Các thợ hồ chưa qua một khóa huấn luyện nào về việc sữa chữa các di tích cổ này được trả 1,35 đô la một ngày để thực hiện các công việc mà họ được yêu cầu. Đó là sử dụng các loại gạch và vữa hồ hiện đại để xây một ngôi chùa mới trên đỉnh của ngôi chùa cổ mà phần mái, vì một lý do nào đó đã bị san bằng. Họ làm theo các bản phác thảo đơn giản do chính quyền cung cấp. Các bản phác thảo này không lưu ý đến các đặc điểm của ngôi chùa cổ mà chỉ đưa ra các bản vẽ chung chung và một mái vòm kỳ lạ.
Cùng với quần thể đền Angkor ở Campuchia, thành phố cổ Bagan được xem là một trong những địa điểm tôn giáo thiêng liêng ở Châu Á. Thế nhưng với sự xuất hiện của những ngôi chùa kiểu mới như vậy, đã làm cho cộng đồng quốc tế lo ngại. Sử gia quá cố người Myanmar Than Tun lúc còn sống gọi việc phục hồi như vậy là “khảo cổ chớp nhoáng”. “Việc tái thiết này hoàn toàn là quái dị” nhà khảo cổ học người Mỹ khác nói. “Họ đang xóa bỏ hoàn toàn các di tích lịch sử ở đó”.
Đã có khoảng 13.000 ngôi chùa vào thời hoàng kim của Bagan ở thế kỷ 13. Nhưng ngày nay, chỉ còn khoảng hơn 2.200 ngôi chùa và khoảng 2.000 gò đất và phế tích khác chưa xác định.
Mặc cho việc xây dựng mới, Bagan vẫn là nơi đáng kinh ngạc. Khi đứng trên cao và phóng tầm mắt ra xa, bạn sẽ thấy được nhiều ngôi chùa lớn với độ cao khoảng 20 tầng, nhiều trong số đó được trang trí bẳng các viên đá được khắc hoa văn và trang trí hết sức công phu được xếp theo đường xoắn ốc và chồng lên nhau. Trong các ngôi chùa lớn, các tượng Phật được bao phủ bởi các lá vàng dát mỏng hay trên các bức tường vẫn còn lưu giữ được nguyên bản các bức họa miêu tả về cuộc đời của Đức Phật. Rải rác trong thành phố là các ngôi chùa chỉ nhỏ bằng một căn phòng với một tượng Phật bên trong và các ngôi tháp ở trên đỉnh. Điểm độc đáo là không có lối vào ở các ngôi chùa này.