Trang chủ Văn hóa Nghệ thuật Khai trương sân khấu chuyên về Phật giáo

Khai trương sân khấu chuyên về Phật giáo

68

Sân khấu Hoa sen trắng ra đời góp thêm màu sắc mới lạ cho cải lương Thành phố Hồ Chí Minh với chủ trương dàn dựng và biểu diễn những vở tuồng với đề tài Phật giáo, đề cao đạo pháp. Đặc biệt ca sĩ Phương Thanh đảm nhận vai thứ chính – vai Lan, em gái của Toàn (nhân vật chính của vở).

Phóng viên đã có cuộc trò chuyện với nghệ sĩ Châu Thanh về sân khấu mới này.

Từ đâu anh có ý tưởng thành lập một sân khấu chuyên về đề tài Phật giáo?

Trong quá trình biểu diễn phục vụ ở các chùa, tôi thấy khán giả rất thích những bài ca cổ về Phật, về công ơn cha mẹ, về việc răn dạy con người tu tâm dưỡng tính. Có một vị hòa thượng cũng nói với tôi rằng: kinh kệ do những bậc tu hành rao giảng thì chỉ có người có tâm đạo nghe, còn đạo pháp đã chuyển hóa thành nghệ thuật cho nghệ sĩ biểu diễn thì dễ đi vào lòng người, ai cũng thích nghe. Hơn nữa, bài ca cổ, video cải lương về đề tài đạo thì nhiều nhưng việc dàn dựng và biểu diễn những vở tuồng này trên sân khấu lớn thì chưa.

Từ đó tôi ấp ủ việc thực hiện một sân khấu chuyên nghiệp biểu diễn những vở tuồng ngoài lời ca tiếng hát phục vụ khán giả còn hướng về tâm linh, đem nhạc pháp chuyển tải đến mọi người nhằm mang sự an vui tinh thần đến cho khán giả, Phật tử. Từ ý tưởng đến việc cụ thể hóa nó như ngày nay cũng mất tới 10 năm trời. Nhờ sự khuyến khích, hết lòng ủng hộ của anh em nghệ sĩ cùng chí hướng như: gia đình Nghệ sĩ ưu tú Thanh Điền – Thanh Kim Huệ, Nghệ sĩ ưu tú Thanh Thanh Tâm… mà sân khấu này mới thành hình.

Nhưng liệu đề tài Phật giáo có giới hạn công chúng đến với sân khấu Hoa sen trắng vì không phải khán giả nào cũng là Phật tử?

Không phải cứ đề tài Phật thì trong tuồng nhất thiết phải có nhà sư, có “nam mô a di đà phật”. Bất cứ tôn giáo nào (không riêng gì Phật giáo) thì điều cốt lõi nhất cũng là khuyến thiện, khuyên con người tu tâm dưỡng tánh “lánh dữ tìm lành”.

Nói chính xác thì chúng tôi không chủ trương chỉ diễn thuần túy tuồng Phật giáo (kể về sự tích các Phật), cũng không đao to búa lớn chuyện “nhập thế cứu đời” mà chỉ muốn mượn ngôn ngữ truyền cảm của nghệ thuật cải lương để chuyển tải những giá trị tích cực của đạo pháp vốn rất quen thuộc với người Việt Nam như: luật nhân – quả, đề cao nhân – lễ – nghĩa – trí – tín, đạo đức làm người, những giá trị thiêng liêng trong mối quan hệ giữa người với người trong cuộc sống: tình cha mẹ thương con, đạo nghĩa vợ chồng, tình người mênh mông, tình quê hương cao cả…

Đó là đời nhưng cũng chính là “đạo”. Như vở diễn ra mắt Mênh mông tình mẹ này được chuyển thể từ truyện Quan âm tóc rối của tác giả Huỳnh Trung Chánh. Quan âm ở đây không phải là thần Phật chốn xa xôi nào mà chính là người mẹ thân yêu của chúng ta.

Được biết tham gia Mênh mông tình mẹ ngoài các nghệ sĩ gạo cội của sân khấu cải lương còn có sự góp mặt của nữ ca sĩ Phương Thanh với một vai khá nặng ký. Liệu Phương Thanh có thể hiện được vai trò của một nghệ sĩ cải lương hay sự có mặt của cô ấy chỉ để lôi kéo thêm khán giả đến rạp?

Dĩ nhiên cải lương không phải là sở trường của ca sĩ Phương Thanh. Nhưng chúng tôi quý cái tâm của cô ấy đối với sân khấu cải lương, với công tác từ thiện mà sân khấu Hoa sen trắng hướng tới. Đúng là mời Phương Thanh chúng tôi cũng muốn tạo thêm sự mới lạ cho vở diễn. Tuy nhiên chúng tôi làm vì nghề, vì cái tâm chứ không đặt nặng doanh thu nên cũng không quan tâm chuyện Phương Thanh có giúp bán thêm vé hay không mà chỉ cần sự thể hiện của cô ấy trên sân khấu.

Qua quá trình luyện tập, chúng tôi tin là Phương Thanh vẫn có thể lấy được cảm tình của khán giả mộ điệu cải lương với tinh thần làm việc rất chuyên nghiệp và nghiêm túc. Cô ấy bỏ rất nhiều thời gian, công sức để tập ca, ngồi suốt từ sáng tới chiều quan sát các nghệ sĩ tập và học hỏi cách diễn xuất. Để biết Phương Thanh có thành công trong việc “lấy nước mắt” khán giả hay không thì phải đợi đêm diễn kết thúc đã. Rất mong quý khán giả ủng hộ!

Cám ơn anh, chúc sân khấu Hoa sen trắng thành công!