Trang chủ Tin tức Khánh Hòa: Lễ tưởng niệm húy nhật lần thứ 11 cố Trưởng...

Khánh Hòa: Lễ tưởng niệm húy nhật lần thứ 11 cố Trưởng lão HT.Thích Trí Nghiêm

114

 

Sáng ngày 10 tháng 12 năm Giáp Ngọ (29-01-2015) Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Khánh Hòa đã trang nghiêm tổ chức Lễ tưởng niệm húy nhật lần thứ 11 cố Trưởng lão HT.Thích Trí Nghiêm-thành viên HĐCM, Chứng minh BTS GHPGVN tỉnh Khánh Hòa tại chùa sắc tứ Long Sơn Nha Trang.

Buổi lễ dưới sự chứng minh của Đại lão HT.Thích Thiện Bình- Phó Pháp chủ GHPGVN, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Khánh Hòa- Viện chủa chùa Sắc tứ Long Sơn; Đại lão HT.Thích Trí Tâm-thành viên Hội đồng chứng minh, Trưởng Ban Nghi lễ Trung Ương GHPGVN, Phó Trưởng Ban thường trực BTS GHPGVN tỉnh; Đại lão HT. Thích Như Ý-thành viên HĐCM- Chứng minh BTS GHPGVN tỉnh; HT.Thích Liễu Pháp Chứng minh BTS GHPGVN tỉnh; chư Tôn đức Tăng Ni BTS GHPGVN tỉnh Khánh Hòa, quý vị khách quý chính quyền, Mặt trận tỉnh, thành phố và địa phương tham dự.

Lễ tưởng niệm Húy nhật lần thứ 11 cố Trưởng lão HT.Thích Trí Nghiêm thực hiện theo nghi lễ truyền thống. Lễ niêm hương bạch Phật, khai kinh, cúng ngọ, tiến Tổ lễ cầu nguyện Quốc thái dân an, thế giới hòa bình, cầu siêu chiến sĩ trận vong đồng bào tử nạn, cầu âm siêu dương thái.

Tại buổi lễ chư tôn đức đã ôn lại sự nghiệp hoằng đương đạo pháp của cố trưởng lão Hòa thượng. Theo đó, Trưởng lão Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm húy thượng Tâm hạ Bổn, tự là Truyền Lai, hiệu là Trí Nghiêm dòng Lâm Tế đời thứ 43. Thế danh là Phan Diệp, sinh ngày 9 tháng Giêng năm Tân Hợi (1911) tại thôn Chánh Lộc, xã Xuân Lộc, huyện Đồng Xuân, (thuộc huyện Sông Cầu ngày nay), tỉnh Phú Yên.

-Năm 15 tuổi (1926) xuất gia thọ giới với Ngài Vĩnh Hảo Đại Sư tại chùa Phước Long, xã Xuân Lộc, Phú Yên. -Năm 22 tuổi (1933), Ngài thọ Đại giới, tại Giới đàn chùa Bảo Sơn Phú Yên do Hòa thượng Vạn Ân làm Đàn đầu. -Năm 27 tuổi (1938) Ngài được trúng tuyển vào tu học tại Phật Học Đường Bảo Quốc Huế. Chính nơi đây đã đào tạo nhiều vị Tăng tài lỗi lạc cho Phật giáo nước nhà hiện nay.

 

– Năm 1944 (34 tuổi), sau khi mãn học, Ngài đã bắt đầu công việc hoằng hóa bằng việc lưu hành diễn giảng Giáo lý tại các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên…-Năm 1945 (35 tuổi), Ngài trở về Phú Yên làm trụ trì chùa Thiên Tôn ở Tuy An 9 năm. Trong thời gian này Ngài đã tham gia Phật giáo Cứu Quốc thuộc liên khu V.

-Năm 1955 Ngài lại tiếp tục công cuộc hoằng hóa, chuyên lo giảng dạy Phật Pháp tại các Tỉnh Hội Phật Học : Phú Yên, Khánh Hòa. Lúc này Ngài được coi là vị Giảng sư kỳ cựu của Hội Phật Học Miền Trung.

-Năm 1956, Ngài chủ trương xây dựng Trường Bồ Đề Tuy Hòa và Cô nhi viện Phước Điền Tuy Hòa, Phú Yên.

-Năm 1957, theo thỉnh cầu của Giáo hội, Ngài ra giữ chức Hội Trưởng Hội Phật Học Thừa Thiên Huế.

-Năm 1960, Ngài vào thường trú để lo Phật sự tại chùa Long Sơn, trụ sở Tỉnh Giáo hội Phật giáo Khánh Hòa hiện nay.

-Năm 1977, Ngài được Đại lão Hòa Thượng Thích Giác Nhiên,  tấn phong Hòa thượng.

-Năm 1980 – Ngái Dịch xong bộ Đại Bát Nhã Kinh

-Từ năm 1980 tiếp tục nghiên cứu và phiên dịch Kinh điển Đại Thừa tại tại Am Hoàng Trúc – Nha Trang.

-Từ năm 1981, Ngài được suy tôn Chứng minh Ðạo sư của tỉnh Giáo hội Phật giáo Khánh Hòa. Ngài được GHPGVN tấn phong thành viên Hội đồng Chứng minh Trung Ương GHPGVN.

-Năm 1993, Ngài làm Đàn đầu Hòa thượng , Đại giới đàn Trí Thủ (lần thứ1) tại Khánh Hòa. -Năm 1996, Ngài làm Đàn đầu Hòa thượng , Đại giới đàn Thiện Hòa , tại Đại Tòng Lâm, Bà Rịa, Vũng Tàu. -Năm 1997, Ngài làm Đàn đầu Hòa thượng , Đại giới đàn Trí Thủ (lần thứ 2) tại Khánh Hòa. -Năm 2001, Ngài làm Đàn đầu Hòa thượng , Đại giới đàn Trí Thủ (lần thứ 3) Khánh Hòa.

Mặc dù bận nhiều Phật sự về lãnh đạo và hoằng hóa, nhưng Ngài vẫn tinh tấn chăm lo phiên dịch kinh luận để tiếp dẫn hậu lai.

1- Kinh Lời Vàng : Nguyên danh kinh là “Phật Giáo Thánh kinh”, 1 quyển,
2- Kinh Phổ Môn giảng lục : 1 quyển, do Bảo Tịnh Pháp Sư giảng (dịch năm 1969).

3- Kinh Pháp Hoa giảng lục : 1 bộ, 7 quyển, 2 tập, do Thái Hư Pháp Sư giảng (dịch năm 1969)

4- Luận Thành Thật : 20 quyển, do Ha Lê Bạt Ma Tát soạn.

5- Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa 24 tập, 600 quyển, 5 triệu chữ (5.000.000), do Huyền Trang Hán dịch. Khởi dịch từ năm 1973 đến năm 1980 mới hoàn tất.

Sau một thời gian bệnh nặng, mặc dù đã được hàng đệ tử, các giáo sư bác sĩ và y sĩ bệnh viện Khánh Hòa (thành phố Nha Trang) tận tình chăm sóc chữa trị, nhưng vì tuổi cao sức yếu không vượt qua khỏi, Ngài đã an tường xả báo thân lúc 2 giờ sáng ngày 13 tháng 01 năm 2003 (nhằm ngày 11 tháng chạp năm Nhâm Ngọ) thọ thế 93 tuổi, 70 tuổi đạo. 

Suốt cuộc đời, từ khi xuất gia hành đạo cho đến lúc viên tịch, Ngài đã nỗ lực không ngừng trong công việc xiễn dương đạo pháp. Cuộc đời Ngài là một tấm gương sáng ngời về đạo hạnh và sự nghiệp hoằng hóa cho Tăng ni và Phật tử noi theo. Mặc dù sắc thân của Ngài không còn nữa nhưng đạo hạnh và sự nghiệp hoằng hóa của Ngài sẽ mãi mãi là ngọn đuốc soi đường cho Tăng Ni Phật tử hậu lai.


Trí Bửu – Tháng 01.2015