Đến dự có Ông Nguyễn Chuyện, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Khánh Hòa. Lãnh đạo Hội đồng Nhân dân, UBND tỉnh, Sở Văn Hóa Thể thao và Du lịch tỉnh, Trung tâm Quản lý di tích danh lam thắng cảnh Sở VH-TT tỉnh Khánh Hòa. Ông Nguyễn Lê Đình Thống Tỉnh ủy viên, Bí thư huyện ủy Diên Khánh. Ông Lê Xuân Nhàn Chủ tịch UBND huyện Diên Khánh, Ông Đinh Văn Thiệu – Phó Chủ tịch UBND huyện Diên Khánh, các ban, ngành đoàn thể tỉnh, huyện và địa phương cùng hàng ngàn đồng bào Phật tử trong và ngoài tỉnh về tham dự.
Ông Đinh Văn Thiệu – Phó Chủ tịch UBND huyện Diên Khánh phát biểu khai mạc cho biết: “Lễ hội Am Chúa được tổ chức từ ngày 1 đến 3-3 âm lịch hàng năm, ngày mà theo truyền thuyết bà Thiên Y giáng trần. Đây là lễ hội lớn nhất của huyện Diên Khánh và là lễ hội lớn của xứ Trầm Hương”. Tương truyền, núi Đại An (còn được gọi là núi Chúa), xã Diên Điền là nơi bà Thiên Y A Na giáng trần. Bà là người có công cứu độ chúng sinh.
Theo đó, xưa kia tại núi Đại An (nay là Đại Điền), có hai vợ chồng tiều phu già không con, trồng rẫy dưa. Dưa chín, thường bị hái trộm. Rình rập, một đêm ông lão bắt được thủ phạm. Khi biết được kẻ hái là một cô gái nhỏ xinh đẹp nhưng mồ côi, ông liền mang về nuôi. Không ngờ, cô gái ấy vốn là tiên nữ, vì lí do nào đó, phải giáng trần!
Một hôm, mưa lụt lớn, cảnh vật tiêu điều, khiến tiên nữ thêm nhớ cảnh tiên xưa. Cho nên, cô lấy đá và hoa lá tạo thành một hòn giả sơn. Cho rằng việc làm đó không thích hợp đối với một phụ nữ, nên người cha nuôi có nặng lời quở mắng. Vì vậy, nhân thấy một khúc kì nam đang trôi dạt, cô bèn biến thân vào khúc cây ấy, để xuôi ra biển cả rồi tấp vào bờ biển nước Trung Hoa.
Mùi hương từ khúc kì nam lan tỏa khắp nơi, khiến nhiều người đến xem, nhưng không một ai nhấc lên nổi. Thái tử nước ấy, nghe tin đồn tìm đến, rồi nhẹ nhàng vác khúc gỗ kia mang về cung. Đêm nọ, Thái tử thấy có bóng người lạ ẩn hiện từ khúc cây kì nam. Rình rập mấy đêm, thì chàng bắt được. Nghe cô gái xinh đẹp tự xưng mình là Thiên Y A Na và khi nghe chuyện của nàng xong, ngay hôm sau, Thái tử đã tâu với vua cha cho phép cưới nàng làm vợ và có 2 con.
Một hôm, Thiên Y A Na nhớ cảnh cũ người xưa, bèn dắt hai con nhập vào khúc kì nam, vượt biển trở về cố quốc. Khi biết cha mẹ nuôi đã mất, bà cho xây đắp mồ mả, cho sửa sang lại nhà cửa để có chỗ thờ phụng hai ông bà. Thấy dân chúng ở Đại An hãy còn thật thà, chất phác; bà liền đem những gì học được ở quê chồng, như phép tắc, lễ nghi ra chỉ dạy và dạy cả những việc như cày cấy, kéo sợi dệt vải… để người dân quê mình biết cách mưu sinh. Nhân dân trong vùng đã lập đền thờ, tổ chức lễ hội hàng năm để tưởng nhớ công ơn của Bà Mẹ xứ sở.
Ngay từ đầu triều Nguyễn, Thiên Y Ana đã được sắc phong là Hồng Nhơn Phổ Tế Linh Ứng Thượng Ðẳng Thần và tại Am Chúa mỗi khi tế lễ thường được tổ chức theo nghi lễ quốc gia do quan đầu tỉnh làm chủ tế.
Lễ hội Am Chúa sẽ diễn ra trong 3 ngày mùng 1, 2, và 3 tháng 3 Quý Tỵ tại Am Chúa Diên Khánh theo nghi thức lễ hội cổ truyền của người Việt ở Khánh Hòa. Tính đến sáng nay đã có trên 100 đoàn gồm các chùa, các đạo tràng, các am, các điện, các đoàn… đăng ký dâng lễ niêm hương cầu nguyện..Các đoàn khách hành hương ngoài phần lễ còn biểu diễn nhiều màn hát chầu văn, múa bóng, hầu mẫu, múa lân, múa rồng… ngợi ca công đức của Thánh mẫu Thiên Y A Na cho mọi người cùng thưởng thức. Nội dung thể hiện ước mơ bình dị muôn đời của người nông dân là khẩn cầu quốc thái, dân an, mưa thuận gió hoà và mùa màng bội thu. Dịp này, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh cũng biểu diễn dân ca phục vụ bà con trong hai đêm mùng 1 và mùng 2 âm lịch.
Am Chúa là một di tích lịch sử văn hoá lâu đời của xứ Trầm Hương, gắn liền với tục thờ Thánh Mẫu Thiên Y A Na. Cùng với truyền thuyết về Thiên Y Thánh Mẫu, di tích Am Chúa đã thể hiện rõ nét sự giao lưu văn hoá Việt – Chăm. Với nhiều giá trị văn hoá và lịch sử cách mạng, năm 1999 Am Chúa đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.