Thừa Thiên-Huế là trung tâm của Phật giáo Miền Trung. Nói đến sự du nhập và phát triển của Phật giáo Huế phải kể từ năm 1558, (đúng hơn là năm 1601) khi Quận công Nguyễn Hoàng vào trấn thủ miền biên viễn Thuận Hoá và cho xây dựng chùa Thiên Mụ trên nền một cổ tự ở làng Hà Khê, xã An Ninh, huyện Hương Trà, Thừa Thiên – Huế. Nghiên cứu sự phát triển Phật giáo ở Thừa Thiên – Huế phải nghiên cứu qua nhiều thời kì:
+ Thời kì 1601 đến 1774 là giai đoạn phục hồi và phát triển của Phật giáo thời chúa Nguyễn Đàng Trong mà tiêu biểu là Huế.
+ Thời kì 1774 đến 1930: là giai đoạn Phật giáo ở Huế bị các tầng lớp quan lại, vua chúa nhà Nguyễn lợi dụng như một công cụ thống trị tinh thần và Phật giáo đã suy yếu dần sau vụ khởi nghĩa của Đoàn Trưng, Đoàn Trực chống Tự Đức năm 1868, trong đó có một số nhà sư tham gia, Tự Đức định giết hết tăng sĩ ở Huế nhưng bà Từ Dũ can thiệp và số chùa còn hoạt động chỉ còn 24 ngôi chùa và 24 vị tăng trụ trì. Nhưng quan trọng là thời kì 1930-1945, thời kì Phật giáo Huế chấn chỉnh, phục hồi, phát triển, củng cố địa vị của mình trong quần chúng nhân dân. Tiếp đó là thời kì 1945 – 1975, với nhiều biến chuyển trên chính trường Việt Nam, giai đoạn đấu tranh sống còn của Phật giáo ở Miền Nam Việt Nam nói chung và Thừa Thiên-Huế nói riêng với nhiều tăng sĩ, cư sĩ, Phật tử tự thiêu, tham gia đấu tranh phản đối chế độ Ngô Đình Diệm, Nguyễn Khánh, Nguyễn Văn Thiệu, một số tăng sĩ bị chính quyền Mỹ – Diệm lợi dụng làm phân hoá Phật giáo, nhưng nhờ vững tin vào sự trường tồn của đạo pháp và dân tộc nên đã đứng vững và cuối cùng là thời kì sau khi nước nhà thống nhất từ năm 1975 đến nay.
Bài viết này chỉ xin khái lược giai đoạn 1930-1945, giai đoạn mà tình hình nước ta diễn ra nhiều biến chuyển lớn về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, xuất hiện nhiều giai cấp, cũng như tôn giáo, với phong trào đấu tranh của quần chúng mang sắc thái mới. Để duy trì sự tồn tại và phát triển của tôn giáo mình, các cao tăng Phật giáo có trách nhiệm phải chấn chỉnh, để phát triển theo tiến trình lịch sử của nước nhà, cứu vãn hiện trạng Phật giáo đang có sự phân hoá, tạo niềm tin cho Phật tử, gây ảnh hưởng sâu rộng trong quần chúng và thoát khỏi sự lệ thuộc của chính quyền thực dân và tay sai.
I. Sự ra đời của Hội An Nam Phật Học
Trước những biến chuyển lịch sử, biến chuyển xã hội làm cho Phật giáo đình trệ không phát triển, để duy trì sự tồn tại của mình một số tăng ni, cư sĩ trí thức yêu nước cùng nhau bàn bạc nhằm chấn chỉnh và phát triển là một nhu cầu cấp bách và cần thiết trong tình hình chính trị, xã hội giai đoạn này.
Từ nhiều năm đầu thế kỉ XX với những biến chuyển của tình hình trong và ngoài nước đã tạo những tiền đề cho việc chấn chỉnh và phát triển Phật giáo Huế. Đầu năm 1920 ở Huế có tổ chức nhiều buổi thuyết pháp, học giáo lí… do các Hoà thượng Phước Huệ, Phổ Huệ… và các tăng sĩ khác giảng tại chùa Bảo Quốc, Trúc Lâm, Tây Thiên… Một cuộc họp gồm các tăng già, tăng sĩ, cư sĩ đã được tiến hành ở Huế để thành lập Hội Nam Kỳ nghiên cứu Phật học năm 1931, và Hội An Nam Phật học năm 1932.
Việc vận động và thành lập Hội An Nam Phật Học là sáng kiến của tăng tín đồ Miền Trung nói chung và Thừa Thiên-Huế nói riêng. Công đức sáng lập ra Hội là những vị chứng minh Đại sư gồm: Thích Đôn Hậu, Chơn Thiết, Giác Nguyên, Tịnh Khiết, Giác Hạnh, Giác Nhiên, Viên Quang, Giác Tiên, Vạn Phước, Từ Quang… cùng các cư sĩ Lê Đình Thám, Lê Quang Thiết, Lê Thanh Cảnh, Trương Xướng, và 7 vị khác. Sau khi thành lập và ổn định năm 1936, Ban trị sự của Hội được thành lập. Ban Trị sự ban đầu gồm có:
Chánh Hội trưởng: Cư sĩ Bác sĩ Lê Đình Thám
Phó Hội trưởng: Cư sĩ Lê Quang Thiết
Hội viên thường trực: Cư sĩ Hoàng Xuân Ba, Lê Bá ý, Tôn Thất Tùng…
Hội có một hệ thống tổ chức chặt chẽ từ trung ương xuống địa phương.
Cũng từ năm 1936 khắp các tỉnh Miền Trung đã thành lập các tỉnh hội, dưới tỉnh hội là các huyện hội, quận hội và các chi hội xã.
Mục đích và tôn chỉ của Hội An Nam Phật Học:
1- Làm hậu thuẫn để chấn hưng và duy trì phát triển Phật giáo, làm việc hữu ích và thống nhất đạo pháp.
2- Bảo trì các vị tăng già có giới hạnh, có khả năng hướng dẫn Phật tử, nhất là những người có chí nguyện với công đức Phật sự.
3- Hướng dẫn, giải thích giáo lí Phật giáo, những nếp sống đạo vị, lòng tâm thành hướng thiện.
4- Hướng dẫn giúp nhau đào tạo, tu dưỡng chính bản thân một cách xứng đáng, thực hiện trong gia tộc và xã hội, tạo niềm tin vào đạo hạnh của Phật giáo.
5- Công bố và hoạt động cho lí tưởng từ bi, chống thù hận, chia rẽ và gây chiến tranh.
Để thực hiện được các mục đích trên, Hội có những hoạt động tích cực như mở Phật học đường, phát hành báo chí, tổ chức Đoàn Phật học đức dục rồi Gia đình Phật Hoá Phổ và từ năm 1940 cho đến nay lấy danh từ chính thức là Gia đình Phật tử.
II. Việc thành lập Phật học đường trên toàn quốc
Trước năm 1920 ở Huế cũng như toàn quốc chưa có cơ sở giảng về Phật học. Mãi đến khi Hội An Nam Phật học ra đời, các Phật học đường mới tuần tự được thành lập. Các Phật học đường mở ra nhằm đào tạo tăng ni có tài năng, đức độ làm nòng cốt cho tiến trình phát triển của Phật giáo ở Huế nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung trong giai đoạn 1930-1945 và sau này. Các Phật học đường chính:
+ Cấp trung, tiểu học tại chùa Bảo Quốc, sau dời về chùa Kim Sơn.
+ Cấp đại học tại chùa Trúc Lâm sau dời về Tây Thiên.
Các Phật học đường đều do chư vị Hòa thượng, Thượng toạ Thích Trí Thủ, Thích Đôn Hậu, Thích Mật Hiển, Thích Mật Khế… phụ trách giảng dạy. Ban đầu chỉ có vài mươi tăng sĩ theo học, chương trình dạy chủ yếu “chuyên thuần nội điển” và thêm “chương trình giáo dục theo cấp học của chính quyền đương thời”. Sau năm 1945 còn dạy thêm Pháp ngữ và Anh ngữ song song ở bậc trung và đại học.
Tăng sĩ muốn theo học tại Phật học đường có bằng tiểu học và có trình độ kinh điển quy định. Chương trình học kinh điển có ba cấp: tiểu, trung và đại học. Thời gian quy định mỗi cấp học là ba năm và tăng sĩ được đào tạo có ba dạng:
+ Nội trú (ở tại chùa) được cấp học phí ăn học
+ Nội trú tự đài thọ
+ Du học trong và ngoài nước do Phật học viện đài thọ mọi phí tổn.
Ngoài các Phật học viện dành riêng cho tăng sĩ tu tập, các nữ tu, cư sĩ tổ chức một trường ni tại chùa Diệu Đức, quy mô tổ chức cũng chặt chẽ và đã đào tạo được một số ni cô nòng cốt sau này như Sư bà Diệu Không, sau là Giám đốc tạp chí Liên Hoa ở Huế.
Với sự cố gắng, Hội đã lãnh đạo được các Phật học đường, đào tạo được tăng ni trụ cột, là bước đầu trong quá trình phát triển Phật giáo Việt
Để nâng cao trí năng cho tăng ni, cư sĩ, Hội cho thỉnh và dịch nhiều kinh từ chữ Hán sang chữ Việt như Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Kinh Kim Cang Bát Nhã, Kinh Ưu Bà Tắc Giới… và mỗi tháng định kì giảng kinh hai lần tại chùa Từ Quang.
Ngoài ra Hội còn gửi một số tăng sĩ ra nước ngoài du học được chu cấp học phí trong quá trình học tập. Ngoài hoạt động nhằm đào tạo, bồi dưỡng tăng tài, Hội còn chú trọng đến việc truyền bá giáo lí, nhằm phát triển Phật giáo trong quần chúng, nhất là về mặt thông tin tư tưởng với việc xuất bản báo chí của Hội lấy tên là Viên Âm.
Tờ báo Phật giáo đầu tiên ra đời ở Huế là Nguyệt san Viên Âm, xuất bản năm 1933, do Cư sĩ Lê Đình Thám làm chủ bút. Cư sĩ Lê Đình Thám là hội viên sáng lập đồng thời là Hội trưởng Hội An Nam Phật học. Cư sĩ có trình độ uyên thâm về Phật học, có uy tín trong giới Phật tử đương thời. Có thể nói cư sĩ Lê Đình Thám là một trong những người đóng góp tích cực có tính quyết định trong công cuộc chấn hưng và phát triển Phật giáo ở Huế giai đoạn 1930-1945 và sau này.
Nguyệt san Viên Âm 64 trang, khổ 13cm x 19cm bằng giấy báo với nhiều hình vẽ do hoạ sĩ Phi Hùng phụ trách, bìa tờ Nguyệt san bằng giấy mỏng, bốn mặt đều có in chữ. Trang bìa ở trên phía tay trái có đề hàng chữ năm thứ… số…, bên phải có hàng chữ Pháp – Việt. Ví dụ số 1 ngày 1er Decembre 1933, phía dưới ngay ở giữa chữ Viên Âm chạy vòng cung tựa trên hai quai của chiếc lư hương toả khói, phía dưới có hàng chữ Hán và toàn thể nằm trong một cái khung rộng hơn 1cm.
Nội dung Nguyệt san Viên Âm của Hội Phật học Trung Kỳ được Nghị định Số 2009/P3 của viên Toàn quyền Pháp cấp ngày 30/5/1933 cho xuất bản với điều kiện: “Nội dung Viên Âm chỉ giảng giải các giáo lí của Phật giáo ra chữ Quốc ngữ”. Chịu sự quy định này, Nguyệt san Viên Âm phải nghiêng hẳn về giáo lí kinh điển với nội dung:
Như Thị Pháp
+ Mạn Đàm
1- Viên Âm
2- Chữ Đạo nhà Phật
+ Diễn đàn
1- Tam quy ngũ giới
2- Nhân quả luân hồi
3- Chú Kinh giảng nghĩa
Biệt khai phương tiện
a. Thế gian pháp: Đạo Phật là gì?
b. Phật học dị giản: Tam Bảo
c. Phật hoá tiểu thuyết
1- Câu chuyện ông Chài
2- Biển ái sóng dồi
d. Thi âm
e. Phiền não tức Bồ đề
Sự tích Đức Phật Thích Ca Mâu Ni từ sơ sanh đến thành đạo.
Phần tin tức.
Ngoài bài vở, trên mỗi kì Nguyệt san Viên Âm đăng khoảng 5 trang quảng cáo. Được phân chia như sau: Trang dành cho hiệu An Nhơn Huế, Trang dầu Khuynh Diệp, Trang Văn học Tạp chí, Trang Photo Musique phono, 1/2 trang hiệu Trung Kỳ Thương cuộc và 1/2 trang nhà khắc dấu Tân Tiến Graveur.
Nguyệt San Viên Âm ra số đầu tiên được xuất bản theo những điều kiện của Nghị định nói trên của Toàn quyền Pháp. Điều kiện gắt gao này luôn bị buộc đăng ở trang 2 bìa Viên Âm của mỗi số, chứng tỏ chính quyền Pháp rất chú ý tới tác dụng của báo Viên Âm trong quần chúng cũng như Phật tử hồi bấy giờ. Trước những kiểm duyệt gắt gao của chính quyền đương thời tờ Viên Âm buộc phải cân nhắc những bài được đăng trên tờ báo của mình.
Do những khó khăn về tài chính trong buổi đầu khi tờ báo mới xuất bản, nên hình thức, giấy chọn làm trang bìa, giấy in không được tốt, mỏng, chữ lại nhỏ, v.v… Nhưng sự ra đời của Nguyệt san Viên Âm bằng chữ Quốc ngữ với phần lớn nội dung giảng giải giáo lí nhà Phật cùng lối hành văn giản dị đã đáp ứng phần nào nhu cầu học hỏi, truyền bá giáo lí rộng rãi trong quần chúng nhân dân, nhất là giới Phật tử thời bấy giờ. Nguyệt san Viên Âm ra đời còn đóng góp phong phú cho lịch sử báo chí nước nhà thời Pháp thuộc nói chung và ở Thừa Thiên – Huế nói riêng.
Quý vị
Trong hoàn cảnh khó khăn chung của lịch sử nước nhà giai đoạn 1930-1945 sự xuất hiện Nguyệt san Viên Âm đã góp phần sống lại truyền thống của Phật giáo Việt Nam, chuẩn bị một bước tổ chức rộng rãi hơn là thành lập Gia đình Phật tử – một tổ chức Phật giáo đông đảo trong mọi giai tầng xã hội theo đạo Phật.
III. Việc thành lập tổ chức Gia đình Phật tử
Gia đình Phật tử là tổ chức từ nhi đồng, thiếu niên, thanh niên nam nữ Phật tử, tiền thân của Gia đình Phật tử là Đoàn Phật học Đức dục, rồi Gia đình Phật hoá phổ. Năm 1940, tổ chức này nằm dưới sự hướng dẫn, chỉ đạo của Cư sĩ Lê Đình Thám, Đinh Văn Nam, Đinh Văn Vinh, Võ Đình Cường, Ngô Điền… Năm 1950, Hội nghị Gia đình Phật tử đầu tiên được khai mạc tại tổ đình Từ Đàm, Huế và danh hiệu “Gia đình Phật tử” chính thức xuất phát từ Hội nghị này. Hai gia đình Phật tử đầu tiên được thành lập là Gia đình Phật tử Hướng Thiện và Gia Thiện. Gia đình Phật tử Hướng Thiện do cư sĩ Phan Cảnh Tú làm gia trưởng. Gia đình Phật tử Gia Thiện do cư sĩ Nguyễn Văn Phiên làm gia trưởng. Sau một thời gian phát triển thêm gia đình Phật tử Chơn Tri, Hương Tử, Hương Đàm… và tiếp tục thành lập các gia đình Phật tử khắp vùng Huế và phụ cận rồi lan về khắp huyện, xã, thôn làng trong tỉnh và các tỉnh trong toàn quốc.
Sau Hội nghị, Ban Hướng dẫn Gia đình Phật tử Thừa Thiên được thành lập với cơ cấu như sau:
Trưởng Ban: Anh Võ Đình Cường – Huynh trưởng.
Phó Ban: Chị Hoàng Thị Kim Cúc – Huynh trưởng – phụ trách ngành nữ.
Thư kí thường trực Ban Hướng dẫn: Anh Lê Văn Dũng – Huynh trưởng cùng nhiều uỷ viên phụ trách các ngành, các trưởng ban Hướng dẫn Gia đình Phật tử huyện, thị, v.v… Các trại huấn luyện huynh trưởng Lộc Uyển, A Dục, Huyền Trang… luân phiên mở trong khuôn viên các chùa ở Huế và vùng phụ cận để đáp ứng nhu cầu huynh trưởng cho các Gia đình Phật tử.
Xuất phát từ Huế, Gia đình Phật tử phát triển khắp Bắc-Trung-Nam với khẩu hiệu “Tinh tấn”. Huy hiệu là hoa sen trắng 8 cánh, trên 5 cánh dưới 3 cánh, nền huy hiệu màu xanh lá mạ. Màu trắng của hoa sen tượng trưng cho trí tuệ, màu xanh là màu hi vọng, màu tương lai tươi sáng cho thanh thiếu nhi. Riêng tám cánh chỉ rõ mục đích của Gia đình Phật tử: Năm cánh trên chỉ năm hành: Tinh tấn, Hỉ xả, Thanh tịnh, Trí tuệ, Từ bi. Ba cánh dưới tượng trưng: ở giữa là Phật ở hai bên là Pháp và Tăng.
Hình tròn của huy hiệu ở chính giữa là hoa sen nở chỉ sự phát triển tròn đủ hoàn toàn của Phật giáo. Trong gia đình Phật tử, Huynh trưởng ngành nam, thiếu nam, mang huy hiệu ở chính giữa túi áo trái. Huynh trưởng ngành nữ, thiếu nữ, mang ở cận nút áo dài thứ hai. Oanh vũ nam nữ mang ở dây treo trước ngực phía trái. Châm ngôn của Gia đình Phật tử: Bi – Trí – Dũng cho ngành Thiếu. Hoà – Tin – Vui cho ngành Oanh vũ.
Luật của ngành thiếu sinh hoạt trong Gia đình Phật tử:
1- Phật tử quy y Phật-Pháp-Tăng và giữ gìn giới đã phát nguyện.
2- Phật tử mở rộng lòng thương và tôn trọng sự sống.
3- Phật tử luôn trau dồi trí tuệ, tôn trọng sự thật.
4- Phật tử trong sạch từ thể chất đến tinh thần, từ lời nói đến việc làm.
5- Phật tử sống hỉ xả để dũng tiến trên đường đạo.
Luật dành cho ngành Oanh vũ:
1- Em tưởng niệm Phật
2- Em kính yêu cha mẹ, thuận thảo với anh chị em
3- Em thương người và vật.
Bài hát chính thức trong Gia đình Phật tử: “Kìa xem đoá sen trắng thơm, nghìn hào quang chiếu sáng trên bùn, hình dung bổn sư chúng ta lòng từ bi trí giác vô cùng, đồng thề nguyện một dạ theo Phật, nguyện sửa mình ngày thêm tinh khiết. Đến bao giờ được toà sen ngát, toả hương thơm từ bi tận cùng”. Và cách chào trong Gia đình Phật tử là bắt ấn Tam Muội của Đức Phật, bàn tay phải đưa lên ngang vai, ngón cái giữ đầu ngón tay đeo nhẫn (ngón nhỏ thứ hai) trong khi chào theo cấp bậc dưới chào lên đến Liên đoàn trưởng.
Về Y phục của Gia đình Phật tử trong “Khoản 14 của Nội quy Gia đình Phật tử” có quy định:
1- Huynh trưởng, ngành thiếu nam áo sơ mi cụt tay màu lam, có hai túi và cầu vai, quần sọt màu xanh nước biển, hai túi sau có nắp, mũ nỉ chóp nhọn rộng vành, giày hoặc dép màu xẫm, tất màu lam. Ngành nam phải đồng nhất trong đoàn.
2- Nữ huynh trưởng, ngành thiếu áo dài màu lam, quần trắng dài, nón lá, giày dép hoặc guốc đồng nhất.
3- Oanh vũ nam áo cụt tay, cổ kín màu lam, quần sọt màu xanh nước biển, có giây đeo, phía sau có dây nối ngang hai dây, quần không có túi sau, giày phải đồng nhất thường là màu trắng, xanh.
4- Oanh vũ nữ áo sơ mi cụt tay màu lam, cổ xây tròn, vai phồng lên, xiêm màu xanh nước biển, có dây đeo, có dây nối ngang phía sau, mũ trắng rộng vành, giày hoặc dép đồng nhất.
Đoàn viên Gia đình Phật tử là những thanh thiếu niên, nhi đồng độ tuổi từ 8 đến 20 hoặc trên nữa, muốn vào Gia đình Phật tử phải có đơn xin do hai đoàn viên đã sinh hoạt giới thiệu hoặc cha mẹ đồng ý nếu dưới 18 tuổi. Sau thời gian sinh hoạt được công nhận chính thức, làm lễ phát nguyện, mang huy hiệu hoa sen và tiến hành thọ giới quy y do tăng sĩ thọ giới, tuỳ theo điều kiện có thể ở chùa làng, có thể ở chùa của vị Hoà thượng, Thượng toạ đang trụ trì.
Huynh trưởng Gia đình Phật tử được xếp theo cấp Sơ cấp (học trại huấn luyện Lộc Uyển), cấp Tập (học trại huấn luận A Dục), cấp Tín cấp Tấn và cấp Dũng (học trại huấn luyện Huyền Trang). Huynh trưởng được xếp cấp, mang cấp ở phía trên tay áo bên trái, lá bồ đề màu nâu kèm hạt bồ đề kế bên. Mang hiệu lá bồ đề kèm một hạt là cấp tập, kèm hai hạt là cấp tín và cứ thế thêm hạt cho đến cấp Dũng.
Với hệ thống Gia đình Phật tử, từ hình thức một lớp học do Hội An Nam Phật học tổ chức gồm thanh thiếu niên tin Đức Phật, hoặc có cảm tình với Phật giáo, ban đầu khoảng vài đoàn sinh đến năm 1958, ở Thừa Thiên – Huế có khoảng 50 Gia đình Phật tử với số lượng trung bình trên 30-50 đoàn sinh trong một Gia đình Phật tử, năm 1961 phát triển từ 50-100 gia đình Phật tử. Và kể từ ngày thành lập Gia đình Phật tử “Đạo Phật không phải chỉ dành cho người già mà còn là của tuổi thơ”(1).
Gia đình Phật tử tại Huế tổ chức sinh hoạt vào chủ nhật và các ngày vía, lễ hàng năm gồm học kinh, giáo lí, học đạo đức ứng xử trong gia đình và xã hội, học hát, làm trò vui chơi… Sinh hoạt Gia đình Phật tử nhằm mục đích tạo nền móng căn bản Phật giáo cho các em ngay từ niên thiếu, tạo hạt giống tương lai phát triển mạnh mẽ Phật giáo Việt
IV. Những hoạt động khác của Hội An Nam Phật Học
Ngoài những hoạt động như ra đời báo Viên Âm, Phật học đường, tổ chức Gia đình Phật tử, Hội còn tổ chức những hoạt động khác góp phần đánh dấu bước phát triển Phật giáo ở Huế giai đoạn 1930-1945. Không kể Tổng hội đặt tại chùa Từ Đàm, Hội còn tổ chức 19 tỉnh hội ở Miền Trung, quận hội, khuôn hội cấp xã, thôn, những thôn chưa có chùa thì sinh hoạt chung 2 hoặc 3 thôn lân cận có chùa làng, chùa khuôn hội.
Hội viên sau khi đã quy y Tam Bảo, thọ giới, sinh hoạt vào mười bốn, rằm, ba mươi, mồng một hằng tháng và các ngày lễ của Phật giáo… gồm làm lễ tụng kinh Phật: tụng kinh thường nhật, sám hối, kinh cầu an, cầu siêu, báo ân, báo hiếu, học hỏi giáo lí, nghe giảng kinh (thuyết pháp), tham gia công tác xã hội do khuôn hội tổ chức, số khuôn hội trong thời điểm này có 292 khuôn hội ở khắp thôn xã Thừa Thiên – Huế.
Nếu giới đàn là quan trọng để nâng cao chất lượng đối với tăng ni, sự tồn vong của đạo pháp, thì trong hoàn cảnh khó khăn lúc bấy giờ Hội đã cố gắng tổ chức một giới đàn tại chùa Bảo Quốc, để thọ giới cho 123 tăng sĩ.
Ngoài ra Hội còn thành lập Ban Tổng phát hành Phật học Tùng thư, xuất bản sách báo. Chúng ta biết rằng trong quy định chung của Phật giáo là không được bán sách kinh vì như vậy là phạm giới mà chỉ ấn tống. Việc ra đời Ban Tổng phát hành Phật học Tùng thư và phổ biến kinh sách là một tiến bộ lớn của Phật giáo tại Thừa Thiên – Huế.
Hội còn tổ chức Hội Tương tế cho tất cả các hội viên thuộc khuôn hội, chi hội, tỉnh hội, mỗi quý đóng quỹ từ 5 đồng đến 10 đồng tuỳ vào khả năng kinh tế, khi mãn phần được hưởng:
– Năm đầu được hưởng 100 đồng
– Năm sau được hưởng 200 đồng.
– Năm thứ ba được hưởng 300 đồng. Những năm kế tiếp cộng thêm 50 đồng cho mỗi năm, và tối đa là 750 đồng theo thời giá lúc bấy giờ.
Những hoạt động của Hội An Nam Phật học đã đáp ứng một phần nhu cầu đòi hỏi sự duy trì và phát triển Phật giáo ở Thừa Thiên – Huế, tạo không khí mới phù hợp với đà tiến triển của dân tộc và Phật giáo thế giới.
Với sự ra đời Nguyệt san Viên Âm, sách Kinh Phật bằng tiếng Quốc ngữ, nhờ thông qua khuôn hội, nhất là những hoạt động của Gia đình Phật tử, giáo lí được truyền bá rộng rãi, tín đồ phát triển nhanh chóng về chất và lượng từ trung ương đến địa phương, khắc phục được phần nào tình trạng mê tín dị đoan.
Các Phật học đường ở Huế trong giai đoạn 1930-1945 đã đào tạo được nhiều tăng tài làm nòng cốt, hầu điền khuyết tăng tài lãnh đạo ở các địa phương và phát triển bền vững Phật giáo Việt
Sự gia nhập của Hội An Nam Phật học vào Hội Phật giáo thế giới, được Hội nghị Phật giáo thế giới chấp nhận vào năm 1945. Từ đây Phật giáo Thừa Thiên – Huế nói riêng và Phật giáo Việt
Đặc biệt là sự vận động thành công thống nhất Phật giáo Bắc-Trung-Nam. Tổng Hội Phật giáo Việt Nam chính thức ra đời, do Hội nghị gồm 51 đại biểu của Phật giáo toàn quốc họp từ ngày 05/5 đến ngày 09/5/1951 tại Tổ đình Từ Đàm, Huế, Đoàn chủ tịch Hội nghị do Thượng toạ Thích Tịnh Khiết trụ trì chùa Tường Vân làm chủ tịch (sau là Hoà thượng Tăng Thống giáo hội Phật Giáo Việt Nam thống nhất), Thượng tọa Thích Trí Hải làm Phó Chủ tịch. Đây là những tăng sĩ chân tu, đồng thời xuất thân từ những Phật học đường Huế.
Sự chấn hưng và phát triển Phật giáo Huế trong giai đoạn 1930-1945 là bước chuyển mình sang thời kì lịch sử hiện đại khi cách mạng tháng Tám 1945 thành công chấm dứt chế độ phong kiến triều Nguyễn, đuổi thực Pháp ra khỏi đất nước Việt Nam thân yêu, Phật giáo trường tồn và phát triển cho đến ngày nay.
____________________________
*. Cán bộ giảng dạy, Khoa Lịch sử, Đại học Khoa học Huế.
1. Trích dẫn từ trong lễ thành lập “Gia đình Phật Phổ Hoá”. Số liệu trong tài liệu của Ban Hướng dẫn Gia đình Phật tử Thừa Thiên