày tự thiêu cũng đã hiển ứng. Sau khi đổ xăng, châm lửa vào cơ thể, Ngài ngồi an nhiên bất động mặc cho ngọn lửa bốc phừng phực. Cho đến khi cảm thấy đã đủ, Ngài mới chắp tay xá chào đại chúng đang đứng chung quanh ba lần rồi ngã ngữa viên tịch. Quả thực, chỉ có bậc Thánh mới bất động được trước ngọn lửa bùng cháy đang thiêu đốt cả da thịt như vậy. Chỉ có Thánh mới biết thời điểm ra đi, cho nên chắp tay xá chào đại chúng rồi ra đi. Và tiên đoán của Ngài đã thành sự thật, sau này cuộc kháng chiến đã thành công.

– Điều thứ ba Ngài căn dặn là trên đường di quan từ chùa Ấn Quang về An Dưỡng Địa, nếu có gì bất thường thì hoãn lại giờ di quan. Thời đó, dọc con đường này, mọi người lập hương án chờ quan tài đi qua để tiễn đưa Ngài, nhưng chờ mãi không thấy vì Ủy Ban Liên Phái đã dời giờ di quan. Quả nhiên, sau đó người ta phát hiện ra trên quãng đường đất dẫn đến lò thiêu của An Dưỡng Ðịa đã bị đặt mìn sẵn. Cho nên, đợi khi tất cả mìn được tháo gỡ, quan tài mới được đưa đi. 


Chúng ta thấy cả ba điều Ngài căn dặn trước đều ứng nghiệm. Sau này di ảnh Ngài được thờ ở nhiều chùa một cách trang trọng, mà nếu ai là người có trí tuệ, có chiều sâu tâm hồn thì nhìn vào di ảnh sẽ thấy rất rõ: đó là gương mặt của một bậc Thánh, nhất là đôi mắt trầm tĩnh, thanh tịnh, sâu sắc, từ bi, trí tuệ. Đó là gương mặt cực kì khó tìm trên cuộc đời này. Nào giờ chúng ta chỉ nghe nói về bậc Thánh chứ chưa thấy gương mặt của các Ngài ra sao. Cho nên di ảnh của Bồ tát Thích Quảng Đức là cơ hội cho chúng ta được chiêm ngưỡng một bậc Thánh thật sự. 

Nói về quả chứng của HT Thích Quảng Đức, theo Thượng tọa, chúng ta không biết Ngài đã đắc quả nào trong 4 Thánh quả là:

– Sơ quả Tu Đà Hoàn

– Nhị quả Tư Đà Hàm

– Tam quả A Na Hàm 

– Tứ quả A La Hán


Quả A La Hán cao tột thì đầy đủ thần thông, còn Sơ quả thì có Thánh tính, nhưng chưa đủ thần thông, tự tại. Vì Ngài không thể hiện tam minh lục thông nên chúng ta không dám nói Ngài là A La Hán, nhưng Ngài cũng không tầm thường như Sơ quả Tu Đà Hoàn. Có lẽ, Ngài thuộc quả giữa là quả Tư Đà Hàm hay quả A Na Hàm, mà ta không đủ trí tuệ để xác định. Tuy nhiên, Ngài thực sự có thần thông, biết trước cuộc ra đi của mình, biết trước mình được sinh ra đời với hạnh nguyện tự thiêu, Và Ngài tiên đoán, dặn dò mọi điều. Sau đó ngồi bất dộng cho ngọn lửa thiêu đốt, đến khi muốn ra đi mới chắp tay chào mọi người và ra đi một cách tự tại. 

Đến nay đã 55 năm từ ngày Ngài ra đi. Mỗi khi nhớ về Ngài là chúng ta nhớ về hành trạng, cuộc đời của một bậc Thánh phi thường đã đến với Phật pháp. Ngưỡng vọng về Ngài, chúng ta biết ơn Ngài và cũng phải học về đạo hạnh của Ngài, biết mình phải sống, phải tu như thế nào cho xứng đáng.  

Tiếp theo Thượng tọa phân tích ý nghĩa đạo hạnh của HT Thích Quảng Đức.


Đầu tiên, một vị Thánh đắc đạo thì tâm hồn thanh tịnh, đó là tính chất của Thánh. Không có bậc Thánh nào mà tâm loạn động cả. Tuy nhiên, phải hiểu rằng bậc Thánh thì nội tâm thanh tịnh, nhưng người có tâm thanh tịnh thì chưa chắc là Thánh. Từ xưa đến nay, rất nhiều người tu tập thiền định nội tâm yên lắng dần cho đến khi chứng được các tầng bậc Thiền, nhưng họ có thể vẫn chưa hề chứng Thánh, dù chỉ là bậc Thánh Sơ quả mà thôi. Đây là điều Đức Phật đã khẳng định trong kinh điển Nikaya. Và rất nhiều người đã hiểu nhầm điểm này, hễ thấy tâm mình thanh tịnh liền tưởng mình là Thánh. Đây là sự ngộ nhận rất lớn tồn tại đã lâu trong đạo Phật. 

Thứ hai, nhiều người đã quay lưng xa lánh cuộc đời, rũ bỏ mọi trách nhiệm với con người, vì nghĩ rằng muốn làm Thánh thì phải giữ tâm cho không động, mà giữ không động bằng cách chẳng lo cho ai cả. Đây cũng là tà kiến lớn. 


Bậc Thánh thì không phải như vậy. Như Bồ tát Thích Quảng Đức là bậc Thánh, tâm Ngài cũng thanh tịnh, nhưng việc Ngài tự thiêu là gánh trách nhiệm đối với Phật giáo, gánh trách nhiệm với đạo pháp và dân tộc này. Sự kiện tự thiêu của Ngài đã thay đổi cục diện chính trị của cả một dân tộc. Dĩ nhiên, còn máu xương của bao anh hùng đã đổ xuống để đất nước hòa bình độc lập, nhưng không thể không nói đến ngọn lửa của Bồ tát Thích Quảng Đức đã hòa chung trong đó. 

Ngài không hề lánh đời, Ngài chủ động làm đơn xin tự thiêu để rồi có một cái chết rực rỡ, thiêng liêng, một cái chết chấn động toàn thế giới. Từ đó thế giới ngỡ  ngàng thắc mắc Phật giáo là gì mà lại xuất hiện một con người như vậy, và nhiều người bắt đầu tìm hiểu về đạo Phật. 

Để chứng Thánh cần rất nhiều công đức, không ai thiếu phước mà chứng Thánh cả. Không có chuyện sống lười biếng hẹp hòi mà tự nhiên đắc đạo. Phải sống rất tử tế, rất phụng sự để có cái phước, thêm công phu tu tập nữa thì mới đắc đạo được. 


Cho nên, nội tâm của một bậc Thánh là một nội tâm tràn đầy trách nhiệm với chúng sinh, với Phật pháp, với dân tộc, với nhân loại. Và chúng ta đệ tử của Ngài là học tập cái tinh thần trách nhiệm đó. 

Tiếp theo, Thượng tọa đặt câu hỏi: có trách nhiệm với cuộc đời nghĩa là gì? Nghĩa là biết lo lắng, đóng góp, xây dựng cho những người chung quanh được hai điều: Thứ nhất là được “hạnh phúc” hơn; thứ hai là được “đạo đức” hơn. Nếu cả đời sống được như vậy thì chúng ta đang đến rất gần với quả vị Thánh. 

Như Bồ tát Thích Quảng Đức trở thành một bậc Thánh cao vời giữa đời bởi vì trong những kiếp xưa Ngài đã sống rất có trách nhiệm, và ở kiếp này Ngài cũng thể hiện tinh thần trách nhiệm hết sức vĩ đại. Ngài bừng cháy giữa thế gian này, bừng cháy khi chúng sinh còn chìm trong đau khổ, bừng cháy khi còn rất nhiều nơi chưa hiểu gì về Phật pháp, Ngài bừng cháy để cho hôm nay tất cả trái tim chúng ta phải cháy theo. 

Và nơi ngọn lửa bừng cháy đó, chúng ta học được một điều là người đệ tử Phật phải sống rất có trách nhiệm với cuộc đời, tức là làm cho những người chung quanh mình được hạnh phúc, được đạo đức. Sự cao siêu, lớn lao của một bậc Thánh chúng ta không đủ trí tuệ để hiểu hết được, nhưng ta hiểu một điều be bé là tinh thần trách nhiệm của Ngài rất cao. 

Thượng tọa tiếp tục đặt câu hỏi: đệ tử Phật gồm hai hạng là xuất gia và tại gia, người xuất gia thì đã ngưng trách nhiệm với gia đình, vậy họ có phải là người vô trách nhiệm không? Không, bởi họ từ bỏ trách nhiệm nhỏ để nhận lấy trách nhiệm lớn hơn với đạo pháp, với dân tộc, với chúng sinh.


Chính vì trách nhiệm lớn hơn nên người xuất gia phải tu học nhiều gấp trăm, gấp nghìn lần người cư sĩ tại gia. Đây là điều mà mỗi người xuất gia phải ghi khắc suốt đời. Trách nhiệm quá lớn buộc đạo lực của người xuất gia phải rất mạnh, phải có công phu tu tập rất tinh tấn thì mới đủ sức làm chỗ nương tựa cho chúng sinh.

Và một bậc xuất gia thì được chúng sinh “soi” và “ngắm”. Thượng tọa giải thích, Người dùng từ “soi” vì người cư sĩ thường âm thầm quan sát tìm hiểu xem vị thầy mà mình đang theo học có đức hạnh hay không, đến khi đã yên tâm thầy mình vững vàng giới hạnh rồi họ mới chuyển qua “ngắm”, tức là chiêm ngưỡng đạo hạnh đẹp đẽ của thầy, xem từng bước chân đi, từng lời nói của thầy là khuôn vàng thước ngọc để mình học theo. Từ nơi đức hạnh đó mà nhiều người chưa có tín tâm sẽ bắt đầu phát khởi niềm tin với Phật pháp. 

Mà để có đạo lực đủ cho bao nhiêu người về nương tựa, người xuất gia phải rất nỗ lực tu tập. Công phu tu tập của người xuất gia thì trải dài từ căn bản đến nâng cao.

– Căn bản đầu tiên là lễ kính Phật, “Nhất giả lễ kính chư Phật”. Người nào có công hạnh lễ Phật sâu dày sẽ tiến xa trên đường tu. Riêng người xuất gia thì ngoài lễ Phật, bên trong nội tâm phải nuôi dưỡng lòng kính Phật vời vợi, tuyệt đối, sâu sắc hơn bao nhiêu người khác. 


Phẩm chất thứ hai mà người xuất gia huân tập là lòng từ bi. Lòng từ rất khó thành tựu, thực tế có người tu mấy mươi năm rồi mà vẫn còn ác tâm như thường. Ai đã thuần thục rồi, từ tâm sẽ hiện ra nơi ánh mắt, dáng vẻ, nơi cách cư xử với mọi loài. Nhân đây, Thượng tọa nhắc nhở, một vị sa môn phải nhanh chóng huân tập lòng từ, đừng để xuất gia mấy mươi năm sau rồi mới có từ bi thì đã quá muộn màng. 

Phẩm hạnh thứ ba là tâm khiêm hạ, nghĩa là đừng thấy mình cao hơn chúng sinh. Chúng sinh hay bị một cái bệnh là hễ được nể trọng thì sinh ra kiêu mạn, mà đó chính là nguyên nhân của bao đổ vỡ, thoái đọa. Người tu phải làm sao giữ được cái tâm khiêm hạ này cho kĩ, dù ở địa vị một bậc thầy được bao nhiêu người trọng vọng thì vẫn không bao giờ được thấy mình cao hơn chúng sinh, lúc nào trong ánh mắt, lời  nói, cử chỉ cũng tràn đầy sự tôn trọng, khiêm cung.

Phẩm chất thứ tư của người xuất gia là giữ giới. Dù giới của tỳ kheo thì cư sĩ không được biết, nhưng nhìn vào bằng con mắt thường, họ phải thấy được sự đàng hoàng, trong sạch, đức độ của người tu. Thông thường người ta đánh giá giới hạnh một tu sĩ ở chỗ có hưởng thụ hay không. Họ không hiểu nhiều về giới luật, nhưng luôn nghi ngờ giới hạnh của tu sĩ nào hưởng thụ nhiều niềm vui thế gian. Tâm lý chúng sinh là vậy.

Một công hạnh nữa của người xuất gia là thiền định, vì người tu không được phép để tâm mình loạn động. Chúng sinh không chấp nhận một người xuất gia mà lao xao chạy theo trần cảnh, gặp chuyện là nổi sân, gặp chuyện là phiền não, tự ái, tham đắm… Mà để tâm thanh tịnh thì buộc phải có công phu thiền định.


Công hạnh tiếp theo là giáo hóa. Nếu không đem Phật pháp truyền bá, không chịu cực khổ để hóa độ chúng sinh tu hành thì sự có mặt của mình trên cuộc đời này là vô nghĩa. 

Công hạnh nữa là bảo vệ Phật pháp, xây dựng giáo hội, hộ pháp an dân. Chúng ta có mặt trong đất nước này, hưởng ân nghĩa của lãnh đạo quốc gia, hưởng sự hòa bình thống nhất này, thì phải có trách nhiệm hộ quốc an dân. Người tu sĩ đóng góp dựng xây đất nước này bằng sự hiền lành, đạo đức, bằng những lời cầu nguyện cho tổ quốc. Theo Thượng tọa, chúng ta phải sống rất có trách nhiệm với đạo pháp, với dân tộc thì mới theo được dấu chân mà Bồ tát Thích Quảng Đức đã đi qua. 

Riêng người phật tử tại gia, mặc dù vẫn còn bổn phận với gia đình nhưng lòng cũng phải mở ra với đạo pháp, với dân tộc. Cho nên ủng hộ chư Tăng, hộ trì đạo pháp, hộ quốc, và cũng dốc lòng tu tập. Đó là chúng ta học được phần nào tinh thần trách nhiệm của Bồ tát Thích Quảng Đức. 

Đã 55 năm trôi qua kể từ sự kiện tự thiêu, nhưng ơn nghĩa sâu dày mà Người để lại cho đạo pháp, cho chúng sinh, cũng như dũng lực phi thường của Người thì mãi mãi trường tồn. Ngưỡng vọng về Người, tất cả chúng ta từ tăng đến tục, từ xuất gia cho đến hàng tại gia đều ghi khắc hai điều, một là ngọn lửa thiêng Ngài đã cháy lên cho đạo pháp; hai là trái tim bất diệt của Ngài đã bừng sáng lên giữa thế gian này. 


Đến đây bài Pháp thoại kết thúc, nhưng trong lòng người ai cũng lắng đọng với  những cảm xúc vừa đau xót, vừa kính ngưỡng, lại rất đỗi tự hào. Chỉ một câu chuyện về Bồ tát Thích Quảng Đức mà đã truyền tải được biết bao bài học, thông điệp quý báu. Ngọn lửa thiêng ấy đã thức tỉnh các phật tử, giúp mọi người tự nhận thấy trách nhiệm của mình trong việc tiếp tục gìn giữ, phát triển Phật pháp để mọi người xung quanh được sống trong đạo đức, an vui. 

Đây là trách nhiệm nặng nề nhưng bằng niềm tin cao tột với Đức Phật, bằng niềm cảm hứng bất tận từ vị Thánh tăng Bồ tát, và bằng sự quyết tâm, nỗ lực nơi mỗi cá nhân, chắc chắn, chúng ta sẽ làm hoàn thành được nó. Đây thật sự là một nhân duyên hiếm có để các phật tử được suy niệm về Bồ tát Thích Quảng Đức trong một sự xúc động, ý nghĩa như thế này./.