Chứng minh và tham dự có HT Thích Trí Tâm-thành viên HĐCM- Trưởng Ban Nghi lễ GHPGVN, Phó ban trực BTS Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Khánh Hòa và chư tôn đức Tăng thuộc tông phong Tổ đình Nghĩa Phương cùng đông đảo Phật tử tham dự.
Theo thư tịch Chùa Bửu Phước còn gọi là chùa Núi Sạn, do Đại đức Thích Tâm Vạn, Thế danh Lê Văn Hé, thuộc đời thứ 43 dòng Lâm Tế khai sơn. Đại đức cùng Phật tử Nguyễn Xót và Phan Tấn Trì, đều là người làng Cù Lao, xã Vĩnh Phước đã xin khai phá vùng đất hoang núi Sạn (nay là phường Vĩnh Phước, thành phố Nha Trang) vùng đất của chùa Bửu Phước hiện nay.
Vì sớm có nhân duyên với Phật pháp, nên ngày 18.9.1956 (năm Bính Thân) Đại đức Thích Tâm Vạn đã phát bồ đề tâm, xã bỏ sự nghiệp, xin phép chính quyền địa phương xây dựng ngôi chùa trên miếng đất khai hoang. Chẳng bao lâu, ngôi chùa BỬU PHƯỚC được xây cất đơn giản, đủ làm nơi thờ phượng và Phật tử quanh vùng sớm hôm đi về tụng kinh, niệm Phật.
Thế rồi, ngày tháng dần dà, mọi vật âm thầm theo định luật vô thường mà thay đổi. Ngôi chùa Bửu Phước cũng nằm trong quy luật ấy. Đại đức Trụ trì khai sơn chùa Bửu Phước, sau 27 năm xây dựng, gắn bó với chùa, Ngài đã an tường viên tịch vào ngày 20 tháng 10 năm Qúy Hợi (năm 1983). Trụ thế 69 năm là Tổ Khái sơn chùa Bửu Phước.
Ngôi chùa được truyền thừa Trụ trì kế thế đời thứ hai là Sư cô Thích Nữ Tâm Lương.
Đệ tam Trú trì chùa Bửu Phước là Hòa Thượng Thích Trí Tâm kiêm nhiệm Trú trì. Đệ tứ Trú trì chùa Bửu Phước là TT Thích Thiện Tấn- đệ tử lớn của HT Thích Trí Tâm Trú trì từ năm 1996 đến nay.
Kể từ khi TT Thích Thiện Tấn- Trú trì, Thượng tọa đã trùng tu xây dựng chùa : Tổng thể công trình xây dựng toàn cảnh ngôi chùa Bửu Phước hiện nay, gồm có:
Ngôi chánh điện kiến trúc theo kiểu cổ lầu, mái cong, bốn góc có tứ giao long uốn lượn. Phía trước sân chùa, bên trái là Các Quan Âm, Phật Bà tay cầm tịnh bình và nhành dương liễu. Bên phải là Các Di Lặc, với nụ cười hoan hỹ, vị tha như nhắc nhở Phật tử hãy diệt trừ lục tặc, để thân tâm luôn luôn an lạc.
Trước chùa là Cống Tam quan, sừng sừng, uy nghi, với hai sư tử chầu hai bên, luôn luôn rộng mở. Đằng sau ngôi Chánh điện là Nhà Tổ, Phương trượng Trú trì, Tăng phòng, nhà khách, nhà trù, nhà Vãng sanh v.v…
Ngôi tam bảo Bửu Phước giờ đây đã đáp ứng mọi nhu cầu sinh hoạt, lễ bái, tu học cho tăng chúng, Phật tử và cũng sẵn sàng đón tiếp chư Tôn Thiền đức Tăng, Ni và Phật tử ngoài tỉnh hành hương, tham quan thành phố Nha Trang lưu trú tại chùa. Bửu Phước không chỉ là nơi Phật tử sớm tối đi về lễ bái tu học mà còn là địa chỉ du lịch văn hóa tâm linh của thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.