Trang chủ Diễn đàn Kháng thể của người Phật tử

Kháng thể của người Phật tử

597

Mấy ngày qua bên cạnh tinh thần chống dịch Covid-19 quyết liệt theo sự chỉ đạo của Chính phủ. Các tầng lớp nói chung và giới Phật tử nói riêng cũng bùi ngùi, lặng lẽ cầu nguyện cho một “Phật tử cô đơn” qua đời vì bạo bệnh. Người Phật tử cô đơn. Cô ấy là một diễn viên, ca sỹ, người phụ nữ kiên cường, bản lĩnh đồng thời là một Phật tử mộ Đạo, nhiệt tình thiện nguyện hết lòng hướng về Tam bảo.

Suốt quá trình điều trị, Cô ấy được nhiều người bạn thân chăm sóc, cộng đồng quan tâm. Trong đó có không ít những cơ sở Phật giáo, Phật tử hoặc người có cảm tình với Đạo Phật gửi năng lượng cầu nguyện, tiếp thêm sức mạnh, để Cô vững vàng sống đẹp, có ích cho những ngày còn lại của cuộc đời bên con gái, cha mẹ và người thân. Thế nhưng, nỗi cô đơn, yếu đuối của một người phụ nữ bất hạnh, một người bệnh ung thư giai đoạn cuối đã khiến cô không thể tìm được lối thoát tâm linh cho chính mình khi đối diện với cái chết trong thầm lặng. Đây là cơ hội tốt để “Ngoại đạo” lợi dụng “cải đạo” và tiến hành nhiều phương tiện lấy lòng một người trong cơn thập tử nhất sinh.

Ngộ nhận “Đạo nào cũng tốt”

Cô là một người Phật tử vì có pháp danh (tức đã Quy y Tam bảo). Quỳ trước Tam bảo thành kính nguyện cầu… tất cả đều thể hiện bằng sự thành kính hoan hỷ. (1)Tuy nhiên, quan điểm “Đạo nào cũng tốt” là cách nhìn chung của người phi tôn giáo, thậm chí có cả những người đã là Phật tử. Chúng ta không trách một người đã ra đi, hay buồn giận người ở lại. Chúng ta chỉ thương cho người Phật tử quá “dễ dàng chấp nhận sự cải đạo” của ngoại đạo một cách vô thức, mặc nhiên.

Bên cạnh đó, người Phật tử tuy đã Quy y Tam bảo thường xuyên phát tâm thiện nguyện, làm lành lánh ác nhưng thiếu sự tu tập chuyển hoá, ít cơ hội thân cận bậc thầy uy tín, ít điều kiện học hỏi giáo lý cũng rất dễ bị lung lay niềm tin của mình.

Phật giáo tôn trọng sự “tự nguyện”

Quan điểm Phật giáo “tự nguyện” luôn được đề cao từ xưa đến nay. Phật giáo không ép ai theo hay không theo mình. Phật giáo là con đường mà nơi đó ai cũng có thể chọn cho mình một cách tiếp cận để đi. Quy y Tam bảo là cách tiếp cận căn bản, nhưng nhìn thấy và biết hướng đi mà không đi hoặc không có người đồng hành cùng đi thì nơi đến sẽ còn rất xa.

Đêm dài cho kẻ thức
Đường dài cho kẻ mệt
Luân hồi dài kẻ ngu
Không thông hiểu chánh pháp

(Kinh Pháp Cú, phẩm Ngu, số 5, kệ ngôn 60)

Dighā jāgarato ratti
dīgham. santassa yojanam.
dīgho bālānam. sam.sāro
saddhammam. avijānatam.

Kháng thể của Phật tử

Virus Covid-19 tấn công khi chúng ta mất cảnh giác, xem thường ý thức vệ sinh chung. Virus “ngoại đạo” cũng tấn công khi Phật tử thiếu tỉnh giác và xem thường ý thức tôn trọng những cam kết tâm linh giữa chúng ta và Tam bảo. Kháng thể duy nhất của Phật tử là đức tin kiên cố, dưỡng chất để củng cố đức tin là môi trường tu học, bạn đồng tu và người thầy tốt. Mất đi dưỡng chất và để cho đức tin héo tàn sẽ là cơ hội tốt để virus “ngoại đạo xâm nhập” phá nát thân và tâm của chúng ta.

Phương thuốc điều trị

Trong bối cảnh dịch bệnh lan tràn, liệu pháp “cách ly xã hội”, khoanh vùng hạn chế tiếp xúc là cách tốt nhất phòng chống dịch bệnh, bảo toàn sức khoẻ cộng đồng. Đó cũng là liệu pháp mà Phật giáo cần phải tiếp cận để bảo vệ đức tin trong sạch, vững chãi của người Phật tử.

  1. Sàng lọc những hình thức biến tướng mượn danh Phật giáo để trục lợi.
  2. Kiểm soát hoạt động online của các chương trình Phật pháp. Quy định tập trung và phổ biến những giáo lý phù hợp.
  3. Cần có phát ngôn nhân điều phối và truyền thông chính thống từ tổ chức Giáo hội Trung ương đến với công chúng.
  4. Bảo vệ chân lý chánh pháp, xây dựng môi trường tu học cho Tăng đoàn phù hợp bối cảnh hiện tại.
  5. Phân cấp trình độ tu học của Phật tử để đưa ra hướng đi phù hợp.
  6. Chọn lựa phương pháp hành trì dung hoà các trường phái Phật giáo. Tránh xung đột mâu thuẫn từ học thuyết, phương thức hành trì.
  7. Tạo môi trường tu học mang tính ứng dụng, thực tiễn có chất liệu chuyển hoá khi người Phật tử đối diện nghịch cảnh.

Phật tử không cô đơn

Song song với hoạt động gieo nhân lành tạo phúc như bố thí cúng dường, thiện nguyện… người Phật tử cần tìm hiểu những trang thông tin Phật giáo chính thống, những bậc thầy tâm linh có uy tín, có tinh thần dung hoà các trường phái Phật giáo để xây dựng đức tin và ngôi nhà tâm linh cho chính mình. Chia sẻ quan điểm cá nhân về Phật giáo hoặc Tăng đoàn dựa trên tinh thần tôn trọng sự thật, lắng nghe thấu hiểu tường tận, ngôn từ trong sáng, ý nghĩa tích cực… là thể hiện tư cách của người Phật tử thuần thành. Bảo vệ chân lý, uy tín của Phật giáo và Tăng đoàn trước sự công kích của ngoại đạo.  Có chánh niệm, tỉnh giác trước những hình thức mê tín, tà kiến để bảo vệ đức tin của mình trong mọi hoàn cảnh. Người Phật tử sẽ không cảm thấy cô đơn nếu tự điều tiết thời gian, chọn phương pháp hành trì thích hợp để có nhiều cơ hội chuyển hoá gia đình, cộng đồng cùng hướng đến giá trị đạo đức truyền thống Tổ tiên và đức tin tuyệt đối vào Tam bảo. Dù chưa bước lên hàng Thánh giả nhưng nếu tôn trọng và chăm sóc đức tin của mình đúng cách, người Phật tử sẽ không đánh mất hạt giống cao thượng, thánh thiện trong tâm hồn.

Đây giáo pháp cao thượng
Bậc cao thượng thuyết giảng
Cho những người cao thượng
Hoan hỷ sống cao thượng.

(Lược ý từ đoạn Kinh Châu báu bằng tiếng Pali đính kèm phía dưới)

  1. Varo varaññū varado varāharo
    anuttaro dhammavaraṃ adesayi,
    idampi buddhe ratanaṃ paṇītaṃ
    etena saccena suvatthi hotu.

Vô Trí kính bút


*Chú thích:
(1) https://nguoiphattu.com/van-hoa/y-kien-trao-doi-du-luan/13379-doi-dieu-suy-ngam-ve-cau-chuyen-cua-mai-phuong.html