Trang chủ Tết Việt Cảm xúc Tết Hương xuân

Hương xuân

69

Không phải xuân về tôi mới cảm nhận được nét tưng bừng tươi tắn, mà vào thời điểm trước khi bầu cử làng xã, có dịp đi ngang qua các ủy ban, nhìn băng rôn treo rực sắc màu, từng ánh mắt nụ cười của người ứng cử chứa đầy vẻ thân thiện, tử tế, vị tha… khiến tôi không nhịn được phải buột miệng nói với chị Phượng:


– Thiệt giống như  khí xuân, ấm áp, chan hòa tình người…


Chị tôi mỉm cười bảo:


– Ừ, trước ngày bầu cử là vậy, ra đây cảm giác rất thích, cứ như ai cũng mở lòng, dang tay đón mình…


– Phải chi lúc nào mình cũng đối với nhau được như  thế này, cho dù không phải Tết, hả chị?


Đó là ước mơ bất chợt, là những lời bâng quơ tôi tùy tiện nói ra. Đối với xuân, người ta luôn trân trọng, giữ gìn, nhất là vào những ngày đầu năm được xem là thời khắc thiêng liêng: khai bút vào giao thừa, mong người tốt tới xông đất…


Nói năng, hành sự mỗi mỗi đều giữ gìn, vì ta sợ xui xẻo quanh năm. Không hẹn mà chúng ta cùng làm giống nhau, cùng dọn gương mặt tươi roi rói, cực kỳ hoan hỷ để nghênh xuân. Ít ai dám nói lời xấu, mở miệng toàn là chúc lành, mời nhau những món ngon, cùng viếng thăm thể hiện mối tương giao thắm thiết. Ta cùng cho và nhận những cái tốt, không biết có may mắn suốt năm không?


Nhưng ít ra ta hưởng trọn niềm vui như Tết, cười nhiều, tươi tắn nhiều, mọi héo sầu, ủ ê, phiền bực được cất hết, được nén lại, để… xài trong mấy mùa kia.


Có người phàn nàn: Tết nhứt bày đặt chúc tới chúc lui, toàn là nói những lời rỗng gạt nhau, chỉ tổ mất thời giờ, có ích gì đâu!


Không biết lời chúc có thành sự thật hay không, nhưng nó là lời lành chính hiệu, là mong ước hiền thiện người ta dành tặng nhau, có thể theo tập tục xuân, có thể theo phép xã giao xưa bày nay làm, song với tôi đó là tấm lòng thành của người nói, là ngôn ngữ tối thiện đặc biệt chỉ mùa Xuân mới có.


Tôi nhớ trong chuyện cổ, ngài Xá Lợi Phất có lần đi trên đường gặp một phụ nữ sinh khó, ngài đã chúc lành bằng cách hồi hướng tất cả phước báu do những việc thiện mình từng gieo đến sản phụ, mong bà sinh dễ, mẹ tròn con vuông. Kết quả hiện y như lời ngài.


Phật từng dạy, ai đời đời không vọng ngữ, chúc người điều gì, sẽ thành sự thật. Đó là uy lực của đức không nói dối. Vậy thì tôi sẽ chờ… chờ người và tôi cùng tích góp. Tích góp từng ngày không nói dối, từng đời không nói dối, cho đến khi đủ để chiêu cảm quả lành… dù từ mộng mơ đến hiện thực khoảng cách rất xa, có khi như trời với đất. Khó, nhưng không có nghĩa là không thể.


Đây là cõi nhân gian, không phải là chỗ “Chư thượng thiện nhân câu hội nhất xứ”, không phải là chỗ chúng ta họp lại hưởng phúc, bởi lòng chúng ta còn đầy phiền não, cư xử còn nhiều bất toàn vì không làm chủ được thân tâm. Phật và chư Thánh đến cõi nhân gian vì bi nguyện cứu khổ, độ sinh. Còn ta đến cõi này vì nghiệp dẫn dắt.


Khi  may mắn tới, ta toét miệng cười và khóc sưng mắt lúc xui xẻo bủa giăng. Ta luôn ở thế bị động không bao giờ làm chủ, vì không làm chủ nên đời sống ta ít hạnh phúc. Mà hạnh phúc thế gian chỉ là tạm có – nó luôn nằm trong giới hạn, hễ hưởng quá mức là biến thành khổ ngay. (Món ăn ngon mà nuốt mãi cũng thành cực hình. Ngủ mãi cũng thành lừ đừ trì độn v.v…).


Vì vậy Phật dạy ta thực hành giáo pháp của Ngài để tập làm chủ, để diệt khổ. Phật luôn nhắc ta có bản tâm sáng làu làu, trọn lành như Phật, vì nó bị vùi lấp trong vô minh và rác rưởi tật xấu nên không phát huy diệu dụng. Muốn lấy được ngọc, thì phải dọn sạch mớ rác rưởi kia, điều kiện đầu tiên trong giáo pháp Ngài là bắt buộc ta phải sống thiện, dứt ác. Đây là nền tảng, là căn bản nhập môn.


Ta đã nghe đến nhàm nên không lưu tâm, ta thuộc làu như cháo nhưng không thực hành. Ta quên béng rằng là Phật tử, thì không được quyền gây tổn thương cho người trong cả lời nói, ý nghĩ… Có lần tôi suýt á khẩu vì câu hỏi đơn giản:


– Má con hay đi chùa. Vì sao đi chùa mà vẫn không hết chửi? Càng đi càng chửi nhiều?


Tôi làm một màn điều tra, quả tình bà có chửi nhiều thật. Song không phải tại đi chùa nhiều, mà tại tật tánh ngày càng tăng theo tuổi tác.


Điều này không ngoại lệ đâu, nếu ta không để ý, không kiểm soát mình từng ngày, không tập thắng bớt tật xấu thì bảo đảm nó càng sinh sôi tăng trưởng đến bất trị, vì càng cao tuổi, các cơ quan trong ta càng lão suy, các “dây thắng” đều bị mòn lờn.


Bằng chứng là thứ mẫu tôi, bản chất bà rất hiền dịu thuần phác. Lúc tuổi gần 60, bà trúng gió một trận nặng, ba tôi phải chích lể cấp cứu mới giải nguy kịp thời. Khi tôi về thăm, ngỡ ngàng nhìn dung nhan bà biến đổi thì ba tôi nói:


– Bây giờ đỡ nhiều lắm rồi! Lúc đó bả méo mồm lệch mắt trông xấu tệ!


Thứ mẫu than với tôi:


– Lúc này tao kỳ quá, mỗi lần cười là thắng không được, hôm qua có chuyện vui, tao cười mãi, bé Xí (đứa cháu mới lên năm) nói “Bà ngoại cười riết giống khùng quá” nhưng mà tao ngưng không được.


Tôi an ủi:


– Không sao đâu má! Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ mà! Má không nghe nói cười nhiều lần trong ngày làm giảm trầm uất, trị táo bón, ngăn ung thư dạ dày, ruột… đó sao.


– Hôm qua tao đi bác sĩ, ông hỏi tao bớt bịnh chưa? – Tao trả lời: -Bớt! Nhưng mà còn nói nhiều quá! Ổng cười, đưa tay đầu hàng. Bây giờ làm sao đây?


Thứ mẫu tôi rất ít tật song bà vẫn âu lo và nhận ra “cái thắng không ăn” của tuổi già. Bà hay ở chỗ – phát hiện được mình “kỳ”. Tôi thì lo rằng chúng ta sẽ không phát hiện được mình “kỳ”, không nhận ra kịp thời khi mình thịnh nộ, không thấy rõ mình đang sân nhiều quá, nói lời tổn thương người nhiều quá… mà những thói tật lúc trẻ nếu không thắng kịp, già sẽ trầm trọng và trở thành nan y. Ta làm khổ mình (vì chứa nhiều thói xấu) rồi ta hành khổ lây đến người chung quanh. Điều bất hạnh nhất của ta là sống mà lòng đầy thói tật, sống mà không có lòng từ bi, sống mà không bao giờ thấy được lỗi của mình.


Hồi nhỏ tuổi, tôi dễ nhịn, dễ hiền. Nhưng khi lớn lên, có chút quyền với lũ nhóc, tôi bắt đầu khó khăn. Tôi hay bắt bẻ (viện cớ là khó cho chúng nên) nhưng e rằng một ngày nào đó chúng sẽ nên, còn tôi thì ngược lại. Khi tôi la, tôi muốn các em phải cúi đầu nghe, phải nhẫn nhịn giỏi. Nhưng bản thân tôi thì không nhẫn nhịn giỏi, không chịu được lời phật ý trái tai. Đúng lý ra, hễ càng làm lớn, tôi càng phải nhịn giỏi và ít tham, sân, si… hơn. Người mới tu có thể đèo theo nhiều tánh tật – vì họ mới,  sơ cơ, chưa bỏ kịp. Còn người cũ tu – thâm niên – thì bắt buộc tật phải rơi rụng dần cho đến sạch trơn, có vậy mới không tủi thẹn khi nhận mình là đồ đệ Phật môn.


Phật là người đã hoàn thiện, nhân cách toàn mỹ. Chúng ta chưa thành Phật, song vẫn có thể học theo Ngài. Phật chẳng hề nóng nảy chửi rủa, chẳng hề nói xấu nói lén ai. Chúng ta vào chùa mà không thực hiện được những lời dạy căn bản nhất của Ngài thì thật đáng buồn.


Mỗi mùa Xuân qua, mong rằng tánh tật trong ta ngày càng ít đi, rác rưởi trong tâm ta sớm được dọn sạch, để trí tuệ và lòng từ của giác tâm luôn tỏa sáng, phả hương xuân ngào ngạt, bất kể thời tiết nào.






Bai viet xuan Mau Ti - click here to read