Trang chủ Nghiên cứu Karl Marx và Thiền Đi Bộ

Karl Marx và Thiền Đi Bộ

426

Đó là chuyện ít người biết: Karl Marx, một trong những lý thuyết gia khai sinh ra chủ nghĩa cộng sản, đã biết tới Phật Giáo, và từng cho biết rằng ông ứng dụng Thiền đi bộ (còn gọi là Kinh hành) và thấy an lạc suốt trọn ngày, tới cảm giác an lạc mà ông gọi là cảnh giới “vô sở hữu” (nothingness) của nhà Phật.

Phần lớn các sách tiểu sử về Marx không nói gì về chuyện này. Thực ra, dịch thuật sơ xuất có thể nhầm lẫn, vì cảnh giới “vô sở hữu” có lẽ không thể tới từ Thiền đi bộ. Dịch đúng, có lẽ nên dịch là “vô tâm” vì trong thư, Marx viết là lúc đó ông không bận tâm chuyện gì, mà đã “trở thành một cây gậy đi bộ” (I have become myself a sort of walking stick)… Đây cũng là một hình ảnh rất Thiền, khi Karl Marx thấy tự thân mình biến mất, và mình với cây gậy như là một.

Tạp chí CounterPunch ấn bản 18/6/2019, bài viết “Marx and Walking Zen” (Marx và Thiền Đi Bộ) của tác giả Gary Leupp ghi nhận về chuyện Marx ứng dụng Thiền đi bộ. Gary Leupp hiện đang là Giáo sư Sử học tại đại học Tufts University, tác giả nhiều sách nghiên cứu về lịch sử Nhật Bản, đặc biệt các vấn đề lao động, giai cấp và tính phái thời kỳ Tokugawa (1603-1868). Lĩnh vực nghiên cứu hiện nay của GS Leupp là lịch sử toàn cầu của Phật Giáo và tiếp cận của tôn giáo này với Tây phương thời kỳ tiền hiện đại. Ông cũng viết nhiều bài về tình hình chính trị hiện thời của Hoa Kỳ, Nga, Nhật Bản, Đức, Iran, Sri Lanka…

Có vài chữ Gary Leupp lượng định về ảnh hưởng của Marx có thể làm một số độc giả không đồng ý, tuy nhiên nơi đây cũng sẽ được dịch toàn văn để tham khảo. Sau đây là bài GS Gary Leupp viết về Karl Marx và Thiền đi bộ.

… o …

Trong tháng 3/1866 (một năm trước khi Tập 1 của bộ sách Das Kapital xuất bản), Marx lúc đó 48 tuổi, đang nghỉ ngơi bên bờ biển Hòa Lan, tại thị trấn Margate. Ông viết một lá thư cho cô em họ Antoinette Philips, con gái của Lion Philips, một thương gia thuốc lá ở thị trấn Zaltbommel gần đó. (Lion là chồng của người phụ nữ trước đó kết hôn với Heinrich Marx, thân phụ của Karl Marx. Phụ nữ này có lẽ nổi tiếng nhất là người thúc giục Marx điền một bản trả lời nhiều câu hỏi, một trò chơi thịnh hành thời Victorian, năm 1865. Trong bản trả lời các câu hỏi, trong đó Marx nói rằng Spartacus là vị anh hùng ông ngưỡng mộ, trong khi Shakespeare và Aeschylus là các nhà văn ông ưa thích.) Trong thư, ông gọi cô Antoinette (29 tuổi) một cách vui đùa là “Đứa con nhỏ của bố.”

Trước tiên, Marx than phiền một cách đùa giỡn rằng trước đó ông đã bị “lưu đày, theo lệnh cố vấn y khoa của bố, phải tới vùng bờ biển này, nơi thời điểm này trong năm, rất mực cô tịch.”

Ông ghi nhận rằng, trong khi ở các thời điểm khác trong năm, ông có thể “bị cơ nguy tình cờ gặp và đi  với một du khách lạc bước nào đó.”  Trong khi bây giờ ông an vui một mình thôi.

Ông viết, “Do vậy, bố không bận tâm cho ai, và không ai bận tâm cho bố. Nhưng không khí tuyệt vời trong lành và đầy sinh lực, và nơi đây là cùng lúc khí trời từ biển giao hòa với khí trời miền núi. Bố tự thân trở thành như một cây gậy đi bộ, đi lên và đi xuống trọn ngày, và giữ tâm trong trạng thái vô tâm mà Phật Giáo gọi là đỉnh cao của an lạc nơi cõi người.”

Người ta dễ có thiên hướng nói rằng Marx không biết nhiều về Phật Giáo. Nhưng ông là một học giả sắc bén về các vấn đề thế giới, và có thể đã biết nhiều về Phật Giáo hơn cả 99/100 người Châu Âu lúc đó. Chúng ta đôi khi quên rằng Karl Marx và Friedrich Engels là hai người trong nhóm các tư tưởng gia tuyệt vời nhất của thế kỷ 19, mà những người chỉ trích đương đại lại là những tâm địa thấp lùn khi so sánh với họ.

Chữ “Buddhism” (Phật Giáo, viết trong tiếng Anh), hay vài chữ tương đương khác, chỉ lưu hành từ thập niên 1820s; sách tiếng Anh đầu tiên viết chi tiết về đề tài này là “The History and Doctrine of Buddhism” (Lịch Sử và Giáo Pháp của Phật Giáo) của tác giả Edward Upham, xuất bản năm 1844. Marx có lẽ biết về sách này. Trong thập niên 1830s, triết gia Georg W. F. Hegel đã xuất bản các bài thuyết trình mô tả Phật Giáo như một hệ thống tín ngưỡng bi quan, trong đó lấy trạng thái “vô sở hữu là nguyên tắc, mục tiêu và kết thúc mọi thứ” (“nothingness the principle, goal and end of everything” – ghi chú của người dịch: lẽ ra, nơi đây trong tiếng Anh, chữ “emptiness” nên dùng hơn chữ “nothingness” tuy cả hai bề ngoài cận nghĩa nhau, vì thói quen dịch Emptiness là Không, tức là bản chất duyên khởi, trong khi chữ Nothingness thường được các dịch giả dùng cho nghĩa “vô sở hữu” – một cảnh giới tâm thức trong định). Nhưng Marx rồi sẽ chuyển ngược lý luận của Hegel. Marx có thể — nếu Marx từng sáng tác rằng “hai hay ba trang giấy về lý luận biện chứng” Marx từng nhắc tới Engels—đã trình bày về biện chứng của Tổ Sư Long Thọ. (Như chúng ta đã có trường hợp Mao Trạch Đông, từng rút từ tư tưởng Phật Giáo và lý luận âm-dương.)

Năm 1844, triết gia Pháp Eugene Burnouf lý luận rằng các tín ngưỡng thờ ngẫu tượng của hầu hết các nước Châu Á đều liên hệ nhau, khởi động cuộc nghiên cứu hàn lâm kiểu Tây phương hiện đại về Phật Giáo. Rồi Phật Giáo sớm được công nhận như một tôn giáo được truyền bá có sức mạnh tương đương Thiên Chúa Giáo hay Hồi Giáo về ảnh hưởng toàn cầu. Có nhà nghiên cứu còn nghĩ rằng Phật Giáo có thể đã ảnh hưởng tới Thiên Chúa Giáo. Arthur Schopenhauer, một Giáo sư cùng dạy nơi Hegel dạy ở đại học University of Heidelberg, đã viết vào năm 1851 rằng “bản Kinh Tân Ước [của Thiên Chúa Giáo]… chắc chắn trong cách nào đó có thể dò ra từ một nguồn gốc Ấn Độ: hệ thống đạo đức của nó, quan điểm khắc kỷ về điều răn của nó, tính bi quan, và một vị hóa thân xuống trần, tất cả đều có đặc tính Ấn Độ rõ ràng.”

Trong năm 1854, Karl Marx đưa giả thuyết trong vài bài báo về viễn ảnh của Taiping Rebellion (Cuộc Nổi Dậy Thái Bình Thiên Quốc) tại Trung Quốc sẽ trở thành một cuộc thánh chiến liên hệ tới Phật Tử Mãn Châu (có thể có Nga giúp đỡ) do người Tây Tạng hỗ trợ và những người dân Trung Quốc chống Phật giáo do Anh quốc hỗ trợ.

Từ chỗ Marx cho rằng loạn quân Taiping đã vào “cuộc thánh chiến chống Phật Giáo, phá hủy các ngôi chùa và thảm sát các nhà sư,” Marx tiên đoán sẽ có can thiệp từ người Tây Tạng nhân danh triều đình nhà Thanh vốn gốc Mãn Châu (nguyên khởi nối kết rất gần với Phật Giáo Tây Tạng).

Karl Marx viết trên báo New York Daily Tribune, ấn bản ngày 18/3/1854: “Cuộc thánh chiến vĩ đại giữa người Trung Hoa và các Phật Tử Mông Cổ dự kiến sẽ lan sang biên giới Ấn Độ, có thể xem như rất gần  xảy ra.” Nhưng lịch sử không xảy ra chuyện đó. Loạn quân Thái Bình Thiên Quốc bị triều đình đánh bại với hỗ trợ từ người Anh, và không có cuộc thánh chiến nào xảy ra. Nếu Marx hiểu rõ hơn lịch sử [hiếu hòa của] Phật Giáo, hẳn là ông có thể tránh đưa ra tiên đoán như thế.

Nhưng dĩ nhiên, Marx cũng có một chút thiền duyệt pháp hỷ. Lúc đó, môn học về Phật Giáo chỉ sơ khai (nghĩa là, chưa nghiên cứu kỹ). Tới năm 1856, một học giả tiếng Sanskrit là Horace H. Wilson vẫn còn viết rằng “nan đề là chưa biết nhân vật có tên là Sakya Sinha hay Sakya Muni, hay Sramana Gautama, có hiện hữu thực sự  hay không.” Tuy nhiên, vào năm 1879, độc giả thời kỳ Vitorian được đọc bài thơ hùng vĩ của Sir Edwin Arnold, nhan đề “The Light of Asia” (Ánh sáng Châu Á), ngợi ca Đức Phật, dựa vào các sử ký cổ đại, làm bực mình các giáo sĩ Anh Giáo những người nói rằng Phật Giáo làm suy yếu đức tin vào Jesus Christ. Karl Marx có thể đã đọc [các nghiên cứu đó] trước khi Marx lìa đời, và rồi an táng ở nghĩa trang Highgate Cemetery ở London năm 1883.

Chúng ta biết rằng vì lý do sức khỏe, Marx trong các năm cuối đời đã lui về sống cô tịch và trầm lắng. Marx để một thời gian trong năm 1882 tới sống ở Algiers, đi những cuộc đi bộ dài xuyên qua vườn Botanical Gardens (ghi chú: vườn này rộng 140-acre, trồng nhiều ngàn giống cây lạ để nghiên cứu). Thư của Marx từ nơi nghỉ ngơi (gửi về Engels và cô con gái Laura) nói nhiều về các giống cây, các loài thú, khí hậu và sức khỏe của ông. Các thư đó nói rõ rằng Marx đã nói chuyện với các quan chức thuộc địa, người Ả Rập, và nhiều người Châu Âu ở Algeria, luôn luôn đưa câu hỏi, luôn luôn cho thấy kiến thức ông mở rộng về lịch sử và về thời điểm đó. Đôi khi Marx viết thơ mộng khi mô tả về gió và mặt trăng. Marx cũng quan sát (trong thư gửi Laura, cô con gái) rằng “con cháu Mahomet” cư xử “tuyệt đối bình đẳng trong quan hệ xã hội của họ” nhưng rồi “họ sẽ đau đớn bị hủy diệt nếu không có một phong trào cách mạng.”

Tôi [tác giả Gary Leupp] không biết rằng Karl Marx có thực tập Thiền gì như “mindfulness” (tỉnh thức) hay không, hay chuyện đó có thành vấn đề không. Chỉ thấy thoải mái để biết rằng Marx một thời từng đi bộ, từng đi bộ trong trầm tư, từng đi bộ khi hình dung trong “trạng thái vô tâm” mà Phật Giáo xem như là đỉnh cao an lạc của cõi người.” Như thế là quá nhiều cho cái Không từ một nhân vật có bộ óc đầy những thông tuệ mà (bất kể đã chết từ 136 năm trước) tiếp tục sáng lung linh trong thế giới này.

… o …

Kinhin (“Thiền đi bộ”) là một phương pháp Thiền Phật Giáo mà tôi [GS Leupp] học từ Thiền sư Matsunami Taiun, Trụ trì của tự viện Ryosen-An, trong ngôi chùa Daitokuji tại Kyoto, Nhật Bản. Nhà sư Taiun mới viên tịch cuối năm 2018. Xin nguyện cho chút tro bụi từ ngũ uẩn của nhà sư Taiun sẽ để lại một vài tốt đẹp trong thế giới này.

Tác giả: Gary Leupp – Dịch giả: Nguyên Giác

(Nguyên tác “Marx and Walking Zen” — tác giả Gary Leupp, tạp chí CounterPunch ấn bản 18/6/2019:

https://www.counterpunch.org/2019/06/18/marx-and-walking-zen/ )