Trang chủ Diễn đàn Chấn hưng Phật giáo Hướng về Đại lễ Phật đản Phật lịch 2550: Mừng Phật đản...

Hướng về Đại lễ Phật đản Phật lịch 2550: Mừng Phật đản như thế nào để báo ân Đức Phật

182

Ngày rằm tháng Tư thì Phật tử đi lễ chùa đông đúc, tạo thành một khối quần chúng thành tín trước Phật đài. Mọi người thắp hương cầu nguyện Đức Phật gia hộ cho gia đình an vui, làm ăn phát đạt, con cái thi đậu…


 


Đối với người chưa hiểu đạo, thì Phật là vị thần linh hiền đức, luôn che chở, giúp đỡ cho họ khi hoạn nạn, ban cho họ những điều cầu xin, họ tin như vậy một cách thành kính.


 


Còn đối với Phật tử hiểu đạo, thì mừng Phật đản là để tỏ lòng biết ơn Đức Tôn sư Giáo chủ Thích Ca Mâu Ni bằng cách thực hành những lời Ngài dạy trước khi nhập Niết bàn:


 


– Lấy giới luật làm thầy:


Muốn đạt kết quả tu tập thành công, hàng xuất gia cũng như tại gia phải giữ gìn giới hạn nghiêm túc, tinh tấn tu tập.


 


Tu tập thành công không những chỉ là niềm an lạc cho chính bản thân mà chúng ta còn làm cho đạo pháp phát triển rộng đến những người thân cận gần xa.


 


– Lấy giáo pháp giác ngộ làm kim chỉ nam tu tập:


Những lời Phật dạy là chân lý bật diệt.


Giáo lý Tứ diệu đế là con đường mở đầu chỉ cho ta phương pháp buông bỏ ngã chấp để tu tập, thoát khỏi tham đắm vào cảnh ngũ dục trần gian ô nhiễm này.


Giáo lý Bát chánh đạo là con đường trung đạo chân chánh, giúp ta tránh khỏi sa vào cảnh giới khổ đau của ngạ quỷ, súc sanh hay làm thân người trong hoàn cảnh bất hạnh.


 


Giáo lý Lục hòa giúp chúng ta có được cuộc sống công bằng, hòa thuận, cùng tiến lên trong tình huynh đệ.


 


Giáo lý Tứ vô lượng tâm giúp chúng ta nuôi dưỡng lòng từ bi hỷ xả, tạo niềm an lạc cho tân tâm và mở lòng thương yêu giúp đỡ mọi người.


 


Cả một kho kinh sách giáo lý uyên thâm, chúng tôi chỉ đề cập đến những điều thực tế có lợi lạc ngay trong cuộc sống này.


 


– Phụng sự chúng sanh là cúng dường chư Phật


Có phải ý Ngài dạy chúng ta nên giúp đỡ những người khốn khổ cơm áo gạo tiền không?


 


Phụng sự chúng sanh đúng nghĩa là bao gồm cả hai. Ta nên mở lòng từ bi giúp đỡ những người gặp hoạn nạn ngặt nghèo. Đồng thời, muốn giúp họ giải thoát khỏi cảnh khổ đau triền miên, ta tìm cách giúp họ hiểu giáo lý nhân quả, cách tu tập để cởi bỏ nỗi khổ đau cho chính bản thân và gia đình. Chỉ có như vậy ta mới cúng dường chúng sanh, cúng dường chư Phật một cách chân chính.


 


– Lấy Tăng đoàn làm nơi duy trì Chánh pháp


Đệ tử Phật gồm có 4 thành phần: Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, cư sĩ nam, cư sĩ nữ. Bốn thành phần đó như cái ghế bốn chân, nếu thiếu một thì cái ghế sẽ dễ đổ. Căn nhà Tam bảo cũng vậy. Nếu chỉ có Tăng Ni mà không có Phật tử thì sao có thể duy trì được ngôi Tam bảo. Mà nếu thiếu vắng Tăng Ni thì ai là người sẽ hướng dẫn tín đồ tu học?


 


Do đó, Tăng Ni là đoàn thể tu học chân chính, sống tập hợp thành Tăng đoàn cùng tu tập giáo pháp tỉnh thức để duy trì Phật pháp thường trụ tại thế gian.


Với hình ảnh Đức Bụt hiện diện khắp mọi nơi, mái chùa làng vẫn là nơi che chở, an ủi và là niềm tin cho mọi người nương tựa. Những kẻ sĩ tuy ít đến chùa, nhưng tinh thần vẫn thấm nhuần tư tưởng đạo giải thoát như Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Đình Chiểu v.v… Đạo Phật gắn bó với dân tộc như răng với môi, như xương tủy. Thế nên, các nhà chí sĩ đã nói lên điều tâm huyết…


 


Đạo Phật như dòng suối chảy từ Nam Quan đến mũi Cà Mau. Nơi nơi chùa chiền được xây dựng lên mỗi lúc một nhiều, nguy nga tráng lệ.


 


Nhưng theo thống kê của Nhà nước thì số tín đồ Phật giáo – trên thực tế – chưa đủ đông để coi đạo Phật là tiêu biểu cho tôn giáo dân tộc.


 


Câu trả lời thuộc về ai đây? Thưa, tất cả Tăng đoàn và Phật tử đều có trách nhiệm. Chúng ta phải thẳng thắn nhận ra những sai sót từ quá khứ để bây giờ sửa chữa.


 


Về giáo hội chấn chỉnh hàng ngũ Tăng đoàn


Trước khi Đức Phật nhập diệt, Ngài đã dạy các đệ tử rằng: “Con sư tử chúa không chết vì bại trận mà chết vì chính những con trùng trong thân sư tử. Giáo pháp của Ta bị mai một không phải vì thiếu khế lý và khế cơ mà chính vì hàng Tăng sĩ không giữ đạo phong, giới luật”.


 


Nhìn cảnh một số Tăng Ni thiếu uy nghi giới hạnh, một số mượn áo nhà tu để có cuộc sống an nhàn, lấy cửa chùa làm nơi mưu sinh hưởng lợi, khiến cho những ai có đạo đức lương tri không khỏi đau lòng mà xa lánh.


Chấn chỉnh hàng ngũ Tăng đoàn là bước đầu tích cực báo ân Đức Từ Phụ Thích Ca, chư Tổ và Quốc Tổ. Bởi vì Tăng đoàn có nghiêm trang đạo hạnh, giáo lý và văn hóa tinh thông, ý chí đoàn kết thì hình ảnh Tăng già mới mang lại niềm tin cho quần chúng, mới thu được lòng kính tin thì Phật giáo mới hưng thịnh. Mà đạo Phật có hưng thịnh thì văn hóa dân tộc mới trường tồn, đất nước mới sống trong cảnh thái hòa, thịnh vượng.


 


Điều này Ban Tăn sự TƯGH đã có văn bản gởi các vị lãnh đạo PG các tỉnh, thành trong cả nước yêu cầu thực hiện chấn chỉnh ngành Tăng sự để tạo những hình ảnh đẹp đối với Tăng già.


 


Về Phật tử


Bước thứ hai là hàng ngũ Phật tử chúng ta báo ân Phật bằng cách thực hiện Phật hóa gia đình. Người được quý vị phụng sự trước tiên phải là ông bà, cha mẹ và những người thân trong gia đình. Nếu trong gia đình còn có nhiều người chưa hiểu đạo thì qúy vị có thể bớt đi chùa mà ở nhà lo chăm sóc bữa cơm ngon, dạy dỗ con cái. Từ đó quý vị mới có cơ hội để khuyến dụ những người thân đến chùa nghe pháp hoặc những băng Phật pháp bạn thỉnh về. Khi bạn có cháu nhỏ, bạn chịu khó cho cháu đi chùa, dạy cháu lễ Phật rồi quy y. Cháu sẽ được huân tập nếp sống từ bi, chẳng những các cháu mà những người lớn tuổi cũng vậy, nên hướng dẫn cho họ quen dần với công tác từ thiện xã hội trong chùa, như vậy bạn đã khuyến hóa được nhiều người biết đạo, biết tu. Bạn đã làm đoợc nhiều điều phước đức, mang lại hạnh phúc cho gia đình bạn và những gia đình khác, đã báo ân cho Đức Từ Phụ Thích Ca, cho chư Tổ, đã làm giàu đẹp đạo Phật bằng nếp sống thuần hòa, vị tha của người Phật tử, đã làm cho cuộc đời thanh thoát bằng lời cầu kinh, tiếng chuông ngân, giúp cho ai đó thức tỉnh mà quay trở về quy y Tam bảo.


 


Các bạn trẻ


 


Còn những bạn trẻ có may mắn được biết Phật pháp sớm, được thấy con đường chân chính để tiến lên trong cuộc đời. Các bạn đã làm gì để đón mừng Phật đản?


 


Các bạn có bao giờ băn khoăn tại sao ngày Chúa giáng sinh lại được mọi người hưởng ứng nồng nhiệt. Ngay cả những gia đình không có đạo Chúa cũng có cây thông và tổ chức bữa ăn đêm mừng Chúa ra đời?


 


Tại sao các bạn không thực hiện giải quyết mối băn khoăn ấy bằng hành động tích cực của mình đi! Các bạn có thể tự vẽ những bức ảnh hài đồng sơ sinh đứng trên tòa sen, một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất, dưới mỗi bước chân hài nhi có bảy bông sen nở. HÌnh ảnh đó đẹp làm sao! Các bạn có thể gởi đến những người thân để chúc phúc cho họ. Tôi tin là họ sẽ vui và cảm động lắm, sẽ hướng tâm về Đức Phật nhiều hơn. Việc làm thấy giản đơn nhưng kết quả thì rất lớn. Lâu ngày, nó sẽ trở thành thói quen, thành phong tục đi sâu vào lòng người. Tới một lúc nào đó, hình ảnh Đức Bổn Sư hài đồng sẽ trở thành thân quen không thể thiếu vào mỗi mùa Phật đản.


 

Các em yêu dấu, tuổi trẻ luôn có nhiều niềm tin và sáng tạo. Tôi tin rằng các em sẽ sát cánh bên các thầy, sư cô để góp phần phát triển đạo Phật bằng nhiều hình thức văn, thể, mỹ, trí tụê khoa học và đạo hạnh từ bi. Chắc chắn rằng trong tương lai rất gần, các ngôi chùa sẽ là nơi khai mở trí tuệ, đạo đức cho các nhân tài tuổi trẻ, giúp cho các em vỗ cánh bay cao trong khung trời quê hương và thế giới, đem niềm tin yêu san sẻ cho tất cả mọi người trong hành tinh xanh nhân loại. Chính các em là tương lai của dân tộc và đạo pháp. Dân tộc Việt Nam có còn giữ được cội nguồn văn hóa, đất nước có được văn minh tiến bộ, giàu đẹp hay không đều tùy thuộc vào hành động hiện tại của các nhà làm văn hóa, chính trị, tôn giáo và nhất là ở chính nhận thức của mỗi các em.