Ta hãy xem lại chi tiết câu chuyện giữa hai thầy trò Nhị tổ Pháp Loa và Tam tổ Huyền Quang dược ghi chép trong Tam Tổ thực lục.
Nửa đêm 11 tháng Giêng năm Canh Ngọ (1330), Huyền Quang đến thăm Pháp Loa đang ngã bệnh nặng, nằm ngủ mà rên hừ hừ và nói mê.
Huyền Quang hỏi: “Thức với ngủ đã là một chưa?”
Huyền Quang nghĩ thầy mình đã đạt tự tại, sao lại bị cơn đau hành hạ đến nỗi phải rên rỉ trong giấc ngủ? Như vậy là cái trí tuệ cái tâm trong suốt vắng lặng đã bị lu mờ.
Pháp Loa đáp: “Thức với ngủ là một, cũng như không có bệnh”.
Nhị tổ đánh tan nghi ngờ của Tam tổ, khẳng định rằng tuy Ngài bị bệnh, nhưng tâm Ngài vẫn an nhiên, bao trùm mọi trạng thái, mọi sinh hoạt.
Huyền Quang hỏi: “Bệnh với không bệnh đã là một chưa?”.
Cái Tâm đã an nhiên thì bệnh cũng như không bệnh, bệnh với không bệnh là một và không dính dáng gì đến cái thể tính của Tâm trong sáng, rỗng rang từ vô thỉ đến nay. Cho nên Pháp Loa đáp: “Bệnh cũng chẳng liên can đến kẻ ấy, không bệnh cũng thẳng liên can đến kẻ ấy” (Bệnh dã bất can tha, bất bệnh dã bát can tha).
“Kẻ ấy” ở đây chính là cái Tâm tuyệt đối, Phật tính, hay cái “bản lai diện mục” vậy.
Đến đây Huyền Quang vẫn chưa hiểu trọn nên hỏi thêm: “Thế nhưng tại sao lại có tiếng nói thốt ra?”.
“Tiếng nói” ở đây nhằm chỉ tiếng rên, lời nói mê của Pháp Loa. Đã rên rỉ kêu đau thì sao lại bảo ông chẳng liên can gì đến cái Tâm tuyệt đối?
Pháp Loa đáp: “Tiếng gió qua cây có gì mà phải động tâm?”.
Nhị tổ giải rằng tiếng rên, lời nói mê của Ngài cũng như tiếng gió thổi qua cây, đó là sự tự nhiên, bệnh thì rên, đói thì ăn, khát thì uống, chứ có can hệ gì đến cái tâm đâu!
Huyền Quang vẫn còn kẹt với tiếng rên của Thầy nên hỏi tiếp: “Tiếng gió qua cây thì người ta không bị mê lầm, nhưng tiếng nói mê trong giấc ngủ thì có thể khiến người ta mê lầm”.
Người si muội thì bị mê lầm vì nhiều sự việc, mê lầm vì tiếng người khác nói mê trong giấc ngủ và vì tiếng gió thổi qua cây, cho nên Nhị tổ nói: “Người si muội cũng bị mê lầm vì tiếng cây rung (khi gió thổi qua)”.
Câu nói này của Nhị tổ nhằm nhắc nhở rằng Tam tổ vẫn còn si muội nên nghi ngờ, hiểu sai tiếng rên rỉ, tiếng nói mê của thấy mình.
Đến đây Huyền Quang mới hiểu ra thể tính của cái tâm tuyệt đối, tự tại, cho nên ca ngợi cảm ơn thầy mình theo ngôn ngữ của Thiền gia: “Chỉ một cái tật đó mà đến chết vẫn không chừa!”.
Pháp Loa cũng hoan hỷ khi thấy học trò mình đã hiểu nên khen ngợi theo cách của thiền môn: “Sư bèn đạp Huyền Quang một đạp”.
Đến đây chúng ta thấy từ khởi đầu cuộc viếng thăm của Tam tổ Huyền Quang. Nhị tổ Pháp Loa đã khéo léo dẫn dắt, giảng giải cho người đệ tử tiếp nối ngôi vị của mình.
Lời của Bậc Đại sư thâm thiết làm sao! Đến khuya ngày mùng Ba tháng Hai năm Canh Ngọ, tức là 24 ngày sau lần viếng thăm trên của Huyền Quang, sau khi sắp đặt dặn dò các đệ tử và sẵn sàng viên tịch, Pháp Loa lại tiếp Huyền Quang.
Huyền Quang nói: “Xưa nay khi sắp lìa đời người ta buông ra là tốt hay nắm giữ lại là tốt?”, ý Huyền Quang muốn hỏi là khi sắp lìa đời ta nên buông bỏ hết mà đi hay cố lưu lại cái gì đó. Hẳn ý của Tam tổ là nên tự tại mà ra đi.
Nhị tổ đáp: “Tất cả chẳng liên can gì”. Câu đáp nhằm đả phá cái chấp mang tính nhị nguyên của người hỏi. Chấp trước, phân biệt là những vấn đề nhị nguyên, cho nên không liên can gì đến lý bất nhị, nhất như.
Huyền Quang hỏi tiếp: “Khi tất cả chẳng liên can thì sao”.
Nhị tổ đáp: “Tùy xứ tát-bà-ha”. Ý nghĩa câu này là: Tất cả, đâu đâu cũng đều tự tại viên mãn. Tát bà-ha (svaha) nghĩa là thành tựu tốt đẹp lắm tán thán bày tỏ sự hoan hỷ tột độ.
Như vậy, toàn bộ hai lần gặp gỡ cuối cùng. Nhị tổ Pháp Loa đều nỗ lực đẩy đưa Tam tổ Huyền Quang đến chỗ liễu ngộ chân lý, chứ không phải Pháp Loa giúp thay mình đạt ngộ. Thật là sai lầm khi bảo rằng chính Huyền Quang cố ý giúp thầy mình đạt ngộ trong những giờ phút cuối của cuộc đời, rằng Pháp Loa đạp Huyền Quang là phản ứng của sự giận hờn có tính cách trẻ thơ, rằng khi đến thăm lần sau Huyền Quang nhằm để xem thầy mình đã thực sự đạt ngộ hay chưa v.v…
Theo Tam Tổ thực lục, Nhị tổ Pháp Loa đã đạt đại ngộ, được Điều Ngự Giác Hoàng ấn chứng và được trao y bát làm Nhị tổ vào năm 1308. Năm 1309, Huyền Quang xin thọ pháp với Nhị tổ và suốt 21 năm luôn ở bên thầy để tham học, lẽ nào Pháp Loa lại phải nhờ đến Huyền Quang để được đạt ngộ?
Chúng tôi cũng đọc được một số sách báo có cách dịch chưa đúng và diễn giải sai lầm như trên, thật là đáng tiếc!