Xưa kia, vua Trần cùng các đệ tử lên am Ngọa Vân từ phía xóm Tây Sơn (xã Bình Khê, Đông Triều) và giờ, những người hành hương vẫn đi theo con đường này. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, còn một con đường nữa, xuất phát từ thôn Trại Lốc (xã An Sinh, Đông Triều), vòng sang địa phận Bắc Giang, để lên Ngọa Vân.
Đứng trên đỉnh Vây Rồng, anh Tuấn (người dẫn đường) chỉ hướng Trại Lốc phía sau mấy dãy núi chìm trong mây mờ và bảo rằng, đó là hướng mà ngày xưa vua Trần Nhân Tông vẫn đi. Dọc con đường này, có nhiều ngọn núi, con suối, địa danh mang những cái tên cổ xưa như phủ Am Trà, khu Tàn Lọng, Đô Kiệu, Thông Đàn…
Khu Thông Đàn. |
Người dân Trại Lốc vẫn giải thích được ý nghĩa của những cái tên địa danh này. Chuyện rằng, vua Trần Nhân Tông cùng các vị quân vương sau khi viếng mộ, đền thờ các bậc tiền bối ở An Sinh, thì lên núi Bảo Đài theo đường Trại Lốc.
Ngài sẽ đi dọc con suối Am Trà (giờ là suối Trại Lốc). Tại con suối này, có một cái am cho ngài nghỉ ngơi, uống trà, nên gọi là Am Trà. Đoạn đường này thoáng đãng, nắng nôi, nên ngài ngồi lọng, để quân sĩ khiêng kiệu.
Đi hết con suối thì đến địa danh Tàn Lọng, rồi địa danh Đô Kiệu. Sở dĩ, gọi là khu Tàn Lọng, vì chỗ đó rừng rậm, không nắng nôi, không phải dùng lọng nữa, hoặc không dùng được vì vướng víu.
Thông Đàn chỉ còn là đống đổ nát với cỏ mọc bít lối. |
Khu vực Đô Kiệu vốn có tên là dốc Đỗ Kiệu, vì dốc quá, kiệu phải dừng, vua phải tự đi. Qua dốc Đô Kiệu thì đến khu Thông Đàn. Tại đây, vua nghỉ ngơi dưới bóng những cây thông khổng lồ.
Anh Tuấn mô tả con đường lên Ngọa Vân với những câu chuyện đầy chất huyễn hoặc, khiến tôi hào hứng muốn đi. Vậy là, chúng tôi rời am Ngọa Vân theo một con đường khác, mà theo anh Tuấn, chả mấy khi có dấu chân người.
Rời am Ngọa Vân được một đoạn, thì chúng tôi lạc vào rừng trúc, với mấy con đường đã bị cỏ cây rậm rịt, bít lối. Vừa đi vừa phát đường, nhưng rồi mấy lần bị lạc, phải quay về địa điểm xuất phát để đi lại.
Những cây thông khổng lồ cao vọt khỏi tán rừng giúp người đi rừng định hướng. |
Để xác định được hướng đi, anh Tuấn trèo lên ngọn một cây cổ thụ để tìm hướng. Anh bảo, người dân trong vùng đi Yên Tử không sợ lạc, bởi đã có những cây thông khổng lồ định hướng.
Định hướng được rồi, chúng tôi cứ thế cắt rừng đi, chẳng cần quan tâm đến những con đường đã bị cỏ cây bít lối từ hàng trăm năm trước.
Xuyên qua đại ngàn trúc ken dày, thì một khoảng không gian mênh mông hiện ra, rất rộng rãi và thoáng mát. Nơi ấy, chỉ có những cây thông khổng lồ, thân nứt nẻ, đen đúa như đám ruộng khô hạn mà người nông dân vừa đốt rạ.
Dấu tích gạch thời Trần ở Thông Đàn. |
Anh Tuấn bảo, đây chính là khu Thông Đàn. Có tới 3 địa danh mang tên Thông Đàn nằm ở 3 sườn núi khác nhau, đều có những con đường dẫn lên Ngọa Vân.
Không ai rõ khu vực này thuộc địa phận Bắc Giang hay Quảng Ninh, nhưng con đường từ Trại Lốc lên Ngọa Vân, có nhiều đoạn phải vòng sang địa phận của Bắc Giang.
Tôi trèo lên ngọn một cây to và nhìn thấy 2 khu vực nữa có những cây thông cao vọt khỏi tán rừng. Tuy nhiên, theo lời anh Tuấn, khu Thông Đàn mà chúng tôi đứng là lớn nhất.
Dấu vết bó vỉa của các tòa nhà. |
Theo tài liệu “Am Ngọa Vân và những bằng chứng khảo cổ học” của nhà khảo cổ Nguyễn Văn Anh (Viện Khảo cổ), Thông Đàn gồm có 3 địa danh, gồm Thông Đàn 1, Thông Đàn 2 và Thông Đàn 3, nằm trên sườn Tây Nam của núi Vây Rồng.
Khu vực này được gọi là Thông Đàn vì ở đây có nhiều cây thông khổng lồ, có đường kính từ 0,8 đến 1,2m, cao 40 đến 50m. Thời Trần, chúng được trồng thành hàng, gió thổi tạo âm thanh vi vui như tiếng đàn vậy.
Tại khu vực Thông Đàn, khắp nền đất rộng cả ngàn mét vuông, chỗ nào cũng dày đặc các di vật. Hàng trăm phiến đá vuông vức, hình chữ nhật, rồi những táng đá chân cột nằm la liệt, chồng đống lên nhau, lật ngang ngửa. Những đống gạch, ngói thời Trần, Lê vỡ nát chất thành đống vẫn nguyên màu tươi rói.
Những cây thông khổng lồ 700 tuổi đang héo hắt. |
Theo nhà khảo cổ Nguyễn Văn Anh, qua các cuộc thám sát, có thể thấy, tại khu Thông Đàn 1 đã từng tồn tại những công trình kiến trúc có quy mô lớn và kiên cố. Tại đây, cũng từng tồn tại tháp đá thời Lê.
Tuy nhiên, các công trình, kể cả tháp mộ bằng đá nguyên khối đều đã bị đào bới, phá nát, hoặc bị bọn săn đồ cổ gài mịt giật đổ cả rồi. Toàn bộ khu vực Thông Đàn chỉ còn lại là một đống đổ nát.
Có lẽ, thứ duy nhất còn tồn tại nguyên vẹn từ thời Trần, cách nay 700 năm, đó là những cây thông khổng lồ. Những cây thông chưa rõ loại thông gì, vẫn hiên ngang đứng đó, bất chấp thế sự xoay vần. Những cây thông khổng lồ này lẽ ra phải được coi là những di sản sống cực kỳ quý giá của Yên Tử.
Tuy nhiên, số phận những cây thông này thật thảm hại. Dù đã vượt qua 700 năm giông bão, song chúng đang chết dần, chết mòn bởi sự phá hoại của con người. Nhiều cây thông khổng lồ, to 2-4 người ôm đã bị cưa đổ, xẻ gỗ. Cả vườn thông ở khu Hồ Thiên, lớn đến nỗi, đứng xa 10km vẫn nhìn thấy tán của nó, đều đã bị hạ từ vài năm trước.
4 cây thông khổng lồ ở khu vực Thông Đàn đang khô héo, gầy mòn bởi sự phá hoại của con người, chứ không phải bởi tuổi tác. Những kẻ tham lam vô lương tâm đã chặt chém, đẽo gốc để nó tiết nhựa, để nó chết, nó đổ xuống, để có cớ mà xẻ nó đem về đóng đồ.
Trong số 4 cây thông ở khu vực Thông Đàn, thì 2 cây đang héo hắt, một cây đã rụng lá sạch sẽ, chỉ còn những cành khô và một cây bị châm lửa đốt cháy nham nhở, còn mỗi cái thân khẳng khiu đen đúa.
Một cây thông bị đốt cháy đen. |
Trong những ngày xuyên ngang rẽ dọc trên dãy Yên Tử, thứ tôi được nghe nhiều nhất lại là những câu chuyện ly kỳ, huyễn hoặc quanh những cây thông.
Chuyện rằng, những kẻ đốn hạ mấy cây thông khổng lồ ở Hồ Thiên, kẻ thì chết bất đắc kỳ tử trong rừng khi đi lấy gỗ, kẻ chết tai nạn giao thông, kẻ chết bệnh tật.
Bà vãi Xuân bảo rằng, những cây thông ngàn tuổi đều linh thiêng lắm, nên các thiền sư khi xưa đều dựng am tu luyện dưới những gốc cây thông để hút linh khí từ nó. Khi chết, các thiền sư cũng dựng tháp mộ ngay dưới gốc thông hùng vĩ.
Sau này, trò chuyện với một số nhà khoa học, họ cũng bảo rằng, trên dãy Yên Tử, cứ ở đâu có bóng thông, y rằng ở đó có am và mộ tháp. Các nhà khoa học có thể dễ dàng phát hiện thêm được nhiều am, tháp còn ẩn trong đại ngàn Yên Tử thông qua việc tìm tán thông.
Hôm tôi ăn trưa với rau rừng, vả muối ở am Ngọa Vân, có cả mấy anh lâm tặc vào tá túc, mượn bếp của nhà chùa nấu ăn. Nghe bà Xuân kể về những cây thông, anh này cũng xen vào: “Thú thật với các anh, ngày trước chúng tôi cũng hạ một cây thông lớn, xẻ thành từng khúc cho trâu kéo.
Gỗ thông thì nhẹ, thế mà trâu mộng khỏe thế cũng không kéo được. Chúng tôi hò nhau để vần, thì khúc thông lăn đè chết trâu luôn.
Chúng tôi nghĩ do đen đủi, nên dắt trâu khác lên, không ngờ thay 2 con trâu nữa thì chết tiếp cả 2 con. Chúng tôi mất 3 con trâu mà không tha nổi khúc thông ra khỏi rừng, nên phải bỏ. Sau vụ ấy, chúng tôi hoảng, phải làm lễ tạ rồi không dám động vào những cây thông ấy nữa”.
Thụ khí từ "lão thông". |
Theo nhà cảm xạ học hàng đầu Việt Nam Dư Quang Châu, những cây thông khổng lồ ở Yên Tử đều là thông cổ, sống trải 700 năm, đã hút được khí thiêng trời đất, nên chúng trường sinh bất tử.
Những người tập luyện cảm xạ, thu năng lượng từ những cây thông khổng lồ, trường thọ này, thì sẽ rất tốt cho cơ thể, vừa có thể khỏi tật bệnh, lại tăng cường sức khỏe.
Tôi chợt nhớ lại câu chuyện ly kỳ về những cây thông của ông Lê Quang, Phó giám đốc Trung tâm quản lý Di tích – Danh thắng Yên Tử.
Ông Quang kể, một lần, có người tức tốc xuống núi báo ông rằng, trong rừng Yên Tử xảy ra một hiện tượng quái đản quanh gốc những cây thông.
Ông Quang tức tốc chạy lên, thì thấy võ sư Bùi Long Thành cùng các môn sinh đang bị hôn mê, người nào người nấy dính chặt vào thân những cây thông khổng lồ. Nhiều người thấy lạ đã thử kéo họ ra, nhưng dùng sức mạnh thế nào cũng không kéo được. Cơ thể họ và cây thông như hai cục nam châm hút nhau.
Sau chừng nửa tiếng “thụ khí” các “lão thông”, thì võ sư Bùi Long Thành và các môn sinh mới rời khỏi cây và trở về trạng thái tỉnh táo.
Võ sư Bùi Long Thành kể với ông Quang rằng, dãy Yên Tử có rất nhiều khí thiêng và những cây thông ngót ngàn tuổi đã nạp lượng khí thiêng rất lớn.
Khi các võ sinh luyện công, họ nạp được trường điện mạnh mẽ của “lão thông” nên mới xảy ra hiện tượng thân thể dính chặt vào thân cây như vậy. Sau khi thụ khí từ cây thông, ai cũng cảm thấy thân thể nhẹ bẫng, khỏe khoắn gấp bội lần, bệnh tật như tan biến đâu hết.