Trên đồi cát cao rộng chừng 1,5 mẫu thuộc làng Khánh Thiện (nay là khu phố 8-Mũi Né) chùa Khánh An được nhân dân tạo dựng vào cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19. Ban đầu chỉ là một ngôi chùa nhỏ, đến tháng Chín năm Quý Dậu 1873 (Tự Đức thứ 26), chùa Khánh An được trùng tu gồm ba tòa: Chánh điện, nhà Tổ và nhà ông Giám (nay đã bị sụp), năm 1968 chùa tu bổ nhà Tổ, năm 1993 tiếp tục trùng tu Chánh điện, năm 1997 xây cổng Tam Quan và dựng tượng Quan Âm lộ thiên.
Chùa hiện lưu giữ một bảo chúng do Hòa thượng Đạo Hương Đức Tín đúc năm Giáp Tuất 1814 (Gia Long thứ 13) và một đại hồng chung cao 1,2m đúc năm 1900 (Thành Thái thứ 12). Tại nội điện có trên 30 pho tượng thờ Tam Thế Phật, Bồ Tát, Kiên Lao, Địa Tạng, Tổ sư Đạt Ma, Thập điện Diêm Vương… bằng đồng và đất nung, tất cả đều được tạc trong khoảng cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19. Trải qua ba đời Hòa thượng và Thượng Tọa trụ trì (đều viên tịch) cho đến nay mặc dù chỉ có một ban hộ tự quản lý, song cung cách thờ cúng vẫn giữ nguyên nét tín ngưỡng Phật giáo truyền thống.
Đến với chùa Khánh An, không chỉ được chiêm ngưỡng nét cổ kính của chùa mà mọi người sẽ được tịnh tâm trước cảnh trí hữu tình như chốn thiền lâm. Không chỉ là ngôi chùa cổ mà chung quanh chùa còn có nhiều cây bàng, cây bồ đề hàng trăm tuổi, có cả những cây me còn cao hơn tuổi của chùa.
Đứng dưới chân tượng Quán Âm lộ thiên nhìn về phía cổng Tam Quan, thấp thoáng biển xanh rì rầm sóng vỗ. Phía sau khu chùa, là cụm chùa Ông và chùa Bà cũng được xây dựng hàng trăm năm trước theo tín ngưỡng của người Hoa. Giữa vùng du lịch Mũi Né, chùa Khánh An, một điểm viếng thăm hấp dẫn đối với du khách.