Trang chủ Quốc tế Kết thúc Diễn đàn Phật giáo thế giới lần 2 – thông...

Kết thúc Diễn đàn Phật giáo thế giới lần 2 – thông điệp của hòa bình, hòa hợp

156

Những bất đồng về ngôn ngữ, sự khác biệt về văn hóa không còn là vấn đề khi họ thực sự hòa mình vào những khoảnh khắc đáng nhớ – khoảng thời gian quý báu, thiêng liêng của từng sự kiện Phật giáo lần lượt diễn ra tại Trung quốc và Đài Loan.

Điều mà có lẽ những đại biểu của từng quốc gia quan tâm, trông đợi nhất là phần phát biểu quan điểm, đóng góp và học tập lẫn nhau trong chương trình thảo luận nhóm diễn ra tại Đài Bắc. Cuộc hội ngộ này là tiếng nói chung của cộng đồng Phật giáo thế giới, trong cái nhìn hữu hạn của thế giới vật thể hướng đến cái đại thể bao la của tinh thần đại giác Phật giáo. Tất cả không ngoài mục đích giải quyết những vấn đề mà các nhà lãnh đạo Phật giáo quan tâm hiện nay như: Phật giáo và tổ chức giáo dục, Phật giáo và vấn đề truyền bá, Phật giáo và từ thiện; Phật giáo và sự hòa hợp của các tông phái; Phật giáo và giao lưu quốc tế; Phật giáo và môi trường; Phật giáo và tính hiện đại; Phật giáo và văn hóa nghệ thuật..

Thế giới Hòa bình – trái tim rộng mở

Các chuyên đề luận đàm được phân ra theo thế mạnh của từng nơi phụ trách, từng nhóm nghiên cứu nhằm thấy được chiều rộng nhận thức của đại biểu, phát huy được chiều sâu của từng vấn đề mà ban tổ chức quan tâm.
 
Nhóm thảo luận về vấn đề “Phật giáo và môi trường” được tổ chức tại Học viện Pháp Cổ. Thành phần tham dự gồm: Pháp sư Kính Định, Pháp sư Viên Trì, Pháp sư Thiền Lượng, Pháp sư Tố Toàn, Pháp sư Tôn Như, Pháp sư Liên Hải, Giáo sư Lý Lợi An, Venerable Bodagama Chandima Thera, Triratna Mananadhar, Venerable K.Sri Dhammaratana, Nayaka Maha Thera, Pháp sư Giới Nhẫn, Pháp sư Minh Sinh,… Chư tôn đức đã thảo luận những vấn đề liên quan đến Phật giáo và môi trường như : Tâm Lục Luận, Bình Thường Tâm, Ý thức sinh thái Phật giáo, Sự hài hòa xã hội .v..v
 
 
 
Còn nhóm thảo luận chủ đề: “Phật giáo và sự hòa hợp của các tông phái” được tổ chức tại Tam Hiệp – chùa Kim Quang Minh. Buổi thảo luận có đến 9 tham luận nhắm vào chủ đề này. Làm thế nào để các Tông phái hài hòa, văn hóa hòa hợp… Những suy nghĩ, ý kiến, đề xuất vấn đề một cách sâu sắc và thiết thực. Trong đó Tổng Hội trưởng Pháp sư Tâm Định, Hội Phật Quang Quốc tế, tổng hội Trung Hoa phát biểu: Phật giáo là một tôn giáo đem đến sự hòa bình cho thế giới. Ngài cho rằng, Đại thừa Phật giáo và thượng tọa bộ Phật giáo phải gắn liền như hai cánh chim, Nam truyền và Bắc truyền phải bao dung, giúp đỡ hỗ tương lẫn nhau, người xuất gia và người tại gia phải tôn trọng nhau, tín đồ Phật giáo phải đoàn kết, tồn tại trong mọi hoàn cảnh. Còn ông Vajramala, Chủ tịch liên hiệp hội Phật giáo tại Đức quốc nói : Điều sợ nhất là độc tố (tham, sân, si) bóp nát sự hài hòa và hòa bình trong mỗi con người chúng ta, chỉ có tri thức mới có thể bảo đảm sự hòa bình, mà con đường hướng đến sự hài hòa xuất phát từ các hệ phái Phật giáo với nhau….
 
 
 
 
Nhóm thảo luận chủ đề: Phật giáo và giao lưu quốc tế được tổ chức tại Hội trường quốc tế đại học Phật Quang, thành phần tham dự gồm: Pháp sư Mãn Khiêm, Lâm Ảnh Đàm, Pháp sư Minh Pháp, Ngô Giác, Tăng Uất Mỹ, Pháp sự Quốc Lượng, Bawa Jain, Dustin DiPerna, Giáo sư Lý Hướng Bình, Pháp sư Diệu Giang, Pháp sư Kiết Tường, … Nhóm đã tiến hành thảo luận, phát biểu những vấn đề liên quan đến tình hình, lịch sử và việc giao lưu Phật giáo quốc tế.
 
 Tổng chủ tịch Phật Quang Sơn tại Châu Âu – Mãn Khiêm Pháp sư có bài phát biểu về việc giao lưu Phật giáo quốc tế. Ngài nói: Phật Quang Sơn hướng đến những việc làm thiết thực như: Từ thiện, phúc lợi xã hội, Hội đã giúp đỡ khôi phục những tổn thất nặng nề trong trận động đất Tứ Xuyên vừa qua, lập trường đại học, bồi dưỡng nhân tài, hướng dẫn thanh niên tham gia Hội nghị Quốc tế; Về phương diện văn hóa nghệ thuật, toàn Đài Loan hiện nay có 18 nơi trưng bày mỹ thuật Phật Quang Duyên, nơi đây không chỉ giới thiệu về mỹ thuật Phật giáo mà còn phát triển cả về lĩnh vực âm nhạc Phật giáo, có lịch biểu diễn định kỳ trong năm một cách rõ ràng. Ngài nói thêm, mỗi đất nước nên lấy ngôn ngữ mẹ đẻ của mình mà truyền bá phật pháp, cùng tu tập để tịnh hóa tâm hồn, hướng đến việc giao lưu Quốc tế, không chỉ có Phật giáo mà còn đối với các tôn giáo khác. Bên cạnh đó, trong bài phát biểu Bộ Trưởng xã hội của tông Thiên Thai, Phật giáo Đại Hàn, Pháp sư Jing Qian có đề cập đến vấn đề khó khăn của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, Ngài nói: Sự tham lam quá mức của con người đã khiến các nước vay mượn nhiều, mắc phải nhiều khoản nợ không thể trả nổi, gây ra sự ảnh hưởng liên đới trong nền kinh tế toàn cầu, khiến cuộc sống người dân rơi vào khó khăn, không tìm được sự hy vọng, an ổn. Ngài kêu gọi, mọi người phải lấy chánh kiến, chánh tri của phật giáo áp dụng vào đời sống, phải biết kềm chế tham dục và sân hận, tu dưỡng bản thân…
 
Đồng hành cùng sự kiện
 
Trong diễn đàn Phật giáo thế giới lần này thiếu vắng một số nhân vật được xem là có ảnh hưởng đến sự phát triển Phật giáo tại các nước Phương Tây như : Đức Đạt Lai lạt Ma; Thiền Sư Thích Nhật Hạnh…cũng khiến cho giới truyền thông đặt ra nhiều câu hỏi!? Song sự xuất hiện của các nhân vật nỗi tiếng khác của làng giải trí Hoa Ngữ: Vận Động viên thắp đuốc thế vận hội Bắc Kinh 2008 Lý Ninh, Diễn Viên Lý Liên Kiệt, Diễn viên Lục Tiểu Linh Đồng… lại thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới truyền thông. Bên cạnh đó, giới báo chí tại Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Ma Cao và một số nước khác trong đó có Việt Nam cũng đồng đồng loạt đưa tin và cập nhật tinh nhanh. Một số website còn dành một trang riêng cho sự kiện lớn này.
 
 

Phát triển thế mạnh, gìn giữ bản sắc văn hóa phật giáo truyền thống
 
Dù rằng, Trung Quốc là một trong những nước tiên phong đưa hình ảnh Tăng đoàn lên sân khấu biểu diễn trong mặt trận truyền bá chính pháp thông qua các lọai hình sân khấu văn hóa khác nhau, thấy rõ nhất là Kungfu – thiếu lâm, song trong Diễn đàn Phật giáo thế giới lần 2, sự xuất hiện hoành tráng của chư Tăng trong buổi biểu diễn văn nghê phật giáo “Kiết Tường Tụng” cũng làm cho đại biểu không khỏi bất ngờ. Ban tổ chức đã biết vận dụng phát triển, kết hợp thế mạnh về hình ảnh chư Tăng, các biểu tượng của Văn hóa Phật giáo thông qua loại hình sân khấu hóa, tạo một sức cuốn hút kỳ lạ của âm thanh, ánh sáng và sự thể hiện sống động của cảnh trí trong một kiến trúc quá độc đáo của Phạn cung. Không gian chương trình là sự kết hợp giao thoa giữa người xem và người diễn qua mô hình sân khấu vòng Tròn, lấy biểu tượng cây Bồ Đề nơi đức Phật Thành đạo và đại chúng làm trung tâm.
 
 
 
 
Cảm nhận về một Diễn đàn Phật giáo trên phương diện truyền thông đại chúng chỉ là thế, nhưng cũng có những suy nghĩ khác từ chuyến đi thực tế, hay ngồi đối thọai với nhau trong một khoảng không gian thích hợp mà diễn đàn Phật giáo Thế giới đang diễn ra, người viết nghĩ rằng, chúng ta sẽ thú vị hơn gấp nhiều lần!?  – Một cảm giác an lạc của riêng mình trong oai lực đại hùng của chư Tăng khắp nơi trên thế giới cùng có mặt tại đây.
 
 
 
 Dẫu có nói thế nào đi nữa thì tinh thần “ Thế giới hoà bình do chúng duyên hoà hợp” mà cộng đồng Phật giáo nói chung, Ban tổ chức nói riêng hướng đến vẫn là điều mong mỏi trông chờ của mọi người chúng ta hiện nay trong thời đại khủng hoảng niềm tin trầm trọng đối với thế giới phi vật thể, trong sự tìm cầu giải pháp thoát khỏi cuộc khủng hoảng suy thoái kinh tế toàn cầu, trong sự biến động lo âu, thấp thỏm từng ngày về mặt chính trị, hải phận của đất nước, trong vòng xoáy luân hồi tiếp nối không dừng của kiếp nhân sinh….