Trang chủ Từ Thiện Xã Hội Từ thiện Hướng về miền Trung ruột thịt

Hướng về miền Trung ruột thịt

139

Được tin các tỉnh miền Trung trong thời gian qua oằn mình dưới cơn bão số 9 gây thiệt hại nặng nề về người, của cải, lẫn hoa màu, ngày 8-10-2009, TT.Thích Viên Phước, trụ trì chùa Bát Nhã (số B442 đường Đoàn Văn Bơ, phường 18, quận 4 – ĐT: 08. 39403.193 – 0908.393.500),  cũng như nhiều chùa chiền trong quận và TP.HCM, đã hướng dẫn Phật tử và thành viên Hội Từ thiện bổn tự, lên đường với 1.000 phần quà, gồm 10 tấn gạo, 1.100 thùng mì, 1.000 chai nước tương, muối, quần áo, chăn len, dầu xanh, bánh mì và tiền mặt, tổng trị giá 250 triệu đồng, hướng về miền Trung ruột thịt đang từng giờ trông chờ sự hỗ trợ nghĩa tình để xây dựng lại cuộc sống từ đống đổ nát. 

Sau gần hai ngày đi liên tục, điểm đầu tiên, đoàn  đến là xã Tịnh An Tây thuộc huyện Sơn Tịnh tỉnh Quảng Ngãi, nơi có 1.837 hộ dân và cơn bão đi qua làm sập đổ hoàn toàn 10% nhà cửa, 80% bị tốc mái, 8 người bị thương nặng và 60% hoa màu ruộng nương gần như mất trắng.

Đoàn đến xã Tịnh An Tây

Tại đây, đoàn đã ân cần trao cho đồng bào 300 phần quà. Chị Nguyễn Thị Thu Sương, 58 tuổi, chồng chết, một nách tần tảo nuôi 6 con, nhà sập 100%, đã rưng rưng xúc cảm cho biết với số gạo, lương thực cùng quà mà đoàn hỗ trợ hôm nay sẽ giúp gia đình chị có thể cầm cự qua cơn khốn khó. Cụ bà Nguyễn Thị Thủy, 69 tuổi, phải tạm trú trong túp lều che tạm, đã không giấu nỗi vui mừng với quần áo, chăn len, lương thực, tiền mặt mà đoàn đã kịp thời tặng.

Ngày thứ hai, chúng tôi tiếp tục đi qua thị  trấn Ái Nghĩa, xã Đại Nghĩa, xã Đại Quang, Đại Đồng…, những phố xá bé nhỏ nằm dọc dòng sông Vu Gia êm đềm, dòng nước cạn đáy sông phơi ra những cồn cát trắng. Con sông hiền hòa  ấy, ít ai có thể ngờ mỗi khi lũ về, dòng nước dâng nhanh đã gây biết bao tai họa cho người và của ở đôi bờ.

Cơn bão đi qua dòng sông rút xuống, nhưng dấu tích vẫn còn là những bụi rơm nằm vương vải trên ngọn cây, trên hàng dây điện…  Tại những thôn Hà Dục Đông, Tịnh Đông Tây, Hà Dục Tây, Đại An, Tân Hà thuộc xã Đại Lãnh, chúng tôi đi qua những ngôi trường, những ngôi nhà bé nhỏ xiêu vẹo mà nơi sân trường, sân nhà vẫn còn ngập bùn chưa khô. Đến xã  Đại Hưng, huyện Đại Lộc tỉnh Quảng Nam đoàn dừng chân, thăm hỏi dân tình và phát 150 phần quà.

Tại xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc, Quảng Nam

Tại đây, ông Hứa Văn Bảy, Phó Chủ tịch UBMT H.Đại Lộc cho biết: Toàn huyện có 3.000 căn hộ bị ngập từ 1,5 đến 3 mét, 9 người chết, thiệt hại toàn huyện trên 600 tỷ đồng. Riêng xã Đại Hưng, một xã miền trung du thuộc diện khó khăn thường xuyên, gồm 1.889 hộ, trong đó có 41 hộ dân tộc (175 khẩu) thuộc dân tộc Katu. Hoa màu toàn xã gần như mất trắng, có 3 người chết, thiệt hại toàn xã khoảng 47 tỷ đồng.

Đặc biệt có trường tiểu học địa phương bị tốc mái và toàn thôn Đại Mỹ bị cát bồi lấp từ 1 đến 2 mét. Anh A Lăng Vương, Phó bản dân tộc Katu, cho biết: Người dân tộc đất đai, hoa màu rất ít, nên lương thực, thực phẩm mà đoàn tiếp tế là rất quý, Giã từ xã Đại Hưng, đoàn ghé thăm và phát 150 phần quà ở xã Đại Lãnh. Tại đây đoàn hỗ trợ 3 triệu đồng cho một ngôi chùa bị tốc mái và lương thực, thực phẩm với 500.000 đồng tiền mặt cho chùa Giác Nguyên. Trước khi trở về TP.HCM, đoàn ghé phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng với 400 phần quà.

Được biết, chùa Bát Nhã Q.4, TP.HCM là một trong những ngôi tự viện của PG Q.4 có thành tich cao về công tác TTXH. Riêng mùa Trung thu năm nay, TT.Thích Viên Phước đã tổ chức “Đêm hội trăng rằm” với 2.000 phần quà, trị giá 120 triệu đồng, cho thiếu nhi miền núi xã Hồng Liêm, H.Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận. Kế hoạch kế tiếp, chùa Bát Nhã dự định xây dựng một cây cầu bê tông, trị giá 120 triệu đồng cho một vùng sâu, vùng xa.