Anh em trong một nhà cũng như tay với chân. Anh có điểm ưu này thì em có điểm đẹp khác. Anh có điểm khuyết nọ thì em lại bổ khuyết cho anh. Làm sao có người đánh em mà anh chấp nhận; làm sao có người phẫn nộ với anh mà em đồng tình.
Trong nhà Phật, tình huynh đệ không chỉ đơn thuần là anh em trong một chùa hay cùng một sư phụ nữa, mà tình huynh đệ của những người con Phật còn lại rộng rãi hơn. Cùng là con của Đấng Từ Phụ, phải chăng tất cả những người xuất gia đều là anh em của nhau; tất cả những người cư sĩ đều là huynh đệ của nhau!
Những người xuất gia, mặc áo Như lai, sao có thể không coi như con một Cha, như anh em một nhà, như tay liền với chân, như chân liền với tay được!
Mỗi một tông phái, một pháp môn, một phương pháp tu tập mang chất liệu từ bi, trí tuệ đều dược xem là cánh tay vươn dài của Đấng Như Lai.
Đức Như Lai hiện hữu nơi mỗi cánh tay ấy để ươm mầm từ bi, trí tuệ đi muôn phương.
Làm sao có thể đuổi một huynh đệ của mình ra khỏi chùa? Anh em như tay liền với chân, như chân liền với tay. Tay muốn phế bỏ chân hay chân muốn phế bỏ tay; hay là mình toan chặt “cánh tay Như Lai”.
Ngày xưa mình hứa cho ở sao bây giờ đuổi đi? Một người học đạo Nho xưa còn xem lời hứa quý hơn ngàn vàng.
Cho dù là tự mình hay bị người xúi quẩy, đuổi một người xuất gia ra khỏi chùa, tội này bộ nhỏ lắm ư!
Hoặc là tự mình làm hoặc xúi quẩy người khác làm, dù là mình là con nhà Phật hay không phải con nhà Phật, dù là mình trực tiếp liên quan hay gián tiếp liên quan, quả báo ấy cũng thật khó lường!
Người con Phật còn có thể coi tình huynh đệ cao hơn nữa. Tình anh em nhiều khi còn nằm trong mỗi sự sống, mỗi sinh linh; huống hồ trong một quốc gia dân tộc hay tồn tại trên một quả cầu.
Như tay liền chân, như chân liền tay; tay đánh chân, chân đánh tay lòng không đau sao! Mình xúc phạm đến bất cứ một sự sống, một sinh linh nào trên quả cầu này thì cũng đều có quả báo, huống hồ đụng chạm đến đoàn thể người xuất gia.