Trang chủ Tu học Khai đạo Giới tử Đại giới đàn Trí Hải – Bích Liên...

Khai đạo Giới tử Đại giới đàn Trí Hải – Bích Liên PL.2564

511
Hoà thượng Tuyên Luật sư Thích Viên Đạt, Đại giới đàn Trí Hải - Bích Liên

PTVN – Đại giới đàn Trí Hải – Bích Liên PL.2564 do BTS GHPGVN tỉnh Bình Định tổ chức từ ngày 21/7 đến 25/7/2020 (nhằm ngày 1 đến 5/6 Canh Tý) tại Tổ đình Long Khánh, Tp. Quy Nhơn.

Tối ngày 21/7/2020 (mùng 1/6 Canh Tý) Hoà thượng Thích Viên Đạt – Tuyên Luật sư Đại giới đàn Trí Hải – Bích Liên đáp lại lời thỉnh cầu của Ban Kiến đàn và chư giới tử đã quang lâm khai đạo giới tử chuẩn bị thọ nhận giới pháp.

 


KHAI ĐẠO GIỚI TỬ
ĐẠI GIỚI ĐÀN TRÍ HẢI BÍCH LIÊN

Tại Tổ đình Long Khánh, Tp Qui Nhơn
Từ 01- 05/06/Canh Tý (21- 25/07/2020)

 

– Nhất tâm đảnh lễ: Tận hư không biến pháp giới quá hiện vị lai Thập phương Chư Phật, Tôn Pháp, Hiền Thánh Tăng thường trú Tam Bảo, tác đại chứng minh.

– Nhất tâm đảnh lễ: Hiện tọa đạo tràng thuyết kinh Giáo chủ Điều ngự Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật, tác đại chứng minh.

– Nhất tâm đảnh lễ : Khải giáo A Nan Đà Tôn giả, tác đại chứng minh.

– Nhất tâm đảnh lễ : Kiết tập luật tạng Ưu Ba Ly Tôn giả, tác đại chứng minh.

– Nhất tâm đảnh lễ : Long Khánh Tổ đình Khai sơn Đức Sơn lão Tổ tịnh Chư vị truyền kế trú trì lịch đại Tổ sư, tác đại chứng minh.

– Nhất tâm đảnh lễ : Lâm Tế Chánh tôn, tứ thập thế khai sơn Bích Liên tự, húy thượng Chơn hạ Giám, tự Đạo Quang, hiệu Trí Hải Đại lão Hòa thượng Tổ sư danh hiệu Đại Giối đàn chứng minh.

–  Kính bạch : Chư Tôn Trưởng lão Hòa thượng, Chư Thượng tọa, Đại Đức Tăng Ni.

Gưới tử trang nghiêm nghe lời khai thị của Hòa thượng Tuyên Luật sư

Nầy các Giới tử,

Hôm nay, các vị vân tập đông đảo tại Tổ đình Long Khánh, Tp. Qui Nhơn, một Tổ đình lớn của Phật giáo Bình Định và miền Trung, nơi thường xuyên diễn ra các Phật sự trọng đại của tỉnh nhà như Giới đàn, Đại hội và các ngày lễ lớn . . .

Như vậy, các vị đã có duyên rất lớn trong nhiều đời nên mới được hội tụ về đây, gặp gỡ đông đủ chư Tôn đức Tăng Ni, đạo bạn và đông đảo thiện nam tín nữ Phật tử trong không khí trang nghiêm , vui vẻ, hòa hợp. Nhưng các vị về đây không phải để tham dự một đạo tràng như các đạo tràng kỳ an, kỳ siêu hay tham dự Đại hội như các Đại hội khác v.v… mà về đây với một tâm ý chí thành, thiết tha mong được đón nhận một niềm vui mới trong một con người hoàn toàn mới. Đó là các vị sẽ tham dự vào trường thi làm Phật tức là “Tuyển Phật trường” mang tên “Đại Giới đàn Trí Hải Bích Liên”.

Sở dĩ Giới đàn có 4 chữ vì có nhiều vị cùng tên Trí Hải trong thời cận đại, để phân biệt rõ nên Giới đàn nầy lấy tên Hòa thượng Trí Hải chùa Bích Liên.

Có lẽ nói Trí Hải thì ít người biết nhưng nói Bích Liên thì hầu hết chúng ta đều biết một vị Hòa thượng đạo đức tài ba của Phật giáo Bình Định ít người sánh kịp. Khi quí vị đi cúng cầu an hoặc cầu siêu đến phần cúng Cô hồn, quí vị thán câu:

Dấu người thập loại biết là đâu . . .

rồi đến câu : Ác vàng tên ruổi hoặc trước thỉnh kẻ Hoàng vương đế bá… thì hình ảnh của Hòa thượng Bích Liên hiện trong đầu quí vị vì Khoa nghi cúng Cô hồn nôm mà quí vị cúng đó là do Hòa thượng Bích Liên dịch từ Khoa nghi Chẩn tế. Không riêng Khoa nghi cúng Cô hồn nôm mà Ngài còn biên dịch rất nhiều tác phẩm khác nữa (quí vị nên tìm đọc và học các tác phẩm của Ngài).

Hòa thượng Trí Hải – Bích Liên thế danh Nguyễn Trọng Khải, sanh năm 1876 (sau Quốc sư Phước Huệ 7 năm), bẩm tính hiền từ, thông minh, cần mẫn.

Lên 8 tuổi Ngài đã bắt đầu học Nho, 31 tuổi đậu Tú tài, 34 tuổi lại đậu Tú tài lần nữa (lưỡng khoa Tú tài). Sau đó, Ngài mở trường dạy học tại quê nhà.

52 tuổi, được triều đình thưởng thọ quan hàm “Hàn Lâm viện cung phụng”, hiệu Mai Đình “Thận thần thị”.

Tháng 9 năm 1917, lúc đó Ngài 41 tuổi, có người chài lưới vớt được một tượng Phật bằng sành không có đầu đem cho Ngài. Qua tháng sau, có người chài lưới khác vớt được đầu Phật cũng bằng sành đem cho Ngài. Ngài đem đầu ráp với phần thân trước thì thành một tượng Bồ tát Quan Âm hoàn chỉnh.

Năm sau (1918), có một nhà sư đem cho Ngài 2 quyển “Long thơ Tịnh độ“ thuyết minh Pháp môn Tịnh độ. Ngài xem rồi, phát nguyện niệm Phật, từ đó ý tưởng xuất gia bắt đầu.

Năm 43 tuổi (1919), Ngài xuất gia với Hòa thượng Hoằng Thạc ở chùa Sắc tứ Thạch Sơn, Quảng Ngãi với Pháp danh Chơn Giám, tự Đạo Quang, hiệu Trí Hải nối dòng pháp Lâm Tế đời thứ 40 dòng Thiền Minh Hải Pháp Bảo. Tuy mới xuất gia nhưng Ngài đã sớm trở thành một Tăng sĩ quảng kiến đa văn, tài đức kiêm toàn.

Ngài trước sau đều chuyên về Pháp môn Tịnh độ, và luôn khuyên người phát tâm niệm Phật.

Ngài biên soạn nhiều sách liên quan đến Pháp môn Tịnh độ như:

  • Tịnh độ huyền cảnh.
  • Tây song ký.
  • Tích lạc văn.
  • Liên Tôn thập niệm yếu lãm.

Năm 1928, Hòa thượng Khánh Hòa ở chùa Tiên Linh Bến Tre ra giảng dạy trường Hương ở chùa Long Khánh Qui Nhơn, gặp gỡ tiếp xúc Ngài và biết Ngài là bậc kỳ tài nên cảm mến vô cùng.

Năm 1931, Hòa thượng Khánh Hòa cùng các Pháp hữu thành lập Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học và xuất bản tờ báo Từ Bi âm mời Ngài làm chủ bút. Hội còn tặng Ngài bài thơ:

Thử xem mày mặt giả hay chân,
Cũng huyễn thân mà cũng Pháp thân.
Mảnh kính in tròn khuôn sắc tướng,
Vừng trăng soi tỏ nẻo tinh thần.
Chơi nhà nghiên cứu vừng đôi lúc,
Nổi tiếng Từ bi đã mấy lần.
Cái bóng vô sanh rày tạc để,
Ngàn thu un ngất khói hương tâm.

Thơ liễn thủ bút của Ngài hiện diện không chỉ trong Thiền môn mà còn bàng bạc khắp trong xã hội, thảo thư của Ngài như phượng múa rồng bay.

Trước cổng Tam quan Tổ đình Thập Tháp có 2 câu là thủ bút của Ngài có ý nghĩa như sau:

Một đêm trăng sáng, Ngài đến thăm Quốc sư Phước Huệ, Ngài vào tự nhiên không cần đẩy ngõ mà khóa ngõ tự mở đón Ngài – “ Nguyệt hạ bất xao kim tỏa đoạn”.

Khi đàm đạo xong, lúc ra về Quốc sư mượn áng mây trên đỉnh núi trước chùa để  tiễn Ngài – “Sơn tiền chỉ nhậm bạch vân phong”.

Nguyệt hạ bất xao kim tỏa đoạn,
Sơn tiền chỉ nhậm bạch vân phong.

Tạm dịch:

Mây trắng lững lờ vương núi biếc,
Khóa vàng buông mở dưới trăng trong.

Một điển tích Thiền vị!

Năm 1934, Ngài khai sơn chùa Bích Liên. Để tỏ lòng tôn kính, từ đó Tăng Ni Phật tử tôn xưng Ngài là Hòa thượng Bích Liên.

Trước ngày viên tịch 3 ngày, Ngài đề trên vách hậu Tổ chùa 4 câu:

Thư vô giai thất,
Pháp vô thủy lực.
Vịnh nhi bất ngôn,
Bát tương thủ xuất.

Ít ai biết rõ nghĩa của câu ấy là gì, cho đến khi Ngài viên tịch, người ta mới hiểu rõ đây là lời huyền ký “dự tri thời chí” của Ngài,  nghĩa như sau:

Chữ thư không có bộ giai là chữ                THỬ

Chữ Pháp không có bộ thủy là chữ            KHỨ

Chữ vịnh không có bộ ngôn là chữ            VĨNH

Chữ bát không có bộ thủ là chữ                 BIỆT

Nghĩa là “Lần đi nầy là lần vĩnh biệt”

Trong đám tang của Hòa thượng, có câu điếu của Hòa thượng Huyền Ý Liên Tôn (đệ tử của Ngài):

  • Độc sư: Thư vô giai, Pháp vô thủy, Vịnh vô ngôn, Bát vô thủ chi bích văn. Túc trưng Chánh niệm dĩ linh tri, thời chí phân minh huyền ký tại.
  • Trị thử: Quốc bất an, dân bất ninh, tự bất ổn, Tăng bất định đẳng tình trạng. Hoặc lự đồi niên vô vãng lực, Tây qui đồ chuyển thiếu thân lai.

Chỉ đệ tử hiểu rõ thầy.

Từ đó cho thấy, Ngài đã biết giờ viên tịch, như vậy Ngài đã vãng sanh ngay lúc viết 4 câu huyền ký.

Nghe qua tiểu sử Ngài, chúng ta thấy, Ngài là bậc siêu phàm bạt tục đúng với tên Trí Hải, biển trí, trí tuệ rộng lớn như biển cả mênh mông. Ngài chuyên tu Pháp môn Tịnh độ, biết trước giờ vãng sanh, đó là Phước đức cao dày “Phước trí nhị nghiêm thân”.

Là Giới tử, phải cần học tập theo gương sáng của Ngài mới đủ Phước đức và Trí tuệ.

Có trí tuệ mới thâm nhập được kinh luật để hiểu rõ Phật Pháp “thâm nhập kinh tạng, trí tuệ như biển”.  Có phước đức do công phu niệm Phật mới tịnh tâm chánh niệm chứng nhập vô sanh.

Các vị phải đem tâm thanh tịnh tinh tấn học tập để phát sanh trí tuệ, từ đó chuyên tu chánh niệm phước đức đầy đủ mới thành tựu chí nguyện xuất gia của mình theo tiến trình VĂN – TƯ – TU – (nghe, suy niệm, tu tập).

Đầu tiên phải nghe, nhưng nghe gì và học gì? Luật Sa di dạy: “Nghi tiên học luật, hậu học Tu đa la, bất đắc vi việt” (Trước nên học luật, sau mới học kinh. Không được vượt cấp). Thế học cũng dạy “Tiên học lễ, hậu học văn”. Học Luật là học về tư cách sống của người tu sĩ. Tư cách đó là phương pháp để hoàn thành lộ trình tiến đến Giải thoát của người xuất gia. Đó là lãnh thọ giới pháp để học tập kiểm thúc ngũ căn tam nghiệp.

Về phương diện Giới pháp, hàng đệ tử Phật được chia thành 7 nhóm: Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni, Thức xoa Ma na Ni, Sa di, Sa di Ni, Ưu bà tắc và Ưu bà di. Nói một cách tổng quát thì chỉ có hai đoàn thể chính bao gồm tất cả: đoàn thể tại gia và xuất gia. Được gọi là đệ tử Phật thì dù cho xuất gia hay tại gia, đều phải lãnh thọ giới pháp, nghĩa là phải trải qua một quá trình phát nguyện tuân theo những qui củ sinh hoạt bắt buột trong phạm vi đoàn thể của mình theo một nguyên tắc được ấn định, mục đích để làm nhân tố thực hiện mục tiêu chung nhất là phát triển tâm linh, nâng cao đạo đức cá nhân, làm chất liệu bồi dưỡng trí tuệ để tiến đến giác ngộ giải thoát.

Cả hai đoàn thể đều phải lãnh thọ giới pháp nhưng do bản chất và sự quan hệ có tinh chất cá biệt trong khi hành trì mà sự truyền trao giới pháp cho hai đoàn thể cũng có sự khác biệt nhau. Bản chất của giới luật là khắc chế những sai lầm xấu ác và hoàn thiện tư cách đạo đức của một cá nhân.

Khi đã trở thành một Phật tử tức là sau khi đã phát nguyện vâng theo giới pháp của đoàn thể tại gia, người tại gia có tiến bộ, phát triển hay sa đọa, trụy lạc trên đường tu tập trong tiến trình giác ngộ thì chỉ là vấn đề cá nhân của người ấy mà thôi. Do đó, việc truyền thọ giới pháp cho đoàn thể tại gia có thể một người truyền cho nhiều người, dĩ nhiên người truyền cũng phải có một số điều kiện tối thiểu nào đó của một Tỳ kheo hay Tỳ kheo Ni thanh tịnh chẳng hạn.

Nhưng đối với đoàn thể xuất gia, vì sự tiến bộ, phát triển hay thoái hóa của một cá nhân không phải chỉ riêng cá nhân ấy đơn phương chịu trách nhiệm mà lại liên hệ đến sự hưng thịnh hay suy tàn của tập thể Tăng già, và từ đó đưa đến sư hưng thịnh hay suy tàn của đạo pháp.

Do đó, vấn đề truyền thọ giới pháp cho người xuất gia là nhiều người truyền cho một người và sự truyền thọ cũng được chấp hành nghiêm túc theo những qui định sau khi đã xét nghiệm kỹ tư cách của Giới sư cũng như của Giới tử. Vì vậy, khi tổ chức một Giới đàn phải hội đủ các tiêu chí nhất định như nhân sự, hòa hợp, thanh tịnh và việc chọn lựa giới tử phải được cẩn trọng.

Giới là Ba la đề mộc xoa, biệt giải thoát tức là ngăn ngừa những sự sai trái và chấm dứt các việc xấu ác mà người thọ giới phải luôn tuân thủ. Đức Phật đã dạy:” Nầy các Tỳ kheo, sau khi ta diệt độ, các thầy cần phải trân trọng quí kính Tịnh giới như người đi trong đêm tối mà được ánh sáng, người nghèo khổ mà được châu báu. Phải biết Tịnh giới là Đạo sư của các Thầy. Nếu ta còn ở đời hay đã tịch diệt cũng không khác gì nhau vậy” .

Khi nói đến giới, chúng ta cần phải phân biệt ra hai thành phần chính yếu của giới là Giới thể và Giới tướng. Giới tướng là hình tướng của giới tức là phòng phi chỉ ác, ngăn chặn và dứt trừ các việc xấu ác. Thọ giới không chỉ là nhận lãnh các giới tướng ấy để hành trì mà thọ giới ở đây là thọ nhận Giới thể, cho nên người đắc giới là đắc “Vô tác giới thể”. Khi đã trì giữ các điều tướng của giới tức giới tướng thì các vị phải làm sao cho các hành động thiện ấy có được một bản thể thanh tịnh giải thoát y như đức Phật. Khi các hành động thiện nầy có được một bản thể thanh tịnh giải thoát thì mới được gọi là Giới thể. Thọ giới tức là thọ nhận Vô tác giới thể nầy vậy.

Ngoài giới Biệt giải thoát còn có Định cọng giới và Đạo cọng giới:

Tuy không thọ giới trong giới đàn bạch tứ yết ma, nhưng do định lực mà nhiếp tâm giới rất mực nghiêm túc, chính nhờ tu thiền mà họ trì giới và giữ giới hơn ai hết nên gọi là Định cọng giới.

Khi đức Phật chưa chế ra giới, các vị đệ tử nghe đức Phật thuyết pháp thì tâm họ xa lìa trần cấu mà được con mắt pháp (Pháp nhãn) thanh tịnh, con mắt pháp thấy pháp Tứ đế trở nên thanh tịnh chứng được quả vị Tu đà hoàn mặc dù không trải qua 3 lần bạch Yết ma thọ giới gọi là Đạo cọng giới.

Khi đức Phật Thích Ca thành đạo, trong 12 năm đầu các đệ tử Phật chỉ chuyên tu Thiền định và Trí tuệ. Định cọng giới thuộc về Thiền định, Đạo cọng giới thuộc về Trí tuệ. Tu hai pháp ấy nhưng mà vẫn ngăn ngừa các việc xấu ác mà thành tựu được Tịnh giới. Do đó, 12 năm đầu Phật chưa chế ra Giới. Cho đến năm thứ 13, khi các đệ tử vì những lý do khác nhau đã vi phạm những sai lầm, từ dó đức Phật chế ra giới để ngăn ngừa những sai lầm tiếp tục xảy ra. Cứ mỗi sự sai phạm, đức Phật chế ra một giới và giảng nói về sự lợi ích của Giới.

Cho đến nay trải qua hơn 25 thế kỷ, giới luật vẫn luôn được xuyên suốt và tịnh hóa nhân gian, đệ tử Phật dù tại gia hay xuất gia vẫn luôn lấy giới luật làm thầy để trau dồi nhân cách và nâng cao đạo đức, đối với người xuất gia thì Giới luật ngoài việc hoàn thiện nhân cách và đạo đức cho bản thân mà giới còn là phương tiện hoằng truyền Phật Pháp và cứu giúp muôn loài. Các vị thọ giới là các vị đi vào con đường hoằng truyền Phật Pháp và hóa độ chúng sanh, không những bỏ ác, làm lành mà còn cứu giúp tất cả chúng sanh vậy.

Các vị trong tuổi niên thiếu, tuổi đua đòi danh lợi vật chất thế gian nhất là ở thế kỷ 21 nầy nhưng các vị đã xa lìa bà con, bạn bè thân hữu, bỏ cha mẹ anh em thân yêu để cạo tóc theo thầy học đạo, xả tục xuất gia, các vị có một tinh thần can đảm và một sự hy sinh cao thượng vĩ đại bỡi vì “xuất gia là cất bước vượt lên đến một phương trời cao rộng, hình thức và tâm hồn đều khác thế tục nhằm nối giữ hạt giống tốt đẹp của Phật Pháp, làm chấn động và nhiếp phục các loài ma quân để báo đáp bốn ân và cứu giúp ba cõi” (Phù xuất gia giả: phát túc siêu phương, tâm hình dị tục, thiệu long Thánh chủng, chấn nhiếp ma quân, dụng báo tứ ân, bạt tế tam hữu), nếu người xuất gia mà không làm được như vậy là xen lộn vào trong Tăng đoàn, tiêu phí của đàn na thí chủ một cách vô ích, trở thành tội nhân trong Phật Pháp. Bỡi vì “Giới luật còn thì Phật Pháp còn” (Tỳ ni tạng trụ tắc Phật Pháp cửu trụ).

Toàn cảnh buổi khai đạo giới

Gưới tử trang nghiêm nghe lời khai thị của Hòa thượng

Hôm nay, các vị vân tập về đây dự tuyển vào trường thi làm Phật để nhận thọ Giới Pháp, các vị cũng đã một lần đối trước Thập sư nhận lãnh 10 giới Sa di là các vị đã trở thành người xuất gia chân thật vì cho dù các vị vào chùa đã lâu 5 năm hay 10 năm v.v… nhưng chưa nhận thọ giới pháp thì vẫn chưa trở thành người xuất gia chân thật.

Khi các vị được Giới sư cạo tóc và đã nghe giới sư tuyên câu kệ:

“Thiện tai đại trượng phu,
Năng liễu thế vô thường.
Khí tục thú Nê hoàn,
Công đức nan tư nghị.
Hủy hình thủ khí tiết,
Cát ái từ sở thân.
Xuất gia hoằng Phật đạo,
Thệ độ nhất thiết nhân.”

Dịch:

Lành thay đại trượng phu,
Hiểu rõ đời vô thường.
Bỏ tục hướng Niết bàn,
Công đức khó suy lường.
Hủy hình giữ khí tiết,
Dứt ái xa người thân.
Xuất gia truyền Phật đạo,
Thề độ hết chúng sanh.

Người xuất gia đúng là bậc trượng phu vì dám từ bỏ những thú vui vật chất, nào danh lợi bạc vàng, từ bỏ người thân để xuất gia hoằng dương Phật pháp, độ tất cả chúng sanh. Một hành động cao quí như vậy, không phải trượng phu thì là gi?

Nay các vị lại nhận thọ giới pháp cao hơn nữa, các vị sẽ được chính thức trở thành một thành viên trong Tăng đoàn, một Tỳ kheo, một sứ giả của Như Lai với một trách nhiệm nặng nề hơn là hoằng truyền Chánh Pháp, nối tiếp và phát huy mạng mạch trí tuệ của Như Lai.

Giới luật quan trọng như vậy, cho nên suốt hơn 25 thế kỷ nay, vượt cả thời gian và không gian vẫn còn tồn tại và sẽ tiếp tục tồn tại. Các vị là những người có trách nhiệm tôn trọng và giữ gìn như giữ chiếc phao vượt biển cả, nếu để hư lủng sẽ không vượt qua biển cả sóng gió mênh mông. Cũng vậy, nếu các vị không tuân thủ giới luật để cùng nhau sách tấn tu học, mỗi người tự ý hành xử, nói năng theo bản năng của riêng mình thì chúng Tăng sẽ trở thành một tập thể ô hợp, lôn xộn, Phật pháp làm sao mà tồn tại và phát triển lâu bền được! Bỡi vậy, đức Phật đã nhiều lần nhắc nhở chúng đệ tử luôn tôn trọng và giữ gìn giới luật, cho đến lúc sắp nhập Niết bàn Ngài vẫn còn quan tâm.

Giới tử lắng tâm thính pháp

Trong luật Thiện Kiến, đức Phật đã dạy Tôn giả A Nan: “Có 5 điều làm cho giáo pháp Như Lai tồn tại lâu dài:

Thứ nhất: hàng đệ tử biết tuân thủ Giới luật:

Giới luật còn thì Phật pháp còn, chính giới luật là nấc thang đầu tiên để tiến đến giải thoát, từ Giới phát sinh Định, từ Định phát sinh ra Tuệ, ngõ hầu thành tựu Thánh đạo mới không cô phụ chí hướng cao cả của người xuất gia. Mỗi người tự biết tuân thủ giới luật thì bản thân trang nghiêm, cử chỉ đoan chánh chỉnh tề, nói năng đúng pháp thì tập thể Tăng già trang nghiêm thanh tịnh; tập thể trang nghiêm thanh tịnh được Nhơn Thiên qui ngưỡng. Phật pháp vì vậy được vững bền.

Thứ hai: tịnh Tăng thành chủng:

Tăng thanh tịnh sẽ thành hạt giống tốt, dù chỉ có năm người xuất gia mà giữ giới thanh tịnh thì tập đoàn Tăng  già sẽ  bền vững hưng thịnh. Đõ là một yếu tố rất quan trọng cho sự tồn tại lâu bền của Phật pháp.

Thứ ba: truyền thọ bất diệt:

Dù ở nơi đô thị Tăng Ni đông đảo, lập đàn truyền giới qui mô, đầy đủ tam sư thất chứng cho người xuất gia; ở nơi biên địa xa xôi chỉ có năm người vẫn đủ tư cách truyền thọ. Sự truyền thọ như vậy cho dù dưới hình thức năm người hay mười người từ địa phương nầy đến địa phương khác, quốc gia nầy hay quốc gia khác cũng là yếu tố khiến Phật pháp tồn tại ở thế gian lâu dài.

Thứ tư: hạnh nghiệp thanh tịnh:

Khi đã phát nguyện thọ giới, giờ phút quan trọng là đối trước Tam sư, thất chứng người được truyền trao giới pháp sẽ đắc “Vô tác giới thể”, giới thể được châu viên, phát tâm tuân giữ trọn đời trong trách nhiệm Hoằng pháp lợi sanh. Nếu chúng Tăng phạm giới mà biết sám hối trước 20 Tỳ kheo để định tội nặng nhẹ theo luật định khiến cho vị Tỳ kheo ấy cũng được thanh tịnh như các vị Tỳ kheo khác. Đó cũng là một yếu tố quan trọng làm cho Phật pháp được cửu trụ trên thế gian.

Thư năm: trú trì vĩnh cửu:

Giữ gìn và an trú lâu bền vĩnh viễn, dù ít người hay nhiều người mà biết phụng trì giới luật, biết sợ phạm giới, khi sai phạm biết sám hối đúng pháp để cùng nhau sách tấn tu học. Đó cũng là yếu tố quan trọng làm cho Phật pháp tồn tại thế gian lâu bền.

Tuân thủ và giữ vững được năm yếu tố ấy một cách trọn vẹn là góp phần xây dựng ngôi nhà Phật pháp kiên cố vĩnh cửu trên thế gian, xứng đáng là sứ giả của Như Lai không cô phụ chí hướng xuất gia, luống tiêu của đàn na tín thí một cách vô ích.

Nầy các Giới tử!

Mai đây, là giờ phút quan trọng nhất trong cuộc đời của các vị, Hội đồng Thập sư sẽ trao cho các vị Giới Cụ túc, các vị phải phát tâm dõng mãnh, dọn sạch tâm tư cho thanh tịnh để nhận Giới thể, các vị sẽ  đắc Vô tác giới thể. Các vị sẽ trở thành những vị Tỳ kheo mang trách nhiệm nặng nề tiếp bước thế hệ chúng tôi tiếp tục hoằng truyền Chánh pháp.

Vậy trước khi đăng đàn thọ Cụ túc giới, quí vị cần phải soi xét lại tâm mình trước Tam bảo cầu xin sám hối để tâm thanh tịnh mà thọ nhận Giới pháp.

Quí vị phải chí thành soi xét tâm mình và đọc theo thầy:

Con xưa vốn tạo các vọng nghiệp,
Đều do vô thỉ tham sân si.
Từ thân miệng ý phát sanh ra,
Con nay chí thành xin sám hối
(3 lần)

Quí vị đã sám hối rồi thì phải biết giới Cụ túc mình sắp thọ là gì? Cụ túc là tiếng Phạn, Hán dịch là Cận viên nghĩa là gần gũi với niết bàn viên tịch vì giới nầy có khả năng tiến đến quả vị Niết bàn viên tịch, có nghĩa là sự thành tựu trọn vẹn, là bước lên chỗ cao tột. Giới Tỳ kheo được gọi là Cụ túc vì nó thể hiện trọn vẹn đời sống mẫu mực của một Thánh giả A la hán, trong khi các quả vị khác của Thanh văn không được gọi là Cụ túc vì chúng chỉ mô phỏng một phần nhỏ đời sống cao thượng của A la hán.

Đời sống cao thượng của bậc A la hán gồm có bốn sự thanh tịnh:

  • Thanh tịnh về Biệt giải thoát luật nghi.
  • Thanh tịnh về sự phòng hộ căn môn.
  • Thanh tịnh về phương tiện sinh sống.
  • Thanh tịnh về chánh niệm tỉnh giác.

Giới Tỳ kheo được gọi là Cụ túc vì nó thể hiện trọn vẹn tất cả bốn sự thanh tịnh ấy.

Khi sẽ trở thành những vị Tỳ kheo, Đại đức, sẽ có những Giới luật mà các vị cần phải đem hết tâm ý để tuân hành. Do đó, khi sắp đến trước Thập sư để lãnh thọ giới pháp, các vị sẽ qua một lần khảo hạch về các “Già nạn” nghĩa là những điều mà mắc phải, sẽ là những chướng ngại khiến cho các vị không thể thọ giới. những già nạn ấy, các vị cần phải chú tâm trả lời một cách thành thật. Phần nhiều các già nạn ấy đều dễ hiểu, chỉ có một số điều cần nói trước để khi hỏi đến, các vị phải hiểu và trả lời nhanh. Các già nạn ấy là:

– Các vị có phạm Biên tội không? Biên tội có nghĩa là Phật pháp được ví như biển cả rộng lớn, nhưng nếu kẻ nào phạm một trong bốn trọng giới: Sát, Đạo, Dâm, Vọng, thì sẽ coi như đã bị loại ra ngoài biển cả Phật Pháp. Các vị trả lời là “Không”.

– Các vị có phải Tặc trụ thọ giới không? Nghĩa là những kẻ chưa thọ giới, giả làm kẻ thọ giới để xen vào lợi dụng, phá hoại trong Phật pháp. Những kẻ ấy không phải hảo tâm xuất gia vì mục đích giải thoát mà vì một dụng tâm tầm thường nhỏ hẹp, cho nên khi vào thì không có tư cách nên phá giới, phạm trai, làm cho Phật pháp vì họ mà bị suy vi. Nếu các vị là những người hảo tâm xuất gia, nhất tâm cần cầu Giới pháp để tu tập giải thoát. Các vị trả lời “Không”.

– Các vị có phải nội ngoại đạo phá giới không? Kẻ ngoại đạo giả xuất gia thọ giới rồi trở về lại ngoại đạo, sau một thời gian gặp cơ hội thọ giói, cũng xin vào thọ lại, ấy là kẻ nội giáo là ngoại đạo vì mưu sinh lợi dưỡng hoặc ác tâm phá hoại.  các vị trả lời “Không”.

– Các vị có phải hoàng môn không? Hoàng môn là kẻ bán nam bán nữ, không phải hoàn toàn tánh của một nam tử trượng phu. Các vị trả lời “Không”

– Các vị có phá Yết ma Tăng không? Phá hoại, hỗ trợ, xúi dục, tán đồng vui theo việc làm của người khác cũng đồng tội. Các vị cũng trả lời “Không”.

– Các vị có ác tâm làm thân Phật ra máu không? Nay đức Phật đã diệt độ nhưng ác tâm đục khoét phá hoại Phật tượng, đốt xé kinh điển, phá chùa, phá tháp, tùy hỷ theo kẻ ác chê bai Tam bảo làm cho đạo pháp suy vong đều có tội. Các vị trả lời “Không”.

– Các vị có phải là Phi nhân không? Phi nhân là Thiên long, Bát bộ có thần thông biết biến hóa ra người nhưng thật ra không phải là người. Các vị cũng trả lời “Không”.

– Các vị có phải là kẻ hai hình không? Hai hình là người có đủ hai căn (nam nữ), thay đổi theo hoàn cảnh tâm lý, đối tượng, gặp nam biến thành nữ, gặp nữ biến thành nam. Các vị là thân nam tử phải trả lời “Không”.

Còn vài già nạn nữa nhưng dễ hiểu hơn, chỉ có những già nạn nêu trên là hơi khó hiểu.

Tóm lại, đức Phật muốn những người xuất gia sẽ trở thành ngôi Tăng bảo, tiêu biểu cho Phật ở thế gian, là trưởng tử của Như Lai, là những người hoàn toàn đầy đủ thân tướng của một Tỳ kheo với tâm niệm thanh tịnh, là người chân chính xuất gia, một lòng tuân thủ giới pháp mang hoài bảo hoằng dương Phật Pháp, lợi lạc quần sanh chứ không phải là kẻ mang tâm ý thấp hèn, xen trộn vào Phật Pháp, vì danh dự lợi dưỡng, lợi dụng để hưởng thụ của đàn na tín thí.

Các vị phát tâm đăng đàn thọ giới tại giới đàn Trí Hải Bích Liên, danh hiệu tôn quí của một bậc Trưởng lão Hòa thượng  cống hiến cho Phật Pháp thời cận đại, là một Danh Tăng lỗi lạc, các vị phải đem tâm niệm chí thành, cao thượng để nhận lãnh giới pháp vì giới pháp là căn bản để thành tựu muôn hạnh lành. Chúng ta mặc dù sanh vào thời mạc pháp nhưng vẫn còn may mắn được xuất gia học đạo, còn được gặp Giới pháp của Phật, đó chính là bậc thầy cao cả để chúng ta nương tựa tu tập tiến đến đạo Giải thoát.

Ba đời chư Phật đều trân quí Giới pháp. Vì sự lợi ích  tôn quí và màu nhiệm như vậy nên từ giờ phút nầy các Giới tử phải phát tâm dõng mãnh, kiên cố, gạn lọc những trần cấu để nhận thọ Giới pháp, là trưởng tử của Như Lai trong trách nhiệm làm cho “Phật Pháp trường tồn, chúng sanh an lạc.

Nguyện cầu mười phương chư Phật, Thiên Long, Bát bộ, chư vị Thiện Thần, lịch đại Tổ sư, chứng minh gia hộ cho tất cả các Giới tử, Giới thể châu viên, đạo tâm kiên cố, tuệ nghiệp viên thành.

Nam mô Kiết tập luật tạng Ưu Ba Ly Tôn giả tác đại chứng minh.



Giác Nguyên, ngày vía đức Bồ tát Quán Thế Âm – tháng hai CanhĐTý

                                                                    Tuyên Luật sư
Hoà thượng Thích Viên Đạt