Trang chủ Văn hóa Chùa Việt Nam Khánh Hòa: Thăm chùa Phước An ở làng quê Diên Phước yên...

Khánh Hòa: Thăm chùa Phước An ở làng quê Diên Phước yên bình

247

 

Mỗi tối dân quê đón gió lành

            Khắp chùa dào dạt ánh trăng thanh

            Tiếng chuông thức tỉnh lan xa mãi

            An ủi dân hiền  mọi mái tranh.”  

       Chùa PHƯỚC AN tọa lạc tại thôn Phước Tuy, xã Diên Phước, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa.

Phước huệ viên thành tam giới thiên nhơn đồng khể thủ.

An khang thượng bảo thập phương đàn tín vĩnh quy y.


 Chùa do Hòa thượng Thích Phước Hưng, húy thượng Trừng hạ Phương, tự Công Thiện khai sơn kiến tạo vào ngày Phật Đản, 08 tháng 4 năm Giáp Tý (1924) được Hòa thượng Thích Phước Tường húy thượng Thanh hạ Chánh, (Bổn sư Bồ tát Thích Quảng Đức), trú trì tổ đình Thiên Bửu, thôn Điềm Tịnh, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, Chứng minh.

Lúc đầu chùa chỉ là một  thảo am tại Hòn Núi Một, tổng Vĩnh Phước, phủ Diên Khánh làm nơi để  sớm kệ chiều kinh, khuyến hóa mọi người bỏ dữ làm lành, chuyên lo tụng kinh, niệm Phật.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Ngài trú trì đã tham gia hoạt động cách mạng, chùa là địa chỉ nuôi dấu cán bộ, tiếp tế lương thực cho bộ đội. Hòa thượng đã cấm cờ Tổ quốc tại chùa vào các ngày lễ lớn, cho nên chùa đã bị giặc Pháp đốt. Thật khả kính của một nhà chân tu, yêu nước thể hiện tấm lòng luôn đồng hành cùng dân tộc trong những lúc gian nguy…


Thế nhưng, mặc cho giặc đốt phá, để có cơ sở tiếp tục hoằng pháp độ sinh, duy trì Phật pháp, hoạt động cách mạng Ngài Thích Phước Hưng đã di dời chùa đến khu đất tư của Ông Nguyễn Phước tại thôn Phước Tuy, xã Diên Phước, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa là vị trí chùa hiện nay.

Hòa thượng  Thích Phước Hưng thuộc dòng Lâm Tế chánh tông đời thứ 42, thế danh Đoàn Lai, Ngài sinh ngày 19 tháng 2 năm Ất Mùi (1896) tại thôn Phước Tuy, Tổng Vĩnh Phước, phủ Diên Khánh (nay là thôn Phước Tuy, xã Diên Phước, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa) Thân phụ là cụ Ông Đoàn Nhân, gốc ở Ninh Hòa, là một nhà Nho uyên bác, nhiều đời sùng kính Tam bảo, Cụ làm quan Tổng trì tại tổng Vĩnh Phước (nay là thôn Phước Tuy xã Diên Phước). Thân mẫu là  cụ Bà Lâm Thi Cấy. Sau 46 năm kiến tạo và phát triển Phật sự tại chùa Phước An,  theo luật vô thường Ngài đã an tường viên tịch ngày 18 tháng 5 năm Canh Tuất  (1970) trụ thế 75 năm. Ngài là Tổ Khai sơn chùa Phước An.


Thừa kế đệ nhị trú trì chùa Phước An là Thượng tọa Thích Thiện Sanh, húy thượng Như hạ Chúng, tự Thiện Sanh, hiệu Tâm Quang (Thượng tọa là đệ tử của HT.Thích Huệ Đăng- phương trượng chùa sắc tứ Minh Thiện). Kể từ năm 1970, sau khi kế thế trú trì do Thầy Tổ truyền lại, Thượng tọa trú trì đã cần mẫn xây dựng, như con ong đi hút nhụy hoa để rồi nhả ra giọt mật ngọt ngào thơm ngát. Thượng tọa đã nhiều lần trùng tu ngôi Tam bảo Phước An ngày một trang nghiêm, rộng rãi.


Năm 1979, Thượng tọa cho di dời và xây Tháp Tổ Khai sơn, Tháp sư huynh Thích Thiện Duyên, húy thượng Như hạ Hửu và Tháp Cụ bà Thân mẫu, từ chùa Phước Duyên về khuôn viên chùa Phước An.

Năm  2001 trùng tu chùa Phước An lần thứ nhất. Rồi tiếp theo, năm 2008 đại trùng tu chùa Phước An lần thứ hai phạm vũ huy hoàng, pháp bảo tôn nghiêm như hiện nay, gồm: cổng Tam quan, Chánh điện, Nhà Tổ, Nhà Khách, Nhà Trù, Nhà Địa Tạng, Nhà Vảng sanh, Tháp Tổ…        

Kiến trí tổng quan chùa Phước An:         

Bước vào cổng Tam quan với tấm bảng hiệu Phước An cổ tự, hai bên có câu đối

            Phước huệ nhất trần bất khởi bồ đề đạo

           

            An tâm vạn thiện  đồng quy bát nhã môn. 

Nghĩa:

Tu phước, tu huệ, một mảy bụi trần chẳng nhiểm về với đạo bồ đề,

Tâm an, muôn điều thiện cửa bát nhã là nơi  mọi người đều nương về

Hai bên cửa chính, một bên là  Từ bi và một bên là  Hỹ xã:

                  Đi đến của chùa đem lòng hỹ xã.

                  Bước vào cảnh Phật giữ dạ Từ bi.

              

                  Bên tay trái  câu: Tả nam hiệp lực chơn ứng hiện

                  

                  Bên tay phải câu: Hữu nữ hoa khai thành vị hương

                


Chính giữa sân là tượng đài Đức Phật Di Lặc với nụ cười hỹ xã như nhắc nhở mọi người hãy diệt trù lục tặc để luôn được an vui. Cùng với tượng Đức Phật Di Lặc là tượng đài Phật Quán Thế Âm Bồ Tát, đứng uy nghi  tay cầm tịnh bình, tay cầm nhành dương liễu  rưới nước cam lồ nguyện cứu khổ cứu nạn cho dân lành ở làng quê Phước Tuy, Diên Phước luôn được an lành như tên chùa Phước An  Tổ đã an danh.        

Vào trong sân chùa là ngôi chánh điện được kiến trúc  dạng cổ lầu, hai bên có lầu chuông và lầu trổng, bốn góc mái uốn cong, bốn giao long uốn lượn, ở giữa có lưỡng long chầu nguyệt. 

Trước bái đường treo tấm biển hiệu “Phước An Cổ tự”  hai cửa hai bên “ Phật nhật tăng huy – Pháp luân thường chuyển

               Đúng là:

             Phước trí nghiêm thông thiên thu phổ chánh pháp.

             An hòa tịnh chúng Tam thế diễn kinh văn.

Nghĩa:

Phước Trí trang nghiêm, thông suốt ngàn năm truyền trao chánh pháp,

Bảy chúng An hòa thanh tịnh, ba đời diễn thuyết kinh văn.          

Chính giữa “Đại hùng bửu điện” thờ Đức Phật Bổn sư Thích Ca Mâu Ni. Hai bên chánh điện, một bên thờ Ngài Quan Thánh Đế Quân và một bên thờ Mẫu Thiên Y A Na (Bà Mẹ xứ sở) đây là cách tôn trí thờ của những chùa đầu thế kỷ XX ở Khánh Hòa, cùng với câu đối:     

              

             Phước huệ viên thành tam giới thiên nhơn đồng khể thủ.

            

             An khang thượng bảo thập phương đàn tín vĩnh quy y.

           

             Cổ tích minh niên lưu truyền lai hậu thế

         

            Tự  tạo thiền tông tăng tế độ chúng sanh.

Nghĩa:

Tu Phước, tu huệ viên thành ba cõi trời người đều kính lạy

An khang quý nhất mười phương đàn na tín thí mãi quy y.

Sau chánh điện là Tổ đường, nơi tôn trí bàn thờ Tổ khai sơn và chư vị Tổ sư tiền bối với câu liễn thờ:

Y bát chơn truyền khai giác lộ

Già xa liễu độ kế truyền tu.


Bên cạnh bàn  Tổ Khai sơn là bàn thờ chư vị công đức Tiên linh tiền bối, nơi ghi đậm dấu ấn  các vị Phật tử công đức tiên linh kẻ công người của đã gắn bó cùng chùa qua bao thế hệ để ngôi chùa Phước An có được huy hoàng như ngày hôm nay.              

Chùa Phước An sau 90 năm kiến tạo và phát triển, ngày một trang nghiêm. Phước An chùa  giữa làng quê Phước Tuy yên bình, nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của những người nông dân  hiền lành, chất phác,  như ước nguyện của Tổ Khai sơn, nguyện cầu cho  dân chúng mãi mãi An lành và  Hạnh phúc .

Về thăm chùa Phước An trong những ngày đầu tháng 9 nhuần Giáp Ngọ (2014) một niềm vui nữa  lại đến với Phật tử Phước An, nhân ngày giỗ Tổ Khai sơn, Thượng tọa trú trì đã phát tâm xây lại cổng tam quan, tạo cảnh quang thoáng đảng, rộng rãi, sẵn sàng mở rộng cửa chùa đón tiếp Phật tử thập phương viếng cảnh, lễ Phật.

Thật đúng là:

            

             Phước huệ viên thành tam giới thiên nhơn đồng khể thủ.

            

             An khang thượng bảo thập phương đàn tín vĩnh quy y.

Nghĩa:

Tu phước, tu huệ trọn nên ba cõi trời người đều kính lạy,

An khang quý nhất mười phương đàn na, tín thí mãi quy y.

Trí Bửu – Kỷ niệm 90 năm ngày Khai sơn chùa Phước An (Diên Phước)