ĐỊNH NGHĨA VỀ NGHIỆP
Định nghĩa tột cùng của Nghiệp là tác ý. Tư tưởng, lời nói, việc làm đều khởi xuất từ động cơ ý muốn. Phật giáo gọi ý muốn hay ý chí ấy là tác ý. Những hành động có tác ý, dầu biểu hiện do thân, khẩu hay ý đều tạp Nghiệp. Hành động có tác ý, thiện hay bất thiện, đều tạo thành Nghiệp. Những hành động không cố ý, không có chủ tâm, mặc dầu đã biểu hiện bằng lời nói hay việc làm đều chưa tạo thành Nghiệp.
Đức Phật dạy:” Này hỡi các Tỳ-kheo, Như Lai xác nhận là chính Tác ý là Nghiệp. Có ý muốn làm mới có hành động, bằng thân, khẩu hay ý.”
PHÂN LOẠI NGHIỆP
Có nhiều cách phân loại Nghiệp tuỳ thuộc vào tiêu chí căn cứ. Ở đây dựa trên khả năng báo ứng, Nghiệp có thể chia thành bốn loại:
Trọng Nghiệp
Nghĩa là hành động trọng yếu, nghiêm trọng, một Nghiệp nặng, vì nó chắc chắn trổ quả trong đời hiện tại hay kiếp sau hoặc kiếp vị lai.
Nếu là một trong Nghiệp thuộc về 5 loại tội ác (Ngũ Nghịch Đại Tội) là giết cha, giết mẹ, giết vị A-la-hán, gây thương tích cho Đức Phật và chia rẽ Tăng đoàn.
Cận tử Nghiệp
Cận Tử Nghiệp là nghiệp dẫn dắt đi thọ sinh. Cận tử Nghiệp là hành động cuối cùng hay là hành vi nào mà chập tư tưởng sau chót nhớ nghĩ đến trước khi lâm chung.
Người theo Đạo Phật thường có thói quen nhắc nhở người sắp lìa đời nên có những hành vi ý tưởng tốt đẹp đã làm trong cuộc đời, giúp đỡ khuyến khích họ tạo một nghiệp lành ngay trước giờ phút lâm chung như: Tụng kinh, Niệm Phật…
Đôi khi người xấu có thể chết một cách yên ổn và tái sanh trong cảnh giới tốt đẹp nếu họ được túc duyên hồi nhớ lại, hoặc làm một điều thiện trong giờ phút cuối cùng. Nhưng không có nghĩa là người ấy, dầu tái sanh trong nhàn cảnh, cũng không tránh khỏi quả dữ của nhân ác đã gieo trong quá khứ.
Một người làm lành có thể sanh trong cảnh xấu, bởi bất thình lình trong giờ phút cuối cùng lại có một hành vi hay tư tưởng bất thiện. Tuy nhiên đó là do chập tư tưởng bất thiện sau cùng nên người ấy phải chịu tái sanh trong cảnh khổ, nhưng những nhân lành người ấy đã gieo sẽ trổ quả đúng lúc khi đủ thời tiết nhân duyên.
Thường Nghiệp
Là những việc, hành động hàng ngày thường làm, hay nhớ đến và ưa thích hơn hết. Những thói quen làm lành hay dữ dần dần trở thành bản chất và ít nhiều uốn nắn tâm tánh con người. Trong khi nhàn rỗi tâm thường duyên theo những tư tưởng, những hành động quen thuộc một cách vô ý thức. Trong giờ phút lâm chung, trừ khi bị một ảnh hưởng nào mạnh hơn, ta thường nhớ lại những hành vi và tư tưởng quen thuộc.
Tích Trữ Nghiệp
Tất cả những trường hợp không có kể trong ba loại nghiệp trên gồm chung lại thành một Nghiệp Tích Trữ. Nghiệp này giống như vốn dự trữ của một cá nhân.
PHÂN BIỆT GIỮA NGHIỆP VÀ NGHIỆP BÁO
Nghiệp là Nhân
Tạo Nghiệp là gieo Nhân
Nghiệp báo là Quả
Nhân duyên đủ thì trổ quả gọi là Nghiệp Báo.
Trong sự báo ứng của Ngjiệp, Tâm là yếu tố tối quan trọng, bởi lẽ tất cả những việc làm, lời nói và tư tưởng đều do nơi tâm phát khởi.
Trong chuỗi Nhân-Quả là liên hồi vô thuỷ vô chung, nhân duyên đủ thì trổ quả, đến lượt thì quả lại trổ thêm nhân mới và hội đủ duyên thành quả mới. Luân hồi vô thường là vậy.
TÍNH CHẤT CỦA NGHIỆP
“Gieo gì gặt nấy” – Tạp A-hàm
Thật hiển nhiên “gieo gì gặt nấy”. Nhưng nếu chúng ta cứ bám chặt vào câu này thì sẽ rơi vào tình trạng bi quan cho rằng biết bao giờ mới trả hết nghiệp đã gieo của vô thuỷ vô kiếp, để rồi ngủ quên ngay trong đời sống hiện tại.
Chúng ta chưa đủ khả năng thấu được vô lượng kiếp của Đức Phật. Được thân làm người đã là phước quý giá hơn những loài chúng sinh khác, nghĩa là chúng ta có cơ hội tu tập cho đến khi thành tựu quả vị Phật, bằng cách gieo những hạt giống lành hầu mong trổ quả ngay trong hiện đời, kiếp kế tiếp hay nhiều kiếp vị lai.
Mỗi người chúng ta hãy tự chiêm nghiệm tính chất của Nghiệp”gieo gì gặt nấy” với sự quán chiếu về lý Vô Thường-Vô Ngã và luật Nhân Quả trong một bình diện rộng lớn đa chiều của nhiều kiếp nhân sinh, để tự tin mà tìm phương tiện chuyển hoá nghiệp báo của bản thân mình.
Đồng thời chúng ta cần ghi nhớ rằng, khi đã gieo nhân lành rồi thì đừng hối tiếc để tránh tình trạng quả trổ sanh không được tương xứng với nhân hoặc thậm chí trái ngược với nhân đã gieo. Ví dụ một người có lòng tốt giúp đỡ người nghèo hay người bị sa cơ lỡ vận, nhưng khổ một nỗi người này giúp lại hay kể công nên làm cho người mang ơn có khi hết kiếp hiện tiền cũng chưa đủ cơ hội để trả hết ơn nên chẳng dám gần gũi, thậm chí lại có những trường hợp sau sự giúp đỡ một thời gian hai bên không muốn nhìn mặt nhau. Theo đạo lý thường tình thì mối quan hệ giữ người hỗ trợ và người thọ nhận sự giúp đỡ phải là tốt đẹp mới đúng. Nhưng đôi khi lại trái ngược.
NĂNG LỰC CỦA NGHIỆP
Nghiệp là một năng lực riêng biệt của từng cá nhân được chuyển từ kiếp này sang kiếp khác. Nghiệp đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo nên tâm tánh của một con người.
Vạn vật đều Vô Thường, mỗi người chúng ta luôn biến đổi và luôn đang trở thành một cái gì khác.
Theo luật Nhân-Quả thì cái mới ấy phụ thuộc vào hành động của chính mỗi chúng ta.
Trong từng sát-na ta có thể tự cải hoá cuộc đời mình hướng thượng, hoặc ngược lại. Tất cả nhân ( Nghiệp thân, khẩu, ý) , mà ta gieo vào vũ trụ này đều được ghi lại và vận hành theo luật Nhân-Quả.
Nghiệp này sẽ cộng hưởng với các nghiệp khác ( biệt nghiệp của bản thân hay cộng nghiệp của một cộng đồng, tổ chức lớn, nhỏ) để mà trổ qủa ( nghiệp báo) khi có đủ nhân duyên. Đó là lý do tại sao mà có thể quả của một nhân yếu tố lại trổ sanh tròn đủ, còn quả của một nhân mạnh lại lắng xuống không trổ sanh nữa như trường hợp sự tu tập đạt đến quả vị A-la-hán.
Đức Phật dạy: “Này các Tỳ-kheo, người kia không biết khép mình vào kỷ cương của thể xác, của luân lý, của tâm, của trí tuệ, kém đạo đức, kém giới hạnh và do đó, sống đau khổ. Dầu một hành động tầm thường của người ấy cũng đủ tạo quả đưa đến cảnh khổ”.
“Này các Tỳ-kheo, người kia có nếp sống kỷ cương, về vật chất cũng như luân lý, tinh thần và trí tuệ, đạo đức cao thượng, biết làm điều thiện và lấy tâm Từ vô lượng đối xử với tất cả mọi chúng sinh. Người như thế đâu có một hành động tầm thường như người kể trên hành động ấy cũng không tạo quả trong kiếp hiện tại hay kiếp tương lai.
“Tỷ như có người cho một muỗng muối vào bát nước. Này các Tỳ-kheo, các thầy nghĩ thế nào? Nước trong bát có thể trở nên mặn và khó uống không?
-Bạch Đức Thế Tôn, có ạ!
-Tại sao?
-Bạch Đức Thế Tôn, vì nước trong bát thì ít mà cho một muỗng nên phải mặn.
-Bây giờ, tỷ như người ta đổ muối ấy xuống sông Hằng, này các Tỳ kheo, các Thầy nghĩ sao? Nước sông hằng có vị muối ấy mà trở nên mặn và khó uống không?
-Bạch Đức Thế Tôn, không ạ!
-Tại sao?
-Thưa Đức Thế Tôn vì sông Hằng rộng lớn, nước nhiều, chỉ bấy nhiêu muối ấy không đủ làm mặn.
Cũng như thế, có trường hợp người kia vi phạm một lỗi mà chịu cảnh khổ, người khác cũng vi phạm tương tự mà chịu quả nhẹ hơn và sau khi chết, quả kia dầu nhỏ, không trổ sanh nữa.”
Trong sự báo ứng của Nghiệp có những năng lực hỗ trợ tạo điều kiện cho quả sớm trổ sinh và ngược lại cũng có những năng lực kìm hãm ngăn chặn không cho quả phát sinh. Những năng lực đó là:
– Sự sinh trưởng.
– Thời gian hay hoàn cảnh.
– Nhân cách hoặc sắc tướng.
– Sự nỗ lực cố gắng.
Sự tái sinh tốt có thể là một năng lực kìm hãm không cho quả dữ trổ sinh, trong khi đó nếu sinh trưởng trong gia đình hoàn cảnh nghèo khó thì sự tái sinh bất hạnh của người này tạo điều kiện thuận lợi cho quả dữ phát sinh.
Người đã gieo nghiệp tốt được tái sinh trong hoàng tộc, mặc dù không thông minh tài giỏi nhưng cũng được thiên hạ trọng vọng, trong khi đó cũng con người này nếu sinh trong gia đình bình thường thì ắt không được xem trọng như vậy.
Vua A –xà-thế tuy phạm tội lớn giết cha về sau gặp được thiện duyên tuy nhờ thân cận học Phật mà trở nên một vị minh quân có tâm đạo nhiệt thành nhưng do trọng tội đã phạm nên phải tái sanh vào cảnh khổ, ở nơi bất thuận lợi này mà bao nhiêu nhân lành ông đã gieo sau này cũng không đủ duyên hỗ trợ để trổ quả.
Thời gian hay hoàn cảnh cũng ảnh hưởng đến sự báo ứng của Nghiệp. Ví dụ tất cả mọi người đều phải cùng chung chịu một số phận trong một cảnh thiên tai.
Dung mạo đẹp đẽ hoặc xấu xí có thể hỗ trợ hay kìm hãm sự báo ứng của Nghiệp. Ví dụ như trường hợp có người nhờ Nghiệp lành mà được tái sanh vào hoàng tộc thành hoàng tử nhưng lại cũng vì Nghiệp mà bị tật nguyền thì cũng không hoàn toàn trọng hưởng được phước báu của mình, không được vua cha chọn lựa để truyền ngôi báu. Lại có trường hợp đứa trẻ nhờ diện mạo phương phi tuy sinh ra trong gia đình nghèo mà vẫn có thể gieo ít nhiều thiện cảm đến người khác.
Sự nỗ lực cố gắng là quan trọng hơn cả trong các năng lực trợ duyên và nghịch duyên của Nghiệp. Trong sự báo ứng của Nghiệp, sự chuyên cần và sự thiếu chuyên cần giữ một vai trò chính yếu. Do sự cố gắng hiện tại ta có thể tạo nghiệp mới, hoàn cảnh mới, môi trường mới, thậm chí cả một thế giới mới. Trong khi đó, dù đủ điều kiện thuận lợi và trợ duyên đầy đủ mà ta không nỗ lực cố gắng thì chẳng những ta bỏ lỡ một cơ hội quý báu mà có khi phung phí cả một sự nghiệp, thể chất lẫn tinh thần.
Nắm vững giáo lý Nghiệp báo từ sự vận hành của Nghiệp và năng lực trợ duyên hay nghịch duyên đối với Nghiệp để mà can trường vững bước trong cuộc đời mỗi người, biết khai thác phát triển các yếu tố thuận duyên, tìm phương tiện triệt tiêu ác duyên hầu tiếp nhận quả một cách an nhiên tự tại.
Niềm tin nơi Nghiệp báo nâng cao giá trị của sự tinh thần và kích thích lòng nhiệt thành, vì lý nghiệp báo dạy mỗi người phải lãnh lấy trách nhiệm của chính mình.
QUẢN LÝ NGHIỆP VÀ NGHIỆP BÁO
Nếu coi Nghiệp là đầu vào, khi gieo nhân nghiệp càng cẩn trọng bao nhiêu thì gặt quả đầu ra nghiệp báo càng an toàn bấy nhiêu. Làm sao có thể quản lý được đầu vào từ vô thuỷ kiếp? Chúng sinh trong biển vô minh mù mịt cần phải làm gì?
“Mọi sự xảy ra trong cuộc đời mỗi người chúng ta đều do nghiệp chi phối. Sự có mặt của mỗi người là sự hiện hữu của nghiệp thiện hay bất thiện của quá khứ. Muốn biết nhân đời trước, nhìn hiện tại họ đang hưởng. Muốn biết quả đời sau, xét hiện tại họ đang tạo việc gì.”
Sự quán chiêu toàn diện của lý Vô Thường – Vô Ngã- và luật Nhân – Quả soi rọi trong thuyết nghiệp và Nghiệp báo của Phật giáo hoàn toàn có thể giải thích được cặn kẽ những điều kỳ diệu, hoặc tưởng chừng như bất công, vô lý trong hiện hữu của đời sống con người.
Dù muốn hay không muốn, biết hoặc không biết, để ý hay không để ý. Mặc nhiên, ai cũng phải tiếp nhận nghiệp báo, lớn hay nhỏ, lành hay dữ, và ai cũng vẫn đang tạo nghiệp mới trong từng nhịp sống của hiện kiếp. Mong ước tối hậu của con người là cả sự tiếp nhận và sự tạo mới sao cho được bình an. Hãy biết nhận thức để trong kiếp hiện tại này gieo thật nhiều nghiệp lành, trong sự xoay vần không ngừng của luật Nhân-quả thì ắt sẽ cải thiện được Nghiệp báo và gặt hái được những quả lành ngay trong kiếp này cũng như tương lai. Nhân lành xuất phát từ ý nghĩ, tư tưởng của chúng ta. Muốn làm việc lành thì phải khởi ý niệm lành. Ba nghiệp (thân, khẩu và ý) lành thì đời sống an lạc tốt đẹp. Tu tập ba nghiệp là điều rất cần thiết đối với người con Phật.
Sướng và khổ lưu xuất từ những hành động quá khứ của chúng ta. Để định nghĩa nghiệp (karma) trong vài chữ, người ta có thể nói: hãy làm tốt, tất cả sẽ tốt; nếu làm xấu, tất cả sẽ xấu. Karma, nghiệp có nghĩa là “hành động”. Nó hoạt động theo ba mặt: thân, lời và ý. Nó sản sanh ra ba loại hậu quả: xấu, không xấu và trung tính, và diễn ra trong hai thời: trước tiên người ta nghĩ đến điều sắp làm, đó là hành động ý định, rồi những động lực tâm thức hiện thực thành một hành vi thân xác hay lời nói, đó là hành động cố ý. Ví dụ, trong lúc này; khi phát biểu với một ý định nào đó, tôi hoàn thành một hành động thuộc về lời nói, vậy thì tôi cất chứa nghiệp. Với những cử chỉ của hai tay tôi, tôi làm sanh ra nghiệp về thân xác. Tính chất tích cực hay tiêu cực của những hoạt động này tùy thuộc động lực kích động tôi. Nếu động lực là trong sạch, nghĩa là nếu tôi nói với các bạn với sự thành thật, tôn trọng, trong một tinh thần vị tha, thì những hành vi của tôi sẽ tốt. Nếu tôi bị thúc đẩy bởi kiêu căng, thù hận, nói ác… những hành động thân và lời của tôi sẽ trở nên không tốt. Những hành vi thường xuyên được sản sanh ra như vậy. Khi lời nói là sự biểu lộ của những động lực tốt đẹp, một không khí thân ái được thiết lập, nhưng vượt qua khỏi kết quả tức thời này, hành động để lại một dấu vết trong tâm thức diễn giả, dẫn khởi những hậu quả vui sướng trong tương lai. Nếu những lời nói của diễn giả che dấu một hậu ý gây tác hại, một không khí thù nghịch được thiết lập tức thì, với những hậu quả buồn thảm mai sau. Khi đức Phật dạy rằng người ta là chủ nhân của chính mình, rằng tất cả tùy thuộc vào mình, có nghĩa là sung sướng và khổ sở đến từ những hành vi tốt và không tốt, rằng chúng hun đúc thành không phải từ bên ngoài mà ở nơi sâu xa nhất của chính mình. Cái nhìn này cho một cảnh trạng thực tiễn trong việc hàng ngày: khi tương quan giữa nhân và quả được thiết lập, người ta không cần nữa một ông cảnh sát nào để bắt buộc chúng ta phải cẩn trọng, lương tri sẽ thay thế chỗ ấy. Ví dụ, hãy giả thiết ở đây có một mớ tiền hay một viên ngọc quý và không có ai cả ở chung quanh, các bạn có thể dễ dàng chiếm lấy nó. Nhưng nếu các bạn biết rằng toàn bộ trách nhiệm về tương lai của các bạn đang nằm trong tay của các bạn, các bạn sẽ không làm thế. Trong xã hội hiện đại, mặc dù những hệ thống cảnh sát rất phức tạp và kỹ thuật chúng ta rất cao, những hành vi khủng bố xảy ra cũng không kém. Một mặt, những người này dùng những phương tiện an ninh tối tân nhất để làm thất bại những kẻ mà ở mặt kia lại trở nên còn sáng tạo hơn trong việc thực hiện những trọng tội của họ. Người gìn giữ hòa bình thực sự duy nhất là nơi chính mình. Chính đó là “người canh đêm” ý thức về trách nhiệm của mình trong cái liên hệ đến tương lai của nó và nó quên chính mình cho hạnh phúc của tất cả. Về phương diện thực hành, sự kiểm soát tốt nhất tội phạm là sự kiểm soát mà mỗi người thi hành trên chính mình. Sự thay đổi bên trong là cái có thể chấm dứt cho sự phạm tội và thiết lập hòa bình xã hội, nhưng nó đòi hỏi tự hiểu biết chính mình. Lý thuyết Phật giáo về sự tự trách nhiệm là đặc biệt thích đáng; nó dẫn đến tự hỏi và tự chế phục đồng thời trong lợi ích của riêng mình và trong lợi ích của người khác. Về những hệ quả khác nhau của hành động, chúng cũng cần được nghiên cứu sâu. Một trong số đó được gọi là “quả của sự kết trái”. Giả thử, sau một hành vi xấu, một người nào đó chuyển đến trong một hóa thân xấu, dưới hình thức thú vật chẳng hạn; sự tái sanh này là một kết quả của sự kết trái mà nguyên nhân ngược về một đời nào trước đó. Cũng có cái mà người ta gọi là “kinh nghiệm về quả tương tự với nhân”. Đây là một trường hợp: hãy tưởng tượng rằng, sau khi di chuyển vào một tái sanh không may mắn sau một tội lỗi, các bạn tái sanh làm người, cuộc đời của các bạn sẽ ngắn ngủi: quả (một cuộc đời ngắn ngủi) với tư cách là cái được kinh nghiệm, tương tự với nhân (sự kiện đã rút ngắn cuộc đời người khác). Cũng có một hiện tượng gọi là “quả của sự hồi sinh bị điều kiện hóa” để có thể làm sáng tỏ sự kiện tự nhiên có khuynh hướng làm lại cùng loại hành động xấu như giết chẳng hạn. Nhưng ví dụ này cũng áp dụng – trong những hậu quả ngược lại – cho kết quả của những hành vi tốt. Còn phải kể những hành động làm tập thể, mà những hệ quả của chúng được mọi thành viên kinh nghiệm. Trong trường hợp này, một toàn bộ những cá nhân có thể cùng được chuyển sanh để chia xẻ với nhau cùng một môi trường, cảnh giới nào đó. Nhưng, tựu trung, mọi chỉ dẫn này về nhân quả của hành vi chỉ có ích lợi trong mức độ chúng góp phần vào việc cải thiện đời sống xã hội. Dầu chúng ta là tín đồ hay không, tôi hy vọng rằng chúng ta sẽ cố gắng nghiên cứu những văn hóa riêng khác của chúng ta để đem làm của chung cái gì trong mỗi nền văn hóa có thể lợi lạc cho tất cả. Tenzin Gyatso (Theo sách Trí tuệ và Đại bi) |